Đặt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% cho năm 2011

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 được Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 02/10/2010.

Theo đó, trong năm 2011, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Tuy vậy, trong nhóm mục tiêu tổng quát, việc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 2010, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh... cũng được nhấn mạnh.

Cụ thể, Chính phủ dự kiến mức tăng tổng sản phẩm trong nước trong năm tới sẽ tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010. Tính theo giá thực tế, GDP của cả nước sẽ tương đương 2.255 - 2.275 tỷ đồng, tương đương 112,8 - 113,8 tỷ USD. Tính bình quân, thu nhập của người Việt Nam trong năm 2011 sẽ đạt khoảng 1.300 USD.

Cuối tháng 9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,7% trong năm nay và 7% cho năm 2011, thay vì dự báo trước đó là 6,5% và 6,8%.

Về mậu dịch, Chính phủ dự kiến kim ngạch xuất khẩu ở mức 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010 trong khi nhập khẩu đạt khoảng 89,4 tỷ USD (tăng khoảng 9,7%). Như vậy, nhập siêu sẽ dự kiến ở mức 14,6 tỷ USD, bằng 19,5% tổng giá trị xuất khẩu và cao hơn một tỷ USD so với năm 2010.

Tỷ lệ lạm phát của năm 2011 tiếp tục được dự kiến ở mức 7% trong khi mức bội chi Ngân sách Nhà nước ước khoảng 125.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,5% GDP.

Đánh giá về mức bội chi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tuy giảm về tỷ lệ tương đối, nhưng lại tăng về giá trị tuyệt đối (5.400 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2010, trong khi nợ công có xu hướng tăng nhanh, có thể gây ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cẩn phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 5%.

Tương tự, đối với các chỉ tiêu xuất - nhập khẩu. Thường vụ Quốc hội cho rằng tình trạng nhập siêu cao kéo dài mấy năm qua đang gây mât cân đối nghiêm trọng tới cán cân vãng lai. Trong điều kiện dự trữ ngoại hối chưa có nhiều khả năng tăng mạnh trong năm 2011 thì việc nhập siêu tiếp tục tăng lên mức 14,6 tỷ USD sẽ làm mất cân đối cung - cầu ngoại tệ, gây nhiều sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam.

Do vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, đảm bảo nhập siêu không vượt quá năm 2010 (khoảng 13,5 tỷ USD).

Riêng đối với chỉ tiêu lạm phát, Thường vụ Quốc hội có 2 luống ý kiến. Một cho rằng do áp lực từ giá thế giới cũng như một số yếu tố trong nước nên giá tiêu dùng sẽ chịu nhiều sức ép trong năm 2011. Do vậy, mức tăng CPI 7% như Chính phủ dự kiến là hợp lý.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng việc lạm phát liên tục tăng cao trong những năm qua đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân nên cần phấn đấu giảm lạm phát xuống mức thấp hơn, khoảng 6,5%. Về chỉ tiêu này, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm.

Đánh giá về kết quả thưc hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Chính phủ khẳng định sẽ hoàn thành 16 trong số 21 mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng: GDP tăng 6,7% so với cùng kỳ 2009 (chỉ tiêu đề ra là 6,5%), xuất nhập khẩu tăng 19,1% (cao gấp 3 lần chỉ tiêu), lạm phát được giữ ở mức 8%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9,5%...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra một số tồn tại như kinh tế tăng trưởng thiếu vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, thiếu điện... Quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế... còn nhiều bất cập, gây hậu quả lớn... Những tồn tại này, theo Thường vụ Quốc hội, cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.