Long An: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng

Với những nỗ lực trong thu hút đầu tư, Long An hiện nằm trong Top 10 các tỉnh, thành phố có PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tốt nhất cả nước năm 2023 (tăng 6 bậc), có môi trường đầu tư thông thoáng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được kích hoạt 24/7.

Tiềm năng thu hút đầu tư

Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Long An sẽ là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây được coi là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Điểm nhấn trong quy hoạch của tỉnh Long An thời kỳ này là tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị trọng điểm, có khả năng kết nối liên Vùng, liên tỉnh thích ứng linh hoạt với điều kiện của tình hình mới.

Long An thực hiện mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế xã hội, sáu trục động lực”. Đây được kỳ vọng sẽ tạo sự khác biệt nhằm khơi thông dòng vốn, thu hút thêm các nhà đầu tư đến với tỉnh.

Long An
Một góc Tân An nhìn từ trên cao

Theo đó, Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4 bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh; Hành lang phát triển phía Nam bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP. Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B). 3 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp; Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu và Vùng đệm sinh thái. 6 trục động lực bao gồm: Trục động lực Vành đai 3- Vành đai 4; Trục động lực Quốc lộ 50B; trục động lực song hành Quốc lộ 62; trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; trục động lực Quốc lộ N1; trục động lực Đức Hòa.

Giai đoạn này, tỉnh Long An xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Tỉnh sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư, nâng tổng số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030 lên con số 123.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.582 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11% với tổng vốn 15.478 tỉ đồng; tỉnh cấp mới 65 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký mới là 56.364 tỉ đồng, tăng 33.785 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh có 16.702 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn 367.968 tỉ đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.197 dự án với số vốn đăng ký 268.341 tỉ đồng. Với các dự án đầu tư nước ngoài tỉnh cấp mới có 95 dự án, tăng 47 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 235 triệu USD. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Long An có 1.228 dự án với tổng vốn 10,5 tỉ USD.

Định hướng của tỉnh trong giai đoạn tới là thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng gắn với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự tăng trưởng bền vững.

Tận dụng cơ hội kết nối giao thương

Tận dụng vị trí địa lý là “cửa ngõ” độc nhất của vùng ĐBSCL, Long An hướng đến mục tiêu trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của Vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.

Long An
Cảng Quốc tế Long An sẽ là khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, tiện ích mang lại giá trị vượt trội, góp phần hình thành quần thể cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai.

Từ nay đến năm 2030, Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường nhằm nâng cao năng lực vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi chất lượng cao để bổ trợ cho hoạt động giao thương đến và đi từ Cảng Quốc tế Long An. Cảng Quốc tế Long An (diện tích quy hoạch 147ha) được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ là khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, tiện ích mang lại giá trị vượt trội, góp phần hình thành quần thể cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cấp 53 tuyến đường hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh nhằm góp phần tăng tính kết nối liên vùng, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các khu vực lân cận.

Trong vận tải đường thủy, tỉnh tập trung nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy; xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000-2.000 tấn; 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp với quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200-5.000 tấn và 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh. Tỉnh cũng quy hoạch 2 cảng cạn là cảng cạn Bến Lức (huyện Bến Lức) và cảng cạn Tân Lập (huyện Thủ Thừa); mỗi cảng có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm.

Long An ưu tiên thu hút đầu tư vào nhiều dự án logistics và cụm công nghiệp

Minh Huế