Khu công nghệ cao ở Mỹ

Việc phát triển KCNC ở Mỹ là nhằm mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của nước Mỹ trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nước công nghiệp phát triển và góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp đang tăng lên ở các vùng trong nước; đẩy nhanh quá trình thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở thuộc Chính phủ và các trường đại học, nhằm tạo ra việc làm mới và tạo lập các ngành công nghiệp mới đang được quan tâm.

Về tổ chức và quản lý: Nhìn chung, các KCNC ở Mỹ đều có liên hệ với các trường đại học có chức năng nghiên cứu khoa học, trước hết là các trường đại học cấp Bang, nhưng cũng có một số nhà tài trợ thuộc các trường đại học tư nhân.

Hầu như tất cả các KCNC của Mỹ đều tập trung vào các lĩnh vực: đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho công nghiệp, chuyển giao công nghệ cao từ các trường đại học; xây dựng cơ sở ươm tạo doanh nghiệp mới và tiến hành các dự án nghiên cứu- triển khai (R-D) phối hợp đa ngành. Ngoài ra, KCNC còn quan tâm đến các lĩnh vực khác như: các hợp đồng về quân sự, tạo lập mạng thông tin, dịch vụ về máy siêu tính, hợp tác lao động giữa các công ty v.v... Các KCNC trình độ cao, thường gọi là "khu thông minh" thường quan tâm đến: các mạng thôn tin số hoá dùng cáp quang, các mạng cơ sở dữ liệu trực tuyến, các trung tâm siêu tính, và các đường liên lạc dùng vệ tinh mà hiện tại đã trở thành quen thuộc.

Các cơ quan chính quyền đều khuyến khích phát triển KCNC. Nhiều KCNC được xây dựng bên cạnh hay bao gồm trong nó các phòng thí nghiệm và thử nghiệm của khu vực hay các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Nhà nước. Các KCNC cũng thường được xây dựng quanh hoặc rất gần các căn cứ lục quân và không quân Mỹ để dễ hợp tác và nhận các hợp đồng quân sự. Nhiều KCNC có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong nghiên cứu và phát triển kinh tế của quốc gia.

Trọng tâm phát triển công nghệ của các KCNC hầu như tập trung vào các ngành: điện tử, máy tính, viễn thông, phần mềm, linh kiện, hệ thống điều khiển, công nghệ sinh học và vi sinh, các ngành khoa học liên quan đến sức khoẻ, khoa học về trái đất, khoa học về vật liệu mới (Composit, hợp kim mới, gốm...) khoa học về hàng không và vũ trụ... Trong đó, ngành điện tử đang là ngành chiếm vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển các KCNC ở Mỹ.

Bước vào thập kỷ 90, cuộc cách mạng khoa học công nghệ với sự đóng góp của các KCNC ở nước Mỹ đạt đến đỉnh cao sôi động. Trong nước xuất hiện quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh trí tuệ; nền kinh tế công nghiệp chuyển thành nền kinh tế tri thức (nền kinh tế mới, nền kinh tế tin học, nền kinh tế số).

Khu công nghệ cao ở Trung Quốc

Phát triển KCNC ở Trung Quốc là thành quả của công cuộc cải cách và mở cửa ra thế giới bên ngoài đã đạt các kết quả to lớn trong việc kết hợp khoa học và công nghệ với nền kinh tế bằng việc sử dụng đầy đủ các nghiên cứu và giới thiệu các ngành công nghiệp công nghệ cao ra thị trường thế giới.

Không chỉ đối với các KCNC, mà phần lớn các KCN, đặc biệt là KCN trong đặc khu kinh tế đều được đặc biệt khuyến khích sử dụng kỹ thuật CNC bao gồm: chuyển giao CNC, ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm hàng hoá bằng CNC. Việc nghiên cứu sáng tạo ra CNC được thực hiện ở các viện nghiên cứu, các trường đại học....

Trong đặc khu kinh tế có "Trung tâm hội chợ triển lãm kỹ thuật, công nghệ cao" mang tính quốc tế. Tại trung tâm này, luôn luôn tổ chức triển lãm, giới thiệu các loại sản phẩm công nghiệp được sản xuất bằng kỹ thuật CNC của các nước tiên tiến và cả của Trung Quốc.

