Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế biển của một số khu vực trên thế giới - bài học đối với Việt Nam

THS. ĐỖ DIỆU LINH (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việt Nam có trên 3.200 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Kinh tế biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội nước ta.

Mặc dù có vai trò quan trọng và đã có những đóng góp nhất định, nhưng trong thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn chưa quan tâm thích đáng đối với phát triển kinh tế biển, đảo. Việt Nam chưa định hình được việc phát triển kinh tế biển bền vững, toàn diện và tổng thể. Chính vì vậy, hoạt động khai thác các dạng tài nguyên vật chất vẫn được ưu tiên, các giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển và giá trị không gian của các vùng/khu vực biển chưa được chú trọng, chưa có mô hình phát triển bền vững mang tính đột phá đối với một số khu vực ven biển có tiềm năng.

Từ khóa: Phát triển kinh tế biển, kinh nghiệm của quốc tế, Việt Nam.

1. Hoạt động kinh tế biển của vùng Tây Nam Australia

Vùng biển Tây Nam của Australia kéo dài từ mũi phía Đông của Đảo Kangaroo ở Nam Australia đến Vịnh Shark ở phía Tây kéo dài hơn 16.589km, tổng diện tích 3,69 triệu km2, vùng biển rộng hơn 1,3 triệu km2 bao gồm một phần lục địa ven biển và vùng đặc quyền kinh tế, với nguồn tài nguyên biển vô cùng phong phú, đa dạng, rất giàu tiềm năng cho phát triển kinh tế biển. Tuy diện tích lãnh thổ rộng lớn, nhưng dân số chỉ sống tập trung ở các đô thị ven biển với 3,62 triệu người, chiếm 84,36% dân số toàn vùng. Các hoạt động kinh tế biển ở Vùng có từ khoảng 40.000 năm trước của các thổ dân nơi đây, tiếp đến là những người châu Âu săn bắt cá voi vào đầu thế kỷ XIX, và được đẩy mạnh trong thế kỷ XX, nhất là từ sau Thế chiến thứ II đến nay, với sự mở rộng đáng kể các ngành kinh tế biển. [7]

Kinh nghiệm hoạt động kinh tế biển ở Vùng Tây Nam Australia bao gồm một số hoạt động như sau:

- Về tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động kinh tế biển: Từ năm 1998, Chính phủ ban hành chính sách quản lý sử dụng bền vững đại dương, năm 1999 thành lập Văn phòng Đại dương quốc gia (nay là Bộ Môi trường và Tài nguyên nước) để triển khai Chính sách đại dương, ban hành Chương trình quy hoạch biển gồm 5 vùng kinh tế biển của cả nước, trong đó, có vùng biển Tây Nam Australia. Chương trình quy hoạch tổng thể 5 vùng kinh tế biển được triển khai thực hiện, có báo cáo phân tích, đánh giá kết quả, dự báo tương lai, khuyến nghị giải pháp,… là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để kết hợp nhiều hoạt động kinh tế biển, giúp nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định các ngành công nghiệp biển của vùng.

- Về chính sách kinh tế: Chính phủ đã thực hiện một số ưu đãi thuế đối với các ngành kinh tế biển có sức lan tỏa mạnh, có tính liên kết cao và tạo ra nhiều việc làm của vùng, như: dịch vụ cảng biển, vận tải biển, đóng tàu, du lịch biển, nuôi trồng thủy sản,…Đồng thờihỗ trợ tài chính, tín dụng đối với những ngành kinh tế biển mới nổi như: công nghệ sinh học biển, năng lượng biển,... Các chính sách này đều có sức ảnh hưởng, tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế biển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng. Ngành Công nghệ sinh học biển và năng lượng biển, từ chỗ không có, đến năm 2005 đã có hơn 70 công ty, sử dụng khoảng 1.000 lao động nghiên cứu sản xuất công nghệ sinh học và năng lượng biển.

- Về chương trình đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động kinh tế biển: Căn cứ vào giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển đóng góp vào GDP của quốc gia, để so sánh hoặc nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi ngành, tính liên kết và độ lan tỏa của nó, sử dụng lao động, và triển vọng phát triển trong tương lai, để xây dựng chương trình ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng (cảng, đường sắt, đường bộ, cơ sở du lịch, viễn thông,…) hướng vào khai lợi thế so sánh, kết nối toàn vùng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hoạt động, liên kết phối hợp, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển.

