TÓM TẮT:

Liên kết phát triển du lịch sinh thái (DLST) là một trong những giải pháp trọng tâm để thu hút và đẩy mạnh thị trường nội địa. Để thu hút khách, các địa phương phải liên kết, hình thành liên minh kích cầu với những sản phẩm mới, chất lượng. Ở Đồng Nai - vùng đất có rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, các hoạt động liên kết vùng trong du lịch cũng đã được triển khai và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác lợi thế trên chưa thật sự tương xứng với tiềm năng sẵn có, nguyên nhân chính là do từng địa phương phát triển chủ yếu dựa vào nội lực của mình. Bên cạnh đó, với sự ảnh hưởng khó lường của đại dịch Covid-19 làm cho các địa phương cũng còn nhiều lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp để ứng phó phát triển du lịch. Bài viết tập trung vào phân tích thực trạng, từ đó đề xuất một số khuyến nghị để liên kết, phối hợp giữa các địa phương nhằm khai thác tiềm năng du lịch đặc thù của từng địa phương.

Từ khóa: Liên kết vùng, du lịch sinh thái, phát triển, Covid-19, kinh tế, du lịch.

1. Đặt vấn đề

Đồng Nai là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Được đánh giá là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, đa dạng để liên kết và phát triển các loại hình DLST, giúp địa phương trong vùng mở rộng không gian kinh tế, tăng cường giao lưu văn hóa, xã hội. Cùng với thế mạnh về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, đường lối phát triển tốt, trong những năm gần đây hoạt động du lịch của Đồng Nai đã đạt được một số thành tựu đáng kể và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2019, tổng số lượt khách đạt 4,4 triệu lượt, tăng 13,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt xấp xỉ 1.607 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ [1].

Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Nguyên nhân chính là do từng địa phương phát triển đơn lẻ, chủ yếu dựa trên nội lực của chính mình, tính liên kết giữa các địa phương với nhau còn hạn chế. Chính sách đầu tư và thu hút đầu tư của mỗi địa phương có thể mang lại lợi ích trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn chính sách này có thể không hiệu quả vì sự phân tán các nguồn lực do thiếu việc liên kết vùng… Bài viết tập trung phân tích thực trạng và tìm ra những nguyên nhân tại sao liên kết trong phát triển DLST của các địa phương còn hạn chế. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị để giúp cho Đồng Nai trở thành trung tâm du lịch sinh thái hàng đầu cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để nâng cao năng lực cạnh tranh, kích cầu du lịch hậu covid-19.

2. Những tiềm năng để liên kết trong phát triển DLST tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế năng động nhất cả nước là Đông Nam Bộ. Có diện tích là 5.903,940 km2, dân số là 3,1 triệu người (năm 2019) [2]. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng với đường lối phát triển du lịch chiến lược, đã và đang làm thay da đổi thịt vùng đất Đồng Nai, biến nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước, cùng những dự án du lịch tầm cỡ quốc gia, khu vực đã và đang được quan tâm đầu tư.

Bảng 1. Top 10 địa điểm DL hấp dẫn tại Đồng Nai

top_10_dia_diem_dl_hap_dan_tai_dong_nai

Nguồn: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai [2]

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Tỉnh năm 2020, Đồng Nai có: 120 cơ sở lưu trú với khoảng 3.000 phòng đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách; có 28 doanh nghiệp DL; Có 21 điểm DL đang hoạt động với nhiều loại hình DLST, DL thể thao, vui chơi giải trí; Có tổng cộng 57 di tích được Nhà nước xếp hạng (trong đó có: 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp Tỉnh) [3]. Đồng Nai nằm ở phía Đông Nam bán đảo Đông Dương, trên đường giao lưu của nhiều tộc người từng qua lại từ thời tiền sử nên Đồng Nai hiện nay có khoảng 41 dân tộc ít người sinh sống như Hoa, Nùng, Châu Ro, Khmer, Kơho, Stiêng… Mỗi dân tộc đều có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng, cùng chung sống đoàn kết thuận hòa trên vùng đất Đồng Nai. Bên cạnh đó, nghề, làng nghề truyền thống cũng là một trong những nét đặc trưng của mỗi địa phương và hiện đang được Tỉnh chủ trương bảo tồn, và phát triển song song với phát triển DLST như: Làng Trồng bưởi (Huyện Vĩnh Cửu); Chế tác đá (Thành phố Biên Hòa); Gỗ mỹ nghệ (Huyện Trảng Bom).