Đến nay, Trung Quốc đã có nhiều KCNC, trong đó có nhiều khu đạt cấp độ Nhà nước và cho phép hưởng một số chính sách ưu đãi. Phần nhiều các KCNC thuộc các thành phố lớn ven biển hoặc thủ phủ của các tỉnh trong đất liền có nền kinh tế tương đối phát triển như Vũ Hán, Hà Bắc, Quảng Châu, Hàng Châu... hoặc nằm ở các khu kinh tế ven biển, khu phát triển công nghệ hay khu kinh tế đặc biệt, đó là khu vực phát triển công nghệ cao và khoa học ở Thượng Hải; công viên công nghệ cao ở Đại Liên; công viên khoa học và công nghệ ở Thẩm Quyến; khu phát triển xí nghiệp công nghệ cao ở Hạ Môn và công viên công nghệ và khoa học quốc tế ở Hải Nam.

Các điều kiện xã hội và môi trường tự nhiên khác nhau là nguyên nhân để các khu vực này được lựa chọn để phát triển theo các cách khác nhau. Có thể chia các KCNC ở Trung  Quốc như sau:

Nhóm 1: Các khu sử dụng hoàn toàn các cơ sở sẵn có của các trường cao đẳng, đại học và các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chúng tận dụng các tài năng của địa phương, thành lập các xí nghiệp công nghệ cao tại các khu vực xác định dưới sự quản lý của trung ương và thường xuyên chỉ cho họ thấy nơi nào có thể phát triển được. Đó là các khu phát triển ở Bắc Kinh, Vũ Hán và Thẩm Dương. Trong các khu này, các xí nghiệp công nghệ cao có nguồn gốc sở hữu khác nhau. Sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với công nghệ sản xuất và thương mại được hình thành tại đây.

Nhóm 2: Các khu tập trung các nhà máy được thành lập theo quy hoạch và có sự quản lý thống nhất, đó là các khu phát triển ở Nam Ninh, Thượng Hải, Quảng Châu.

Nhóm 3: Các khu được hình thành dựa vào lợi thế về địa điểm ở ven biển và các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài và khai thác thị trường ngoài nước, như các khu ở Hải Nam, Trung sơn, Hạ Môn và Vĩ Hải.

Nhóm 4: Các khu có hình thức "khu trong khu". Chính quyền thành phố Sán Đầu và Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phối hợp thành lập vành đai phát triển các xí nghiệp CNC trong khu kinh tế đặc biệt Sán Đầu.

Thông qua việc cho phép thành lập các khu phát triển công nghệ cao, Hội đồng Nhà nước đã ban hành hàng loạt các qui định và luật lệ liên quan như quy định về phạm vi các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao được phát triển trong khu, bao gồm vi điện tử, thông tin điện tử, không gian và vũ trụ, khoa học vật liệu, năng lượng mới và năng lượng hiệu quả cao, sinh thái và bảo vệ môi trường, khoa học về trái đất và địa lý biển, các yếu tố cơ bản và phóng xạ, khoa học về y học và vi sinh, và các ngành công nghệ thay thế khác cho các ngành công nghiệp truyền thống đang được sử dụng hiện nay.

Để tạo sự phát triển ổn định cho các KCNC phát triển này, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi cho các xí nghiệp công nghệ cao, như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%, và tiếp tục giảm đến 10% đối với các xí nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm trên 70% hàng năm: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ khi kinh doanh có lợi nhuận đối với liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các xí nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả thuế khi hết thời hạn được miễn thuế:  Cho phép thành lập doanh nghiệp cổ phần trong các khu phát triển; Giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế đối với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm dùng cho chế biến hoặc lắp ráp để xuất khẩu: Giảm thuế xuất khẩu cho các sản phẩm xuất khẩu; Giảm thuế nhập khẩu cho các thiết bị, máy móc trong nước chưa sản xuất được. Cho phép các doanh nghiệp trong khu được khấu hao nhanh các thiết bị, máy móc để khuyến khích đổi mới công nghệ; Tạo điều kiện cho các cán bộ kỹ thuật và cán bộ thương mại trong khu phát triển được ra nước ngoài nhiều lần trong năm; Nhà nước đầu tư vốn hàng năm để xây dựng khu phát triển.

Khu công nghệ cao tại Đài Loan

KCNC Tân Trúc ra đời vào cuối những năm 70, là một trong số  những KCNC trên thế giới được coi là thành công. Chính quyền Đài Loan đã tạo điều kiện làm việc thuận lợi và có  những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nhà khoa học, cho cả lưu học sinh và nghiên cứu sinh Đài Loan học ở nước ngoài trở về phục vụ  tại Tân Trúc. KCNC Tân Trúc chỉ chấp nhận cho những doanh nghiệp thuộc một số ngành sở hữu công nghệ, kỹ thuật cao có lựa chọn theo từng thời kỳ vào đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển. Trong khu có các trường đại học, các viện nghiên cứu đầu ngành, khu dân cư với đầy đủ điều kiện và tiện nghi cho cuộc sống gia đình của các nhà khoa học. Chính quyền Đài Loan đã bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của KCNC này.

Về phát triển công nghệ cao, Đài Loan nắm 3 yếu tố then chốt là: kỹ thuật, nhân tài, vốn (bằng cách áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế khi công trình nghiên cứu được đem ra áp dụng. Chính quyền chi cho nghiên cứu khoa học là 2% tổng chi ngân sách, đang nâng dần lên 3%, mức tối đa không vượt quá 4%).

Sau 15 năm thành lập, KCNC Tân Trúc đã có 203 doanh nghiệp, thu hút 55.000 lao động (40% là công nhân kỹ thuật, 60% là cán bộ khoa học kỹ thuật), doanh số bán hàng đạt hơn 11,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu. Các sản phẩm kỹ thuật cao như: Máy tính cá nhân, chíp điện tử, máy lọc siêu mỏng, vật liệu siêu nhẹ, siêu bền.. đã góp phần tạo cho Đài Loan có một vị trí trên thị trường thế giới, tạo ra tiềm lực về kỹ thuật và công nghệ vững chắc để tiếp tục phát triển nhanh nền kinh tế.

Đài Loan thực hiện quản lý KCNC theo cơ chế "Một cửa": người có nhu cầu giải quyết công việc chỉ cần đến một nơi, ở đó sẽ được thông báo công khai tiến trình và thời hạn xử lý công việc; nơi nhận hồ sơ sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc xử lý công việc ở các khâu và theo đúng hẹn trả kết quả cho người có nhu cầu. Thủ tục xin giấy phép đầu tư, hải quan trong các KCNC được thực hiện chế độ "một cửa" cho nhà đầu tư.

 Một số nhận xét chung

- Về quy mô : Các KCNC có thể tập trung cao về mặt vật chất, diện tích nhỏ, nhưng cũng có khu diện tích lớn, mà yếu tố thời gian duy trì hoạt động dài (trên 10 năm). Quy mô của KCNC không phải là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của KCNC về phương diện tạo việc làm hay thu hút đầu tư của các công ty, mà chính là khả năng sáng tạo, thương mại hoá công nghệ cao.

- Về nhân lực: So sánh các KCNC khác nhau, số lượng nhân lực và doanh nghiệp cũng khác nhau rất xa. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các KCNC là chúng đều có mối liên hệ với các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học. Có thể nói, cơ sở hạt nhân của các khu công nghệ cao là các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, hệ thống các công xưởng và khu thử nghiệm hỗ trợ. KCNC cũng là nơi có mật độ các nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ cao nhất, nó không chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước mà thậm chí là cả các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nước ngoài.

- Về quản lý: Các KCNC là sản phẩm của cải cách, đồng thời đó cũng là các khu thử nghiệm để thúc đẩy quá trình cải cách đi xa hơn. Việc cải cách táo bạo nhất đối với KCNC là về mặt quản lý, kể cả trong quản lý hành chính và quản lý nhân sự. Trong quản lý hành chính, cơ quan quản lý KCNC được trao quyền nhiều hơn, thực hiện quá trình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" và tối giản các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động của khu. Cơ quan này chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, phục vụ sự phát triển của khu. Trong quản lý nhân sự, ngoài việc dành các chính sách ưu đãi về nhà ở, chính sách dành cho con em các nhà khoa học làm việc trong KCNC, Nhà nước còn có chính sách đề bạt đối với các cá nhân có thành tích cao trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học mà không kể tuổi tác.

- Về tài chính: Ngoài một số chính sách ưu đãi về tài chính như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế giá trị gia tăng, miễn giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay sở hữu nhà xưởng... Nhà nước còn dành tỷ lệ thích đáng trong chi tiêu ngân sách, thành lập các quỹ để hỗ trợ các hoạt động R&D.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong nước mua và sử dụng các sản phẩm, thiết bị do các doanh nghiệp CNC sản xuất.