Làng nghê Thêu Quất Động - sự kết hợp giữa tinh tế và tài hoa của người Việt

“Hỡi cô mà thắt bao xanh Có về Quất Động với anh thì về Quất Động anh đã có nghề Thêu gà thêu vịt, thêu huê trên cành Thêu tranh sơn thủy hữu tình Thêu cả tranh ảnh của mình, của ta”

Từ xa xưa, người thợ thêu trong làng luôn tự hào cho rằng, Quất Động là cái nôi của nghề thêu, là nơi có những bức tranh thêu làm đẹp cho đời. Những bức tranh thêu Quất Động đã đi vào lời ca tiếng hát, câu ví của một vùng quê. Nếu như ai đó được tận mắt ngắm nhìn nghệ nhân thêu những bức tranh sẽ cảm nhận được sự tinh tế, tính cần mẫn và càng khâm phục hơn khi cái tâm làm nghệ thuật của người “nghệ sĩ” tài ba cùng với đức tính cần cù và đôi tay khéo léo đã làm nên những “sơn cảnh hữu tình” mà ai nhìn cũng phải thán phục.

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nhìn những người thợ làm việc, chúng ta có cảm tưởng họ rất nhàn nhã, nhưng thực ra, đó là một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng. Những đức tính, năng khiếu là yêu cầu cơ bản đối với mỗi thợ thêu, nhằm tạo ra sản

phẩm hợp màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải. Trước đây, thêu thùa, vá may là thước đo về “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ trong thời đại phong kiến và bây giờ thước đo đó vẫn là tiêu chí để người phụ nữ hiện đại tự hoàn thiện mình.

Từ thủ đô Hà Nội đi xuôi về phía Nam 23 km ta gặp ngay làng nghề thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), nằm ven quốc lộ 1A cũ, nơi mà được ví như đất trăm nghề, nghề nào cũng mang một vẻ tinh tế, độc đáo riêng của từng làng. Và không biết nghề thêu có từ bao giờ, chỉ biết rằng, năm 40 sau Công nguyên, trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lá cờ thêu 6 chữ vàng “ trả thù nhà, đền nợ nước” tung bay đã làm quân thù hồn xiêu, phách lạc. Nghề thêu đã xuất hiện ở Quất Động từ giữa thế kỷ XV (đời vua Lê Thánh Tông), trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, hưng thịnh, nhưng người dân vẫn luôn luôn gắn bó với nghề truyền thống. Ông tổ của làng nghề thêu Quất Động Lê Công Hành (1606 - 1661) tên thật là Trần Quốc Khái - một viên quan thượng thư triều Lê (thế kỷ XVII) vì có công với vua nên được ban Quốc tính họ Lê. Năm 1646, sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông được vua Lê Thái Tổ cử làm người dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống rất đặc sắc của Trung Hoa. Khi về nước, ông đã đem những kiến thức mình học được dạy cho dân làng Quất Động và một số làng khác như Tam Xá, Võ Lăng, Hướng Dương, Đào Xá… về cách làm lọng, thêu thùa, pha từng đường kim mũi chỉ theo cách của người Bắc Kinh. Bắt đầu từ đây, nghề thêu ở nước ta bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn hòa nhập với tinh hoa văn hóa nước ngoài và tự nâng tầm lên một trình độ mới. Mặt khác, cũng chính từ thời điểm này, nghề thêu trở nên phổ biến hơn, phát triển hơn và trở thành nghề của cả một làng, một vùng rộng lớn. Như vậy, công lớn nhất của Lê Công Hành, một mặt là kết hợp thành công thêu cổ truyền với những nét tinh tế ngoại nhập, mặt nữa, biến thêu từ phát triển nhỏ lẻ trở nên tập trung, dần dần mở rộng quy mô trở thành một ngành nghề truyền thống.

