TÓM TẮT:

Quảng Bình là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngành Du lịch Quảng Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân ngành Du lịch Quảng Bình chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các điểm du lịch địa phương, khu vực và quốc tế. Bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng liên kết phát triển du lịch và đề xuất định hướng, giải pháp liên kết phát triển ngành Du lịch ở tỉnh Quảng Bình. 

Từ khóa: Du lịch bền vững, liên kết phát triển du lịch, du lịch Quảng Bình.

1. Đặt vấn đề

Quảng Bình là địa phương nằm ở trung điểm đất nước, có vị trí quan trọng trong tuyến đường huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông Tây, rất thuận lợi để mở rộng hợp tác, liên kết phát triển dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, Quảng Bình có hệ thống tài nguyên du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên, thắng cảnh nổi tiếng, như: di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được UNESCO hai lần vinh danh; Đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời... Quảng Bình còn là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hóa Bàu Tró; có nhiều di tích lịch sử, nhiều địa danh và nhiều danh nhân nổi tiếng… Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng và lợi thế trên, du lịch Quảng Bình trong những năm qua đã có sự phát triển đáng kể, khách du lịch đến Quảng Bình tăng nhanh, năm 2018 đạt trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 4.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2018 về lượt khách đạt trên 22% và về doanh thu du lịch đạt trên 25%. Thực tế cho thấy, mặc dù số lượt khách tăng nhưng thời gian lưu trú còn ngắn, trung bình 1,1 ngày/lượt khách và chi tiêu trung bình của khách thấp dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao; kinh doanh du lịch vẫn còn mang tính mùa vụ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là do sự phát triển du lịch còn đơn lẻ, manh mún thiếu sự liên kết giữa các điểm du lịch trong địa phương, khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó, bài viết nghiên cứu đánh giá thực trạng liên kết phát triển du lịch và đề xuất định hướng, giải pháp liên kết phát triển ngành Du lịch ở tỉnh Quảng Bình. 

2. Nội dung và kết quả nghiên cứu

2.1. Thực trạng phát triển du lịch Quảng Bình

Quảng Bình là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngành Du lịch Quảng Bình phát triển mạnh kể từ năm 2010 đến nay. Theo số liệu thực tế các năm và kế hoạch năm 2019, thể hiện qua Biểu đồ 1 ta thấy, tổng lượt khách giai đoạn 2010 - 2019 đạt 22.486.208 lượt, tăng 38,36 lần so với giai đoạn 1990 - 1999 và tăng 5,52 lần so với giai đoạn 2000 - 2009; về tổng thu từ khách du lịch, giai đoạn 2010 - 2019 đạt 24.558.715 triệu đồng, tăng 149,21 lần so với giai đoạn 1990 - 1999 và tăng 8,92 lần so với giai đoạn 2000 - 2009.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, số lượt khách và doanh thu du lịch tăng nhanh, nhất là từ năm 2014, số lượt khách tăng 3,2 lần so với năm 2010 và 2 lần so với năm 2013. Đến năm 2018, số khách du lịch đến Quảng Bình đạt trên 3,5 triệu lượt khách tăng so với năm 2014 chỉ 1,27 lần. Số lượt khách tăng, doanh thu từ du lịch cũng tăng nhanh, năm 2014 doanh thu du lịch tăng so với năm 2010 là 3,53 lần và năm 2018 doanh thu du lịch đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 gần 1,3 lần.

Để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của khách du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tỉnh Quảng Bình cũng có sự phát triển mạnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao cùng hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với khoảng 5.200 buồng và 10.200 giường. Về lữ hành, có hơn 40 đơn vị lữ hành đăng ký hoạt động, trong đó có 15 đơn vị lữ hành quốc tế và hơn 25 đơn vị lữ hành nội địa. Ngoài ra, Tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch, thương mại, dịch vụ cũng tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành với hình thức đại lý hoặc văn phòng đại diện. Bên cạnh đó, toàn Tỉnh hiện có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

2.2. Thực trạng liên kết phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình

Trong những năm gần đây, Quảng Bình đã hình thành một số mô hình liên kết và chương trình liên kết phát triển du lịch, nổi bật là các mô hình sau: (i) Mô hình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; (ii) Mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, (iii) Mô hình hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Savannakhet trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; (iv) Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Hàn Quốc và Quảng Bình; (v) Tuyến du lịch sinh thái nối Thái Lan, Lào và Việt Nam. Bên cạnh các mô hình liên kết, ngành Du lịch Quảng Bình còn xúc tiến thực hiện mở các đường bay quốc tế, như: Đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan) nhằm thực hiện các cơ hội hợp tác giữa Quảng Bình và các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam với Chiang Mai và các tỉnh phía Bắc Thái Lan; đường bay Đồng Hới - Cát Bi và chương trình khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình (famtrip) cho 45 doanh nghiệp du lịch đến từ các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định (từ ngày 29/4 - 02/05/2017). Các hãng hàng không của Việt Nam: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco đã chính thức khai thác các đường bay tại Quảng Bình. Tổng số khách du lịch nội địa và quốc tế thông qua Cảng Hàng không Đồng Hới đạt hơn 500.000 lượt, thời gian cao điểm đạt hơn 2.000 lượt khách/ngày, vượt công suất quy hoạch của Cảng Hàng không Đồng Hới.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến du lịch Quảng Bình ra thị trường quốc tế có sự chuyển biến lớn, đã chủ động phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Thái Lan, Hiệp hội Du lịch Chiang Mai, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh liên kết tổ chức giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Bình tại các nước Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Úc và các thị trường tiềm năng khác. Đặc biệt là việc tổ chức phát động thị trường khách du lịch tại Chiang Mai (Thái Lan), xúc tiến du lịch tại Vương quốc Anh, quảng bá qua khởi chiếu bộ phim bom tấn King Kong: Skull Island, quảng bá du lịch qua mạng xã hội, đón các đoàn báo chí, blogger quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Jetstar Pacific Airlines, Hiệp hội kinh doanh Du lịch Chiang Mai, Hiệp hội Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình “Quang Binh Talk show” giới thiệu quảng bá, du lịch Quảng Bình, đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiang Mai đến cộng đồng người nước ngoài và các cơ quan báo chí tại Chiang Mai; tham dự Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2018) và hội chợ Travex; phối hợp với Tổng cục Du lịch tham gia quảng bá và xúc tiến du lịch tại hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin. Bên cạnh đó, du lịch Quảng Bình đã tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch như “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”; tổ chức lễ hội hang động; tham gia tổ chức cuộc thi Hoa hậu hòa bình thế giới (Miss Grand International 2017),…

Thực tiễn các mô hình và chương trình liên kết du lịch ở Quảng Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng tính hiệu quả chưa cao, do các mô hình liên kết chưa thực hiện liên kết không gian lãnh thổ và liên kết liên ngành, chưa chú ý đến liên kết doanh nghiệp; chưa dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn về liên kết kinh tế vùng và liên kết du lịch, chưa hình thành chuỗi liên kết. Mặt khác, các mô hình và chương trình liên kết du lịch ở Quảng Bình chủ yếu tập trung liên kết về quảng bá, xúc tiến, nặng về hình thức, chủ yếu coi trọng việc đăng cai tổ chức sự kiện, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, về quy hoạch, về đầu tư… còn ít được coi trọng hoặc chưa thực hiện được. Chính vì vậy, Quảng Bình vẫn chưa liên kết được với các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng, tiểu vùng, nên chưa phát huy được thế mạnh du lịch từng tiểu vùng, thậm chí vẫn còn cạnh tranh lẫn nhau; tình trạng manh mún, trùng lắp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các địa phương trong tỉnh Quảng Bình chưa được thực hiện, chưa có sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng, người dân trong vùng du lịch.

2.3. Định hướng và giải pháp liên kết phát triển du lịch Quảng Bình

2.3.1. Định hướng liên kết phát triển du lịch Quảng Bình

Để liên kết phát triển du lịch Quảng Bình đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, cần xem xét xác định liên kết nhiều cấp độ, như: Liên kết giữa Quảng Bình với toàn khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; liên kết giữa Quảng Bình với các địa phương ở Việt Nam trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; liên kết tiểu vùng giữa Quảng Bình với các tỉnh Bắc miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Nghệ An; liên kết giữa Quảng Bình với 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây; liên kết giữa Quảng Bình với các Trung tâm Du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long và liên kết nội vùng giữa các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Về mặt tổ chức, để các mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả, cần thành lập Ban chỉ đạo các mô hình liên kết. Hình thức hoạt động chủ yếu của Ban chỉ đạo là xây dựng các chủ trương chiến lược lớn và định hướng phát triển du lịch, điều phối những vấn đề liên quan. Đối với liên kết giữa các địa phương nằm trên tuyến hành lang, cần xem xét cải cách thủ tục hành chính xuất nhập cảnh, tạo điều kiện cho du khách quốc tế từ Lào, Thái Lan, Myanmar có điều kiện thuận lợi nhất đến Quảng Bình và ngược lại. Như vậy, dòng khách quốc tế trong tương lai có khả năng sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay và hành lang du lịch sẽ được phát triển mạnh mẽ.

