TÓM TẮT:

Dựa trên kinh nghiệm của các nước trong chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển đất nước, bài viết này nhấn mạnh một số chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Từ khóa: Vốn đầu tư nước ngoài, kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

1. Đặt vấn đề

Để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển cần phải có vốn. Vốn có 2 loại, đó là vốn trong nước và nguồn vốn ngoài nước, tức từ các nước đầu tư vào. Ở các nước đang phát triển vấn đề thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài là điều rất quan trọng, được chính phủ rất quan tâm và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong thời đại hiện nay, xu thế hòa nhập, liên kết và hợp tác giữa các nước ngày càng cao, xu hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại càng làm cho các nước có nhu cầu trao đổi, hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn nữa. Do đó, hợp tác đầu tư quốc tế thường có nhiều nguồn vốn khác nhau, hình thức đầu tư quốc tế chủ yếu là đầu tư trực tiếp (FDI: Foreign Direct Investment); đầu tư qua thị trường chứng khoán; cho vay của các định chế kinh tế và ngân hàng nước ngoài (vay thương mại) và nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây và trong tương lai có ý nghĩa rất to lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Trong điều kiện này, Nhà nước ta phải hoàn thiện việc tổ chức và chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn vốn có hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, đó là xem nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng; kết hợp yếu tố nội lực và ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng đất nước. Như lời khẳng định của Chỉ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của công tác ngoại giao trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết ngày 26/12/1945: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có tiếng mới lớn”.

2. Nội dung

2.1. Vai trò và bản chất của FDI đối với phát triển nền kinh tế

            Nhờ nguồn vốn FDI mà các nước có điều kiện tốt để khai thác tốt nhất các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, bởi các nước tiếp nhận thường là các nước đang phát triển. Thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hay cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài mà các nước đnag phát triển có thể học hỏi kinh ngiệm quản lý kinh doanh của các nước phát triển, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường thông qua việc tiếp cận với bạn hàng của đối tác đầu tư.

Đối với nhà đầu tư: Khi quá trình tích tụ tập trung vốn đạt tới trình độ mà mảnh đất sản xuất kinh doanh truyền thống của họ đã trở nên chật hẹp đến mức cản trở khả năng hiệu quả của đầu tư, nơi mà nếu họ đầu tư vào sẽ thu được lợi nhuận như mong muốn. Trong khi đó ở một số quốc gia khác lại xuất hiện nhiều lợi thế mà họ có thể khai thác để thu về lợi nhuận cao hơn nơi mà họ đang đầu tư. Đây chính là yếu tố cơ bản thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển vốn của mình đầu tư vào nước khác, theo đuổi lợi nhuận cao hơn và bảo toàn độc quyền hay lợi thế cạnh tranh là bản chất, là động cơ và là mục tiêu cơ bản xuyên suốt của nhà đầu tư.

Mặc dù FDI vẫn chịu chi phối bởi Chính phủ nhưng FDI ít lệ thuộc vào mối quan hệ chính trị giữa hai bên, FDI ngày càng có vai trò quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các nước đầu tư và các nước nhận đầu tư.

Đối với các nước nhận vốn đầu tư: Đây là những nước đang có một số lợi thế mà chưa có hoặc không có điều kiện để khai thác. Các nước nhận đầu tư thường là các nước có nguồn tài nguyên tương đối phong phú, có nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ, thiếu vốn thiếu kỹ thuật, thiếu công nghệ tiên tiến và ít có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Ngược lại, các nước nhận đầu tư là các nước phát triển, đây là các nước có tiềm lực kinh tế cao, phần lớn là những nước có vốn đầu tư ra nước ngoài. Các nước này có đặc điểm là có cơ sở hạ tầng tốt, họ đã và đang tham gia có hiệu quả vào quá trình phân công lao động quốc tế hoặc các tập đoàn kinh tế lớn. Họ nhận đầu tư trong mối liên kết để giữ quyền chi phối kinh tế thế giới.

Tóm lại, các đồng vốn của các nhà tư bản, của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia lớn xuất ra và hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, hiệu quả mang lại thường đạt ở mức cao hơn.

2.2. Sự cần thiết phải thu hút  FDI ở nước ta

Hiện nay, Việt Nam đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên theo khuyến nghị từ các chuyên gia trong và ngoài nước, trong chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020-2030 Việt Nam phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. Bên cạnh đó, điều này cũng có nghĩa dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn và tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hút dòng vốn FDI từ Mỹ và châu Âu của Việt Nam chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên theo số liệu từ FDI markets lại cho thấy những kết quả khả quan.