Lễ hội truyền thống ở Đồng Nai rất phong phú và đa dạng: Lễ hội Kỳ Yên, lễ hội cúng Bà, các nghi thức trong lễ hội cúng đình, cúng miếu vốn trước đây bị mai một nay được phục dựng, bảo tồn tại chỗ và lồng ghép với hoạt động DLST. Đây là những nét sinh hoạt văn hóa, là tinh hoa của các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mang tính đặc thù rất cao thích hợp để tạo ra những sản phẩm DL độc đáo, đặc sắc của Tỉnh. Vào đầu năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh đã phối hợp với VNPT Đồng Nai triển khai thực hiện Giải pháp DL thông minh cho Tỉnh gồm: cổng thông tin DL tỉnh Đồng Nai tại địa chỉ http://mydongnai.vn, ứng dụng DL thông minh trên smartphone (Dongnai Tourism) và hệ thống quản lý lưu trú,... nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến DL tỉnh Đồng Nai qua mạng Internet, hình thành hệ sinh thái DL thông minh.

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn là tỉnh có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào có khả năng đào tạo phát triển trình độ chuyên môn cao. Số dân trong tuổi lao động trên địa bàn tỉnh hiện chiếm hơn 58,1% tổng số dân (khoảng 1,8/ 3,1 triệu người) [5]. Ngoài ra, Đồng Nai có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, thời tiết chỉ có hai mùa nắng mưa, ít có thiên tai diễn biến bất thường. Hệ thống giao thông thuận lợi có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, cảng biển, gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong tương lai, phát triển sân bay quốc tế Long Thành tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế tiếp cận trực tiếp với Tỉnh Đồng Nai đầu tiên khi đến Việt Nam.

3. Những thách thức, khó khăn trong liên kết phát triển DLST tỉnh Đồng Nai

Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết trong phát triển DLST tỉnh Đồng Nai còn tồn tại rất nhiều bất cập, vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân chủ yếu do:

Một là, thiếu sự liên kết giữa các đơn vị trong việc kết nối phát triển các tuyến, điểm du lịch của tỉnh dẫn tới có nhiều điểm DLST rất đông khách và ngược lại có những điểm cực kỳ thưa thớt khách tham quan. Bên cạnh đó, các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh chưa là cầu nối để kết nối, xây dựng được các chương trình du lịch, đưa du khách ở các địa phương khác về Tỉnh. Sự phối hợp, liên kết ở các sở, ban ngành liên quan trong công tác xúc tiến du lịch còn tồn tại nhiều hạn chế.

Hai là, sản phẩm DLST đơn điệu nghèo nàn chủ yếu dựa vào du lịch lễ hội hoặc thăm quan các di tích là chủ yếu, kết hợp với dịch vụ như ăn uống và nghỉ dưỡng. Thiếu những sản phẩm DLST và dịch vụ cao cấp, độc đáo có chất lượng và uy tín trên thị trường. Các điểm, khu DL trên địa bàn được xây dựng một cách rập khuôn và máy móc thiếu tính sáng tạo gây nên sự nhàm chán cho khách du lịch. Không khai thác các thế mạnh tự nhiên, văn hóa - xã hội cũng như quan hệ cung - cầu. Từ đó, dẫn đến bức tranh về DLST của Đồng Nai trở nên manh mún, rời rạc, kém hiệu quả. Các sản phẩm DLST khác phần lớn chưa đúng với bản chất của DLST, trong đó phổ biến là thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng”. Vì vậy chưa xây dựng được ‘thương hiệu” DLST của tỉnh.