- Về xây dựng và khai thác hệ thống cảng biển: Vùng có 21 cảng biển lớn nhỏ với cơ chế hoạt động linh hoạt, hấp dẫn, Chính phủ cung cấp toàn bộ nhu cầu về kết cấu hạ tầng cho tư nhân khai thác cảng biển (kể cả người ngoại quốc) theo nguyên tắc đem lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia. Tư nhân đảm nhận việc khai thác theo luật định và tập quán quốc tế, bảo đảm nguồn hàng phục vụ liên tục để cảng hoạt động.

Tuy nhiên, cũng còn những mặt chưa thành công như:

+ Mất cân đối trong cấu trúc một số ngành kinh tế biển, như: ngành Vận tải biển chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi ngành Đóng tàu trong nước còn nhỏ bé, phương tiện vận tải biển phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, khai thác dầu khí với tốc độ cao, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong vùng.

+ Nghề cá khai thác quá mức nguồn lợi lợi hải sản, tác động lên môi trường biển rất mạnh, trong khi quản lý khó khăn, có nguy làm cạn kiệt trữ lượng hải sản, thiếu tính bền vững.

2. Kinh nghiệm liên kết các khu kinh tế ven biển ở Trung Quốc

Các khu kinh tế ven biển của Trung Quốc ra đời bắt đầu từ Hội nghị Trung ương III của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 12 năm 1978. Đây là thời kỳ Trung Quốc đã xác lập đường lối cải cách mở cửa. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã chú trọng xây dựng và phát triển các khu kinh tế ven biển vì vùng ven biển thường có cảng nước sâu, khai thác lợi thế chi phí thấp của vận tải đường biển, thuận lợi cho phát triển tổng hợp các ngành kinh tế dịch vụ. Năm 1979, Thâm Quyến được lựa chọn làm mô hình thử nghiệm đầu tiên và đã thu được thành công vượt bậc làm đầu tàu kéo theo cả vùng đồng bằng châu thổ sông Châu Giang phát triển, trở thành phân xưởng của thế giới. Sức lan tỏa của Thâm Quyến đã làm cho các ngành sản xuất trong vùng liên kết lại với nhau để hướng đến một mục tiêu tăng trưởng nhờ xuất khẩu, thông qua vận tải đường biển.

Sau thành công ở khu kinh tế ven biển Thâm Quyến, tháng 4/1984, Trung Quốc mở rộng cách làm của mô hình này từ “điểm” sang “tuyến” ở một quy mô lớn bao gồm 14 thành phố ven biển: Thiên Tân, Thượng Hải, Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Yên Đài, Ôn Châu, Thanh Đảo, Liên Vân Cảng, Nam Thông, Ninh Ba, Phúc Châu, Trạm Bắc Giang, Bắc Hải. “Các khu kinh tế ven biển này chiếm 1/4 giá trị sản lượng công nghiệp, 23% giá trị sản lượng nông nghiệp, 40% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc”.

Sự thành công của của các khu kinh tế ven biển đã thúc đẩy Trung Quốc xây dựng sáng tạo mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng ven biển. Năm 2009, khu vực ven biển đã hình thành bốn vùng liên kết kinh tế tạo nên 4 cực tăng trưởng: “Tam giác tăng trưởng Trường Giang”, “Tam giác tăng trưởng Châu Giang”, “Khu mới Tân Hải”, “Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây”[1].

Mô hình các khu kinh tế ven biển của Trung Quốc đóng vai trò như các “cực tăng trưởng” tạo tác động lan tỏa đối với toàn vùng. Đặc điểm chung tạo nên sự thành công của các khu kinh tế ven biển này là:

+ Tính tự chủ về mặt thể chế;

+ Độc lập về ngân sách;

+ Chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với thuế và đất đai.

Kinh nghiệm thành công được rút ra trong quá trình xây dựng khu kinh tế ven biển của Trung Quốc dưới góc độ phát triển các khu kinh tế ven biển trong liên kết vùng là:

- Có chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn, điều này có thể ngay chính trong thành tựu của 5 đặc khu kinh tế ven biển của Trung Quốc: Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn và Nam Hải. Tất cả các đặc khu kinh tế ven biển này đều thực hiện tốt quy hoạch về mặt không gian kinh tế ngay từ ban đầu và tuân thủ triệt để “Quy hoạch phát triển biển quốc gia” và được tạo điều kiện tối đa về mặt thể chế để trở thành “nam châm” thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế.

