Lập kế hoạch cao điểm kiểm soát, bình ổn thị trường trong phòng, chống dịch

Để bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, lực lượng QLTT cả nước triển khai các kế hoạch cao điểm trong kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, những mặt hàng trọng điểm.

Công tác phòng, chống dịch được tăng cường

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến 18h ngày 13/5, cả nước có tổng cộng 2.253 ca ghi nhận trong nước và 1.457 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 683 ca.

Trước bối cảnh này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công Thương, trong một cuộc họp giao ban đơn vị mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh đã yêu cầu Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn gắn với phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các Cục QLTT thuộc các tỉnh biên giới cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị, An Giang, Long An, Tây Ninh và Cần Thơ… Tổng cục trưởng đề nghị, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác chống buôn lậu, hàng giả.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, “không được phép xảy ra những vụ việc lớn về buôn lậu hàng, hàng giả, gian lận thương mại. Đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng trọng điểm như thiết bị y tế, thiết bị phòng chống dịch Covid-19, xăng dầu, mặt hàng đường, thép xây dựng”.

kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường
Cục QLTT Lạng Sơn vận động các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, thực phẩm ký cam kết bán hàng có hóa đơn, chứng từ; không đầu cơ tăng giá

Ông Đặng Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, Cục đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chỉ tính riêng từ ngày 22/4 đến 7/5, Cục đã kiểm tra, xử lý 61 vụ việc, số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 806 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là về giá, hàng nhập lậu, vi phạm về sở hữu trí tuệ…

Trên tuyến đường biên, những ngày đầu tháng 5/2021, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu giảm so với cuối tháng 4/2021 do các lực lượng trên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống xuất nhập cảnh.

“Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, Cục QLTT Lạng Sơn tăng cường quản lý địa bàn, tuyên truyền pháp luật, vận động các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, thực phẩm... ký cam kết, kinh doanh hàng hóa kinh doanh phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá, thực hiện niêm yết giá...", Cục trưởng Đặng Văn Ngọc thông tin và cho biết, thời gian tới, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh quản lý địa bàn, trao đổi thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các địa bàn trọng điểm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tương tự, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) cho biết, Cục đã lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các loại hàng hóa thiết yếu, nhất là trang thiết bị, vật tư y tế... dùng để phòng, chống dịch.

Song song đó, lực lượng QLTT Hà Nội cũng chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng QLTT Hà Nội ghi nhận, thị trường hàng hóa ổn định, không có biến động găm hàng, tăng giá, nhất là đối với trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT thành phố cũng nhấn mạnh, 4 tháng đầu năm, lực lượng QLTT Tp Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra chuyên ngành 1.274 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 21 tỷ đồng.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, lực lượng đã lên kế hoạch cao điểm, tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; phối hợp với các địa phương có đường biên kiểm soát việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Song song đó, lực lượng cũng căng mình, trực chiến tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố...

kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường
Cục QLTT Gia Lai kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Đối với địa bàn tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai thành lập 07 Đoàn kiểm tra. Trong đó Cục QLTT được giao làm Phó trưởng đoàn số 7 cùng với Giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán cà phê, các cơ sở kinh doanh, buôn bán vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ trên địa bàn thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Qua kiểm tra, đa số các cơ sở đều chấp hành và thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo phòng chống dịch và thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Không chỉ lực lượng QLTT ở Hà Nội, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai... dồn lực, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh, hiện nay, hầu hết Cục QLTT các địa phương đã huy động lực lượng tích cực tham gia công tác này và có những kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trọng tâm, trọng điểm.

Cần kế hoạch cao điểm kiểm soát, bình ổn thị trường

Ghi nhận những kết quả của lực lượng QLTT trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên biểu dương, kết quả này phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng QLTT cả nước trong công tác này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, việc tăng cường đảm bảo an toàn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu, lực lượng QLTT tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm.

Từ đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

phòng chống dịch covid-19
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, lực lượng QLTT cả nước triển khai các kế hoạch cao điểm trong kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, những mặt hàng trọng điểm

Đáng chú ý, Bộ trưởng Công Thương đặc biệt yêu cầu, lực lượng QLTT cả nước cần chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; chống thất thu thuế.

Song song đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tại trung ương và các địa phương, đặc biệt là khu vực biên giới để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu qua biên giới, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cao trách nhiệm người đứng đầu của mỗi cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh. "Các đồng chí Giám đốc Sở Công Thương, Cục trưởng Cục QLTT, người đứng đầu... sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, chính quyền, trước cấp trên trực tiếp về những nhiệm vụ trong phòng, chống đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

An Hạ