Lấy ý kiến một số chỉ tiêu thống kê logistics

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đăng tải Dự thảo “Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics” nhằm lấy ý kiến đóng góp của accs tổ chức, cá nhân.

Cơ sở hạ tầng

 Chiều dài đường bộ hiện có và năng lực tăng thêm

Chiều dài đường bộ hiện có là tổng chiều dài các loại đường bộ trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.

- Bao gồm:

+ Đường nhựa (bê tông nhựa, láng nhựa), bê tông xi măng, cấp phối, đá, gạch, đất, đường có mặt đường khác;

+ Cầu, hầm đường bộ, đường giao cắt, đường vượt.

- Không bao gồm đường mòn.

Năng lực tăng thêm đường bộ là số km chiều dài đường bộ, số mét dài cầu đường bộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

Chiều dài đường sắt hiện có và năng lực tăng thêm

Chiều dài đường sắt hiện có là tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt đang sử dụng, được tính bằng chiều dài của đường ray đang khai thác chạy tàu trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.

 - Bao gồm:

+ Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, trong đó đường sắt quốc gia được phân thành đường sắt truyền thống, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi, đường sắt chạy điện và đường lồng (bao gồm cả đường nhánh và đường ga);

+ Đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.  

- Không bao gồm đường sắt chuyên dùng (dùng cho mục đích du lịch, hầm mỏ, rừng hoặc phục vụ công nghiệp, nông nghiệp khác) mà không sử dụng cho mục đích công cộng.

Năng lực tăng thêm đường sắt là số km chiều dài đường sắt (chính tuyến, đường nhánh, đường ga), số mét dài cầu, hầm đường sắt được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

Năng lực khai thác hiện có và tăng thêm đường thủy nội địa

- Chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác là chiều dài mạng lưới luồng chạy tàu, thuyền thuộc đường thủy nội địa quốc gia được tổ chức quản lý, khai thác trong năm; bao gồm luồng chạy tàu trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, vụng, ven bờ biển, từ bờ ra đảo và nối các đảo thuộc nội thuỷ quốc gia.

   Do một số tuyến thủy nội địa nằm trên địa giới hành chính giữa hai hoặc nhiều tỉnh, thành phố nên việc thống kê chiều dài chia theo tỉnh/thành phố của một số tuyến bị trùng lặp.

- Số lượng cảng thủy nội địa: là số lượng cảng thủy nội địa hiện có trong kỳ báo cáo. Cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác; cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng. Cảng thủy nội địa bao gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng.

- Năng lực bốc xếp hiện có của cảng thủy nội địa: là khả năng xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng mà cảng có thể đảm nhận được trong năm báo cáo.

Năng lực bốc xếp hiện có được tính theo hai chỉ tiêu: năng lực bốc xếp theo thiết kế và năng lực bốc xếp thực tế.

- Năng lực tăng thêm đường thủy nội địa là số lượng hành khách, khối lượng hàng hoá thông qua cảng, bến thủy nội địa tăng thêm về công suất thiết kế so với trước khi có hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp cảng, bến, tuyến thủy nội địa và các hạng mục công trình đường thủy chủ yếu được xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong kỳ báo cáo.

Năng lực khai thác hiện có và tăng thêm hàng hải

- Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến hoặc rời đi để bốc xếp hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.

- Số lượng cảng biển là tổng số cảng biển được sử dụng chủ yếu cho mục đích thương mại.

- Chiều dài cầu cảng biển được tính bằng mét dài cầu cảng nơi neo đậu tàu thuyền để đón trả hành khách hoặc xếp dỡ hàng hoá.

- Năng lực tăng thêm đường biển là số lượng hành khách, khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng thêm về công suất thiết kế so với trước khi có hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo và chiều dài cầu cảng, đê biển, khối lượng chủ yếu các hạng mục công trình được xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoàn thành trong kỳ báo cáo.

Số lượng, năng lực vận chuyển của cảng hàng không

Số lượng cảng hàng không hiện có là số lượng cảng hàng không hiện có đến kỳ báo cáo. Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.

Năng lực vận chuyển hiện có của cảng hàng không là khả năng tiếp nhận tàu bay; đưa đón hành khách đi đến; bốc xếp giao nhận, bảo quản hàng hóa và thực hiện các dịch vụ khác của cảng hàng không hiện có trong kỳ, được tính theo năng lực thiết kế hoặc năng lực theo thực tế.

Năng lực vận chuyển mới tăng của cảng hàng không là năng lực vận chuyển mới tăng (tính theo thiết kế) của hệ thống cảng hàng không đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong kỳ, gồm năng lực mới tăng do nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không hiện có.

Số lượng cảng cạn

Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển (Điều 4 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam).

