Làm thế nào để hoạt động xây dựng, kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu?

Ngày 3/10/2011, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng

Theo báo cáo đánh giá của ủy ban liên chính phủ về BĐKH công bố tháng 4/2007 thì do các hoạt động kinh tế, xã hội của con người ngày một tăng, thể hiện rõ nét việc có ngày càng nhiều các loại khí như dioxit cacbon, metan, oxi nitơ… của con người thải ra làm thay đổi thành phần khí quyển. Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tăng lên làm cho bề mặt trái đất có xu thế nóng lên, tạo nên hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Sự nóng lên của trái đất là rất rõ ràng. Xu thế tăng nhiệt độ 100 năm (1906 - 2005) là 0,74 độ C lớn hơn xu thế tăng nhiệt độ 100 năm thời kỳ 1901 -2000, riêng ở Bắc cực nhiệt độ đã tăng 1,5 độ C, gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu. 11 năm gần đây (1995-2006) nằm trong số 12 năm nóng nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được kể từ năm 1850. 

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH. Trong những năm gần đây, các loại thiên tai như hạn hán, bão, lũ xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây nhiều tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội, kéo theo đó là những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư ở những vùng khó khăn. Hơn bao giờ hết, việc phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH trở thành một mục tiêu quan trọng và cấp thiết với toàn bộ hệ thống chính trị và là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta. 

Trong khoảng 70 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã tăng lên, trung bình 0,1 độ C/ thập kỷ. Nhiệt độ trung bình của thập kỷ 1991-2000 ở Hà Nội cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm (1961-1990) 0,7 độ C. 

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto. Tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Đây là một hành động cụ thể trong nỗ lực của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc. 

Vậy phải làm thế nào để các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu?
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, thì trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển kinh tế, quá trình đô thị hoá cũng diễn ra ngày càng nhanh và sâu rộng trong khi các quy định vẫn còn những bất cập. Điều này đã gây những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái: nhiều thửa ruộng màu mỡ đã phải lùi bước nhường chỗ cho các khối bê tông; nhiều con sông, dòng suối, mặt hồ trở thành nơi xả thải; nhiều cánh rừng ngút ngàn xanh nay mịt mù khói xám.... Không những thế, các công trình đô thị còn là những “cỗ máy” tiêu tốn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều khí nhà kính vào khí quyển. Vì vậy, nếu không tính đến tác động của BĐKH ngay từ khi thiết kế, các hoạt động xây dựng sẽ còn tiếp tục góp phần làm nhiệt độ trái đất tăng nhanh, gây các hậu quả nghiêm trọng về sau. 

BĐKH đã và đang tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực và tác động trực tiếp đến các hoạt động xây dựng và kiến trúc. Một mặt, các hoạt động xây dựng, kiến trúc cần thích ứng với BĐKH. Mặt khác, do gắn liền với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và năng lượng nên đến lượt mình, các hoạt động xây dựng cũng trở thành nhân tố trực tiếp gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến BĐKH. Do đó việc thay đổi tư duy về thiết kế, xây dựng các mô hình ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với BĐKH là việc làm cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Về lâu dài, các ngôi nhà được thiết kế có tính toán đến yếu tố BĐKH như: sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; thân thiện với môi trường; phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai... sẽ phát huy tác dụng tích cực với tình trạng BĐKH tại Việt Nam, đồng thời góp phần giảm thiểu, hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH là “Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực”, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm cho toàn xã hội về BĐKH. 

Việc nhận thức đúng về các tác động của BĐKH trong công tác thiết kế, quy hoạch và xây dựng, từ đó đề ra các giải pháp ứng phó hiệu quả với BĐKH cũng như tận dụng được các nguồn lợi từ thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH vừa là nghĩa vụ đồng thời là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng dân cư mà trước tiên là của các nhà thiết kế, quy hoạch và xây dựng. 

BĐKH đang là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với toàn nhân loại. Hiểm họa nóng lên toàn cầu kéo theo sự dâng lên của mực nước biển đang uy hiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người sống ở dải ven biển, tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái tự nhiên, đe dọa những công trình xây dựng và hạ tầng cơ sở về công nghiệp, giao thông, năng lượng, thông tin, an ninh quốc phòng và nhiều tác động tiêu cực khác, đặc biệt là nơi cư trú của hàng chục triệu người ở vùng đất thấp ven biển. 

BĐKH tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng và kiến trúc và các công trình xây dựng. Quan hệ giữa BĐKH và xây dựng, kiến trúc là mối quan hệ hai chiều. Một mặt các hoạt động xây dựng, kiến trúc cần thích ứng với công tác của BĐKH, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, mặt khác, những hoạt động trong xây dựng, kiến trúc có tác động mạnh mẽ đến BĐKH. 

Các hoạt động xây dựng luôn đi kèm với nhu cầu sử dụng đất và tiêu thụ nguyên liệu, để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng, tạo một áp lực lên môi trường nói chung và đóng góp vào việc thay đổi mục đích sử dụng đất – một nhân tố quan trọng của quá trình BĐKH – tăng phát thải khí nhà kính. Chỉ tính riêng nhà ở, hiện nay có 1,6 tỷ ngôi nhà trên toàn thế giới. Nhà ở là nơi con người dành phần lớn thời gian của mình ở đây; là nơi con người tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, nhiều nước nhất và tạo ra nhiều chất thải nhất. 

Việc khai thác, sản xuất và vận chuyển vật liệu xây dựng, cũng như bản thân quá trình xây dựng, việc sử dụng các công trình cũng như phá bỏ chúng đều đi liền với sử dụng đất, vật liệu thô và năng lượng. Tất cả đều có thể tạo ra ô nhiễm môi trường, không khí và nước, sản sinh ra nhiều chất thải và tiếng ồn.(ở nhiều nước công nghiệp, rác thải xây dựng chiếm 1/2 tổng lượng rác thải hàng năm). 

Chịu tác động trực tiếp của BĐKH, song lĩnh vực xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng của bản thân các công trình. Việc cải tạo và xây dựng mới những ngôi nhà, chung cư, khu đô thị… theo nghĩa thiết thực và lâu dài với chúng ta hiện nay và trong tương lai. Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trái đất một nóng lên. 

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, các công trình kiến trúc xanh vẫn còn là thiểu số. Các nhà đầu tư vì suất đầu tư ban đầu cao lên tỏ ra chưa mặn mà với kiến trúc xanh, các nhà quản lý xây dựng và chính quyền đô thị chưa khuyến khích, quảng bá một cách thiết thực, đủ tầm, nên các công trình gọi là “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn chỉ xuất hiện lẻ tẻ, tự phát dưới dạng vài dự án đơn lẻ, chứ chưa thực sự trở thành khuynh hướng xây dựng tất yếu. Tư duy thiết kế bền vững, ứng phó với BĐKH chưa hình thành và phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, rất cần sự truyền thông mạnh mẽ, sự thay đổi về nhận thức của giới kiến trúc sư, những nhà quy hoạch chính sách, những nhà quản lý và những người làm trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, để Việt Nam ngày càng có nhiều ngôi nhà, nhiều công trình xây dựng ứng phó hiệu quả với BĐKH và thân thiện với môi trường.
  • Tags: