Kinh nghiệm quản lý và phát triển đặc khu kinh tế của nước ngoài và giá trị tham khảo

ThS. NCS. Hồ Diệu Mai (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:
Khoảng hai thập niên gần đây, mô hình đặc khu kinh tế (special economic zone - SEZ) ngày càng được các quốc gia quan tâm. Trong một nghiên cứu về đặc khu kinh tế năm 2010, tác giả Thomas Farole tại Ngân hàng Thế giới (WB) còn nhận định: “Bất kỳ nước nào 10 năm trước không có SEZ thì giờ đã có, hoặc lên kế hoạch có rồi”. SEZ có lịch sử hình thành từ khá lâu. Khu vực mậu dịch tự do đầu tiên hình thành dưới nền văn minh cổ đại Phoenicia (khoảng năm 1550 trước công nguyên). Còn mô hình hiện đại đầu tiên được thành lập tại Sân bay Shannon ở Ireland năm 1959. Tuy nhiên, đến những năm 1990 và hiện nay, nước ta đã và đang quan tâm xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hay còn gọi tắt là Luật Đặc khu. Do đó, việc hệ thống làm rõ kinh nghiệm quản lý và phát triển đặc khu kinh tế và giá trị tham khảo có ý nghĩa khách quan.
Từ khóa: Quản lý, phát triển, đặc khu kinh tế, kinh nghiệm, giá trị, nước ngoài.

1. Một số quan niệm về Khu kinh tế đặc biệt (Đặc khu kinh tế)
Khu kinh tế đặc biệt (tên tiếng Anh là special economic zone- SEZ), chỉ là một cụm danh từ chung để chỉ nhiều khu kinh tế có những tính chất đặc biệt hơn so với các khu vực khác.
Hiện nay, ở trên thế giới và ở nước ta chưa có chuẩn tắc chung định nghĩa thống nhất về khu kinh tế đặc biệt. Có thể có một số cách tiếp cận như sau:
Thứ nhất, “Khu kinh tế đặc biệt là một vùng đặc biệt có ranh giới địa lý xác định do cơ quan trung ương công bố công khai, được thành lập theo luật quy định”.
Thứ hai, “Khu kinh tế tự do và các kho hàng tự do là các hệ thống chế độ thuế, trong đó hàng hóa nước ngoài được lưu kho và sử dụng trong ranh giới các vùng lãnh thổ hay khu nhà xác định mà không chịu thuế quan, các sắc thuế cũng như không phải áp dụng các biện pháp chính sách kinh tế đối với các hàng hóa nêu trên và hàng hóa được lưu kho, sử dụng theo các điều kiện áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu theo quy định của chế độ hải quan hàng xuất khẩu và theo trình tự quy định bởi Luật Thuế”.
Hay có thể hiểu: Khu kinh tế đặc biệt là một vùng lãnh thổ có ranh giới xác định, ở đó mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được áp dụng theo quy định của pháp luật khác hơn so với vùng lãnh thổ quốc gia còn lại”. Hay “một không gian kinh tế cụ thể có môi trường đầu tư, kinh doanh “thoáng hơn” những quy định chung áp dụng ở cấp độ toàn nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, Khu kinh tế đặc biệt là vùng sinh thái kinh tế (Ecozones) với ý nghĩa là tạo ra một vùng đòi hỏi phải phát triển cân bằng sinh thái giữa nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và vui chơi, là một vùng lãnh thổ được xác định với cách thức quản lý hay hành chính đơn giản và tách biệt về các thủ tục hải quan (thường là khu vực tự do) với thủ tục hoạt động sản xuất kinh doanh được sắp xếp hợp lý và được cung cấp những điều kiện tự do hơn, hiệu quả hơn so với các vùng còn lại (ví dụ điều kiện đầu tư; thương mại, hải quan, thuế).
Theo Henry R. Zheng, nghiên cứu văn bản pháp luật quốc gia về Khu kinh tế đặc biệt để thể hiện tính đặc biệt của từng Khu kinh tế đặc biệt, dựa vào những quy định của pháp luật. Theo đó, xem xét tính đặc thù, đặc biệt của Khu kinh tế đặc biệt dựa vào hệ thống văn bản pháp luật, quy chế áp dụng cho Khu kinh tế đặc biệt, tính đặc thù có thể được thể hiện thông qua ba cấp độ:
(1) Quy tắc chung thể hiện sự ưu đãi quốc gia đối với tất cả các loại Khu kinh tế đặc biệt;
(2) Quy tắc cơ bản áp dụng cho một số loại vùng kinh tế đặc biệt cụ thể;
(3) Đó là, những quy tắc mang tính đặc thù chỉ áp dụng cho duy nhất một loại Khu kinh tế đặc biệt được quy định.
