Kinh tế Việt Nam: Thách thức song hành cùng tăng trưởng

Mức tăng trưởng kinh tế trong quý I/2018 rất ấn tượng, đạt 7,38%. Song đằng sau đó được dự báo vẫn còn nhiều thách thức.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng

Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4/2018, tại Hà Nội.

Theo báo cáo kinh tế Việt Nam Quý 1/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Dường như đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng ấn tượng này.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,7% trong quý I, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các ngành có đóng góp cao nhất cho mức tăng trưởng chung là: bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm...

VEPR nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018

Đáng chú ý, quý I/2018 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp với mức tăng 4,05%. Trong đó, thủy sản tiếp tục là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất trong 8 năm qua là 4,76%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng 13,56%. Riêng Samsung Việt Nam đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017 (trong khi Quý I/2017 tăng trưởng thấp hơn nhiều do khi đó sản lượng của Samsung còn thấp).

Bên cạnh đó, các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục cho thấy sự khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 11,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Chỉ số tiêu thụ cũng tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 14,2%.

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho lại tăng cao lên mức 13,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn mức tăng chung như: sản xuất phương tiện vận tải, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất kim loại, sản xuất thuốc lá...

Báo cáo cũng cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2018 tuy không bằng nửa sau năm 2017 nhưng vẫn tăng trưởng tích cực. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 24,3% và 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại quý đầu năm đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 54,31 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu. Xuất khẩu từ khu vực này đạt 39,34 tỷ USD, chiếm 72,4% tổng kim ngạch và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng có sự cải thiện khi tăng 21,2%.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu quý I ước đạt 53.01 tỷ USD. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 31,75 tỷ USD và khu vực trong nước là 21,26 tỷ USD.

Thách thức song hành cùng tăng trưởng

Bên cạnh những dự báo lạc quan, ông Nguyễn Đức Thành cũng chỉ rõ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, tương lai của nền kinh tế Việt Nam cung không tránh khỏi những ảnh hưởng từ thị trường thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - ông Thành nhận định

“Để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4%, Việt Nam rất cần nỗ lực của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước”, ông Thành nhận định.

Trước sự tăng trưởng đột biến của chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, các chuyên gia vừa mừng nhưng lại vừa lo vì giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực này.

Việc ký kết CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.

Cũng liên quan tới vấn đề ngân sách nhà nước, thâm hụt ngân sách và nợ công với ý tưởng đưa “kinh tế ngầm” vào tính toán GDP, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến cáo, việc cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP, mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiệu quả kinh tế - xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích.

Hoàng Hòa