Liên minh kiểm soát dầu thô OPEC - Nga tan vỡ, giá dầu thô có thể về mức 30 USD/thùng

Giá dầu thô đã sụt giảm mạnh sau khi Nga từ chối không đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác như đề xuất của khối OPEC. Giới phân tích cảnh báo, giá dầu thô có thể giảm mạnh xuống chỉ còn 30 USD/thùng trong thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/3, giá dầu thô Brent đã giảm 4,72 USD tương ứng 9,4% (mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 12/2008), xuống mức 45,27 USD/thùng – mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 6/2017.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm mạnh 4,61 USD tương ứng 10,1% (mức giảm theo ngày cao nhất kể từ tháng 11/2014), xuống mức 41,28 USD/thùng – mức chốt phiên thấp nhất kể từ tháng 8/2016.

Giá dầu thô giảm mạnh ngay sau khi 14 quốc gia thành viên khối OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh, gồm Nga (khối OPEC+) kết thúc cuộc họp định kỳ mà không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Đáng chú ý, Nga – nước có sản lượng khai thác dầu thô trong số các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh của khối OPEC đã từ chối đề xuất đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hơn nữa trong bối cảnh tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm hơn 30% trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng cho biết, với việc từ chối đề xuất cắt giảm sản lượng, kể từ ngày 1/4/2020, các quốc gia khối OPEC+ sẽ không còn chịu bất kỳ quy định cắt giảm sản lượng khai thác nào và được khai thác “tuỳ ý”.  

Bộ trưởng Năng lượng Nga và Ả-rập Xê-út

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid Bin Abdulaziz Al-Falih và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tại một cuộc họp báo tại Vienna, Áo (Ảnh: Bloomberg)

Trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, trong tháng 12/2019, khối OPEC+ đã thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp. Giá dầu thô tăng mạnh lên mức 69 USD/thùng vào tháng 1/2020. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào cuối tháng 1/2020, mức cắt giảm này đã không đủ hỗ trợ giá dầu thô và buộc khối OPEC+ phải cân nhắc cắt giảm sản lượng khai thác mạnh hơn nữa.

Quyết định từ chối cắt giảm sản lượng của Nga cũng đánh dấu chấm dứt 3 năm hợp tác kiểm soát thị trường dầu thô giữa nước này và Ả-rập Xê-út – quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC.

Trước đó, thị trường kỳ vọng khối OPEC+ sẽ đạt được thoả thuận sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 1,5 triệu thùng/ngày – mức cắt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm kìm hãm “đà rơi tự do” của giá dầu thô.

OPEC đã đề xuất các nước thành viên thuộc khối này sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày và các quốc gia đồng minh, dẫn đầu là Nga, sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Một số chuyên gia nhận định, Ả-rập Xê-út không muốn chịu trách nhiệm chính trong việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu thô khi các số liệu mới nhất cho thấy nước này đã chủ động cắt giảm hơn 10% sản lượng trong thời gian gần đây.

Giá dầu thô sụp đổ

Kể từ đầu tháng 2/2020, khi dịch virus Covid-19 mới chủ yếu bùng phát tại Trung Quốc, Ả-rập Xê-út đã liên tục gia tăng sức ép để thuyết phục Nga đồng ý việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng. Hầu hết các quốc gia thuộc khối OPEC đang gặp thách thức lớn trong cân đối ngân sách khi giá dầu thô hiện chỉ đạt khoảng 50 USD/thùng.

Theo tính toán của một số nhà phân tích, Ả-rập Xê-út cần giữ giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng để đảm bảo ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, trong ngày 5/3 – ngay trước ngày diễn ra cuộc họp của khối OPEC+, Bộ trưởng tài chính Nga cho biết nước này sẽ vẫn đứng vững nếu giá dầu thô giảm về mốc 40 USD/thùng.

Kết thúc phiên họp ngày 6/3, Tổng thư ký khối OPEC Mohammad Barkindo nhấn mạnh mặc dù chưa đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng nhưng sẽ có nhiều cuộc họp không chính thức khác trong thời gian tới để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng để kiểm soát giá dầu thô.

Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại sự tan vỡ giữa liên minh kiểm soát giá dầu thô OPEC – Nga có thể khiến Nga và Ả-rập Xê-út rơi vào thế đối đầu như đã từng xảy ra và khiến giá dầu thô sụp đổ. Hồi năm 2014, Ả-rập Xê-út và Nga liên tục đẩy mạnh nâng sản lượng khai thác nhằm cạnh tranh thị phần của nhau cũng như cạnh tranh với ngành công nghiệp khai thác dầu đà phiến của Hoa Kỳ. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cảnh báo giá dầu thô có thể lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 45 USD/thùng kể từ năm 2016.

Theo tính toán của Gary Ross, người sáng lập quỹ quản lý đầu tư năng lượng Black Gold Investors, nếu như các nước không đạt được thoả thuận cắt giảm và Ả-rập Xê-út khôi phục toàn bộ mức khai thác thì giá dầu thô có thể giảm xuống còn 25 USD – 30 USD/thùng. Hầu hết ngân sách quốc gia các nước thành viên khối OPEC đều gặp khó khăn khi giá dầu thô ở ngưỡng 50 USD/thùng như hiện nay.

Sự bùng phát nhanh của dịch virus Covid-19 tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, khu vực Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2009.

Quang Đặng