TÓM TẮT:

Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường, hiện đại rất cần thiết có sự hợp tác, liên kết với nhiều tổ chức, cá nhân (gọi chung là các nhà) trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm cho nông dân theo nguyên tắc cùng có lợi. Bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số lý luận và thực tiễn liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La.

Từ khóa: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, liên kết, sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La.

1. Thực trạng liên kết các nhà trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La

Liên kết bốn nhà trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân (ND) với doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của Nhà nước, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa ND với nhau và giữa ND với các tổ chức kinh tế khác (Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước) là tất yếu trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa (NNHH) theo hướng bền vững. Việc hình thành các mối liên kết giữa ND, cũng như giữa ND với các DN, cơ sở chế biến, tạo thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quan trọng để phát triển bền vững nông nghiệp.

Mặc dù ngay từ năm 2014, UBND tỉnh có Quyết định số 3527/QĐ-UBND (ngày 23 tháng 12 năm 2014) về việc Phê duyệt Đề án triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa ND với các đối tác khác trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, có 13 dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nông sản kêu gọi đầu tư trực tiếp, gồm: Chè nguyên liệu (quy mô 6.000 ha); Cà phê (trồng mới 5.000 ha); Sản xuất giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp; Xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; Xây dựng nhà máy chế biến nông sản hàng hóa; Phát triển cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến; Phát triển sản xuất rau, hoa; Phát triển sản xuất quả an toàn; Đầu tư phát triển cá tầm xuất khẩu; Đầu tư trồng rừng sản xuất; Phát triển lâm sản ngoài gỗ; Phát triển vùng nguyên liệu mây, tre; Liên kết nâng cao chất lượng và tiêu thụ hoa, quả, rau. Tuy vậy, cho đến nay, hiệu quả của các Dự án còn rất hạn chế. Các DN nước ngoài chưa mặn mà đầu tư, các DN trong nước đầu tư rất khiêm tốn. Bởi vậy chủ yếu vẫn do ND thực hiện.

Về lý thuyết lợi ích từ mối liên kết 4 nhà trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, mối liên kết giữa Chủ nông hộ - nhà quản lí - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - nhà khoa học không nhiều, chủ yếu chỉ có ở các nông hộ nằm trong vùng nguyên liệu. Sơn La cũng là một tỉnh chậm có những vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến, thậm chí khi đã có nhà máy chế biến nhưng vùng nguyên liệu tập trung vẫn không hình thành được. Quan hệ giữa cơ sở sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến không được thiết lập trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích. Phần lớn các chủ nông hộ thường phải đi lên từ tích góp, lấy ngắn nuôi dài ở giai đoạn mới hình thành. Do đó, tuy có nhiều loại sản phẩm nhưng khối lượng không đáng kể.

Mối liên kết 4 nhà còn rất lỏng lẻo. Do đặc thù của sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên ND và DN thường không muốn phụ thuộc vào nhau sau khi ký hợp đồng nhưng đây lại là cơ sở pháp lý quan trọng bậc nhất để thực hiện và duy trì mối liên kết. Tình trạng “chạy trốn hợp đồng” giữa ND với DN và ngược lại diễn ra thường xuyên. Vai trò của các “nhà” chưa rõ ràng, đặc biệt là Nhà nước và DN, bởi ND là chủ thể thường bị động trong mối liên kết. Đó là nguyên nhân quan trọng làm cho niềm tin giữa các đối tác trong liên kết bị mai một.

Nhà nước là đầu mối thực hiện liên kết, đồng thời là cơ quan triển khai một số nội dung trong chuỗi liên kết. Nhà nước là cơ quan bảo đảm cho ND, DN, nhà khoa học về các điều kiện như đất đai, vốn, cơ sở hạ tầng, tổ chức và tiếp nối thị trường… Tuy nhiên, thực tế ở Sơn La cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DN, nhà khoa học, đặc biệt là ND chưa được nhiều.

Theo số liệu điều tra khảo sát của tác giả năm 2019, số lượng các nông hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ đạt 54% tổng số nông hộ điều tra. Ở nhiều nông hộ, diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số diện tích đất của các nông hộ. Tuy nhiên, giấy chứng nhận nông hộ (chủ yếu là trang trại) chưa có giá trị để các chủ nông hộ có thể thế chấp để vay vốn.

