Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện mục tiêu kép trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm; đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình và đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục chăm lo, ổn định đời sống nhân dân, nhất là tập trung phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; các giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Phiên họp này của Chính phủ diễn ra trước kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp cuối cùng sắp tới này, Quốc hội sẽ tập trung chủ yếu xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác nhân sự. Các báo cáo tại phiên họp Chính phủ cho thấy, các chỉ tiêu của năm 2020 đều vượt so với con số đã báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. 

Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: 

(i) Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); 

(ii) Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đạt 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%).

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: 

(i) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo là khoảng 2-3%); 

(ii) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); 

(iii) Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); 

(iv) Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn, tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD (số đã báo cáo tương ứng là 261,9 tỷ USD và 2.715 USD). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%), đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng

Các cân đối lớn được bảo đảm, cải thiện tích cực hơn, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% (số đã báo cáo tương ứng là 527 tỷ USD, tăng 1,8%), trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 282,7 tỷ USD, tăng khoảng 7%, đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo tương ứng là 267 tỷ USD, tăng khoảng 1,02%); nhập khẩu hàng hóa đạt 262,7 tỷ USD, tăng khoảng 3,67% (số đã báo cáo tương ứng là 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6%), thặng dư thương mại đạt khoảng 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp.

Năm 2020, năng suất lao động tăng 5,39% (số đã báo cáo là 4,93%); mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 44,43% (số đã báo cáo là 37,48%).

Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng toàn ngành đạt 2,68% (số đã báo cáo là 2,59%), cao hơn so với năm 2019 (2,01%), bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 3,36% (số đã báo cáo là 2,5%).

Các hoạt động dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng đạt 2,34% (số đã báo cáo là 1,4%).

Cả năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu người, trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người và đưa trên 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (số đã báo cáo là giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người).

Điều này một lần nữa khẳng định năm 2020 thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ. Chúng ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, bảo đảm hoạt động khá bình thường của xã hội trong bối cảnh mới, bảo đảm thu nhập, đời sống người dân.

Toàn cảnh buổi họp báo

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá trong tháng 2/2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 đã tác động tới vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, song đến nay, với tinh thần thần tốc truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách, chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình, trừ một số nơi tại tỉnh Hải Dương vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn ca mắc mới trong cộng đồng 14 ngày qua.

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi, nhiều mặt hàng được mùa, được giá. Chăn nuôi phát triển tốt, cung ứng đầy đủ sản phẩm và giá cả không biến động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương. Sản xuất thủy sản phát triển ổn định, giá tôm đang ở mức cao do nhu cầu của ngành chế biến.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...

Nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu dồi dào; giá cả được giữ ổn định; hàng hóa đa dạng, phong phú. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định, không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước (đây là tháng thứ 9 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước).

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19; sát sao trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách hiệu quả, khả thi cả trong ngắn hạn, trung hạn, phù hợp với diễn biến, tình hình về dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới. Từng thành viên Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.