Kinh nghiệm tạo môi trường xã hội - nhân văn đối với khu vực tư nhân ở các nước chuyển đổi

Phần lớn các nước chuyển đổi là các nước xã hội chủ nghĩa cũ của những năm 1980 trở về trước. Sau sự kiện tan rã của hệ thống XHCN vào cuối những năm 1980, chính phủ các nước này đã tiến hành một loạt

I. Tuyên truyền về chủ trương cải cách và tư nhân hóa

Bằng các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền quảng bá cho công dân của mọi tầng lớp trong xã hội đều hiểu rõ nội dung, mục đích của chương trình cải cách kinh tế - xã hội theo xu hướng thị trường, có cách nhìn mới về những cá nhân biết làm kinh tế giỏi, tôn vinh những đóng góp thực sự của khu vực kinh tế tư nhân, tạo cơ hội cho mọi người trong xã hội được tự do kinh doanh. Đây là kinh nghiệm rút ra từ thực tế thực hiện quá trình cải cách của một loạt các nước có nền kinh tế chuyển đổi.

Điều này cũng dễ dàng giải thích được, bởi vì dưới chế độ quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong một thời gian dài, toàn dân (bao gồm nhiều thế hệ) ở các nước này đã được đào tạo, giáo dục và tuyên truyền theo hướng không thừa nhận sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân, coi đó là mầm mống của sở hữu tư nhân, là nguyên nhân tạo nên sự bất công trong xã hội, gây cản trở, kìm hãm sự phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa... Do vậy, trong thời kỳ đầu của chuyển đổi kinh tế, một hệ thống tư tưởng nhất quán về khu vực tư nhân, sở hữu tư nhân và các hoạt động trong khu vực tư nhân chưa được tạo ra. Phát triển khu vực tư nhân, thừa nhận sở hữu tư nhân là một yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển đổi, nhưng chúng lại mâu thuẫn với những tư tưởng chống sở hữu tư nhân, chống bóc lột, chống chủ nghĩa tư bản đã bám sâu vào phần lớn nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này, công việc đầu tiên của các nhà nước chuyển đổi là đưa ra các chương trình cải cách, bằng nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền, nhằm đạt được mục tiêu sao cho toàn thể công chúng nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện chuyển đổi kinh tế, có cách nhìn mới về khu vực tư nhân, xác nhận vị trí, vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong tổng thể nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, thực hiện được công việc này không phải là dễ dàng, trên thực tế, đó là một cuộc tranh luận gay gắt diễn ra ở nhiều nước.

II. Môi trường xã hội - nhân văn

2.1. Môi trường chính trị - xã hội ổn định

Một trong những ước muốn quan trọng của con người là sự tự chủ. Khi tham gia vào khu vực tư nhân, nhà doanh nghiệp cần được tự do quyết định hoạt động của mình, được sở hữu và quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào chính kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Những người tham gia vào khu vực tư nhân, từ những ông chủ lớn cho tới những người buôn bán lẻ, những ông chủ trang trại… đều có mục đích đạt được sự độc lập, tự chủ trong các quyết định của mình. Giá trị của sự tự chủ là rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc tham gia khu vực tư nhân.

Tư nhân hóa đòi hỏi phải có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ giới lãnh đạo cấp cao, từ các quyết định chính sách, điều kiện sở hữu của các bên chịu tác động trực tiếp trong quá trình tư nhân hóa đến việc xây dựng thỏa thuận rộng khắp trong dân chúng, thu hút sự ủng hộ tích cực của họ vào quá trình thực hiện tư nhân hóa. Chính vì thế, giới lãnh đạo của các nước có nền kinh tế chuyển đổi đã và đang cố gắng thực hiện các chính sách, nhằm tạo ra những điều kiện, qui định, khuôn khổ thuận lợi cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Sau khi tiến hành chuyển đổi, ở một số nước, các đảng phái đại diện cho lợi ích của khu vực tư nhân đã xuất hiện và hoạt động. Mặt khác, vai trò của các tổ chức xã hội như công đoàn cũng thay đổi căn bản và trở nên độc lập hơn so với trước. Điều này tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Xây dựng sự ủng hộ cho khu vực tư nhân một cách rộng rãi trong toàn bộ tư tưởng dân chúng là một điều thiết yếu. Nhiều quốc gia đã nhận thấy vai trò của công tác tuyên truyền công khai trong việc làm sáng tỏ các khoản chi rất lớn ở các doanh nghiệp nhà nước, những lợi ích của phát triển khu vực tư nhân, giải quyết mối lo ngại của nhân dân về vấn đề đảm bảo quyền sở hữu và tính kiên định của quá trình cải cách.