Muốn xây dựng chuồng trại, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, ngoài vấn đề đất đai thì vốn sản xuất luôn được đặt lên hàng đầu. Có vốn mới có thể đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống chuồng trại, mua sắm đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất và tiến hành sản xuất kinh doanh. Hầu hết các nông hộ trên địa bàn tỉnh cho rằng với số vốn hiện tại và vốn vay từ các tổ chức tín dụng không đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất của chủ nông hộ theo hình thức NNHH.

Các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La hàng năm chủ yếu hỗ trợ giống mới, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, hỗ trợ các loại vắc xin tiêm phòng gia súc.

Năm 2018, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 04/02/2018 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La, tuy nhiên mức hỗ trợ cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng/1 hộ. Cho đến nay, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện NNHH ở Sơn La được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi không nhiều; mức vay ít, khoảng 20 triệu đồng/NH, thời hạn vay vốn ngắn (6 tháng - 1 năm đáo hạn 1 lần). Vốn đầu tư của các cơ sở chủ yếu là vốn tự huy động của gia đình, chiếm tới 82,2% tổng vốn, vốn đi vay chỉ chiếm 17,8%. Vốn vay ngân hàng rất ít, chỉ chiếm 6,3% tổng vốn, do thời gian vay vốn ngắn và mức vay không nhiều.

Về cơ sở hạ tầng (Đường giao thông, Hệ thống điện, Hệ thống thủy lợi, Hệ thống chợ, Xử lý rác thải, Hệ thống thông tin) theo kết quả khảo sát của tác giả (2019) phần lớn chủ nông hộ được khảo sát đánh giá ở mức trung bình và yếu. Đặc biệt, các tiêu chí về hệ thống thủy lợi (5,36%), hệ thống điện (8,93%), xử lý rác thải (10,71%) đánh giá tốt. Điều đó chứng tỏ sự đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Sơn La chưa tốt. Đây rõ ràng đang là một trở ngại cho phát triển nền NNHH của tỉnh và hạn chế sự liên kết của các nhà trong nông nghiệp.

Về trình độ chuyên môn, các chủ nông hộ ở tỉnh Sơn La mới chủ yếu học hết phổ thông và tỷ lệ có trình độ chuyên môn rất thấp. Kết quả điều tra, khảo sát kinh tế NNHH Sơn La của tác giả cho thấy, đa số các chủ cơ sở đều chưa qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về quản lý, đàm phán, nắm bắt thông tin thị trường. Trong số chủ nông hộ được điều tra, có tới 48% chủ cơ sở chưa tốt nghiệp trung học phổ thông và chỉ có 2% đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Trong lúc đó, việc hỗ trợ của Nhà nước và các nhà khoa học đối với các chủ nông hộ chưa nhiều. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh tổ chức được 22 lớp tập huấn về công tác quản lý cho 1.700 chủ nông hộ. Ngoài ra, các huyện, các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, Hội nông dân, hội làm vườn,… cũng đã tổ chức một số lớp tập huấn và tham quan học tập mô hình kinh tế NNHH trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật nuôi trồng, lai ghép, chăm sóc thú y cho nhiều lao động tại các địa phương trong tỉnh. Bởi vậy, phần lớn các chủ nông hộ tự học hoặc thông qua trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Hiện nay, việc chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao được tỉnh tập trung chỉ đạo khá hiệu quả. Theo kết quả báo cáo, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 107 DN, HTX, hộ gia đình áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 496 ha cây trồng; 42 DN, HTX, hộ gia đình áp dụng nhà lưới, nhà màng, nhà kính cho 50,29 ha. Diện tích cây ăn quả ghép cải tạo bằng các giống mới, chất lượng cao (Xoài, Nhãn, Bơ, Cam, Bưởi,...) là 12.672 ha. Có 70 DN, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh. Diện tích cây trồng áp dụng VietGAP hoặc GAP khác hoặc các tiêu chuẩn khác: 9.962 ha. Chỉ tiêu đến năm 2020, tỉnh sẽ có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất rau an toàn Mộc Châu-Vân Hồ; vùng chè Mộc Châu-Vân Hồ; vùng sản xuất hoa Mộc Châu-Vân Hồ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các DN, nhất là các DN lớn. Phần lớn hộ ND không có điều kiện để tiếp cận công nghệ mới. Các nhà khoa học còn ít gắn kết với ND, vì điều kiện sản xuất phân tán, địa hình trắc trở, đầu tư hạn chế.