Ba là, muốn phát triển được loại hình DLST đòi hỏi phải có được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao mới có có đủ kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ, kinh tế, lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội... để phục vụ đối tượng khách có trình độ du lịch cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, năm 2018, số nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực du lịch của tỉnh là 5.586 người, trong đó chỉ có hơn 32% là được đào tạo bài bản [3]. Hơn 70% doanh nghiệp ngành Du lịch tỉnh bị thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, và phải sử dụng lao động không đúng tầm một số vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

Bốn là, cơ sở hạ tầng để phát triển DLST tại Tỉnh còn rất nghèo nàn. Hệ thống giao thông vào các điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư tốt nên các công ty lữ hành rất khó kết nối tạo thành các tour. Vì phần lớn các điểm di tích lịch sử, văn hóa có giá trị thường nằm trong khu dân cư đông đúc, đường giao thông chật hẹp, trong khi các dự án mở đường phục vụ cho phát triển du lịch chưa được triển khai nên gây khó khăn rất lớn cho việc quy hoạch, phát triển du lịch. Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn, trong khi chưa có một cơ chế đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư vào du lịch.

Năm là, không có đủ kinh phí cho việc quản lý, tu bổ các điểm du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa. Có nhiều nơi thì khai thác tràn lan dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững đang là khâu yếu nhất. Các làng nghề truyền thống thì ngày càng mai một, chỉ còn hoạt động từng nhóm nhỏ chủ yếu duy trì dưới hình thức kinh tế hộ gia đình. Ngày càng nhiều người rời làng nghề để tìm những công việc khác có thu nhập cao hơn, dẫn đến việc số lượng người có tay nghề và gắn bó với nghề không nhiều... Các lễ hội vẫn tổ chức thường xuyên, nhưng quy mô nhỏ lại cắt bỏ đi nhiều nghi lễ quan trọng, những nét đặc trưng văn hóa phi vật thể đã bị mai một dần.

Sáu là, công tác xúc tiến quảng bá DLST của Đồng Nai chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh, nhận diện của DL Đồng Nai chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bà Nà Hills thì người ta hình dung ra Đà Nẵng…[6] Còn nói về Đồng Nai, du khách thực sự chưa hình dung được nơi đây có sản phẩm đặc sắc gì. Bản thân một số người dân bản địa khi được hỏi về những điểm, khu DL tại Đồng Nai, có nhiều người còn không biết là ở đây có những sản phẩm du lịch như vậy. Bên cạnh đó, Đồng Nai lại nằm cạnh Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch nổi tiếng và có sự chuyên môn hóa cao trong việc phát triển DLST từ trước đến nay nên chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, đòi hỏi sản phẩm du lịch của tỉnh phải có được tính độc đáo và mới lạ hơn mới thu hút được nhiều du khách.

4. Đề xuất khuyến nghị cho liên kết phát triển du lịch sinh thái Đồng Nai hậu covid-19

Một là, cần liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong tỉnh để phát triển DLST, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không ranh giới địa lý, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sẽ phát huy lợi thế và mở rộng thị trường cho nhau. Bên cạnh đó, cần phối hợp trong huy động vốn đầu tư phát triển du lịch từ các thành phần kinh tế, lập kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đòi hỏi Thành phố Biên Hòa phải đóng vai trò trung tâm và đi trước một bước, làm cơ sở cho các địa phương khác phối hợp xây dựng để đảm bảo nhất quán.

Hai là, đầu tư xây dựng các sản phẩm DL độc đáo, có sức thu hút cao, ấn tượng, đa dạng ở từng địa phương và liên kết cả vùng để không bị trùng lặp như: Phát triển sản phẩm DLST cuội nguồn; Khai thác sản phẩm DLST dọc sông Đồng Nai kết hợp tham quan các di tích. Bảo tồn và phát triển sản phẩm lễ hội du lịch, tín ngưỡng, văn hóa. Mỗi khu vực sản xuất trong các làng nghề nên có phòng trưng bày hoặc bảo tàng nhỏ để giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm đơn giản sẽ khêu gợi tính tò mò và tăng thêm phần giá trị.

Ba là, để đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp. Tỉnh cần xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn cụ thể làm căn cứ để phát hiện, lựa chọn, đào tạo. Tăng thời lượng học thực hành, đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho người học. Với lực lượng nghệ nhân tại các làng nghề cần phải có chính sách sử dụng lao động và đãi ngộ thỏa đáng, tổ chức các khóa học bồi dưỡng các kiến thức về sản phẩm và lịch sử ngành nghề để họ sẵn sàng trả lời câu hỏi của du khách quan tâm. Chính những “hướng dẫn viên du lịch” - những người thợ - sẽ thích hợp nhất để dẫn dắt khách tham quan thông qua những hiểu biết sâu sắc của bản thân về nghề nghiệp và lịch sử làng quê.