2.3.2. Giải pháp liên kết phát triển du lịch Quảng Bình

* Giải pháp liên kết vùng

Để thực hiện liên kết vùng, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp và cơ chế vận hành liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết ngoại vùng. Về nguyên tắc, cần xây dựng một bộ máy hoạt động theo cơ chế “mềm”, linh hoạt. Trong đó có bộ phận điều hành gồm lãnh đạo ngành Du lịch và các hiệp hội doanh nghiệp du lịch các địa phương. Để bộ máy vận hành có hiệu quả, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên kết (cơ chế hội nghị liên tỉnh, hội nghị định kỳ, cơ chế phối hợp giữa lãnh đạo ngành Du lịch và hiệp hội du lịch các tỉnh). Các địa phương trong thành phần liên kết cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng quỹ hoạt động cho các Ban chỉ đạo và Ban điều hành, đảm bảo các Ban hoạt động có hiệu quả. Nghiên cứu đổi mới cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo du lịch, trao nhiều quyền quyết định cho Ban chỉ đạo; phân cấp cho Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề về điều hành cụ thể, quản lý trực tiếp tài nguyên du lịch và phát triển du lịch theo quy hoạch ngành, phù hợp với quy hoạch du lịch chung của khu vực và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.

Đối với liên kết ngoại vùng theo định hướng ở trên, tỉnh Quảng Bình cần xem xét thực hiện liên kết có lộ trình, có tính chiến lược, đồng thời mang tính thiết thực. Xét theo điều kiện thuận lợi về đường Hàng không, hiện có tuyến đường bay Đồng Hới - Chiang Mai, tỉnh Quảng Bình cần tăng cường liên kết với tỉnh Chiang Mai của Thái Lan để phát triển các tour du lịch quốc tế đến với Quảng Bình và thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Thái Lan qua tuyến đường huyết Bắc - Nam như Yangon - Dawei, Chiang Mai - Bangkok. Đồng thời, xem xét liên kết xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch biển với các địa phương nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đồng - Tây của Lào, Thái Lan và Myanmar, trước mắt liên kết với các địa phương các thành phố lớn như Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Huế, Đà Nẵng. Đồng thời, xem xét đầu tư liên kết phát triển tuyến du lịch sinh thái qua đường 8, đường 12 để khai thác tuyến khác từ Lào, Thái Lan. Đối với vấn đề này, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan cần bàn bạc thống nhất, cho phép xe của Việt Nam và Thái Lan (bao gồm cả tay lái nghịch và tay lái thuận) được đi lại với nhau thông qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cửa khẩu Chút Mút; cho phép đầu tư và phối hợp đầu tư quốc tế với nước CHDCND Lào để liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô. Đối với liên kết giữa các địa phương ở Việt Nam, cần nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết hiện tại, như: mô hình 4 tỉnh “Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa”, mô hình 3 tỉnh “Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”. Đối với các mô hình liên kết này, cần xây dựng các tuyến điểm du lịch phù hợp, đảm bảo khai thác được lợi thế du lịch của các địa phương.

Đối với liên kết nội vùng, chính quyền địa phương và ngành Du lịch cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp để phát triển các tuyến điểm du lịch, đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch Quảng Bình. Trước mắt, cần có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch giữa Đồng Hới với các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và Quảng Trạch.

* Giải pháp liên kết ngành và tiểu ngành

Để thực hiện giải pháp này, tỉnh Quảng Bình cần phải coi trọng việc quy hoạch phát triển các ngành Giao thông, ngành Nông nghiệp, ngành Văn hóa và hệ thống cơ sở đào tạo gắn với ngành Du lịch. Thực tế, các ngành của tỉnh Quảng Bình đã được quy hoạch phát triển, nhưng trong quy hoạch không đề cập đến vấn đề liên kết với ngành du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới, cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải gắn với phát triển du lịch, dựa vào các cụm du lịch đã được quy hoạch, ngành Giao thông vận tải thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể và chi tiết mạng lưới giao thông. Tại các trung tâm du lịch và vùng đô thị như TP. Đồng Hới, Khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng,... cần sớm thiết lập các tuyến, điểm xe buýt nội thành Đồng Hới, các tuyến từ TP. Đồng Hới đến các điểm du lịch,… Đối với ngành Nông nghiệp, cần điều chỉnh quy hoạch phát triển trên cơ sở các điểm, vùng du lịch sinh thái, đảm bảo đủ và có chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy sản phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Đối với ngành Văn hóa cần xác định những cụm tuyến di sản văn hóa tiêu biểu có khả năng đưa vào khai thác du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư cho việc cải tạo, bảo tồn và gắn với phát triển du lịch. Mặt khác, để đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo du lịch, ngành Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển các làng nghề theo hướng liên kết phát triển du lịch, phát triển các mô hình “homestay và farmstay” trong một số làng nghề truyền thống điển hình nhằm tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú và thực hiện các kỹ thuật, công đoạn sản xuất sản phẩm.