Sự liên kết giữa các nhà trong tiêu thụ nông sản còn mang tính tự phát. Phần lớn các vật tư (giống cây, con, phân bón, thuốc trừ sâu,…), máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ND mua qua các hộ kinh doanh dịch vụ (thương lái) hoặc tự sản xuất hay tìm kiếm trên thị trường. Một số nông hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hợp đồng với các DN về cung ứng thức ăn. Hợp đồng với các DN về nguồn đầu vào sẽ ổn định hơn, nông hộ có thể tạm ứng thức ăn gia súc, huy động được vốn của DN. Tuy nhiên, chỉ những nông hộ quy mô lớn mới có hợp đồng với DN, còn lại chủ yếu mua nguyên liệu đầu vào từ thương lái hoặc các hộ kinh doanh dịch vụ.

Sản phẩm đầu ra của các ND chủ yếu bán cho thương lái và bán tại chợ địa phương. Trừ sản phẩm trồng cây hàng năm và cây nguyên liệu giấy là các chủ nông hộ hợp đồng với DN chế biến. Sản phẩm hoa quả, gia súc, thủy sản chủ yếu tiêu thụ qua thương lái và tại chợ địa phương.

Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 39 chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn với diện tích 807 ha tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Thuận Châu; đang xây dựng 35 dự án cấp huyện, 04 dự án cấp tỉnh phát triển chuỗi giá trị sản phẩm quả gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; có 18 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Nông sản Sơn La đã được nhiều thị trường biết đến và chấp nhận. Ngoài thị trường trong nước, năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD sang thị trường 12 nước, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, UAE,…

Một số DN lớn đã mạnh dạn đầu tư và khá thành công tại Sơn La như: TH Truemilk, VinGroup, Viettel, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam,... Nhưng thực chất đây không hoàn toàn là mô hình liên kết. Phần lớn trong số họ là thuê đất của ND, sử dụng chính lao động của họ để sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Tóm lại, mối liên kết giữa các chủ nông hộ với nhau trên địa bàn tỉnh Sơn La hầu như không đáng kể. Các nông hộ chủ yếu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giống vật nuôi, cây trồng còn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất ít. Qua thực tiễn phỏng vấn, điều tra, nhiều chủ nông hộ muốn hợp tác sản xuất nhưng thiếu kinh nghiệm quản lí nên việc hợp tác không thành công, thậm chí còn nảy sinh mâu thuẫn trong chia sẻ quyền lợi và định hướng kinh doanh.

Một số nông hộ trồng chè và nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu có sự liên kết với nhau thông qua HTX dịch vụ. Tuy nhiên, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được hình thành, chưa có tổ chức để liên kết chặt chẽ.

2. Giải pháp đẩy mạnh liên kết bốn nhà trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Sơn La thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, ngày 28/02/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nghị quyết này quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La dành cho DN; HTX, liên hiệp HTX. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ đối với các đối tượng, dự án đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2020 và thay thế Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2018 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021. Các giải pháp chủ yếu:

Trước hết, về phía Nhà nước: Sớm hoàn thiện khung pháp lý, chủ trương chính sách liên quan đến việc cung ứng các điều kiện cần thiết cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Trong đó vấn đề quan trọng là hoàn thiện quy hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cầu vật nuôi, cây trồng, cơ cấu vùng sản xuất; khuyến khích và hỗ trợ ND dồn điền đổi thửa, sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ND; mở rộng chính sách tín dụng và các chương trình lồng ghép cho ND vay vốn, nhất là những nguồn vốn ưu đãi dành cho vùng có nhiều khó khăn; chính sách khuyến khích các DN mở rộng đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao; có nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các nhà khoa học mạnh dạn đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh… Nhà nước cần thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung cầu và mở rộng quy mô thị trường. Nhà nước sớm tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung theo “Cánh đồng lớn”, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

Thứ hai, về phía người ND và DN: Liên kết giữa các nông hộ, nhất là các nông hộ sản xuất cùng một loại sản phẩm ở vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn. Các nông hộ cần liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hiệp hội, các HTX.