Bốn là, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch của tỉnh cho các khu, điểm du lịch làm đòn bẩy thu hút vốn các thành phần kinh tế khác đầu tư vào sản phẩm du lịch, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Nghiên cứu áp dụng giải pháp “đổi đất lấy hạ tầng” và đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư, để mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển. Đưa ra những giải pháp linh động tối đa các nguồn vốn, ban hành các quy định ưu đãi về đầu tư như: ưu tiên giải phóng mặt bằng, giảm giá cho thuê đất, miễn giảm các loại thuế trong một khoảng thời gian nhất định để các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì dịch covid-19.

Năm là, tăng cường công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, các hạng mục đã bị xuống cấp và xây dựng các hạng mục đã bị phá hủy. Đặc trưng cơ bản của tài nguyên du lịch là dễ bị tổn hại trước tác động của con người và thiên nhiên, khó khôi phục lại được giá trị ban đầu. Do đó trước hết cần có ý thức bảo vệ các di tích văn hóa ở địa phương mình, triển khai có hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm ngay trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO, từ đó sẽ làm cho những giá trị văn hóa này được phục hồi và sống lại.

Sáu là, tuyên truyền quảng cáo cho các tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Huy động vốn của các doanh nghiệp DL và vốn ngân sách của Tỉnh cho công tác quảng cáo các sản phẩm DL đặc thù, bằng các loại hình như: Xuất bản tờ rơi, sách mỏng, băng hình, truyền hình, triển lãm, hội chợ, quảng cáo trên mạng xã hội, củng cố thêm về hệ thống du lịch thông minh, ứng dụng Dong Nai Tourism và Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

5. Kết luận

Liên kết phát triển DLST của Đồng Nai trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, mang lại lợi ích to lớn về mặt văn hóa - xã hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của các vùng miền, thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý ngành Du lịch cũng như các địa phương. Thế nhưng hoạt động liên kết này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan và bởi những xung đột về lợi ích của từng vùng. Trong tương lai, để công tác liên kết vùng này đạt được hiệu quả cao cần phải có sự đồng thuận rất lớn từ các địa phương để có các chính sách phát triển hài hòa giữa lợi tích kinh tế - xã hội của các bên tham gia, góp phần xây dựng thương hiệu DLST tỉnh Đồng Nai đến với du khách trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai (2019), Báo cáo tổng kết từ năm 2013 đến năm 2019.
  2. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai (2018), Báo cáo tổng kết từ năm 2013 đến năm 2018.
  3. Phạm Thị Hồng Tân, Huỳnh Thị Kim Phượng (2019). Đẩy mạnh hợp tác liên kết du lịch cụm các tỉnh phía tây vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí khoa học Cần Thơ.
  4. Phạm Thị Lý (2019), Liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong phát triển du lịch, NXB Kinh tế - TP Hồ Chí Minh.
  5. Hoàng An Quốc, Nguyễn Văn Trọn (2019). Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch - Giải pháp đột phá để phát triển bền vững du lịch tỉnh Đồng Nai. NXB Kinh tế - TP. Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Thị Thảo Nguyên (2019), Phát triển du lịch sinh thái tỉnh Đồng Nai, Kỷ yếu hội thảo khoa học cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai trong hội nhập quốc tế, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

 

REGIONAL ECOTOURISM LINKAGES - A SOLUTION FOR

DONG NAI PROVINCE’S TOURISM DEVELOPMENT

IN THE POST-COVID-19 PERIOD

Master. TRAN THU HUONG

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

Domestic tourists are playing an important role in the development of tourism industry. Developing regional ecotourism linkages and new interesting tourism products are key solutions to attract domestic tourists. Dong Nai Province with many strengths for ecotourism has boosted the regional ecotourism linkages and achieved many encouraging results. However, these achievements are not commensurate with provincial potential. The main reason is that each region has developed tourism products based on its own internal strengths. In addition, some localities do not have effective solutions to overcome difficulties brought by the Covid-19 pandemic. This paper analyzes the current situation of regional tourism linkages and proposes some solutions to promote the tourism sector.

Keywords: regional linkages, ecotourism, development, Covid-19, economy, tourism.