Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu và dịch Covid-19 xuất hiện trở lại vào cuối tháng 1 tại mội số địa phương với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ của cả nước.

Người dân với tinh thần và tâm lý phòng, chống dịch, tránh những nơi đông người tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh làm doanh thu thương mại, dịch vụ trong tháng Hai giảm so với tháng trước.

Bên cạnh đó, thu nhập người dân trong năm 2020 bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, đồng thời, tâm lý e ngại dịch bệnh nên các hoạt động ăn uống, liên hoan, vui chơi, giải trí nơi đông người bị hạn chế.

bán lẻ và tiêu dùng

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2021 ước tính đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, về cơ bản, cả nước bảo đảm cung ứng hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý, ổn định.

Các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ.

Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được lưu thông thông suốt trên cả nước.

Đặc biệt đã chủ động nguồn hàng tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai trong năm 2020 và kịp thời cung ứng hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo các chương trình bình ổn thị trường của địa phương.

Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá cả tại các chợ truyền thống đã được tăng cường, đảm bảo hàng hóa cho người dân.

Lượng hàng hóa Tết Tân Sửu dồi dào, phong phú, đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng.

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu dịp sát Tết với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhưng số lượt khách đến mua sắm năm nay khá thấp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi, các hình thức mua bán trực tuyến, giao tận nhà được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người dân mua sắm, đồng thời cải thiện doanh thu của các đơn vị kinh doanh.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 02/2021 ước tính  đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú và lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19.

Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 02/2021 ước tính đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước;

Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 915 tỷ đồng, giảm 40,8% và giảm 60,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,6% và tăng 2,7%.