giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 20/9 - 19/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 17/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã giảm 0,6% xuống mức 84,33 USD/thùng; trong phiên giao dịch đã có lúc giá dầu thô đạt tới 86,04 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 tăng 0,19% lên 82,44 USD/thùng; mức giá cao nhất trong phiên giao dịch là 83,87 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ trong tháng 9 vừa qua đã sụt giảm tới 1,3% dưới tác động tiêu cực của siêu bão Ida. Mức sụt giảm này lớn hơn nhiều so với dự báo của thị trường và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ hồi tháng 2/2021 trở lại đây. Điều này đã khiến tâm lý giới đầu tư lo ngại sự suy yếu trong các hoạt động sản xuất chế tạo sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô không tăng mạnh như kỳ vọng.

Chuyên gia kinh tế Daniel Silver thuộc tập đoàn ngân hàng J.P.Morgan (Hoa Kỳ) nhận định sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất chế tạo còn cho thấy rằng các nút thắt trong chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất.

Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn đang trong xu hướng tăng giá cao kỷ lục khi nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu phục hồi mạnh và nguồn cung ở mức thấp. Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết một số thành viên trong liên minh OPEC+ như Angola và Nigeria đang không đạt mục tiêu nâng sản lượng khai thác như đã đề ra trong tháng 9/2021 do thiếu hụt vốn đầu tư và các vấn đề về bảo trì cơ sở khai thác.

Trong tháng 9 vừa qua, liên minh OPEC+ đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày so với hồi tháng 8 trước đó. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu liên minh OPEC+ có thể đảm bảo nguồn cung dầu thô khi nhu cầu sử dụng đang tăng vọt trở lại.

Liên minh OPEC+ hiện đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11 tới đây. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong tuần trước, Ả-rập Xê-út kiên quyết bảo vệ chính sách chỉ nâng dần sản lượng khai thác trở lại thay vì nâng ồ ạt sản lượng bất chấp sức ép ngày càng tăng từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và Ấn Độ. Nhật Bản cũng vừa chính thức lên tiếng kêu gọi liên minh OPEC+ cần tăng thêm sản lượng nhằm hạ nhiệt giá dầu thô cũng như kìm hãm đà tăng vọt của giá các loại năng lượng trên toàn cầu.

Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 4/11 tới đây để đưa ra chính sách khai thác dầu thô trong những tháng cuối năm nay. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 8,29 triệu thùng/ngày trong tháng 11 tới đây.