- Lựa chọn vị trí xây dựng các khu kinh tế ven biển nằm gần hay kết nối với một lợi thế cạnh tranh (thị trường vốn, nhà cung cấp nước ngoài, sân bay, cảng biển, giao thông) để tạo ra sự liên kết đồng bộ các yếu tố hạ tầng.

- Tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các khu kinh tế ven biển xây dựng được chuỗi giá trị kinh doanh, cung ứng dịch vụ kết nối trong toàn vùng và mạng lưới xã hội, tạo những liên kết đầu vào, đầu ra với nền kinh tế của toàn vùng và gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế trong nước.

- Hình thành vành đai kết nối các khu kinh tế ven biển để tạo thành chuỗi vành đai hướng biển. Sự kết nối về mặt hạ tầng kỹ thuật làm cho thị trường đầu ra của các khu kinh tế ven biển ngày càng đồng bộ trong giao thương, vận tải biển, du lịch biển và dịch vụ logistic.

2. Liên kết du lịch biển đảo với toàn ngành Du lịch ở Thái Lan

Một trong những hướng đi đúng của Thái Lan là đã khai thác tốt những tiềm năng về văn hóa, du lịch và du lịch biển, đặc biệt là kết nối các lĩnh vực trong ngành du lịch tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh rất cao. Ngành Du lịch của Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, là một trong những quốc gia thu hút được nhiều du khách quốc tế nhất khu vực Đông Nam Á, năm 2018 thu hút hơn 38 triệu khách/năm. Năm 2018, du lịch Thái Lan đóng góp 12% GDP toàn quốc, xếp thứ 4 về giá trị du lịch trên thế giới.

Thái Lan đã tận dụng các tiềm năng, lợi thế vốn có về biển để đầu tư xây dựng các khu du lịch ở những bãi biển: Hua Hin, HiSo, Kok, Phukhet, Patong. Bất cứ mùa nào trong năm, quốc gia này cũng thu hút được lượng lớn du khách trên thế giới đến nghỉ dưỡng, tham quan du lịch.

Ngành Du lịch Thái Lan đã vượt trước và thu được những thành công đáng ghi nhận, thêm nữa thương hiệu du lịch của Thái Lan đã vượt ra khỏi tầm khu vực vươn lên quy mô toàn cầu. Để đạt được điều đó là do quốc gia này đã có chiến lược phát triển du lịch đúng đắn, tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho du lịch. Bài học đáng học nhất từ du lịch Thái Lan là phải biết tổ chức không gian du lịch, liên kết các lĩnh vực du lịch với nhau thành chuỗi khép kín, phát huy thế mạnh của du lịch biển để lấy đó làm “cực trung tâm” tạo sức lan tỏa, tác động, liên kết, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm và nâng cao chất lượng của dịch vụ du lịch biển.

3. Một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức các hoạt động kinh tế biển của các vùng tại một số nước trên thế giới và trong khu vực, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng như sau:

3.1. Xây dựng đồng bộ chính sách phát triển kinh tế biển, ven biển. Sớm ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia

Việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế biển thực chất là xây dựng được hệ thống các mục tiêu và các điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện các mục tiêu đó.

Quy hoạch không gian biển quốc gia chính là định hướng cho tương lai phát triển của kinh tế biển của Việt Nam và giúp cho kinh tế biển của các địa phương phát triển mạnh mẽ. Đối với quốc gia, việc quy hoạch không gian biển mang ý nghĩa chiến lược bền vững, lâu dài và liên quan đến chủ quyền, lãnh hải. Đối với địa phương cấp tỉnh, việc xây dựng quy hoạch không gian biển vừa là định hướng phát triển vừa là cách thức để quản lý các lĩnh vực, hoạt động kinh tế biển tốt hơn và hướng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, không gian kinh tế biển luôn rộng mở, đa dạng và tác động lẫn nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ thông qua mối liên kết vùng. Những mâu thuẫn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về biển, đảo hiện này đều đang cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch không gian biển quốc gia và tại địa phương, gây ra những ảnh hưởng xây đến phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, trong xây dựng quy hoạch không gian biển của địa phương cần phải chú ý đến tính tổng thể của quy hoạch vùng, mối liên kết về mặt địa lý và kinh tế của vùng mới đạt kết quả cao nhất của công tác quy hoạch nhằm phát triển kinh tế biển.

Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương; nối liên vùng giữa đất liền với biển, giữa địa phương có biển và địa phương không có biển.

