Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm ra thêm giải pháp, tăng tính tự chủ nguồn dầu thô đầu vào

Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) vừa thử nghiệm thành công thêm hai loại dầu thô mới làm nguyên liệu đầu vào, giúp tăng cường độ linh hoạt và tính tự chủ trong hoạt động sản xuất khi nguồn dầu thô Bạch Hổ đang dần cạn kiệt.
Lọc hóa dầu Bình Sơn
Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đã chế biến được 32 loại dầu thô, trong đó có 9 loại dầu thô trong nước và 23 loại dầu thô nhập khẩu.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) vừa cho biết đã đánh giá và triển khai thử nghiệm thành công thêm hai loại dầu thô mới là Palanca Blend từ Angola (châu Phi) và Bertam từ Malaysia (Đông Nam Á).

Trong đó, dầu thô Palanca Blend là loại dầu ngọt, nhẹ khá tương đồng với dầu thô Bạch Hổ - nguyên liệu chế biến chính theo thiết kế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Sau khi tiến hành đánh giá kỹ thuật, tháng 11/2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đưa dầu Palanca Blend vào hệ thống để đánh giá thử nghiệm với tỷ lệ lên đến 36% tổng nguyên liệu đưa vào chế biến tại phân xưởng CDU trong khi nhà máy vẫn duy trì vận hành liên tục ở công suất 110% công suất thiết kế. Kết quả thử nghiệm cho thấy đây là chủng loại dầu tiềm năng có thể thay thế dầu thô Bạch Hổ vốn đang dần cạn kiệt trong thời gian tới.

Ngay sau khi thử nghiệm thành công dầu thô Palanca Blend, dầu thô Bertam từ Malaysia đã được Lọc hóa dầu Bình Sơn đưa vào thử nghiệm thành công với tỷ lệ lên đến 30% vào đầu tháng 12/2023.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã chế biến được 32 loại dầu thô, trong đó có 9 loại dầu thô trong nước và 23 loại dầu thô nhập khẩu. Tỷ lệ dầu thô nhập ngoại đưa vào chế biến hàng tháng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện nay lên đến 40% tổng lượng dầu thô nguyên liệu vào phân xưởng CDU.

Do đó, việc mở rộng danh mục dầu thô nhập khẩu có thể chế biến được giúp nâng cao mức độ tự chủ của Lọc hóa dầu Bình Sơn về nguồn dầu thô nguyên liêu, linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và tối ưu hóa công suất vận hành trên cơ sở cung cầu của thị trường nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Lọc hoá dầu Bình Sơn
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Sản lượng năm 2023 ở mức cao kỷ lục, lợi nhuận vượt xa kế hoạch" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn, công ty đang lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) của dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD.

Dự án này sẽ giúp Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thêm 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới, nâng công suất từ mức 148.000 thùng/ngày hiện nay lên 171.000 thùng/ngày (tăng thêm 15,5%). Đồng thời, một số phân xưởng công nghệ sẽ được hiệu chỉnh, cải hoán, giúp nâng cao độ linh độ trong việc lựa chọn dầu thô để chế biến.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh trong trung và dài hạn của Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể hưởng lợi từ Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tháng 7/2023).

Mục tiêu của quy hoạch là để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-90 ngày nhập ròng. Theo đó, Việt Nam sẽ xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Nguồn dầu thô đầu vào của Lọc hoá dầu Bình Sơn sẽ được ổn định cả về giá và sản lượng trong dài hạn nếu kho dự trữ dầu thô được xây dựng tại khu vực Dung Quất. Do các mỏ dầu nội địa đang suy giảm với tốc độ nhanh, Lọc hoá dầu Bình Sơn dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 30% tổng lượng dầu thô đầu vào từ năm 2025. 

Kiểm soát biến động giá dầu thô đầu vào là yếu tố trọng yếu trong hoạt động của Lọc hoá dầu Bình Sơn. Giá dầu thô giảm mạnh có thể tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này theo 2 hướng: Làm giảm giá các sản phẩm lọc dầu đầu ra; và Làm giảm giá trị hàng tồn kho, khiến công ty phải trích lập dự phòng, làm suy giảm lợi nhuận gộp.

Duy Quang