Lịch sử 13 vụ rà soát chống bán phá giá, lần thứ 2 tôm Việt Nam nhận tin vui từ Mỹ

Đã rà soát chống bán phá giá tới 13 lần đối với tôm Việt Nam, nhưng đây mới là lần thứ 2 doanh nghiệp trong nước nhận lại kết quả tích cực. Điều này cho thấy tín hiệu đáng mừng trong công tác ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) cho giai đoạn rà soát từ 01/02/2017 – 31/01/2018 đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam.

Mức thuế cuối cùng dành cho 02 bị đơn bắt buộc (Công ty CP thực phẩm Sao TaCông ty CP Nha Trang Seafoods) trong đợt rà soát này đều ở mức 0%. Mức thuế suất riêng rẽ áp dụng cho các công ty còn lại không được chọn mẫu mà thỏa mãn điều kiện được hưởng thuế suất riêng rẽ (29 công ty) cũng ở mức 0%.

Mức thuế chống bán phá giá toàn quốc được giữ nguyên so với các đợt rà soát trước đó là 25,76% do không có bên liên quan nào đề nghị rà soát lại mức thuế này. Trong POR13, DOC sử dụng giá trị thay thế của Ấn Độ để xác định giá trị thông thường. 

Mức thuế cuối cùng nêu trên là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt khi tất cả các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ cũng nhận được mức thuế suất 0%.

Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hưởng thuế chống bán phá giá 0%
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hưởng thuế chống bán phá giá 0%

Trong 13 đợt rà soát tôm từ trước đến nay, đây là lần thứ 02 (sau POR7) DOC xác định các doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ không bán phá giá. Mức thuế 0% đối với tôm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang có diễn biến phức tạp.

Hiện nay, DOC đã khởi xướng rà soát hành chính lần thứ 14 (POR14) và đang trong quá trình nhận bản trả lời câu hỏi.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và phía Mỹ để xử lý các vấn đề liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.

Thy Thảo