Các nông hộ có thể liên kết, hợp tác theo nhiều hình thức phong phú khác nhau như cung cấp các sản phẩm đầu vào (giống cây, con), sản phẩm đầu ra của nông hộ này lại trở thành sản phẩm đầu vào của các nông hộ khác, như trường hợp các nông hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các nông hộ cũng có thể liên kết với nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để hình thành sự liên kết giữa các nông hộ một cách chặt chẽ, có hiệu quả, tổ chức hiệp hội kinh tế NNHH, hiệp hội ngành nghề của ND có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu trung gian kết nối giữa các hộ ND.

Mở rộng liên kết hộ ND với các DN chế biến, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các DN cần có phương thức mua bán đa dạng, nhằm tạo ra mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với từng chủ nông hộ, giúp nông hộ có thị trường ổn định, tăng thu nhập. Việc xác định giá sản phẩm cần tính đến giá đầu vụ, cuối vụ, cự li gần, cự li xa, đảm bảo người sản xuất cũng có lợi. DN nên thu mua sản phẩm theo chất lượng. Điều này sẽ khuyến khích các hộ ND chú trọng đầu tư về chất lượng sản phẩm.

Cơ chế chia sẻ, phân phối lợi nhuận hợp lí giữa DN và hộ ND có ý nghĩa quan trọng để xây dựng quan hệ bền vững. Cần chia sẻ cả những khó khăn giữa hộ ND sản xuất và DN chế biến, tránh những lúc khan hiếm nguyên liệu, chủ nông hộ bán sản phẩm đi nơi khác; còn những lúc giá sản phẩm xuống thấp, DN lại không thu mua hết nguyên liệu cho hộ ND. Thông thường, người sản xuất thường gặp thiệt hại nhiều hơn, nên cần có chính sách hỗ trợ, bảo hiểm sản xuất cho người ND khi mất mùa do thiên tai gây ra.

Để tăng cường mối quan hệ liên kết này, một mặt cần phát triển vùng nguyên liệu tập trung để cung cấp đủ sản phẩm cho DN chế biến, mặt khác cần có chính sách ưu đãi, thu hút các DN chế biến nông sản về đầu tư trên địa bàn vùng nguyên liệu, như: giảm thuế trong những năm đầu tiên, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống điện,…

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết giữa ngân hàng - doanh nghiệp - chủ nông hộ: Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số biện pháp như:

- Nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương trong nước để hình thành chuối liên kết: Ngân hàng - doanh nghiệp - Chủ nông hộ. Theo đó, ngân hàng cấp vốn cho các DN với lãi suất thấp, DN hỗ trợ hộ ND các loại vật tư nông nghiệp, thu mua, chế biến sản phẩm của hộ ND.

- Thực hiện hiệu quả chủ trương dồn điền đổi thửa, hạn chế tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp; giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân và các chủ nông hộ.

- Tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, nhất là cấp huyện trong việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, bảo lãnh cho các chủ nông hộ.

- Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ quan khoa học, các nhà khoa học trong việc phối hợp với DN và chủ nông hộ, thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh nông nghiệp.

- Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ quan khoa học, các nhà khoa học trong việc phối hợp với DN và chủ nông hộ, thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia như: DN liên kết với Nhà nước và ND; DN liên kết với DN và ND trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; DN liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và ND; ND liên kết với nhau và DN. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (2020). Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND, Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La  (ngày 28/02/2020).
  2. Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La (2016 - 2019). Tổng hợp Báo cáo tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2014). Quyết định số 3527/QĐ-UBND, Phê duyệt Đề án “triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các đối tác kinh tế khác trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La”. (ngày 23/12/2014).
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La (2018). Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND, Ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2018, (ngày 04/02/2018).
  5. Báo Ninh Bình. <http://baoninhbinh.org.vn/

 

THE 4-PARTY FARMING COOPERATIVE MODEL IN SON LA PROVINCE

HOANG THI DOI

Provincial Party Committee of Son La Province

ABSTRACT:

In order to develop agricultural production towards a modern market economy, it is necessary for different organizations and individuals (also known as parties) to cooperate with each other in the chains of production and consumption of agricultural products on the principle of mutual benefit. This article focuses on clarifying some theories and practices of 4-party farming cooperative model in Son La Province.

Keywords: Farmers, the state, scientists, entrepreneurs, link, agricultural production, Son La Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]