Với cách tư duy tính đặc biệt theo quy định của pháp luật, nhiều Khu kinh tế đặc biệt của các quốc gia cũng mong muốn được trao quy chế ưu đãi “thật riêng biệt”. Đó cũng chính là điều mà ngay tại Việt Nam cũng đang tiếp cận theo hướng đó.
Thứ tư, theo nhóm nghiên cứu của Võ Đại Lược, cách tiếp cận để gọi tên cho những khu vực kinh tế có những nét đặc trưng khác với các khu vực còn lại. Tên gọi của nhóm tác giả trên là “Khu Kinh tế tự do” (Free Economic Zone – FEZ), thay cho tên gọi đặc biệt và cũng được một số nước sử dụng là vùng kinh tế tự do.
Cụm từ “Khu Kinh tế tự do” thay cho đặc biệt cũng có thể có những nét tương đồng. Với Khu kinh tế đặc biệt, nếu tiếp cận hoàn toàn theo nghĩa tự do, thì trên phương diện quản lý nhà nước sẽ được xem xét những khía cạnh “không được tự do” mà phải chịu sự điều chỉnh chung. Bản chất nội hàm bên trong của những cụm từ chỉ những khu vực kinh tế tự do hay đặc biệt sẽ quyết định ý nghĩa của cụm từ đó.
Thứ năm, theo FIAS, đặt tên cho hoạt động nghiên cứu của mình về những loại KKT có những nét đặc trưng là “Khu kinh tế đặc biệt hay đặc khu kinh tế - Special Economic Zone”, nhưng cũng giải thích đơn giản, đó là danh từ để chỉ một loạt các khu kinh tế có tính đặc trưng riêng. Theo giải thích vùng kinh tế đặc biệt, đặc khu là những khu vực được phân định ranh giới địa lý và được quản lý bởi một chủ thể, đề ra những loại khuyến khích cụ thể (miễn thuế nhập khẩu, thủ tục hải quan đơn giản,v.v) cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nằm trong khu.
Thứ sáu, theo Tổ chức Hải quan quốc tế tại Công ước Kyoto, “vùng tự do” được xem xét chỉ trên khía cạnh về thủ tục hải quan “một vùng lãnh thổ xác định của một quốc gia, trong đó hàng hóa được hưởng những đối xử ngoài phạm vi áp dụng của các quy định chung đối với lãnh thổ hải quan quốc gia, nghĩa là không thuộc diện bị đánh thuế quan và kiểm tra hải quan thông thường”. Và đây là nền tảng ra đời nhiều loại khu kinh tế đặc biệt khác với những chính sách tự do hơn trên một số lĩnh vực.
Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan trực thuộc tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua tại nhiều kỳ đại hội, được đầu tư, chuẩn bị từ lâu, cụ thể, rõ ràng, có lộ trình thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đặc biệt với yêu cầu phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Từ nhiều cách hiểu khác nhau của cụm từ Khu Kinh tế đặc biệt và để tránh nhầm với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tác giả quan niệm rằng: “Khu kinh tế đặc biệt là không gian lãnh thổ xác định nằm trong lãnh thổ quốc gia (nếu là khu kinh tế đặc biệt cấp quốc gia); lãnh thổ vùng (khu kinh tế đặc biệt cấp vùng) hoặc lãnh thổ cấp tỉnh được quản lý theo quy chế đặc biệt cho các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng hoặc tỉnh”.
Khu kinh tế đặc biệt đã có quá trình hình thành và phát triển từ lâu, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công về loại hình này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ấn Độ... Có thể hệ thống kinh nghiệm quản lý và phát triển khu kinh tế đặc biệt hay đặc khu kinh tế của một số quốc gia trên thế giới và nêu lên giá trị tham khảo.