2.2. Thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động

Khi thực hiện tư nhân hóa, điều tất yếu xảy ra là có một số doanh nghiệp bị xóa sổ do làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Trong điều kiện đó, một loạt công nhân sẽ bị thất nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp làm ăn đạt hiệu quả cao, có tương lai phát triển ổn định, lâu dài, sẽ thu hút lực lượng lao động dư thừa nói trên. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có tương lai phát triển, cũng như cho người lao động, chính phủ của các nước đã thành lập quỹ trợ cấp thôi việc, trợ cấp đào tạo lại tay nghề, có các trung tâm giúp người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Một phương pháp phổ biến nhất để giải quyết tình trạng cắt giảm lao động là cung cấp phúc lợi hưu trí và trợ cấp tiền lương để khuyến khích người lao động tự nguyện thôi việc và đền bù cho sự cắt giảm đó. ở ấn Độ, các nhà lãnh đạo công đoàn yêu cầu trả một khoản trợ cấp tương đương với tiền lương trong 5 năm cùng với dịch vụ cho 20 năm hoặc lâu hơn nữa cho những người lao động bị sa thải đã làm việc trên 40 năm. Các gói thanh toán như vậy cũng được áp dụng ở Srilanca và Pakistan.

Việc giải quyết vấn đề lao động dôi dư là một nhiệm vụ then chốt trong quá trình tư nhân hóa ngành Đường sắt ở Brazin. Chính phủ bắt đầu tiến hành tái cơ cấu lao động từ trước khi thực hiện tư nhân hóa để thu hút các nhà đầu tư và giảm nhẹ tác động xã hội. Gần 40% lực lượng lao động ban đầu (42.000 người) đã thôi việc trên cơ sở "ai về trước thì được phục vụ trước" thông qua sự kết hợp giữa việc cho về hưu sớm và thôi việc tự nguyện. Gần 12.000 người đã lựa chọn hình thức về hưu sớm, trong khi khoảng 6.000 người lựa chọn thôi việc tự nguyện. Cùng với quá trình này, chính phủ cũng đã thông qua chương trình cải cách an sinh xã hội, đặc biệt việc cung cấp phúc lợi xã hội cho những người về hưu không còn dựa vào số năm làm việc nữa, mà chủ yếu dựa vào độ tuổi, tạo sự khuyến khích để công nhân đã có việc làm trung bình 18 năm trở lên có thể về hưu.

2.3. Tạo môi trường pháp lý trong kinh doanh và xây dựng thể chế kinh tế thị trường

Khi thực hiện chuyển đổi kinh tế, một trong những vấn đề bức xúc nhất là tạo môi trường pháp lý, thu hút và đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nghiên cứu đưa ra một số luật nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và các doanh nghiệp tư nhân. Xây dựng một khung thể chế có hiệu quả là cần thiết, mặc dù trong thực tế, việc làm này không phải dễ dàng.

