Logistics tắc nghẽn, khôi phục sản xuất tại Trung Quốc diễn ra chậm

Bất chấp các nỗ lực thúc đẩy tái khởi động sản xuất của Chính phủ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước này đang vật lộn với khó khăn tiêu thụ hàng hoá hoặc tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất vì các vấn đề logistics.

Mặc dù trong vài tuần trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp tại nước này quay trở lại hoạt động kinh doanh nhưng các số liệu mới nhất cho thấy việc tái khởi động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics.

Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số năng lực logistics (LPI) của Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 26,2 điểm, so với mức 49,9 điểm hồi tháng 1/2020. Chỉ số kỳ vọng kinh doanh tháng 2/2020 của Trung Quốc còn 44,9 điểm, giảm 6,7 điểm so với tháng 1/2020, phản ánh tâm lý bi quan của giới đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc tăng lên.

Trong phiên họp báo ngày 6/3, ông Gao Gao – Phó tổng thư ký Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết tiến trình phục hồi hoạt động kinh doanh trong ngành logisctics tại Trung Quốc vẫn ở mức “yếu”. Ông Gao Gao cũng cho biết trọng tâm tiếp theo của Chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy việc tái hoạt động của toàn bộ các chuỗi cung ứng và sản xuất. Khoảng 80% số doanh nghiệp logistics tại Trung Quốc cho biết “chịu thiệt hại nghiêm trọng” vì dịch virus Covid-19, theo khảo sát của NDRC.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì virus Covid-19
 Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc chưa phục hồi nhanh như dự kiến do các khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá và tiếp cận nguồn cung vật tư (Ảnh: Noel Celis/Agence France-Presse — Getty Images)

Hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hoá cũng như tiếp cận các nguồn cung ứng nguyên vật liệu sản xuất đầu vào trong bối cảnh nhiều khu vực tại Trung Quốc vẫn áp đặt lệnh hạn chế di chuyển cũng như thiếu hụt nhân công trong các hoạt động logistics như nhân công kho bãi và di chuyển hàng hoá. Nhiều doanh nghiệp tại đây phản ánh rất khó để tìm được doanh nghiệp vận tải hoặc cách vận chuyển hàng hoá đến các đối tác, đặc biệt là vận chuyển hàng hoá liên vùng, qua các địa phương khác nhau. 

Việc hàng tồn kho tăng cao do hàng hoá không tiếp cận được người tiêu dùng cùng với khó khăn trong tái sản xuất kinh doanh đang khiến hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc đối mặt với nguy cơ phá sản.

Số liệu mới nhất của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này mới khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức 52%.

Ông Zhangg Yanshengg, trưởng ban nghiên cứu Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (CIEE) nhận định “Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết là giải toả các kênh logistics. Ví dụ, thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch virus Covid-19 (tại Trung Quốc) là cửa ngõ kết nối hoạt động giao thương với 9 tỉnh khác”. Mắc dù đã áp dụng các biện pháp y tế khẩn cấp, số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Vũ Hán vẫn tiếp tục tăng lên trong những ngày qua.

Nhiều chuyên gia dự báo các hoạt động logistics của Trung Quốc sẽ trở lại mức bình thường trước khi dịch bệnh bùng phát trong khoảng vài tuần tới khi nhiều tuyến đường địa phương được khai thông trở lại và nhân công trong lĩnh vực logistics kết thúc thời hạn kiểm dịch 14 ngày.

Theo đánh giá mới nhất của tập đoàn tài chính Morgan Stanley, mới chỉ có 66% nhân công quay lại làm việc tại các thành phố cấp 1 và cấp 2 của Trung Quốc. Mức tiêu thụ than của 6 nhà máy nhiệt điện than chính tại Trung Quốc hiện mới chỉ đạt mức 70% so với thời điểm trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, điều này phản ánh các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa khôi phục nhanh như kỳ vọng.  

Quang Đặng (Tổng hợp)