* Giải pháp liên kết xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch Quảng Bình còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên tự nhiên là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động phong phú và du lịch biển nên thời gian lưu trú khách du lịch thấp. Vì vậy, cần phải nghiên cứu liên kết xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch có sự kết hợp du lịch biển, khám phá hang động, vườn quốc gia, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, tìm hiểu văn hóa cộng đồng địa phương tạo các tuyến du lịch với các sản phẩm đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Trong đó cần tập trung phát triển 2 trung tâm du lịch chính là TP. Đồng Hới và khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Mặt khác, Quảng Bình với các địa phương khu vực Miền Trung - Tây nguyên có địa hình cảnh quan tương đồng nên nhiều sản phẩm du lịch thường “na ná” nhau như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Vì vậy, trong các mô hình liên kết với các địa phương trong khu vực, cần nghiên cứu xây dựng sản phẩm chung cho các mô hình và sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Ở Quảng Bình, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động đa dạng, còn các sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa tộc người, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch thăm lại chiến trường xưa,… cần có sự liên kết với các địa phương như Quảng Trị, Hà Tĩnh,…

* Giải pháp liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị kinh doanh du lịch. Trong đó, xác định sự liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch tỉnh Quảng Bình với các đơn vị kinh doanh du lịch ngoại vùng và sự liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh Quảng Bình với nhau. Qua đó, xây dựng mô hình liên kết, tạo sự gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết giữa các hoạt động: kinh doanh vận chuyển, kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành để cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, với chi phí thấp cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch liên kết với các tiểu vùng và các địa phương trong các hoạt động du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị cho khách hàng. Thiết lập mối liên kết với những nền tảng kinh tế quan trọng như cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư và tài nguyên môi trường cho sự phát triển bền vững.

* Giải pháp liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

Để phát triển các mô hình liên kết nội vùng, ngoại vùng và đảm bảo các mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả, cần coi trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó, các địa phương nằm trong mô hình liên kết cần thực hiện quảng bá chung. Nhờ quảng bá chung, các địa phương trong mô hình liên kết sẽ tạo ra hiệu quả hơn trong công tác quảng bá, xúc tiến, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Ðối với khách quốc tế, nên hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả mô hình. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh, như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kết luận

Liên kết phát triển du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Bình, nhằm khai thác lợi thế tiềm năng, đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực trạng liên kết phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình thời gian qua chưa hiệu quả, chưa thực hiện liên kết không gian lãnh thổ và liên kết liên ngành, chưa chú ý đến liên kết doanh nghiệp, chưa hình thành chuỗi liên kết… Mặt khác, các mô hình và chương trình liên kết du lịch chủ yếu tập trung về quảng bá, xúc tiến, nặng về hình thức, coi trọng đăng cai tổ chức sự kiện, chưa thực sự chú ý đến giám sát, điều hành thực thi các nội dung liên kết; các nội dung liên kết về xây dựng sản phẩm đặc thù, về đào tạo nguồn nhân lực, về quy hoạch, về đầu tư… còn ít được coi trọng. Trên cơ sở đó, bài viết đề ra các giải pháp: liên kết vùng, liên ngành và tiểu ngành, liên kết xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh du lịch, liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Huân (2012), Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn.
  2. Phạm Trung Lương (2016), Một số vấn đề cần quan tâm trong liên kết phát triển vùng du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ”, tháng 2 năm 2016.
  3. Trần Hữu Sơn (2016), Về cơ chế liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 382, trang 45.
  4. UBND tỉnh Phú Yên, Tổ điều phối vùng các tỉnh Duyên hải miền Trung (2017), Báo cáo hội thảo liên kết phát triển du lịch các tỉnh Duyên hải Miền Trung.
  5. Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình (2019), Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động du lịch từ năm 1990 đến năm 2018, kế hoạch năm 2019.

Tourism development linkages of Quang Binh Province

Ph.D Tran Tu Luc

Quang Binh University

Abstract:

Although Quang Binh Province has many advantages for tourism development, its tourism sector is at a level below that commensurate with its potential. One of many reasons for this issue is that Quang Binh Province does not establish close linkages between local, region and global tourism destinations. This study is to evaluate the current situation of tourism development linkages in Quang Binh Province, and propose orientations and solutions for developing the province’s tourism industry.

Keywords: Sustainable tourism, tourism development linkages, Quang Binh province’s tourism.