Tính tin cậy về luật pháp cũng là một yếu tố quan trọng tác động tới môi trường kinh doanh của khu vực tư nhân. ở một số nước, như Nga, Cadắcxtan, Georgia, rất nhiều đạo luật về sở hữu tư nhân, về hợp đồng, tổ chức, cạnh tranh… được ban hành, nhưng trên thực tế thì lại không được áp dụng hay không có hiệu lực. Sự không ổn định trong hệ thống toà án cũng góp phần làm hạn chế các giao dịch, làm tăng chi phí của các giao dịch này đến mức làm cho các giao dịch không thể thực hiện được. Khi mức độ tin cậy vào hệ thống luật pháp thấp, các chủ thể kinh doanh không thể có lòng tin với các đối tác mới, do vậy hạn chế sự mở rộng hoạt động. Các nước như Hunggary, Séc, Estonia đã xây dựng được một hệ thống toà án có tính ổn định và được đảm bảo tương đối cao trong số những nước chuyển đổi.

Bên cạnh nỗi lo sợ về quốc hữu hoá, các tài sản cá nhân còn bị đe doạ bởi các nguy cơ khác như tội phạm. Do ở các nước đang chuyển đổi, hệ thống luật pháp đang trong giai đoạn hình thành, cho nên các hoạt động xã hội đen không thể được kiểm soát một cách chặt chẽ. Điều này làm cho các cá nhân cảm thấy không an toàn về tài sản của họ. Mặt khác, các hoạt động xã hội đen cũng làm tăng chi phí hoạt động của khu vực tư nhân.

Mặc dù sở hữu cá nhân và khu vực tư nhân được pháp luật thừa nhận, nhưng hiện nay còn tồn tại rất nhiều cách để các chủ thể quản lý nhà nước tác động tới hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân. Các hoạt động của khu vực tư nhân phải chịu các qui định quản lý chặt chẽ. Mặt khác, mức lương thấp của các quan chức trong bộ máy quản lý đã xô đẩy cho họ tìm kiếm những khoản thu nhập không hợp pháp từ các khu vực bị quản lý. Gánh nặng về tham nhũng làm cho chi phí kinh doanh tăng lên đáng kể. Ngoài ra, nó còn làm cho các doanh nghiệp tìm cách hoạt động bất hợp pháp để tránh những chi phí loại này. Hối lộ là một vấn đề nghiêm trọng đối với doanh nghiệp ở các nước Bungary, Kazaxtan.

2.4. Thực hiện tính minh bạch trong quá trình tư nhân hóa

Sự thiếu minh bạch sẽ dẫn tới tham nhũng và tạo nên các đối thủ chống đối, tạo ra kẽ hở từ phía các nhà đầu tư và công chúng, có nguy cơ làm đình trệ tư nhân hóa và cải cách nói chung. Để có sự minh bạch, một loạt các biện pháp cần phải được thực hiện. Chẳng hạn, sự chuyển giao toàn bộ tài sản cần phải thực hiện nhanh chóng, không dành những đặc lợi và nhân nhượng nào cho những người trong cuộc.

III. Kết luận

                Tóm lại, chính phủ các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi đã thực hiện một loạt các chính sách nhằm tạo môi trường xã hội - nhân văn, nhằm khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm về tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định của Ba Lan, Hungary, Bungary... đã giúp cho quá trình tư nhân hóa ở các nước này diễn ra nhanh chóng, góp phần tăng thu nhập quốc dân. Kinh nghiệm tạo môi trường pháp lý và xây dựng thể chế thị trường ở Indonexia đã thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm tạo quỹ phúc lợi cho những nhân viên về hưu và thôi việc ở Brazin đã góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và tái tạo việc làm cho người lao động. Bài học về tính không minh bạch trong quá trình tư nhân hóa ở Nga là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nước đang trên con đường thực hiện tư nhân hóa. Nói chung, muốn gặt hái được nhiều trong quá trình cải cách và thực hiện tư nhân hóa, Nhà nước cần thiết phải đảm bảo quyền sở hữu tài sản của các chủ doanh nghiệp thông qua cam kết chính trị rõ ràng, chắc chắn, gây tâm l‎ý an toàn cho người kinh doanh. Ngoài ra, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp và kiện toàn thể chế thị trường, tạo hành lang pháp lý cho mọi thành phần kinh tế có cơ hội kinh doanh, đóng góp lợi ích chung cho xã hội./.
  • Tags: