Kỹ năng áp dụng pháp luật của sinh viên ngành luật ở doanh nghiệp hiện nay

NGUYỄN THỊ TRIỂN (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết chỉ ra tầm quan trọng trong kỹ năng vận dụng đối với sinh viên ngành Luật. Cùng với đó, tác giả phân tích, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của sinh viên ngành Luật trong quá trình áp dụng kỹ năng pháp luật. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế và đề xuất một số giải pháp nâng cao kỹ năng áp dụng luật của sinh viên ngành Luật tại doanh nghiệp.

Từ khóa: thị trường lao động, sinh viên ngành luật.

1. Đặt vấn đề

            Thị trường lao động ngày càng phát triển đa dạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và đồng bộ, có sự kết nối giữa các thị trường với nhau. Vì vậy, yêu cầu phải có một nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội về việc làm và phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để sinh viên sau khi ra trường có thể thích nghi công việc và tìm được việc làm sớm. Nhu cầu thực tế này đòi hỏi sinh viên cần phải nâng cao năng lực, kỹ năng vận dụng các học phần luật trong quá trình công tác thực tiễn. Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng trong đào tạo cử nhân luật đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tác giả phân tích, đánh giá kỹ năng vận dụng học phần luật và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng kỹ năng vận dụng pháp luật của sinh viên ngành Luật ở doanh nghiệp hiện nay.

2. Sự cần thiết của kỹ năng học luật của sinh viên ngành Luật

            Khái niệm kỹ năng vẫn có nhiều quan điểm chưa thống nhất, tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm dưới góc độ sau: Kỹ năng là khả năng thực hiện một hành động với kết quả được xác định thường trong một khoảng thời gian cùng năng lượng nhất định

[1]. Theo nhà tâm lý học Liên Xô L. Đ. Lêvitôv: “Kỹ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào đó hay một hoạt động phức tạp hơn bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức đúng đắn, có tính đến những điều kiện nhất định”. Tác giả Vũ Dũng thì cho rằng: “Kỹ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng”[2]. Có thể hiểu, kỹ năng là khả năng thực hiện một hành động hay một hoạt động nào đó bằng cách lựa chọn và vận dụng tri thức, cách thức hành động đúng đắn để đạt được mục đích đề ra.

            Theo tác giả, kỹ năng học luật được hiểu là khả năng tiếp cận học phần trên nền tảng lý thuyết cơ bản để áp dụng vào trong quá trình công tác thực tiễn.

            Kỹ năng vận dụng luật của sinh viên ngành Luật là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, việc tìm hiểu và trang bị kỹ năng vận dụng Luật Doanh nghiệp của mỗi sinh viên ngành Luật vào thực tiễn mang lại:

            Thứ nhất, giúp mỗi sinh viên ngành Luật nắm bắt đầy đủ và chính xác quy định của pháp luật để áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đòi hỏi sinh viên phải cập nhật, vận dụng theo quy định hiện hành trong quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến doanh nghiệp.

            Thứ hai, góp phần nâng cao năng lực và giá trị bản thân của mỗi sinh viên ngành Luật. Đây là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực mỗi sinh viên đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, đáp ứng vị trí công việc phù hợp với năng lực của mình.

            Thứ ba, giúp sinh viên tư vấn, giải đáp và xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, chuyên nghiệp. Sinh viên trang bị nền tảng pháp lý doanh nghiệp vững chắc sẽ đem lại sự tự tin cho bản thân và niềm tin từ phía nhà tuyển dụng. Qua đó, sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức pháp lý về doanh nghiệp để tư vấn, giải đáp và tiến hành xử lý các vướng mắc, khó khăn tại doanh nghiệp.

            Thứ tư, nhằm đảm bảo và định hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, cơ sở cho doanh nghiệp có những phương hướng đúng đắn để hoạt động, phát triển và cạnh tranh một cách lành mạnh. Sinh viên ngành Luật dựa trên cơ sở quy định của pháp luật để tham mưu, định hướng cho doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Thực trạng về kỹ năng áp dụng luật của sinh viên tại doanh nghiệp hiện nay

            Ở các nước trên thế giới, xây dựng và phát triển thị trường lao động được xem là vấn đề ưu tiên của các nước trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, mỗi nước khác nhau nên việc phát triển thị trường lao động được triển khai khác nhau phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước. Điển hình như ở Hàn Quốc, một trong những thành công của nước này nằm ở Chiến lược phát triển nhân sự thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nhân sự, không chỉ trong khu vực kinh tế tư nhân mà trong cả khối cơ quan nhà nước. Cụ thể, Hàn Quốc đã thực hiện linh hoạt và đa đạng hóa đối tượng tuyển dụng, không chỉ là những sinh viên mới tốt nghiệp theo kiểu truyền thống, mà còn đối với những người lao động trung niên, phụ nữ, chuyên gia, lao động nước ngoài và du học sinh tại Hàn Quốc. Mục đích là tạo ra sự đa dạng về văn hóa và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Hàn Quốc còn thực hiện khách quan trong thẩm định tuyển dụng, ứng viên phải công khai thông tin cá nhân như: Nơi sinh, họ tên cha mẹ, các mối quan hệ cá nhân… trong hồ sơ ứng tuyển. Ngoài ra, từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc giới thiệu hệ thống tuyển dụng mới - Tiêu chuẩn Năng lực quốc gia nhằm đánh giá trình độ và kỹ năng cho từng công việc của trên 800 ngành nghề trong lĩnh vực công lập. Bộ tiêu chuẩn giúp các công ty tuyển dụng được nhân sự cần thiết không chỉ dựa trên nền tảng giáo dục và bằng cấp mà còn dựa trên năng lực tiềm năng của ứng viên.

            Ở Việt Nam, trong những năm qua, thị trường lao động đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tốt, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động nhằm ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, năm 2019, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động; đưa 148 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đem lại sức sống cho người lao động làm việc, cải thiện chất lượng cuộc sống của mình[3]. Đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng thị trường lao động đã bình ổn trở lại, giải quyết việc làm có tín hiệu khả quan hơn cho người lao động, đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội[4]. Thị trường lao động đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên là cần thiết, song phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động theo nghề, theo kỹ năng, trình độ dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong đó, nhân lực ngành Luật cũng cần được đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Mỗi sinh viên ngành Luật ra trường không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phải hoàn thiện kỹ năng và thái độ tốt để trở thành người lao động tham gia vào thị trường lao động. Trong đó, năng lực chuyên môn được thể hiện qua việc áp dụng luật vào thực tiễn. Điều này giúp cho sinh viên ngành Luật khẳng định được năng lực chuyên môn của mình, được trả lương tương thích với sức lao động của mình; đồng thời định hướng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, sinh viên còn được trau dồi kinh nghiệm thực tiễn từ đồng nghiệp, từ thực tế môi trường làm việc và không ngừng nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức chuyên ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội để vận dụng và hoàn thành tốt công việc. Song mỗi sinh viên ngành Luật tốt nghiệp ra trường không thể tránh khỏi những khó khăn trong quá trình áp dụng Luật Doanh nghiệp tại doanh nghiệp, cụ thể:

            Thứ nhất, sinh viên chưa nắm rõ và nắm vững quy phạm pháp luật dẫn đến việc áp dụng còn rất “lúng túng”, “mơ hồ”, thiếu linh hoạt làm cho quá trình giải quyết công việc chậm lại và kém hiệu quả. Chẳng hạn, theo Luật Doanh nghiệp 2014 về định giá tài sản góp vốn có quy định: “Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam”[5]. Theo quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện việc định giá tài sản góp vốn và thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành việc kê khai tài sản góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Như vậy, đối với loại hình công ty trách nhiệm một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có được góp vốn là giá trị quyền sở hữu trí tuệ - nhãn hiệu hay không? Trong trường hợp này, sinh viên ngành Luật cần hiểu ở chỗ: “Thành viên công ty là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh”[6]. Do đó, cá nhân làm chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có quyền tự định giá tài sản góp vốn theo quy định nói trên và hoàn toàn sử dụng tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Bởi vậy, việc hiểu và nắm rõ luật doanh nghiệp là hết sức quan trọng để áp dụng vào thực tiễn.

            Thứ hai, thiếu kinh nghiệm thực tiễn có liên quan đến doanh nghiệp đang làm việc. Trong thời gian đầu làm việc, sinh viên chưa thích nghi và chưa có kinh nghiệm để xử lý trong công việc gây ra nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng luật phù hợp với thực tế doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải được đào tạo, hướng dẫn, làm quen với môi trường công việc và hiểu rõ về doanh nghiệp nơi mình đang làm việc.

            Thứ ba, sinh viên mang nặng tính học thuật, nghiêng về lý thuyết hơn thực hành dẫn đến thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến Luật Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, một số sinh viên chưa nắm được hồ sơ thành lập chi nhánh của công ty mình đang làm việc cần những đầu mục nào, được quy định tại điều nào, khoản  nào, cơ quan nào thụ lý, trình tự thủ tục ra sao. Điều đó cho thấy áp dụng vào xử lý các vấn đề thực tiễn của sinh viên còn nhiều hạn chế. Có thể nói, từ lý thuyết đến thực tiễn đối với sinh viên vẫn đang còn là một khoảng cách quá xa.

            Thứ tư, sinh viên ngành Luật đã và đang gặp phải áp lực cạnh tranh trong ngành và áp lực bị đào thải khỏi đơn vị tuyển dụng. Sinh viên cùng ứng tuyển một vị trí công việc trong thời gian thử việc, nếu không có khả năng thích nghi môi trường làm việc của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu công việc của đơn vị tuyển dụng thì thật khó để sinh viên được giữ lại và ký kết hợp đồng lao động. Bản thân mỗi sinh viên ngành Luật thực sự phải có năng lực chuyên môn vững vàng và tự trang bị các kỹ năng cần thiết đảm bảo khả năng nắm bắt và xử lý tốt các tình huống liên quan đến doanh nghiệp.

            Việc không đáp ứng nhu cầu công việc của đơn vị tuyển dụng lao động dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào quý III/2020 ở trình độ đại học trở lên là 5,47%[7], trong đó sinh viên ngành Luật chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Sở dĩ sinh viên ngành Luật ra trường gặp phải những khó khăn trên xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

            Thứ nhất, nguyên nhân xuất phát từ người học.

            Một là, sinh viên chưa có tính tự học cao. Hiện nay, đa phần sinh viên học để lấy được tấm bằng tốt, học để qua môn, học nhanh, học vội mà chưa có sự say mê, tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình học luật. Điều quan trọng nhất mà sinh viên chưa thấy rõ là mình cần phải “gom nhặt” những gì trong suốt năm tháng đại học. Nếu để thời gian trôi qua, sinh viên không có tính chủ động trong việc tích lũy kiến thức thì khi ra trường sẽ không có kiến thức ứng dụng vào thực tiễn như thế nào.

            Hai là, sinh viên “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”. Học luật hay học bất kỳ ngành nghề nào đều cần có “học đi đối với hành”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn học nhiều tiết lý thuyết trên giảng đường nhưng thực sự áp dụng được bao nhiêu phần trăm kiến thức tích lũy vào công việc thực tiễn. Hay nói cách khác, kiến thức nền tảng luật pháp tại các cơ sở đào tạo luật chỉ áp dụng một phần rất nhỏ liên quan đến vị trí tuyển dụng.   Ba là, chưa trang bị đầy đủ kỹ năng áp dụng vào thực tế như kỹ năng nhận định, phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, đàm phán thương lượng, soạn thảo hợp đồng… để đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Sinh viên thiếu đi những kỹ năng cần thiết làm hạn chế khả năng vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, giúp giải quyết công việc trở nên suôn sẻ và thuận lợi.

            Bốn là, trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam cho ra trường khoảng 400.000 cử nhân, nhưng cứ 10 người thì có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh. Số đông sinh viên ra trường không thể giao tiếp ngoại ngữ do không có những kiến thức cơ bản về câu, từ[8]. Bởi lẽ đầu vào của ngành Luật chủ yếu là khối C, A, bên cạnh đó là khối D nên sinh viên đa số không giỏi ngoại ngữ. Điều này dẫn đến sinh viên gặp khó khăn trong các kỳ thi có liên quan đến ngoại ngữ, đặc biệt trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài. Sự hạn chế này còn làm cho sinh viên khó tiếp cận và xử lý các hồ sơ luật liên quan đến yếu tố nước ngoài.

            Thứ hai, nguyên nhân xuất phát từ đơn vi đào tạo luật.

            Một là, nội dung đào tạo chưa định hướng phù hợp với thị trường lao động.

            Hiện nay, nhu cầu thị trường lao động ngành Luật tiếp tục tăng cao trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng và thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng thị trường lao động do sinh viên tốt nghiệp còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Các đơn vị đào tạo luật đều còn nặng lý thuyết mà chưa chú trọng nhiều đến thực hành. Các đơn vị đào tạo luật đã bắt đầu đưa bản án để sinh viên nghiên cứu trong quá trình giảng dạy học phần, tổ chức phiên tòa giả định, thực hiện chương trình đào tạo luật theo hướng thực hành,… nhưng vẫn chưa thể lấp đầy “khoảng trống” thiếu thực tiễn khi sinh viên tốt nghiệp. Mặt khác, các đơn vị đào tạo luật dàn trải quá nhiều học phần dẫn đến “loãng”, không mang tính trọng tâm, trọng điểm và định hướng theo chuyên ngành cụ thể để sinh viên ra trường sớm tìm được việc làm.

            Hai là, thời lượng học phần luật còn ngắn, chưa bám sát với thực tế.

            Sinh viên học theo tín chỉ, trung bình một học phần là 2 - 3 tín chỉ. Như vậy, trung bình một học phần luật của sinh viên từ 30 tiết đến 45 tiết. Tuy nhiên, các tiết học đều mang nặng lý thuyết và vô hình dung gây nên sự nhàm chán. Đơn cử, văn bản Luật Doanh nghiệp không chỉ có Luật Doanh nghiệp hiện hành mà còn có các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp có nhiều nội dung cần thu nhận nhưng thời lượng tiết học không đủ. Trong khi, những văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp về đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp, tạm ngừng, giải thể doanh nghiệp lại không dành thời lượng 1 - 2 tín chỉ để học tập, nghiên cứu và thực hành. Vì vậy, sinh viên ra trường phải đào tạo lại, hướng dẫn mới có thể thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp nói trên. Qua đó cho thấy, thời lượng học phần còn quá ngắn và chưa bám sát với thực tế.

            Ba là, người giảng dạy chưa đóng vai trò là người hướng dẫn người học tiếp cận thực tiễn.

            Người dạy vẫn chưa chú trọng đến thực hành, thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy các học phần luật. Sinh viên không có cơ hội để tiếp cận, vận dụng luật vào thực tiễn và hầu như chỉ dừng lại ở câu chuyện “nghiên cứu” luật. Thực hành quá ít, chủ yếu vẫn theo lối cũ là thực hành thông qua thực tập chuyên ngành, thực tập cuối khóa. Xét về bản chất vẫn chỉ mang tính hình thức vì thời gian thực tập ngắn, nội dung thực tập giản đơn “cưỡi ngựa xem hoa”, không đủ để hình thành kỹ năng chuyên môn, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp cho người học[9].

            Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ đơn vị sử dụng lao động.

            Một là, các đơn vị sử dụng lao động chưa có bộ phận pháp chế để hướng dẫn người học luật mới ra trường làm việc.

            Hầu hết, các doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có bộ phận pháp chế bởi lẽ chi phí cao để thuê nhân sự pháp chế hoặc phần khác có thể chưa cần ngay đến pháp chế. Do đó, người học luật vào làm việc ở doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải tự mình tiếp cận, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn chứ không có nhân viên nào trong đơn vị có thể hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ pháp lý thực tế ngay khi ra trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng pháp luật của người học gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

            Hai là, chưa phối hợp, gắn kết đồng bộ với các đơn vị đào tạo luật để đào tạo thực tế cho người học sau khi ra trường.

            Hiện nay, các đơn vị đào tạo luật đã thực hiện mời các luật sư, chuyên gia tham gia giảng dạy học phần, chuyên đề; luật sư, chuyên gia, đơn vị sử dụng lao động có thể đóng góp ý kiến để cải tiến chương trình đào tạo, tư vấn cho các cơ sở đào tạo luật xây dựng khung chương trình sát với thực tiễn. Tuy nhiên, giữa đơn vị sử dụng lao động và đơn vị đào tạo luật chưa nắm bắt được nhu cầu của nhau, cụ thể một bên đơn vị sử dụng lao động cần nhân sự luật đáp ứng yêu cầu công việc của mình, còn một bên đơn vị đào tạo luật mong muốn đào tạo người học đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động, cho thấy hai bên chưa phối hợp và gắn kết đồng bộ với nhau để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Đây là lý do chính tạo ra độ vênh giữa cơ sở đào tạo luật với đơn vị sử dụng lao động khiến người học luật thiếu thực tế sau khi tốt nghiệp.

4. Giải pháp nâng cao kỹ năng vận dụng pháp luật của sinh viên ngành Luật trong doanh nghiệp

            Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn của người học sau khi ra trường có kỹ năng áp dụng các kiến thức pháp luật và kỹ năng mềm vào công việc, tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:

            Thứ nhất, giải pháp nâng cao hiệu quả học và vận dụng pháp luật.

            Một là, bản thân người học cần xác định việc học luật là của mình, hình thành tâm thế quyết tâm học tập, xây dựng một kế hoạch học tập hoặc một thời khoá biểu phù hợp; nâng cao ý thức tự giác, tích cực trong học tập; phát huy tinh thần say mê nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức luật và chủ động trao đổi với giảng viên những vấn đề luật chưa rõ.

            Hai là, thường xuyên cập nhật và nắm rõ văn bản luật mới ban hành hoặc bổ sung, thay đổi để vận dụng vào thực tế một cách phù hợp. Người học liên kết với nhau tạo thành một nhóm học tập để tăng khả năng làm việc nhóm, lấy ý kiến nhiều người để hoàn thiện cách hiểu của mình về điều luật hay vấn đề cụ thể nào đó.

            Ba là, ngoài thời gian học tập trên ghế giảng đường, mỗi sinh viên còn phải thường xuyên trau dồi kỹ năng thông qua mô hình phiên tòa giả định, cuộc thi pháp luật, tham gia buổi tọa đàm, báo cáo chuyên đề, các buổi nói chuyện của chuyên gia ngành luật nhằm tiếp thu kiến thức thực tế, nâng cao kỹ năng mềm, nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Đồng thời, người học luật cần trau dồi rèn luyện ngoại ngữ để có thể nghiên cứu tài liệu và xử lý các hồ sơ liên quan đến yếu tố nước ngoài.

            Bốn là, để áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn thì người học cần tham gia vào văn phòng luật sư, công ty luật hay các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để thực tập và tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

            Thứ hai, giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo của đơn vị đào tạo luật.

            Đầu tiên, các đơn vị đào tạo luật thường xuyên khảo sát đơn vị sử dụng lao động đang thiếu gì, cần gì, tìm nguyên nhân để đưa ra chương trình hành động cụ thể, định hướng công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động.

            Hai là, kết nối và hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động sử dụng nhân lực chất lượng của đơn vị mình sau khi đào tạo dựa trên yêu cầu và nhu cầu tuyển dụng hằng năm của đơn vị sử dụng lao động.

            Ba là, cử các giảng viên tiếp cận thực tế tại đơn vị sử dụng lao động. Qua thời gian thực tế tại đơn vị sử dụng lao động, các giảng viên sẽ có kiến thức sát với thực tế với vai trò không chỉ là người giảng dạy mà còn là người hướng dẫn người học tiếp cận với thực tế doanh nghiệp.

            Bốn là, ngoài việc thực tập, thực tế định kỳ do đơn vị quy định trong chương trình đào tạo thì trong quá trình học tập học phần luật có thể sắp xếp và liên hệ với đơn vị liên quan để người học bước đầu tiếp cận thực tế.

            Thứ ba, giải pháp nâng cao hiệu quả từ phía đơn vị sử dụng lao động.

            Một là, mỗi doanh nghiệp hoạt động cần có một bộ phận pháp chế không chỉ định hướng xây dựng và vận hành doanh nghiệp thực hiện tuân thủ theo đúng quy định pháp luật mà còn là cơ sở hướng dẫn người học trong quá trình thử việc và làm việc tại doanh nghiệp nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đảm bảo công việc của doanh nghiệp gải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

            Hai là, phối hợp với đơn vị đào tạo luật giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng thị trường lao động. Đồng thời, liên kết và liên hệ đặt hàng với đơn vị đào tạo luật đào tạo sinh viên theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và có thể tuyển dụng vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

            Ba là, tạo điều kiện cho người học đến thực tập, học việc tại đơn vị sử dụng lao động có kinh nghiệm thực tiễn.

            Bốn là, xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực đánh giá trình độ và kỹ năng của người học mới ra trường. Nếu xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chuẩn sẽ giúp đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng được nhân sự cần thiết không chỉ dựa trên nền tảng giáo dục và bằng cấp mà còn dựa trên năng lực tiềm năng của người học.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Kỹ năng, https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B9_n%C4%83ng.

[2] Khái niệm kỹ năng là gì, https://khoaluantotnghiep.com/khai-niem-ky-nang-la-gi/.

[3] Trần Thắng (2020), Năm 2020 tâm thế và định hướng mới phát triển thị trường lao động Việt Nam, http://laodongxahoi.net/nam-2020-tam-the-va-dinh-huong-moi-phat-trien-thi-truong-lao-dong-viet-nam-1314653.html.

[4] Thành Công (2020), Quý III/2020: Thị trường lao động tốt hơn, đạt khoảng 55,4 triệu người, https://baodansinh.vn/quy-iii-2020-thi-truong-lao-dong-tot-hon-dat-khoang-554-trieu-nguoi-20200720172955214.htm.

[5] Theo quy định tại khoản 1, điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014

[6] Theo quy định tại khoản 23, điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014

[7] Thị trường lao động, http://molisa.gov.vn/Pages/solieu/thitruonglaodong.aspx.

[8] Theo Tiền Phong (2017), 9.400 tỷ đồng và nỗi buồn mang tên học ngoại ngữ, https://tintuconline.com.vn/tin-giao-duc/9400-ty-dong-va-noi-buon-mang-ten-hoc-ngoai-ngu-n-293885.html.

[9] Nguyễn Nam Hà, Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, http://www.pou.edu.vn/khoann/news/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-nham-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-luc-xa-hoi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien.268.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp 2014.
  2. năng là gì,https://khoaluantotnghiep.com/khai-niem-ky-nang-la-gi/.
  3. Nguyễn Nam Hà, Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, http://www.pou.edu.vn/khoann/news/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-nham-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-luc-xa-hoi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien.268.
  4. Thành Công (2020), Quý III/2020: Thị trường lao động tốt hơn, đạt khoảng 55,4 triệu người, https://baodansinh.vn/quy-iii-2020-thi-truong-lao-dong-tot-hon-dat-khoang-554-trieu-nguoi-20200720172955214.htm.
  5. Châu Anh (2017), 9.400 tỷ đồng và nỗi buồn mang tên học ngoại ngữ, https://tintuconline.com.vn/tin-giao-duc/9400-ty-dong-va-noi-buon-mang-ten-hoc-ngoai-ngu-n-293885.html.
  6. Trần Thắng (2020), Năm 2020 - tâm thế và định hướng mới phát triển thị trường lao động Việt Nam, http://laodongxahoi.net/nam-2020-tam-the-va-dinh-huong-moi-phat-trien-thi-truong-lao-dong-viet-nam-1314653.html.

 

THE USE OF LEGAL SKILLS OF LAW STUDENTS AT ENTERPRISES

NGUYEN THI TRIEN

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

This paper points out the importance of using skills for law students. In addition, this paper analyzes and assesses the positive and negative aspects of  law students when they use their legal skills. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve law students’ legal skills at enterprises.

Keywords: labor market, law students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]