2. Kinh nghiệm quản lý và phát triển đặc khu kinh tế của các quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo
2.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia
2.1.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xây dựng, quản lý và phát triển đặc khu kinh tế. Từ tháng 5/2014, Nhật Bản thành lập 6 Đặc khu chiến lược quốc gia (National Strategic Special Zones) với 68 dự án đã được phê duyệt gồm: Đặc khu Tokyo (bao gồm thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa), Đặc khu Kansai (gồm Osaka và Kyoto), Đặc khu Okinawa, Đặc khu Fukuoka (thuộc vùng Kyushu phía Nam), Đặc khu Niigata và Đặc khu Fukui (hai tỉnh hàng đầu về nông nghiệp).
Các đặc khu kinh tế chiếm khoảng 2/5 GDP của Nhật Bản, nhằm thực hiện các đột phá về thể chế và cơ chế chính sách; phân cấp quản lý cho các vùng; mỗi đặc khu có chiến lược và cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng riêng phù hợp với tiềm tăng và thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương. Đặc khu Okinawa là đẩy mạnh du lịch do gần với Hàn Quốc và Trung Quốc; Đặc khu thành phố Fukuoka có các dự án nới lỏng hạn chế thị thực với lao động nước ngoài, đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề già hóa dân số; Các khu vực trong đặc khu Kansai có mối liên kết với ngành dược phẩm và thiết bị y tế… Thông qua việc thành lập các đặc khu, chính phủ Nhật Bản muốn cắt đứt những nền tảng lợi ích tồn tại lâu đời cũng như nạn quan liêu cản trở đổi mới. Từ đó, tạo ra các đột phá giúp thay đổi kinh tế, xã hội Nhật Bản khi đang trong tình trạng giảm phát. Trong khi các khu vực đặc biệt thông thường chủ yếu bắt đầu bằng việc bãi bỏ quy định về các yêu cầu của khu vực tư nhân, thì các đặc khu chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ Anbe chỉ đạo một cách chiến lược và thực hiện thông qua trao đổi chặt chẽ với các chính quyền địa phương và các khu vực tư nhân.
Chính phủ Nhật Bản thành lập Ủy ban để giải quyết các vấn đề liên quan đến các Đặc khu chiến lược quốc gia. Điển hình như tại Đặc khu chiến lược quốc gia Vùng Tokyo, chính quyền đặc khu gồm đại diện của trung ương, đại diện chính quyền địa phương và đại diện doanh nghiệp. Chính quyền đặc khu toàn quyền đề xuất các dự án điều chỉnh quy hoạch thành phố, các dự án mang tính đổi mới và dự án trong lĩnh vực y tế. Thông qua các dự án này, chính quyền đặc khu hiện thực hóa việc xây dựng vùng Tokyo thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm khoa học ứng dụng và trong tương lai thành thành phố kinh doanh toàn cầu đứng đầu thế giới. Với các cơ chế, chính sách chủ yếu:
Xử lý thủ tục hành chính nhanh, gọn (trong vòng một ngày) tại khu vực một cửa (one-stop entry), Thành lập Trung tâm phát triển kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, cho vay lãi suất thấp: Hỗ trợ doanh nghiệp là công ty start-up hay SME: (i) thực hiện các điều kiện quy định trong outline về việc cấp các khoản trợ cấp cho các khoản vay tại các đặc khu chiến lược quốc gia; (ii) vay từ các tổ chức tài chính được chỉ định với lãi suất thấp (trong đó, tổ chức tài chính được trợ cấp lãi suất); (iii) sử dụng các khoản vay cho các quỹ để thực hiện các lĩnh vực kinh doanh cụ thể.
2.1.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Mô hình Khu Kinh tế tự do (FEZ) của Hàn Quốc cũng được đánh giá thành công, nhờ kết hợp được với nền kinh tế trong nước. Họ đã củng cố được mối liên kết giữa các công ty trong đặc khu với các doanh nghiệp địa phương.
Hàn Quốc hiện có 8 FEZ rải rác khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, gồm: Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang, Hoàng Hải, Daegu-Gyeongbuk, Bờ Đông, Chungbuk và Saemangeum-Gunsan. FEZ là bằng chứng cho thấy sự hợp lực giữa các ngành công nghiệp khác nhau tại đây.
Nhiều khu kinh tế của nước này vẫn còn đang phát triển. Chính phủ Hàn Quốc đã đổ vào đây hàng tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghệ cao, kinh tế quốc tế, giải trí và du lịch. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nước này thường được coi là lợi thế chính giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng và cải thiện dịch vụ khách hàng.
