Làm gì để người dân có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm?

Hệ thống thông tin là một trong những biện pháp để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời biết cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao cho 4 bộ: Bộ Y tế,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, và Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung chỉ đạo xây dựng Hệ thống thông tin an toàn thực phẩm theo hướng là hệ thống thông tin mở, tin cậy, cập nhật về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Hệ thống này, một mặt phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước của các Bộ, cũng như các ngành, địa phương (trước hết là của 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.

truy xuat nguon goc thuc pham
Hệ thống thông tin giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của thực phẩm

 

Hệ thống nói trên là nội dung của Hệ tri thức Việt số hóa nhằm tăng cường phổ biến tri thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nguồn dữ liệu để phát triển các ứng dụng trên môi trường mạng phục vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các nhóm ngành sản phẩm như đã quy định tại Luật an toàn thực phẩm; khẩn trương tích hợp, cập nhật các thông tin về các sản phẩm thuộc diện đăng ký công bố sản phẩm và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoàn thành trong năm 2018; huy động người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng tham gia cập nhật thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; coi đây là một trong những biện pháp để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời biết cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Thiết lập hệ thống báo cáo về an toàn thực phẩm qua mạng, còn là giải pháp để người dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến, phản ánh về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các ngành, các cấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu tăng cường chỉ đạo, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huy động hội viên tham gia cập nhật thông tin về sản xuất nông sản thực phẩm trong cộng đồng, thúc đẩy phát triển sản xuất thực phẩm sạch, nhận biết nguy cơ và đấu tranh với sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có nhiệm vụ tăng cường năng lực, chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình về an toàn thực phẩm; phối hợp truyền thông về hệ thống thông tin an toàn thực phẩm; tích hợp thông tin của chương trình, chuyên mục trên hệ thống thông tin an toàn thực phẩm.

Như vậy, với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các cấp chính quyền địa phương, các hiệp hội có liên quan và cơ quan truyền thông đại chúng, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng sẽ có bước đổi mới đáng kể trong thời gian tới.

Hiện nay tại nước ta, truy xuất nguồn gốc là hoạt động còn khá mới, dù hoạt động này đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc hiện còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập như hoạt động truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn.

Lê Trình