Ban đầu, làng Quất Động thêu chủ yếu phục vụ cung đình và các nhà quyền quý, đền chùa và phường tuồng. Khi đó, kỹ thuật thêu cũng đơn giản, dùng năm màu chỉ: vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Các loại hình thêu và kỹ thuật thêu lúc này còn thô sơ, chủ yếu là câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa như thêu long phụng, uyên ương hồ điệp... đã được đông đảo các tầng lớp quí tộc vua quan ưa chuộng. Không những thế, những bức tranh thêu còn theo chân các lái buôn sang biên giới các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… như một sứ giả của văn hóa Việt Nam tại đất bạn.

Ngày nay, người làng thêu Quất Động đã và đang kế thừa những tinh hoa của làng nghề truyền thống, các nghệ nhân của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biển, trướng, các loại trang phục sân khấu cổ truyền, thì các nghệ nhân còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật, các bức thêu truyền thần và sáng tạo như: Chân dung Lê Nin trên diễn đàn, Nhà Bác Hồ ở Kim Liên, Chùa Một Cột, chân dung Bác Hồ… thể hiện đường kim, mũi chỉ điêu luyện, với những đường nét hội họa hiện đại đã để lại cho đời những tác phẩm chứa đựng tinh túy đất Việt, một vẻ đẹp thuần khiết, tinh tế mà hiện đại. Tranh thêu của làng nghề Quất Động luôn mang một nét đặc trưng riêng, từng nét vẽ cho đến đường kim mũi chỉ đều toát lên một chất “nghề” mà các làng nghề thêu khác không thể nào có được. Vì vậy, dù có nhiều đổi thay, dù đã trải qua nhiều đời, nhưng những bức tranh luôn chiếm được niềm tin và thu hút rất nhiều khách hàng gần xa.

Nguyên liệu nghề thêu rất đơn giản chỉ là sản phẩm cần được trang trí (vải, lụa, lanh…) và chỉ thêu. Phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Kỹ thuật thêu tay truyền thống gồm 9 kỹ thuật cơ bản: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt (có sa hạt đơn và sa hạt kép); khoắn vảy (cũng có đơn và kép, kỹ thuật này được dùng trong thêu các vảy rồng, vảy cá...) và thêu chăng chặn. Thêu chăng chặn có hai động tác: chăng (căng sợi chỉ từ điểm A - B) và chặn: thêu chặn sợi chỉ đã căng thành từng điểm để tạo nên đường nét đặc biệt. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành người tạo mẫu, thợ chuyên môn bậc cao... cần có trình độ cao hơn. Ngoài ra, người thợ thêu giỏi cần có những hiểu biết về hợp lí hoá lao động, về công nghệ thêu tiên tiến, về thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước, phải năng động, sáng tạo, biết liên doanh liên kết với các cơ sở sản xuất, công ty liên doanh khác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu dồi dào.