3.2. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nói với hệ thống trong toàn vùng, liên vùng

Nguồn lực cho phát triển kinh tế biển luôn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Do đó, cần có các biện pháp, cơ chế linh hoạt trong vấn đề huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển, một số lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn, như: du lịch biển, logistics, khai thác cảng, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, dầu khí,…

Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp; nâng cấp chuỗi đô thị ven biển thành những trung tâm tiến ra biển, gắn kết với các khu kinh tế ven biển và phát triển chuỗi logistic để liên kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với thế giới để đẩy mạnh khai thác tiềm năng và chuyển dịch cơ cấu sản xuất dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên theo hướng hợp lý, tiến bộ, gắn với hội nhập quốc tế.

3.3. Tập trung phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao

Hiện nay, nguồn nhân lực biển cho phát triển kinh tế biển vừa thiếu lại vừa yếu, do đó phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng trong dài hạn, dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực mà các lĩnh vực, hoạt động kinh tế biển đang cần, phải tổ chức liên kết, hợp tác với các trường đại học đúng chuyên ngành để thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của quá trình phát triển. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư phát triển nguồn nhân lực với đầu tư phát triển khoa học - công nghệ biển, trên cơ sở tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở, đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ biển trọng điểm, tận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến.

3.4. Thúc đẩy hình thành cơ chế liên kết giữa các lĩnh vực kinh tế biển của từng vùng, các địa phương, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thương hiệu biển

Thực tiễn liên kết các khu kinh tế biển của Trung Quốc, các hình thức du lịch của Thái Lan là những kinh nghiệm cần được nghiên cứu, học hỏi. Có thể xem xét tăng cường các hình thức của ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản đối với ngành du lịch, dịch vụ biển tạo điều kiện cho các loại hình du lịch trong địa phương liên kết thành chuỗi thống nhất, lâu dài. Việc gia tăng các giá trị, xây dựng sản phẩm thương hiệu biển sẽ giúp các vùng, địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương. Sự kết nối với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh của cả vùng và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch biển.

4. Kết luận

Tóm lại, biển, đảo Việt Nam không chỉ gắn liền với sự phát triển của đất nước, mà còn là nút giao thông thương mại chiến lược của khu vực và thế giới, là nguồn nguyên liệu và thực phẩm quan trọng, là nơi chứa đựng các triển vọng phát triển… Do vậy, phát triển bền vững kinh tế biển có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước  trong quá khứ, hiện tại và đặc biệt là ở tương lai.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Lê Văn Sang và Nguyễn Minh Hằng (2009), "Các đặc khu kinh tế Trung Quốc những gợi ý cho Việt Nam", Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, số 2 (90), tr.24.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (2018), Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Đài Truyền hình Việt Nam (2019), Thái Lan đón hơn 38 triệu khách du lịch trong năm 2018, https://vtv.vn/kinh-te/thai-lan-don-hon-38-trieu-khach-du-lich-trong-nam-2018-201901300212475.htm.
  3. Nguyễn Nội Hà (2018), Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, http://www.baoquangbinh.vn/dan-tri-nhan-luc/201802/dao-tao-nguon- nhanluc-du-lich-chat-luong-cao-2153885.
  4. Gary R. Morgan and Derek J. Staples. (2006. The history of industrial marine fisheries in Southeast Asia. Bangkok: Food and Agriculture Organiza of the United Nations Regional Office for Asia and the Pacific.
  5. Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (2019), Kinh nghiệm quốc tế về quản lý biển, hải đảo, http://www.vasi.gov.vn/712/-kinh-nghiem-quoc-te-ve-quan-ly-bien-hai-dao/t708/c223/i1727.
  6. Sarah Gardner, Matthew Tonts and Carmen Elrick. (2006). Asocio - economic analysis and description of the marine industries of Australia’s south-west marine region. Department of the Environment and Water Resources, Australian Government.

International experience and lessons for Vietnam in developing

marine economy

Master. Do Dieu Linh

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Vietnam has more than 3,200 km of coastline with many important ecosystems, and rich and diverse natural resources. Vietnaam’s exclusive economic zone and the continental shelf area is 3 times bigger than the country’s entire mainland. The marine economy plays an important role in Vietnam’s socio-economic development.

In spite of  the important role and the certain contributions of the marine economy, Vietnam has not yet paid adequate attention to the marine economic development. Vietnam has not had a sustainable, comprehensive and overall marine economic development plan. As a result, the exploitation of material marine resources is still given priority while the service and spatial values of marine resources have not been paid enough attention. In addition, some coastal areas have not had sustainable economic development plans.

Keywords: Marine economic development, international experience and lessons, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]