Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR): Áp dụng IFRS, định hướng niêm yết trên thị trường quốc tế

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) bắt đầu phối hợp với hãng kiểm toán Deloitte Việt Nam để triển khai việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), hướng tới việc niêm yết trên thị trường quốc tế và thu xếp vốn, kêu gọi đầu tư.

Áp dụng IFRS, định hướng niêm yết trên thị trường quốc tế

Lọc hoá dầu Bình Sơn Tạp chí Công Thương
Việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như thuận lợi trong việc thu xếp vốn, kêu gọi đầu tư.

Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) vừa có buổi làm việc với hãng kiểm toán Deloitte Việt Nam để triển khai kiểm toán báo cáo tài chính của Lọc hoá dầu Bình Sơn được lập theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

FRS gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực Báo cáo tài chính Việt Nam mới từ sau năm 2025.

Việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như thuận lợi trong việc thu xếp vốn, kêu gọi đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trên thị trường, theo ông Bùi Ngọc Dương.

Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam Phạm Hoài Nam cho biết việc áp dụng IFRS sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn nâng cao năng lực quản trị tài chính, bao gồm phân tích và ra quyết định, đảm bảo cập nhật các xu hướng mới như báo cáo phát triển bền vững, cam kết khí thải, các giao dịch phái sinh và đảm bảo rủi ro… Deloitte Việt Nam sẽ xây dựng chương trình và đào tạo các chuẩn mực IFRS áp dụng cho Lọc hóa dầu Bình Sơn và kiểm toán báo cáo tài chính theo IFRS của các năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Kỳ vọng hưởng lợi từ việc crack spread tăng, hoàn tất niêm yết trên HoSE trong quý 4

Giá cổ phiếu BSR Lọc hoá dầu Bình Sơn
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Diễn biến mới xung quanh việc chuyển sàn của cổ phiếu BSR - Lọc hoá dầu Bình Sơn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Lọc hoá dầu Bình Sơn ước đạt 91.600 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi ròng ước đạt 4.400 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã thực hiện được 96% mục tiêu doanh thu và 270% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay. Tính riêng trong 2 tháng đầu quý 3 này (tháng 7 và tháng 8), Lọc hoá dầu Bình Sơn có thể đã ghi nhận khoảng 23.866 tỷ đồng doanh thu và 1.454 tỷ đồng lãi ròng.

Theo nhận định của một số tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức tích cực khi crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) tăng lên, đặc biệt là nhóm dầu Diesel và Jet A1, trong bối cảnh giá dầu thô đang tăng mạnh.

Crack spread các sản phẩm xăng dầu  tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ đi lên vào mùa cao điểm trong khi nguồn cung xăng dầu vẫn thắt chặt, tình hình này được dự báo sẽ tiếp diễn cho đến 2024. Tồn kho xăng dầu tại các nước châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới đang ghi nhận mức thấp so với quý 2/2023, tạo điều kiện xuất khẩu  và mức crack spread cao hơn cho xăng dầu trong khu vực châu Á.

Điều kiện niêm yết
Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện đã đáp ứng 8/9 điều kiện để chuyển niêm yết cổ phiếu BSR từ sàn UPCoM sang sàn HoSE. (Nguồn: Lọc hoá dầu Bình Sơn, BSC Equity Research)

Hiện Lọc hoá dầu Bình Sơn đang tích cực xúc tiến kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu BSR từ sàn UPCoM sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE). Doanh nghiệp này đã đáp ứng được 8/9 điều kiện, ngoại trừ tiêu chí "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm”. Liên quan đến tiêu chí này, Lọc hoá dầu Bình Sơn vừa có kiến nghị gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã đề ra kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu BSR lên sàn HoSE trong quý 3/2023. Tuy nhiên, với các diễn biến hiện tại, kế hoạch này khó có thể đạt được.

Hiện một số hãng chứng khoán nhận định việc chuyển sàn của cổ phiếu BSR có thể hoàn tất trong quý 4/2023. Việc chuyển niêm yết sang sàn HoSE được kỳ vọng sẽ giúp Lọc hoá dầu Bình Sơn thuận lợi hơn trong việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh. 

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 27/9, cổ phiếu BSR đạt 21.600 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu BSR đã tăng gần 57%.

Duy Quang