Qui trình thêu, nếu như ta mới nhìn thì nghe chừng có vẻ đơn giản và nhàn hạ, không vất vả như công việc trên ruộng đồng nhưng quả thật, công việc của một thợ thêu không hề dễ dàng một chút nào. Bên cạnh các phẩm chất: cần cù, nhẫn nại, khéo léo, họ cần phải có sự tinh tế, một đôi mắt tinh tường, thẩm mỹ cao. Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, họ phải tiến hành rất nhiều công đoạn: xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Phải nói rằng, công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... sao cho các sợi chỉ quyện vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc đài hoa, chiếc lá luôn đều đặn… Người thêu phải khéo léo làm cho những sợi chỉ hòa quyện, mịn màng như một thể thống nhất, không một lỗi chân chỉ hay trái canh. Đường chỉ càng điêu luyện, mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời. Chỉ bằng dụng cụ đơn giản, tay kim, sợi chỉ màu, hình mẫu, những tác phẩm hoàn chỉnh từ từ hiện lên mềm mại, sống động, tươi tắn và kiều diễm như thật. Khi nhìn vào những bức tranh thêu, ta thấy lung linh bởi những đường nét thăng hoa của tâm hồn, bởi những cảm xúc trữ tình dâng trào vì những bàn tay khéo léo, kiên nhẫn của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, đức hạnh và giàu lòng nhân ái. Với những mẫu thêu chữ đơn giản, người thợ chỉ cần "đi" chỉ là xong. Ngược lại, những mẫu thêu phức tạp như hình bông hoa, hình thú, những họa tiết cách điệu… người thợ phải vẽ thật tỉ mỉ trên nền sản phẩm, sau đó thêu từng cái một. Bên cạnh thêu tay, ngày nay người thợ thủ công còn có hình thức thêu máy. Ưu điểm của thêu máy là có thể thêu những mẫu đơn lẻ, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi chỉ cần một mẫu thêu trên một sản phẩm như: cờ, bảng tên học sinh, hoa văn trên áo..., nhưng dù thêu máy thì vẫn phải điều khiển bằng tay nên độ sắc sảo không cao và không thể thực hiện đơn đặt hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải cũng rất khó, vì vậy thợ thêu gần như phải đồng thời là thợ vẽ. Có thể nói, mỗi tác phẩm tranh thêu là sự kết hợp hài hoà sâu sắc giữa tâm hồn nghệ nhân thêu với hoạ sỹ sáng tác. Từ những mẫu vẽ của hoạ sỹ đã được chuyển giao đến một tâm hồn đồng cảm một nghệ nhân thêu. Ở đây, nghệ nhân đã sáng tạo nghệ thuật bằng chính tâm hồn mình. Cũng vì vậy, tranh thêu là một thứ ngôn ngữ, là nhịp cầu nối với người xem, bày tỏ những cảm xúc của nghệ nhân. Bằng những đường kim, mũi chỉ, nghệ nhân đã đưa vào bức tranh thêu đời sống nội tâm, những trăn trở đời thường đầy tính nhân văn, khiến bức tranh trở nên sinh động, có hồn như một thực thể biết nói. Chính vì lẽ đó, tranh thêu là một trong những mặt hàng rất được ưa chuộng hiện nay. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ Việt Nam đã đem đến cho bạn bè thế giới những hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người qua những bức tranh thêu.

Hiện nay, nghề thêu tranh đã có những bước đột phá mới. Kỹ thuật tranh thêu hai mặt là những bước đi đầy sáng tạo của tranh thêu. Tranh thêu hai mặt được thể hiện trên một chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm. Với kỹ thuật thêu mới này, để giữ được các chân chỉ, nghệ nhân phải hết sức tỷ mỷ, công phu, nên thời gian để hoàn tất bức tranh thêu hai mặt phải lâu gấp ba lần bức tranh thêu thông thường. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người ta không thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc, bởi những chân chỉ được nghệ nhân dấu vào chính giữa. Cũng vì lẽ đó mà khi xem bức tranh thêu hai mặt, ngưòi xem có cảm giác thoải mái, tâm hồn dịu lại, thoát khỏi những xô bồ trong cuộc sống thường nhật.