2.1.3. Các tiểu vương quốc ARab thống nhất (UAE)
Các khu vực kinh tế tự do (FEZ) cũng là câu chuyện thành công nổi bật của UAE, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế của nước này từ giữa thập niên 80,Gulf Newscho biết. Hiện tại, UAE có gần 50 FEZ, gồm 27 tại Dubai, 7 tại Abu Dhabi và 11 ở các tiểu quốc còn lại. Bộ Kinh tế UAE năm 2014 cho biết khoảng 33% giao dịch phi dầu mỏ tại nước này là từ các FEZ.
Mỗi FEZ chỉ tập trung vào một số ngành nghề, như Trung tâm Tài chính Dubai phù hợp với ngân hàng, doanh nghiệp tài chính, bảo hiểm, quản lý tài sản. Các ưu đãi nổi bật trong FEZ ở UAE là cho phép sở hữu nước ngoài 100%, miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, thủ tục nhanh chóng, không rào cản và hạn ngạch thương mại, được chuyển 100% vốn và lợi nhuận về nước, nguồn bất động sản cho thuê hoặc bán cũng rất dồi dào. Những chính sách này đã khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra lượng việc làm khổng lồ. FEZ đã tạo ra nhiều trung tâm thương mại giàu có tại UAE. Những địa điểm như Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, Khu vực Tự do Jebel Ali, Dubai Internet City, Dubai Healthcare City đều khá nổi tiếng trên thế giới. Tại Dubai, FEZ đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế tiểu quốc này. Năm 2015, FEZ đóng góp 32% tổng thương mại trực tiếp của Dubai. Tính đến hết năm 2015, Dubai có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trong các FEZ, tạo ra gần 100.000 việc làm tại mỗi nơi.
Tương tự, FEZ cũng là mảnh ghép quan trọng trong Tầm nhìn Kinh tế 2030 của Abu Dhabi, nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2004, họ thành lập ZonesCorp để quản lý và phát triển các FEZ trong tiểu quốc. Đến năm 2014, tập đoàn này đã tạo ra 6 khu công nghiệp tầm cỡ thế giới với diện tích hơn 140 km2, đóng góp gần nửa GDP ngành sản xuất của Abu Dhabi.
2.1.4. Philippines
Philippines bắt đầu phát triển các đặc khu kinh tế từ giữa thập niên 90, sau khi Luật Đặc khu Kinh tế được thông qua năm 1995. Các đặc khu được quản lý bởi PEZA (Cơ quan quản lý Khu kinh tế Philippines). Những ưu đãi nổi bật ở đây là miễn giảm thuế thu nhập tối đa 8 năm; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, phụ tùng, linh kiện; miễn phí trữ hàng ở cảng, thuế xuất khẩu; thủ tục hải quan đơn giản. Hiện tại, Philippines có khoảng gần 380 khu kinh tế, tập trung vào các ngành sản xuất, công nghệ thông tin, du lịch, du lịch kết hợp y tế và công nghiệp - nông nghiệp.
Theo Rappler, các đặc khu này đã giúp cải thiện khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư của Philippines thông qua các mô hình một cửa, giúp giảm chi phí kinh doanh và khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân ở các SEZ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006 - 2010, dù FDI vào Philippines giảm 13%, FDI vào các SEZ lại tăng 23%. Giá trị hàng xuất khẩu từ SEZ năm 2009 là 28,9 tỷ USD, tăng so với 19,5 tỷ USD năm 2001. Con số này tại các doanh nghiệp không thuộc SEZ lại giảm mạnh, về 4,3 tỷ USD.
Số nhân viên tại SEZ cũng tăng 10% mỗi năm giai đoạn 2001 - 2010, lên hơn 730.000 người. Kỹ năng của lao động trong SEZ, đặc biệt trong ngành điện tử, cũng được đánh giá có cải thiện đáng kể.
2.1.5. Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đặt rất nhiều kỳ vọng vào sáng kiến Make in India, nhằm biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Trong đó, các đặc khu kinh tế (SEZ) - lấy cảm hứng từ sự thành công của Trung Quốc - sẽ là trọng tâm thu hút nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành công như mong đợi.
