Liệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát còn hấp dẫn sau đà tăng mạnh vừa qua?

Giá cổ phiếu HPG đã tăng 34% sau nhịp tăng mạnh vừa qua, vậy triển vọng kinh doanh thời gian tới của Tập đoàn Hoà Phát sẽ như nào? Và liệu cổ phiếu HPG còn hấp dẫn với giới đầu tư hay không?

Liệu cổ phiếu HPG còn hấp dẫn nhà đầu tư?

Tập đoàn Hoà Phát
Hiệu suất vận hành các nhà máy của Tập đoàn Hoà Phát theo tháng. (Nguồn: VNDIRECT Research)

Trong quý 2 vừa qua, biên lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG – sàn HoSE) đã tăng lên mức 10,8%, so với mức 6,3% trong quý 1/2023 và mức -3,4% trong quý 4/2022. Nếu loại trừ 29 tỷ đồng dự phòng giảm giá tồn kho (so với 848 tỷ đồng trong quý 1/2023), biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Hoà Phát đã đạt 10,7% trong quý 2/2023, so với mức 2,7% của quý 1/2023.

Tập đoàn Hoà Phát cũng đã ghi nhận khoản lỗ ròng tỷ giá 97 tỷ đồng trong quý 2/2023 (giảm mạnh so với mức lỗ 1.090 tỷ đồng trong quý 2/2022). Nếu loại trừ thêm khoản lỗ này, lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong quý 2/2023 của doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam này đạt 1.519 tỷ đồng, so với khoản lỗ 485 tỷ đồng trong quý 1/2023.

Qua đó cho thấy, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát đã được cải thiện tích cực. Điều này đã thúc đẩy thị giá cổ phiếu HPG phục hồi đáng kể trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, trước khi chịu áp lực điều chỉnh trong 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HPG đã có nhịp tăng mạnh kéo dài từ đầu tháng 6/2023 với mức tăng lên đến 34%.

Giá cổ phiếu HPG Tập đoàn Hoà Phát Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đóng cửa thị trường ngày 23/8, cổ phiếu HPG đạt 25.650 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% so với mức giá đầu năm nay. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu HPG có còn hấp dẫn?

Theo đánh giá mới nhất của VNDIRECT Research, triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát trong những tháng cuối năm nay sẽ ở mức “khả quan” với kỳ vọng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục trong những quý tới và sôi động trở lại kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu thép. Đồng thời, trong ngắn hạn, các thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoà Phát. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023.

Nguồn cung bất động sản được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024

Những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản kể từ quý 2/2022 đã khiến nguồn cung căn hộ mới tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã suy giảm đáng kể trong những quý gần đây. Đáng chú ý, mặc dù nhu cầu bất động sản nhà ở vẫn yếu, lượng tiêu thụ căn hộ tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội trong quý 2/2023 đều tăng lần lượt 15% và 20% so với quý 1/2023.

Dự báo nguồn cung căn hộ
Dự báo nguồn cung căn hộ mới tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ tăng 32% svck trong năm 2024, từ mức thấp của năm 2023. (Nguồn: VNDIRECT Research, CBRE, Savills)

Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở nội địa trong thời gian gần đây. Cụ thể:

Thứ nhất, nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 33/2023/NQ-CP, các nhà đầu tư bất động sản đã có thể gia hạn các khoản nợ trái phiếu và ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc giảm áp lực dòng tiền cho các nhà đầu tư bất động sản, tạo điều kiện các doanh nghiệp có thể triển khai các dự án trong tương lai.

Thứ hai, TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tháp gỡ vướng mắc pháp lý cho 50 dự án bất động sản trong năm 2023. Thành phố hiện có 156 dự án bất động sản thuộc 121 chủ đầu tư đang chờ giải quyết nhiều vướng mắc (khoảng 70% vướng mắc liên quan đến các vấn đề về pháp lý). Với kỳ vọng những rào cản này được gỡ bỏ, TP.Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 4.000-5.000 căn hộ được mở bán. Nhiều tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Thứ ba, việc sửa đổi Luật Đất đai đang được thực hiện đúng tiến độ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ nửa cuối năm 2024. Điều này sẽ đánh dấu bước ngoặt cho thị trường bất động sản khi những vướng mắc trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới sẽ được giải quyết, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024-25.