Số lượng cảng cạn là số lượng cảng cạn đã được cấp phép và hoạt động trên cả nước.

Số sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa

Số sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa là số lượng sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa riêng biệt, không tính thiết bị xử lý hành lý của hành khách.

Số lượng đại lý hải quan

Đại lý hải quan là những công ty chuyên làm dịch vụ hải quan theo hợp đồng đại lý. Họ đứng tên đại lý trên tờ khai hải quan, ký tên và đóng dấu của mình vào ô người khai hải quan, hoặc dùng chữ ký số của mình để truyền tờ khai.

Đại lý hải quan chịu trách nhiệm về các nội dung khai trên tờ khai hải quan trên cơ sở bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu do chủ hàng cung cấp và thực hiện đúng phạm vi được ủy quyền theo hợp đồng đại lý.

Số lượng kho ngoại quan

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

- Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, các khu kinh tế đặc biệt khác.

Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Số lượng trung tâm logistics

Trung tâm logistics là một khu vực nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics như kho bãi, văn phòng, khu vực xếp dỡ hàng,… Trung tâm logistics cần phải có và được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động và dịch vụ của trung tâm. Trung tâm logistics cần được kết nối với các phương thức vận tải khác nhau như đường ôtô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không,…

Số lượng kho lạnh

Số lượng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản là số kho lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản nhằm giữ cho hàng hóa được tươi lâu hơn, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm ban đầu.

Kho lạnh là một loại kho mà ở đó các kỹ sư chuyên ngành kho lạnh đã thiết kế sao cho phù hợp với đặc điểm của từng mặt hàng với mục đích bảo vệ và bảo quản sản phẩm một cách tốt nhất về lâu dài.

Kho lạnh không chỉ cần thiết cho doanh nghiệp, hợp tác xã khi thu mua nông sản, thủy sản mà còn để dự trữ nguồn hàng đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng.

Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông

Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông là tổng số vốn bỏ ra để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm:

- Vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý trong các văn bản giao kế hoạch vốn hàng năm và trung hạn.

- Vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế, các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công.

Phương tiện vận tải

Số lượng ô tô, xe mô máy

Số lượng xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là số lượng các loại xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tính đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, không đăng ký hoặc không đưa vào kiểm định.

Số đội tàu biển

- Số lượng tàu biển hiện có là số lượng tàu biển các loại chạy bằng động cơ có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; bao gồm tàu đang hoạt động, đang sửa chữa, đang thuê (thời hạn trên 1 năm), chưa dùng đến, hết niên hạn sử dụng; không bao gồm tàu đang cho thuê (thời hạn trên 1 năm), tàu cá và tàu phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Tổng dung tích của đội tàu biển (GT) là tổng dung tích theo đăng ký của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị GT.

- Tổng trọng tải của đội tàu biển (DWT) là tổng trọng tải theo đăng ký của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị tấn.

- Tổng công suất máy của đội tàu biển là tổng công suất máy chính, máy phụ của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị cheveaux (CV).

Số lượng phương tiện thuỷ nội địa

Phương tiện thuỷ nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa (Luật Giao thông đường thủy nội địa).

Số lượng phương tiện thuỷ nội địa hiện có là số lượng phương tiện thuỷ nội địa chạy bằng động cơ có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; bao gồm các phương tiện đang hoạt động, đang sửa chữa, chưa dùng đến; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng và các phương tiện phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Số lượng phương tiện thủy nội địa tham gia giao thông là số lượng phương tiện thủy nội địa hiện có tham gia giao thông trong kỳ, không phụ thuộc vào thời gian hoạt động; không bao gồm phương tiện do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Tổng trọng tải của phương tiện thủy nội địa (DWT) là tổng trọng tải theo đăng ký của các phương tiện thủy nội địa hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị tấn.

- Tổng công suất máy của phương tiện thủy nội địa là tổng công suất máy theo đăng ký của các phương tiện thủy nội địa hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị cheveaux (CV).

Số lượng tàu bay

Số lượng tàu bay là số lượng tàu bay thuộc quyền sở hữu và đi thuê (với thời gian tối thiểu 1 năm) của tổ chức, cá nhân Việt Nam; bao gồm các loại tàu bay đang hoạt động, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chờ điều đi, chờ thanh lý, không dùng đến, còn dự trữ chưa đưa vào hoạt động; không bao gồm số tàu bay cho nước ngoài thuê (thời hạn trên 1 năm), tàu bay hết niên hạn sử dụng và tàu bay quân sự.

Số lượng đầu máy, toa xe

Số lượng đầu máy, toa xe đường sắt là số lượng đầu máy, toa xe đường sắt đang lưu hành, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chưa dùng đến; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.

Hạ Long