Kinh tế tư nhân và một số rào cản vĩ mô

THS. ĐỖ MINH ĐỨC (Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI) - THS. NGUYỄN THẾ ĐẠI (Công ty TNHH TM & PTCN Hoàng Thành)

TÓM TẮT:

Kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. KTTN đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hiện chiếm tỉ trọng khoảng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... Hiện tại, phát triển KTTN ở Việt Nam vẫn còn hạn chế nhiều mặt, trong đó có các rào cản ở tầm vĩ mô, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các rào cản ở tầm vi mô như năng suất còn thấp; năng lực khoa học công nghệ thấp và lạc hậu; tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn yếu,... Để KTTN có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần phải xác định những rào cản hạn chế sự phát triển của khu vực này. Bài viết tổng quan tình hình nghiên cứu về các rào cản vĩ mô hạn chế sự phát triển, phân tích vai trò, đồng thời chỉ ra được các rào cản vĩ mô hạn chế sự phát triển của KTTN ở Việt Nam. Phần cuối, bài viết đưa ra các kiến nghị, đề xuất để gỡ bỏ các rào cản vĩ mô hạn chế sự phát triển KTTN ở Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, rào cản vĩ mô.

1. Đặt vấn đề

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025) và tầm nhìn đến 2035, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, tiếp cận hiệu quả hơn nữa các cơ hội, tích cực tham gia giải quyết thách thức toàn cầu nếu không muốn tụt hậu so với các nền kinh tế khác trong khu vực và châu lục. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 (MPI/WB, 2016), để những khát vọng đưa Việt Nam thành một "xã hội thịnh vượng ở mức độ trung bình khá vào 2035" trở thành hiện thực, cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi "nhiều quy định hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, quản lý và quản trị không hoàn toàn tuân theo quy tắc thị trường, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đảm bảo cạnh tranh công bằng". Văn kiện của Đảng và chính sách của Nhà nước tiếp tục khẳng định KTTN là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và “khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN mạnh” là thông điệp vô cùng quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng làm giàu của toàn xã hội. Từ đó, tạo cơ sở cho việc huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, KTTN bản chất là thành phần kinh tế mà toàn dân có thể tham gia, luôn năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường và mang sẵn tố chất “cần cù và linh hoạt” của người Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước còn họa ngoại xâm, cho dù bị tư bản Pháp, Mỹ chèn ép khốc liệt nhưng vẫn có những doanh nhân đất Việt vươn lên kinh doanh thành công. Sự tồn tại bền bỉ của kinh tế hộ cá thể, tiểu chủ trong suốt thời bao cấp cũng là một minh chứng cho “năng lực nội sinh” của KTTN.

Hiện nay, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang gặp nhiều rào cản ở cấp độ vi mô và cấp độ vĩ mô (Phan Thế Công, 2020). Các rào cản này đã và đang gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó có rào cản vĩ mô. Xuất phát từ những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đang thay đổi từ tư duy đến hành động nhằm kiến tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, từ "sông bơi ra biển lớn", nhằm tận dụng được lợi thế so sánh của quốc gia trong hội nhập toàn cầu. Việc xác định các rào cản vĩ mô đang hạn chế KTTN phát triển sẽ giúp Chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước hoàn thiện được hệ thống pháp luật, các doanh nghiệp tìm được các hướng đi đúng, góp phần đưa KTTN phát triển nhanh và mạnh hơn ở Việt Nam.

2. Tổng quan một số nghiên cứu về kinh tế tư nhân

Đã có nhiều nghiên cứu và phân tích các rào cản KTTN phát triển, có thể kể đến là nghiên cứu của Nguyễn Hồng Sơn (2017), Trần Kim Chung (2018), Phan Thế Công (2020), nghiên cứu chuyên đề của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017). Nghiên cứu của Phan Thế Công (2020) tập trung vào phân tích Nhà nước kiến tạo nhằm gỡ bỏ các rào cản của các doanh nghiệp tư nhân bao gồm các rào cản cấp độ vĩ mô và các rào cản cấp độ vi mô. Nghiên cứu đã đánh giá thực trạng Nhà nước kiến tạo đối với việc hạn chế các rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thông qua việc đo lường thái độ và đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân về Nhà nước kiến tạo. Nghiên cứu này tiếp cận vấn đề theo cả hai hướng top-down (đánh giá chính sách chính phủ, vai trò của nhà nước/chính phủ trong đề xuất, ban hành, thực thi chính sách pháp luật) và hướng bottom- up (đánh giá sự hài lòng của KTTN, các thành phần kinh tế, các tác nhân về vai trò của nhà nước trong thực thi điều hành quản lý nền kinh tế).

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI và USAID chỉ ra các rào cản mà KTTN Việt Nam đang đối mặt, bao gồm: Thứ nhất, rào cản về nhận thức, tư duy lý luận về KTTN và phát triển khu vực kinh tế này. Quan điểm về KTTN chưa thống nhất, chưa có định nghĩa rõ ràng về doanh nghiệp tư nhân, gây khó khăn cho công tác thống kê, nghiên cứu đánh giá. Thứ hai, các yếu tố khách quan từ thể chế, chính sách còn tồn tại cũng cản trở sự phát triển của KTTN. Thứ ba, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân khó đáp ứng quy định cho vay của các tổ chức tín dụng do chưa minh bạch, rõ ràng về tình hình tài chính của mình. Thứ tư, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh cũng như độ rủi ro bị thu hồi đất cao. Thứ năm, chi phí kinh doanh cao làm giảm khả năng cạnh tranh, ví dụ như chi phí vận tải, chi phí nhân sự. Thứ sáu, môi trường kinh doanh không bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân bị đối xử thiếu công bằng so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI ngay chính sân nhà. Thứ bảy, sự phát triển một số thị trường còn chậm, nhất là thị trường các yếu tố đầu vào (Phan Thế Công trích từ CIEM, 2020).

Các rào cản mà các nghiên cứu trên đưa ra đã và đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, trong đó có rào cản vĩ mô. Xuất phát từ những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi từ tư duy đến hành động nhằm kiến tạo hành lang pháp lý thuận lợi tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, từ "sông bơi ra biển lớn", nhằm tận dụng được lợi thế so sánh quốc gia trong hội nhập toàn cầu. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, xác định đầy đủ và rõ thêm các rào cản hạn chế KTTN phát triển, giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

3. Kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Khái niệm về KTTN hiện nay còn có nhiều ý kiến chưa đồng nhất, được hiểu theo nhiều cách khác nhau và tiêu chí phân loại cũng chưa nhất quán. Theo Nguyễn Thị Liên Hương (2018), về cơ bản, KTTN là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tồn tại dưới các hình thức KTTN, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể. Theo Ngô Thị Ngọc (2018), khu vực KTTN hiểu theo nghĩa rộng là khu vực dân doanh bao gồm các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp phi nông nghiệp và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc 100% vốn. Theo nghĩa hẹp, khu vực KTTN là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nhưng không bao gồm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (thực tế ở Việt Nam, số liệu thống kê thường theo cách phân loại này khi phân chia nền kinh tế thành 3 khu vực: kinh tế quốc doanh, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng, KTTN là kinh tế ngoài quốc doanh nhưng không bao gồm kinh tế tập thể. Theo tiếp cận của Phan Thế Công (2020), KTTN là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh các thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân.

Trong Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII (2016), Đảng ta chính thức xác nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Gần đây nhất, Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII, tháng 6/2017) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, một lần nữa khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Cùng với sự thay đổi trong chủ trương đường lối và quan điểm chỉ đạo của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước cũng được điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi theo. Luật Doanh nghiệp 1999 tồn tại song hành với Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp 2005 cùng các đạo luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thương mại,… cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng nhất thể hóa về mặt pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật đối với các thành phần kinh tế. Các luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật kKinh doanh bất động sản và các luật liên quan được sửa đổi bổ sung vào năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015 về cơ bản đã gỡ bỏ hết các rào cản phân biệt theo thành phần kinh tế (Trần Kim Chung, 2017).

Trải qua 35 năm đổi mới và cải cách, khu vực KTTN đã và đang khẳng định vai trò “động lực” cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Trên thực tế, khu vực KTTN đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam nhưng chỉ sau năm 1986, khu vực kinh tế này mới có đủ cơ sở pháp lý để tồn tại và phải đến khi Luật Doanh nghiệp (1999) có hiệu lực thi hành thì KTTN mới có dấu hiệu khởi sắc. KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... KTTN đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, KTTN cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Tuy số lượng các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc KTTN ngày càng nhiều và chiếm tỷ trọng áp đảo trong hệ thống các loại hình tổ chức kinh doanh, nhưng đại bộ phận các cơ sở này có quy mô nhỏ bé, các nguồn lực sản xuất - kinh doanh và năng lực quản trị còn thấp, trình độ trang bị công nghệ lạc hậu và năng lực đổi mới công nghệ chưa cao. Tình trạng doanh nghiệp tư nhân thành công dựa vào các “quan hệ thân hữu”, khai thác lợi thế tài nguyên đất đai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và của chính doanh nghiệp. Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là suy giảm năng lực cạnh tranh, hạn chế phát huy vai trò của KTTN trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một thách thức lớn với chính các chủ thể kinh tế này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng (Nguyễn Kế Tuấn, 2018; Trần Kim Chung và Tô Ngọc Phan, 2018).

Ngoài ra, sự phát triển rộng khắp của KTTN, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo đã trực tiếp góp phần hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu thường xuyên và đột xuất của lực lượng vũ trang. Các chủ hộ kinh tế cá thể, tiểu chủ và doanh nghiệp tư nhân trên mọi miền Tổ quốc đã tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hậu phương quân đội, “đền ơn đáp nghĩa” các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ các hoạt động của dân quân, tự vệ,... Điều đó cho thấy tiềm lực, vai trò, giá trị đóng góp của KTTN vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất lớn.

4. Xác định các rào cản vĩ mô hạn chế sự phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Các rào cản vĩ mô ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp có thể được phân chia thành rào cản về môi trường tự nhiên, rào cản về dân số và lao động, rào cản về văn hóa, rào cản về kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô, rào cản về công nghệ, rào cản về chính trị, luật pháp và hệ thống chính quyền, rào cản về môi trường quốc tế.

Rào cản về môi trường tự nhiên: Các điều kiện tự nhiên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của từng loại doanh nghiệp khác nhau như: tài nguyên thiên nhiên tác động rất lớn đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác; đất đai, thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy, hải sản, từ đó tác động đến các doanh nghiệp chế biến. Địa hình và sự phát triển cơ sở hạ tầng tác động đến việc lựa chọn địa điểm của mọi doanh nghiệp, khí hậu, độ ẩm sẽ ảnh hưởng đến việc bảo quản, nguyên vật liệu, thành phẩm và điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.

Rào cản về dân số và lao động: Dân số và lao động một mặt là nguồn cung ứng lao động đầu vào chính của KTTN, mặt khác là thị trường lớn cho những hàng hóa mà KTTN sản xuất ra. Gần 85% lao động làm việc trong KTTN. Hiện tại, lợi thế về lao động trẻ đang mất dần và theo dự báo khoảng 15 năm nữa Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. (Hình 1)

Rào cản về môi trường kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô: Môi trường kinh tế gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế, sức mua, sự ổn định của giá cả, tiền tệ, lạm phát, tỷ giá hối đoái,... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, KTTN nói riêng.

Rào cản về công nghệ: Công nghệ hay kỹ thuật là yếu tố đóng vai trò ngày càng quan trọng, mang tính chất quyết định đối với khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của KTTN. Công nghệ hiện tại ở Việt Nam đa phần là những công nghệ trung bình và thấp. Mặc dù cách mạng 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ nhưng dường như Việt Nam vẫn chỉ đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng này.

Rào cản về môi trường văn hóa - xã hội: Văn hóa - xã hội ảnh hưởng một cách chậm chạp hơn, nhưng cũng rất sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và KTTN nói riêng. Các vấn đề về phong tục tập quán, lối sống, trình độ dân trí, tôn giáo, tín ngưỡng,… có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và cơ cấu nhu cầu trên thị trường. Những yếu tố thuộc về văn hóa đặc biệt có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành như du lịch, doanh nghiệp dệt may, các sản phẩm tiêu dùng truyền thống.

Rào cản về chính trị, pháp luật và hệ thống chính quyền: Hệ thống chính trị, pháp luật và cơ chế tổ chức chính quyền có một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở, có nhiều chính sách, quy định đặc thù, nhiều thủ tục rườm rà vẫn đang trói buộc các doanh nghiệp. Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm thủ tục khởi sự doanh nghiệp trung bình mất đến 17 ngày, 166 ngày để giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng; 53,5 ngày để làm các thủ tục đăng ký về quyền tài sản,… cao hơn rất nhiều so với con số của Thái Lan với chỉ 4, 5 ngày cho thủ tục khởi sự doanh nghiệp, 118 ngày cho thủ tục cấp phép xây dựng và 9 ngày cho các thủ tục đăng ký quyền tài sản (WB, 2019).

Rào cản về môi trường quốc tế: Những biến động của tình hình kinh tế vĩ mô quốc tế cũng như tình hình hội nhập quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Những biến động về giá xăng, giá dầu thô ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sử dụng các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp. 

Rào cản về cơ sở hạ tầng: Rào cản về cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, cầu cống, hệ thống kho, bãi phục vụ lưu giữ hàng hóa, các thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, hệ thống đường giao thông kết nối còn kém phát triển và thiếu đồng bộ.

Rào cản về các cú sốc kinh tế: Cú sốc kinh tế làm thay đổi của các biến số hoặc mối quan hệ kinh tế cơ bản, ảnh hưởng đáng kể đến các biến số kinh tế vĩ mô như thất nghiệp, tiêu dùng và lạm phát.

5. Một số khuyến nghị chính sách

Để giảm thiểu và hạn chế được những khó khăn và thách thức ở cấp độ vĩ mô các doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt, một số khuyến nghị sau đây được đề xuất:

Thứ nhất, Nhà nước cần tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân. Kinh nghiệm mô hình Nhà nước kiến tạo ở một số quốc gia cho thấy Chính phủ phải kết nối và huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Nâng cao nhận thức, hiểu đúng chủ trương khuyến khích phát triển KTTN của Đảng là vấn đề chiến lược, nhất quán, lâu dài trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trên cơ sở hỗ trợ thị trường phát triển, coi trọng vai trò của nền kinh tế thị trường trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Thứ hai, Nhà nước cần tập trung cải cách thể chế kinh tế một cách đồng bộ, gồm: các thể chế kinh tế tương thích và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế (điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với các cam kết hội nhập); các thể chế phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, giảm thiểu các tác động không thuận lợi khi thực hiện các cam kết hội nhập (chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, tiêu chuẩn công nghệ - môi trường, đối tượng dễ tổn thương…); các thể chế hỗ trợ để tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế (khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, đổi mới công nghệ…). 