Cụ thể, Việt Nam thu hút được 651 dự án đầu tư FDI từ dòng vốn châu Âu, xếp thứ 32/48 quốc gia và nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam thu hút tốt hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia,… về số lượng dự án đăng ký trong 14 năm qua. Ở nhóm dòng vốn FDI từ Mỹ, Việt Nam có kết quả thu hút tốt hơn Thái Lan và Indonesia, theo đó, Việt Nam xếp thứ 28/48 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 350  dự án.

Tuy nhiên, để thu hút ngày càng nhiều dòng vốn được coi là “chất lượng cao” đến từ Mỹ, châu Âu như các chuyên gia vẫn thường nhận định, theo khuyến nghị của IFC, kinh nghiệm thu hút FDI từ Trung Quốc chính là bài học phù hợp cho Việt Nam. Những dự án FDI Trung Quốc đang thu hút chính là các loại hình đầu tư Việt Nam cần trong tương lai.

2.3. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở một số nước

Bài học từ Trung quốc: Hiện nay, Trung Quốc là điểm đến đầu tư quan trọng thứ hai trên thế giới của các nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ. Đồng thời, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ thu hút FDI lớn nhất trong khu vực. Theo số liệu của FDI Market 2018, Trung Quốc thu hút được 4.535 dự án đầu tư từ Mỹ. Có được điều này phải kể đến những nỗ lực thúc đẩy thu hút đầu tư vào 7 dự án lớn: Một là, nâng cấp nhà máy Thẩm Dương của BMW; Hai là, Dây chuyền lắp ráp mới của Airbus ở Thiên Tân; Ba là, Liên doanh giữa Linde và công ty con của Sinopec để sản xuất khí công nghiệp ở Ninh Ba; Bốn là, Liên doanh của Volkswagen với JAC sản xuất xe điện; Năm là, 4 dự án mới của Robert Bosch ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Giang Tô, Quảng Đông; Sáu là, Trung tâm nghiên cứu thứ hai của Shell hợp tác với Đại học Thanh Hoa; Bảy là, Dây chuyền lắp ráp máy bay trực thăng của Airbus ở Thanh Đảo.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những điểm chung trong phát triển kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Cụ thể, năm 2015, GDP của Châu Âu và Trung Quốc là 14,72 nghìn tỷ EUR và 9,75 nghìn tỷ EUR, xếp thứ hai và thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ (16,64 nghìn tỳ EUR). Theo kết quả báo cáo "Quan hệ kinh tế EU - Trung Quốc tới năm 2025 - Xây dựng một tương lai chung 21" bên cạnh việc tăng thương mại, đầu tư thì việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng và dịch vụ tài chính, tham gia trao đổi giữa người với người…sẽ khiến cho chất lượng dòng vốn FDI sẽ tăng lên ở cả hai phía.

Cùng với đó, các cam kết mới đây của Chính phủ Trung Quốc về cải thiện môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài cùng với các chính sách đế thúc đẩy mở cửa hơn nữa nền kinh tế và xây dựng mối quan hệ “có đi có lại” được khởi xướng từ Báo cáo chung Quan hệ kinh tế EU - Trung Quốc đến 2025, là những điều kiện thuận lợi để dòng vốn của hai bên gia tăng lẫn nhau.

Bài học từ Thái Lan: Thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN) luôn được Thái Lan coi là một trong những nhân tố quan trọng để kích thích nền kinh tế phát triển. Năm 1959, Thái Lan đã thành lập Bộ Đầu tư và đến năm 1960 đã ban hành Luật Đầu tư.

Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự chuyển biến theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Nhờ những chính sách này, thu hút vốn FDI vào Thái Lan đã đạt được kết quả bước đầu.

Trong số các lĩnh vực thu hút vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp thu hút nhiều nhất (với các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái), sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng,…

Điểm nổi bật của môi trường đầu tư Thái Lan nói chung và thu hút FDI vào các KCN nói

 riêng là sự điều chỉnh linh hoạt và đồng bộ các chính sách phù hợp với biến động thị trường quốc tế và chiến lược phát triển chung của quốc gia này, tạo hỗ trợ đắc lực thực hiện các chiến lược từ phát triển thay thế hàng nhập khẩu, sang hướng về xuất khẩu và gần đây là kết hợp đồng thời, hài hòa cả thay thế nhập khẩu với hướng về xuất khẩu. Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự chuyển biến theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Nhờ những chính sách này, thu hút vốn FDI vào Thái Lan đã đạt được kết quả bước đầu.