Từ sau Luật Đặc khu kinh tế tháng 6/2005, tính đến năm 2014, hơn 560 đặc khu đã được cấp phép. Tuy nhiên, đến năm 2015, chỉ khoảng gần 200 đặc khu là hoạt động thực sự. Trong đó, rất nhiều SEZ không hoạt động hết công suất. Giai đoạn 2013 - 2014, tổng xuất khẩu từ các SEZ chỉ là 82,4 tỷ USD, bằng một phần tư tổng xuất khẩu của Ấn Độ. Giới phân tích đánh giá số liệu này cho thấy SEZ rõ ràng không phải nguồn xuất khẩu chính của Ấn Độ. Tổng lao động trong các SEZ, tính đến năm 2014, là hơn 1,2 triệu người. So với số liệu tính đến năm 2009, con số này giảm khoảng nửa triệu. Đóng góp của các SEZ vào xuất khẩu cả nước cũng được dự báo giảm. Tổng diện tích các SEZ chỉ là hơn 61.000 ha. Trong khi riêng Thâm Quyến (Trung Quốc) đã là 49.300 ha.
Giới phân tích đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến mô hình đặc khu tại Ấn Độ thất bại. Năm 2011-2012, nước này rút một số ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng, với lý do nhiều công ty tận dụng các chính sách này sai mục đích. Việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp mất hứng. Tiếp đến là thiếu cơ sở hạ tầng bổ sung, như điện, đường, cầu, cảng. Đây là điều mà Trung Quốc đã làm khá tốt. Nước này cũng gặp khó khăn trong việc lấy đất từ người dân để phát triển SEZ và thiếu ưu đãi cho người lao động làm việc tại đây.
2.2. Giá trị tham khảo về quản lý và phát triển đặc khu kinh tế
Để xây dựng, quản lý và phát triển thành công đặc khu kinh tế, từ kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, có thể rút ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, hình thành, phát triển và quản lý Khu kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) như sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, trong đó, cần xác định chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh và Ban Quản lý khu kinh tế đặc biệt trong quản lý nhà nước đối với khu kinh tế đặc biệt hiệu lực, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước. Chính quyền đặc khu theo mô hình: Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND). Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động của HĐND và UBND đặc khu sẽ có những đổi mới căn bản so với mô hình truyền thống và sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho người đứng đầu cơ quan hành chính đặc khu. Đảm bảo phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của người đứng đầu Đặc khu và có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền theo cơ chế, chính sách huy động, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội ở đặc khu.
Thứ hai, cây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý, gọn nhẹ, đủ đầu mối đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa không dừng, theo dạng mô hình (một cửa (one-stop entry). Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu tổ chức. Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cần phải thiết kế tổ chức với cơ cấu tổ chức linh hoạt, gọn nhẹ, đủ đầu mối để đảm đương tất cả chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Cơ cấu tổ chức phải được hoàn thiện theo xu thế cải cách hành chính và để thực hiện được cơ chế một cửa, một cửa không dừng. Để thực hiện đúng cơ chế một cửa ngay tại cơ quan quản lý nhà nước các khu kinh tế đặc biệt hay tại từng cơ quan quản lý khu kinh tế đặc biệt, điều kiện tiên quyết là cả hai loại cơ quan này phải được trao đủ quyền hạn liên quan đến quyết định thành lập hoặc các quyết định cấp phép.
Kinh nghiệm của các nước cũng như xu thế tất yếu trong tiến trình toàn cầu hóa, thị trường chung quốc tế và khu vực theo mô hình Cộng đồng kinh tế ASEAN, các ưu đãi sẽ không còn hấp dẫn khi hàng rào thuế quan bãi bỏ. Thủ tục hành chính đầu tư vào Khu kinh tế đặc biệt đã trở thành lợi thế cạnh tranh. Mô hình một cửa - một cửa không dừng sẽ tạo cho các doanh nghiệp đơn giản, nhanh chóng các thủ tục đầu tư và sẽ hấp dẫn họ đến đầu tư hơn. Cần phải trao cho bộ máy đủ thẩm quyền để giải quyết theo cơ chế một cửa - một cửa không dừng.
Thứ ba, xây dựng thể chế quản lý khu kinh tế đặc biệt thành công không phải là độc quyền nhà nước mà là mô hình đối tác công - tư (PPP). Đối tác PPP trong quản lý khu kinh tế đặc biệt được hầu hết các quốc gia có Khu kinh tế đặc biệt thừa nhận như là một giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém của mô hình quản lý khu kinh tế đặc biệt mang tính độc quyền của nhà nước và có thể khai thác được ưu điểm của khu vực tư nhân trong quản lý đầu tư phát triển và khai thác khu kinh tế đặc biệt.