Thứ ba, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt. Chính phủ thúc đẩy phát triển các ngành công và nông nghiệp then chốt; hỗ trợ phát triển các ngành, doanh nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với ngành công nghiệp phụ trợ nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp mũi nhọn. Để đẩy mạnh hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, cần tập trung hỗ trợ có hiệu quả cho hai nhóm doanh nghiệp là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thứ tư, cùng với khuyến khích KTTN phát triển, cần tạo sự kiên kết giữa các khu vực trong nền kinh tế, bao gồm đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, củng cố và phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, để kinh tế nhà nước làm tốt vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Thứ năm, các Bộ, ngành, Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuấ t- kinh doanh của các doanh nghiệp. (i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; (iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (iv) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; (v) Tập trung xử lý vướng mắc về quan hệ lao động; (vi) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Thứ sáu, các địa phương cần đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến đến chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, minh bạch thông tin hơn nữa. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối vùng, liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi trong các hiệp hội ngành nghề; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, quản trị doanh nghiệp,… Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương cũng cần nghiêm túc và chủ động xem xét lại, nâng cao hiệu quả công tác thực thi chính sách, thực thi pháp luật; cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa. Một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển doanh nghiệp tư nhân tại địa phương là tính năng động, sáng tạo, chủ động, quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017). Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, truy cập từ https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/16850/nghi-quyet-trung-uong-5-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1990-2016). Văn kiện các Đại hội lần thứ VI, X và XII. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
  3. Hà Thị Minh Hiền, Nguyễn Thanh Toán (2017). Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, 6/2017, trang 66-68.
  4. Ngô Thị Ngọc (2018). Kinh tế tư nhân - yếu tố nòng cốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 với chủ đề tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp, Hà Nội, 2018.
  5. Nguyễn Hồng Sơn (2017). Phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam: những rào cản và giải pháp khắc phục. Bài viết dựa trên Đề án: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, do Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng và Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện tháng 3/2017.
  6. Nguyễn Kế Tuấn (2018). Phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 với chủ đề tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp, Hà nội, 2018.
  7. Nguyễn Thị Liên Hương (2018). Kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2017, Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 với chủ đề tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển doanh nghiệp, Hà Nội.
  8. Phan The Cong & Pham Thi Minh Uyen. (2020). Study of factors affecting micro-barriers that hinder the development of private enterprises: Mediating role of intention to use of renewable energy. International Journal of Energy Economics and Policy, 10(3), pp. 594-601. ISSN: 2146-4553.
  9. Phan Thế Công & Lý Thị Huệ. (2020). Nhà nước kiến tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - thực trạng và giải pháp. Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 291, tr.19-24. ISSN: 2354-0761.
  10. Trần Kim Chung (2017). Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 -2020 và tầm nhìn 2035, Tạp chí Quản lý kinh tế, số 80, trang 4-13.
  11. Trần Kim Chung, Tô Ngọc Phan (2018). Vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/vai-tro-dong-luc-cua-kinh-te-tu-nhan-trong-phat-trien-kinh-te-viet-nam-134872.html, ngày 30/9/2018.
  12. WB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Báo cáo tổng quan: Việt Nam 2035, hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Hà Nội.
  13. (2019). Doing bussiness report 2019.

The private sector and macro-level barriers against its growth

 Master. Do Minh Duc1

Master. Nguyen The Dai2

1DOJI Group

2Hoang Thanh Trade and Technology Development Co.,Ltd

ABSTRACT:

The private sector plays an important role in the socialist-oriented market economy of Vietnam. The private sector has continuously maintained a good growth rate, accounting for 43% of GDP, employing about 85% of the economy's labor force, making an important contribution to mobilizing social resources for investing in economic development. The state budget revenue has also increased and the social insurance policies have been effective implemented thanks to the growth of private sector. Although the development of private sector in Vietnam still faces some challenges, including macro-barriers such as policies and regulations of the state and micro-barriers such as low productivity, weak scientific and technological capacity, and limited business linkages and cooperations. It is important for Vietnam to identify barriers to the development of private sector. This paper presents a review about macro-level barriers against the growth of private sector in Vietnam. The paper also makes some recommendations and proposals to remove macro-level barriers that limit the development of the private sector in Vietnam.

Keywords: private sector, macro-level barriers.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]