Lo ngại tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ, giá dầu thô giảm nhẹ về mốc 66,5 USD/thùng

Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô đã giảm về mức 66,57 USD/thùng khi thị trường lo ngại tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại Ấn Độ có thể làm giảm nhu cầu sử dụng dầu thô. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba và cũng là vùng dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI giai đoạn 22/3 - 21/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 20/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 48 cents tương ứng 0,7% xuống còn 66,57 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 94 cents tương ứng 1,5% xuống còn 62,44 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 68,08 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 18/3 trở lại đây.

Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô được nâng đỡ chủ yếu nhờ các ngại nguồn cung dầu thô sẽ giảm xuống sau khi Libya tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng xuất dầu Hariga của nước này và có khả năng tình trạng này sẽ được mở rộng ra các cảng xuất dầu khác. Một số phân tích nhận định sản lượng khai thác dầu thô của Libya có thể giảm đến 280.000 thùng/ngày dưới tác động của việc trên.

Tuy nhiên, đến cuối phiên giao dịch, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm trở lại khi các thông tin cho thấy tình dịch đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ diễn ra nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên tục lập kỷ lục mới, biến nước này trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc giục người dân nước này tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng dỡ bỏ biện pháp phong toả tại một số nơi bất chấp các lo ngại về sự lây lan dịch bệnh.

Việc cân bằng phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của người dân cũng như đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiện trở thành bài toán khó có lời giải thoả đáng đối với chính phủ Ấn Độ.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô quốc tế vẫn đang duy trì đà tăng vững chắc nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu khi hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ và Trung Quốc phục hồi tốt.

Bên cạnh đó, việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao chưa từng thấy cũng hỗ trợ tích cực lên giá dầu thô.

Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ tiến hành nâng dần sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5 tới đây. Hiện thị trường đang tập trung quan sát các dữ liệu mới về lượng dầu thô tồn trữ tại Hoa Kỳ trong tuần trước.

Giới quan sát nhận định lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ có thể sẽ giảm tuần thứ tư liên tiếp. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 21/4 (theo giờ địa phương).

Quang Đặng