Trong nhiều năm, sự phát triển Khu kinh tế đặc biệt trên thế giới đã chỉ ra vai trò của Nhà nước trong điều tiết (cho phép, không cho phép, chính sách ưu đãi,v.v.); vai trò đầu tư phát triển hạ tầng và khai thác. Cách tiếp cận độc quyền đó đã được thay thế bằng mô hình mới thông qua phân công lại lao động; xác định rõ vai trò của các bên liên quan và giải pháp tích cực là PPP. Trong tất cả các nước có khu kinh tế đặc biệt, nhà nước đã chuyển đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế đặc biệt cũng như quản lý khai thác khu kinh tế đặc biệt sang cho chủ thể khu vực tư và đối tác công - tư (PPP). Phân công lao động hay xác định đúng vai trò của nhà nước và khu vực tư nhân cũng như mô hình PPP.
Nhiều nghiên cứu về giải pháp đối tác PPP trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đã được nhiều quốc gia áp dụng nhằm chia sẻ nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế đặc biệt; chia sẻ rủi ro về thu hồi vốn, thiếu vốn; chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư, khai thác và quản lý khu kinh tế đặc biệt.
Thứ tư, với tính chất đặc biệt của đặc khu kinh tế, cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư có tầm chiến lược, thương hiệu, nguồn vốn, sản phẩm, hàng hóa có giá trị cạnh tranh cao, năng lực quản trị nổi trội, hiệu quả, có cam kết ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, có cam kết đào tạo, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong mỗi đặc khu có sự phân định rõ nét ngành nghề ưu tiên phát triển: Công nghệ thông tin; công nghệ an ninh mạng; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ năng lượng mới; công nghệ chế tạo từ cao cấp; công nghệ hàng không vũ trụ; công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị, hình thành các trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, hội nghị, hội chợ, triển lãm, chăm sóc y tế, giáo dục nghiên cứu và phát triển tầm cỡ khu vực ASEAN và thế giới.
3. Kết luận
Xây dựng, quản lý và phát triển khu kinh tế đặc biệt hay đặc khu kinh tế là yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế của các nước đang phát triển trên thế giới. Bài học kinh nghiệm của các nước và giá trị tham khảo nêu trên tác giả mong muốn góp phần vào việc xây dựng, quản lý và phát triển các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của ba đặc khu và cả nước ta trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguồn: Asian Development Bank (2014), Economic Zones: Instruments for Regional Production Networks and Supply Chains, Background paper for the Asian Development Bank RCI Roundtable Conference.
2. Mai Hữu Bốn (2017), Tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu Kinh tế đặc biệt cấp tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Luận án tiến sỹ, Học viện Hành chính Quốc gia.
3. Quỳnh Chi (2018), Tiếp thu, chỉnh lý mô hình chính quyền đặc khu: Không thuần túy là đặc khu kinh tế. Tạp chí Tài chính - Tháng 03/2018.
4. Võ Đại Lược (2010), Xây dựng các khu kinh tế mở và các đặc khu kinh tế ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình KX01/06-10. 2010 - Bộ Khoa học và Công nghệ,
5. Myanmar Goverment (2014), Special Economic Zones Law. The Pyidaungsu Hluttaw Law No. 1/2014, Myanmar.
6. Hermann G. Hauthal and Tiina Salonen (2007), Chemical industrial parks in China, 7th Achem Asia, China.
7. World Bank (2008), FIAS (FIAS, the multi-donor investment climate advisory service). Performane, lessons learned and implication for zone development, USA.
8. United Nation (1997) Revised Kyoto Convention of the World Customs Organization, Japan.

EXPERIENCES OF MANAGEMENT AND DEVELOPMENT OF FOREIGNS ECONOMIC ZONES AND REFERENCES

MA. PgD. HO DIEU MAI

Lecturer of National Academy of Public Administration

Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

For the last two decades, the special economic zone (SEZ) has become increasingly popular. In a study on the Special Economic Zone in 2010, Thomas Farole at the World Bank said: "Any country 10 years ago without SEZ now has, or planned to have. " SEZ has a long history. The first free trade zone formed under the ancient civilization of Phenicia (around 1550 BC). The first modern model was set up at Shannon Airport in Ireland in 1959. However, in the 1990s and now, Vietnam has been interested in building special economics zones laws. Therefore, the system clarifies the management and development experience of the special economic zone and the reference value is objective.

Keywords: Management, development, special economic zones, experience, value, foreign.