Những động thái trên đã tạo điều kiện cho một số dự án bất động sản nhà ở (NovaWorld Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bcon Polaris tại tỉnh Bình Dương, De La Sol tại TP.Hồ Chí Minh,...) tái khởi động thi công. Do đó, nguồn cung bất động sản sẽ dần hồi phục trong những quý tới trước khi bứt phá kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu thép, theo VNDIRECT Research.

Xem thêm: "Đâu là động lực để cổ phiếu NVL tiếp tục đi lên trong thời gian tới?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Kênh xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoà Phát

Tập đoàn Hoà Phát đã tiêu thụ được 1,79 triệu tấn thép trong quý 2/2023, tăng 11,3% so với quý 1/2023, chủ yếu nhờ tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) tăng hơn 52% trong cùng kỳ, đặc biệt là thông qua kênh xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu HRC chính của Tập đoàn Hoà Phát là châu Âu và Đông Nam Á.

VNDIRECT Research nhận định hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ là động lực quan trọng cho tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoà Phát trong nửa cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trước khi thị trường bất động sản nội địa dần ấm trở lại.

Châu Âu và ASEAN tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính của công ty. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép Viêt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoà Phát.

Tập đoàn Hoà Phát xuất khẩu thép
Hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng tiêu thụ thép (tấn) của Tập đoàn Hoà Phát kể từ tháng 4/2023. (Nguồn: Tập đoàn Hoà Phát, VNDIRECT Research)

Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEASI) dự phóng nhu cầu thép tại khối các nước Asean-6 trong năm 2023 sẽ tăng 3,4% so với năm 2022, lên mức 77,6 triệu tấn. Động lực tăng trưởng chính đến từ Indonesia và Philippines. Nhu cầu thép tại Indonesia sẽ được hỗ trợ bởi ngành xây dựng – được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với Philippines, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông và năng lượng của chính phủ nước này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành thép, bấp chất môi trường kinh doanh đầy biến động do lạm phát và lãi suất cao.

Giá quặng sắt có thể giảm do Trung Quốc giảm sản lượng thép

Giá quặng sắt
Diễn biến giao dịch của giá quặng sắt giao ngay (USD/tấn). (Nguồn: Bloomberg, VNDIRECT Research)

Giá quặng sắt thế giới đã giảm nhẹ trong quý 2/2023 do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và tốc độ tăng sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc hạ nhiệt. Trong nửa đầu tháng 8 này, giá quặng sắt giao ngay (62% FE, CFR Thanh Đảo) chỉ còn ở mức 105 – 110 USD/tấn, so với mức đỉnh 120 USD/tấn hồi tháng 3/2023.

Giá quặng sắt đang chịu áp lực giảm khi Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ siết chặt các biện pháp kiểm soát sản xuất thép trong thời gian tới nhằm giữ sản lượng thép của năm nay tương đương với năm 2022. Đồng thời, lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức yếu cũng ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng thép, kéo theo đó là quặng sắt.

Theo dõi giá thép và giá quặng sắt hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong dài hạn, Trung Quốc – quốc gia chiếm gần 60% nhu cầu quặng sắt toàn cầu – được dự báo sẽ giảm sản lượng sản xuất thép tới năm 2025. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu quặng sắt toàn cầu khoảng 1,1%/năm trong giai đoạn 2024- 2025.

Về phía cung, hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới - Australia và Brazil - dự kiến sẽ tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu khoảng 3%/năm cho tới 2025 nhờ việc đưa vào khai thác một số mỏ mới. Nguồn cung mới từ các nhà sản xuất mới nổi ở châu Phi cũng sẽ khiến tổng nguồn cung quặng sắt toàn cầu tăng lên.

Tương tự, giá than cốc đã giảm trong suốt 6 tháng đầu năm nay do nguồn cung tại Australia tăng lên, hoạt động sản xuất thép toàn cầu chậm lại và kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch đã không diễn ra.

Hiện Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia dự báo giá than cốc trung bình sẽ giảm dần từ mức 273 USD/tấn trong năm 2023 sau khi nguồn cung được dần quay trở lại bình thường; giá than cốc năm 2025 được dự báo chỉ còn 200 USD/tấn.

Minh Quân