Trong số các lĩnh vực thu hút vốn FDI thì lĩnh vực công nghiệp thu hút nhiều nhất (với các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái), sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng,…

Về địa bàn ưu đãi đầu tư (dựa trên chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người), Thái Lan chia thành 3 vùng để áp dụng chính sách ưu đãi khác nhau. Đồng thời, ưu đãi đầu tư trong KCN và ngoài KCN cũng có sự phân biệt, cụ thể là:      

thue_doanh_nghiep

Về loại hình doanh nghiệp: có 3 loại hình doanh nghiệp được áp dụng đối với đầu tư nước ngoài: doanh nghiệp tư nhân đơn nhất, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư nhân. Hình thức phổ biến nhất đối với đầu tư nước ngoài là công ty TNHH tư nhân.

2.4. Một số chính sách nhằm thu hút FDI ở Việt Nam

Chính sách đất đai: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc ban hành các văn bản dưới luật cụ thể hóa 3 quyền của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về đất đai là quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê và quyền thế chấp tăng cường hiệu lực của pháp luật về đất đai. Đẩy mạnh hoạch động quy hoạch đất đai phục vụ cho đầu tư nước ngoài trước hết là ở các thành phố lớn và các vùng kinh tế động lực, kế tiếp là các tỉnh trong nước.

Chính sách thuế và ưu đãi tài chính: Thực hiện tốt luật thuế VAT và thuế thu nhập công ty, đây là hai đạo luật thuế trong giai đoạn đầu áp dụng để đưa hoạt động thu thuế đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào ổn định. Tăng cường các biện pháp ưu đãi tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước thống nhất như giá điện, giá cước vận tải, bưu điện, hàng không,… Chủ động thu hút nhiều hơn nguồn vốn nước ngoài không nhất thiết phải ấn định tỷ lệ nguồn vốn.

Chính sách lao động và tiền lương: Hoàn thiện các loại văn bản qui định áp dụng đối với người lao động trong các dự án có đầu tư nước ngoài. Các văn bản đặc biệt chú trọng là qui định tuyển dụng, lựa chọn lao động, chức năng của các cơ quan quản lý lao động, vấn đề đào tạo, đề bạt và sa thải lao động, các văn bản xử lý tranh chấp về tác động, tiền lương, thu nhập. Hoàn thiện bộ máy hành pháp về quản lý lao động trong các dự án có vốn nước ngoài, thành lập phân tòa lao động để xử lý tranh chấp lao động cá nhân và lao động tập thể. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh ngiệp tránh tình trạng hoạt động của công đoàn đi ngược lại với lợi ích của người lao động. Chú trọng đào tạo người lao động cả trong nước và nước ngoài để tiếp thu công nghệ.

Chính sách công nghệ: Để đạt được mục tiêu thu hút công nghệ hiện đại vào Việt Nam trong thời gian tới, điều kiện đầu tiên cần phải thực hiện là phải xây dựng một chiến lược thu hút công nghệ hữu hiệu. Chiến lược này phải chỉ ra được lộ trình dài hạn cho việc thu hút công nghệ nước ngoài với các biện pháp và công cụ khác nhau, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách thu hút công nghệ hợp lý với điều kiện của Việt Nam. Cần hình thành các khu công nghệ cao, công nghệ sạch ở những vùng thích hợp trong nước với hệ thống quy chế rõ ràng, tạo điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với máy móc thiết bị đưa vào góp vốn đầu tư hoặc nhập khẩu từ nước ngòai cần phải thực hiện việc giám định chất lượng và giá cả một cách nghiêm ngặt theo các qui định của pháp luật để tránh tình trạng nhập khẩu hoặc chuyển giao thiết bị máy móc lạc hậu với giá cả cao.

3. Kết luận

Vốn FDI không chỉ đem lại sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân, mà còn là động lực quan trọng trong quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của một quốc gia. Do đó, việc làm hết sức cần thiết đó là thu hút vốn FDI một cách hiệu quả. Có như vậy, nền kinh tế nước nhà mới phát triển bền vững và đúng hướng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Bạch Nguyệt (2007), Giáo trình kinh tế đầu tư, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2018), Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Phát triển khu vực FDI trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Trần Ngọc Hoàng (2015), Giáo trình tài chính tiền tệ, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Ngọc Hà (2018). Kinh nghiệm thu hút FDI thế hệ mới nhìn từ Trung Quốc. <https://enternews.vn/index.php/kinh-nghiem-thu-hut-fdi-the-he-moi-nhin-tu-trung-quoc-132855.html>

    

EXPERIENCE OF SOME COUNTRIES IN ATTRACTING FOREIGN INVESTMENT AND RECOMMENDATIONS TO VIETNAM

Master. PHAM THI HANG 1

Master. LE THANH PHONG 2

1 Dong Nai University of Technology

2 Dean, Faculty of Fundamental Sciences,  Bach khoa Saigon College

ABSTRACT:

Based on the experience of other countries in developing policies on attracting foreign investment, this paper highlights some Vietnam’s policies to attract more foreign investment.

Keywords: foreign investment, experience in attracting foreign investment.