Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể từ 25/8/2023

Đây cũng là lần đầu tiên nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn triển khai bảo dưỡng tổng thể từ khi chính thức vận hành thương mại tháng 12/2018 đến nay.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bảo dưỡng tổng thể trong 55 ngày
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bảo dưỡng tổng thể trong 55 ngày

Cụ thể, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vừa phát đi thông báo chính thức về việc sẽ tiến hành triển khải bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ nhất vào ngày 25/8/2023, dự kiến kéo dài 55 ngày. 

“Hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần I sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các thông lệ sản xuất tốt nhất, với nỗ lực đảm bảo tính an toàn và bền vững trong quy trình sản xuất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng như đảm bảo sản lượng ổn định của NSRP trong mục tiêu dài hạn”, đại diện NSRP cho biết.

NSRP là công ty liên doanh được thành lập bởi 4 nhà đầu tư lớn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Kuwait Petroleum Europe (KPE) của Kuwait, Công ty Idemitsu  Kosan (IKC) và Mitsui Chemicals (MCI) của Nhật Bản. Nhà máy Nghi Sơn của NSRP hiện là một trong những nhà máy lọc dầu được thiết kế và xây dựng với hệ thống công nghệ hiện đại, tiên tiến và phức tạp nhất châu Á. Thời điểm hiện tại, nhà máy có công suất chế biến khoảng 200.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Trong thời kỳ bảo dưỡng, các phân xưởng của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoàn toàn các hoạt động sản xuất. Để giảm thiểu tác động của việc tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn, NSRP đã chủ động triển khai sớm các phương án tối ưu nhằm xúc tiến khẩn trương quá trình bảo dưỡng, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng mà vẫn đảm bảo chất lượng của công tác bảo dưỡng. Cùng với đó, NSRP đang phối hợp và làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để đảm bảo công tác bảo dưỡng tổng thể của nhà máy không ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường xăng dầu trong nước cũng như người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu, sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%), và lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong 05 tháng đầu năm 2023.

Bộ Công Thương đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung trong nước có thời điểm chịu ảnh hưởng từ sự cố kỹ thuật tại phân xưởng RFCC của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023) khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1/2023 bị sụt giảm và nguy cơ nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính vào giai đoạn tháng 3/2023.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo điều hành đối với mặt hàng xăng dầu được triển khai tích cực, kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Riêng trong tháng 4 và tháng 6, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.

Xem thêm nội dung cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về nguồn cung xăng dầu trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đến nay, nguồn cung xăng dầu từ 2 nhà máy (Bình Sơn và Nghi Sơn) trong 6 tháng khá ổn định về sản lượng; các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống kinh doanh xăng dầu đã có nhiều kinh nghiệm (qua thực tiễn sóng gió của những tháng cuối năm 2022); bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và gỡ khó cho doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu mối ngày 20/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh, dự báo nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9, đầu tháng 10 do bảo dưỡng định kỳ. 

Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu PVN và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án (cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu…) trong mọi tình huống để hoạt động hết/vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và sản phần phân giao bổ sung hôm nay (đối chiếu với kết quả đã thực hiện 6 tháng qua) để chủ động, nghiêm túc tiến hành nhập khẩu trong tháng 7/2023, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, không được để đứt gãy.

Thy Thảo