Nói đến tác phẩm nghệ thuật của mình, ngoài những bức tranh “sơn cảnh hũu tình”, với cây đa bến nước sân đình...., những nghệ nhân ở Quất Động vẫn cho rằng, trong các kiểu thêu thì thêu chân dung là cực kỳ khó, bởi vì ở đây, người thợ thêu phải làm thế nào mà khi người khác nhìn vào bức tranh thêu đó phải thấy cái thần thái của con người trong bức tranh, màu sắc tự nhiên, nét mặt nhân vật thể hiện rất sống động, vì thế mà đến bây giờ, chỉ duy nhất nghệ nhân của làng Quất Động mới thêu được những tác phẩm vô giá như vậy, phải chăng đó là bí quyết của làng nghề này mà không phải ở đâu cũng có được? Còn để thêu một cành hoa, một cánh bướm lượn, người thợ phải miệt mài hàng chục cho đến hàng trăm giờ bên khung thêu. Người thợ biết cách phối hợp màu sắc để cho những sinh vật trong tranh phải sống động như thật. Muốn như vậy, thì từ khi còn tấm bé, người thợ phải học cách cầm kim, xỏ chỉ sao cho đúng, học cách đâm mũi kim sao cho nhỏ chân, kéo chỉ vừa độ căng, chân chỉ phải bằng và mềm mượt, màu sắc khi phối phải thật hài hòa. Còn đối với các bức tranh chân dung, thì người cầm kim phải đạt đến trình độ nghệ nhân vì ngoài yếu tố kỹ thuật, người thợ còn cần tâm hồn nghệ sĩ để tạo nên sự kỳ diệu từ đôi bàn tay. Không chỉ vậy, họ còn có vốn hiểu biết về nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh để có thể tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ trong những bức chân dung của mình. Ngày nay, các sản phẩm thêu của làng đã đi khắp năm châu bốn bể, góp phần tô điểm và phong phú thêm cho nền văn hóa Việt. Những tác phẩm tuyệt vời ấy còn giúp cho cuộc sống của người làng Quất Động thêm no đủ, để họ yên tâm gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Hòa cùng dòng chảy của thời gian, những đường kim, mũi chỉ tinh hoa đã trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ dân làng Quất Động.

Làng nghề Quất Động từ nhiều năm nay đã được phong danh hiệu Làng nghề du lịch truyền thống. Điều hiếm gặp so với một số làng nghề truyền thống khác là làng thêu Quất Động có gần 100% lao động vẫn đang bám đuổi, sống chết với nghề của cha ông. Tại thời điểm này, làng nghề Quất Động có 497 hộ làm nghề thêu, với 1.043 lao động, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, với mức thu nhập không nhiều, nhưng người Quất Động vẫn theo nghề thêu vì lòng say mê và cũng là nghề “cha truyền con nối” trong làng. Phải thừa nhận một điều, ngoài việc biết pha màu chỉ để màu sắc của hình thêu sống động thì những người thợ thêu Quất Động còn có một tâm hồn nghệ sĩ, có tầm nhìn nghệ thuật và quan trọng là họ đều có “cốt” của nghề thêu mà không phải làng nghề nào cũng có. Vì vậy, những tác phẩm tranh thêu của Quất Động là những tác phẩm “thập toàn, thập mỹ”. Nghề thêu ở Quất Động được ví như một “di sản vật thể”, vì thế mà người dân Quất Động luôn có ý thức bảo vệ nghề truyền thống của mình. Nói đến làng nghề thêu Quất Động, không thể không nhắc đến các nghệ nhân tài hoa Tạ Văn Sở, Thái Văn Muôn...

Từ qui mô hộ gia đình, giờ đây Quất Động có tới hàng trăm cơ sở tư nhân, quy mô từ vài chục đến hàng trăm "cây kim". Người thợ thêu Quất Động không chỉ là những người thợ cần cù, tỉ mỉ mà họ còn là những người nghệ sỹ thực sự. Ngoài nghề thêu tay, làng Quất Động vẫn còn giữ cả nghề thêu ren. Hầu như gia đình nào trong xã cũng có người làm nghề thêu. Nhiều người làm ruộng khi thời vụ, còn lại thời gian dành cho nghề này. Người thợ Quất Động không những biết bảo tồn truyền thông làng nghề mà còn truyền nghề cho các vùng lân cận, nhằm đưa nghề thêu ngày càng phát triển trong thị trường. Tranh thêu của Quất Động đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới như: Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Tuy nhiên, với ngày công từ 20.000 - 30.000 đồng/người/ngày như hiện nay, nếu không được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thì nghề sẽ bị mai một dần. Có những bức thêu phải đầu tư mất vài ba chục, thậm chí hàng trăm ngày công, thế nhưng cuối cùng cũng chỉ bán được 500.000 - 1.000.000 đồng.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Để làm được điều đó, Quất Động đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại. Công lao là thế, gian truân là thế và hạnh phúc cũng là thế. Người thợ thêu Quất Động nào cũng rất tự hào khi tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Mặc dù, đời sống của người thợ thêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời.