[Longform] Doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm trong hoạt động đổi mới khoa học công nghệ ngành Công Thương

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do doanh nghiệp chủ trì ở tất cả các lĩnh vực của ngành Công Thương có tính lan toả, sức cạnh tranh và khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Những con số “biết nói” đã thể hiện định hướng “đẩy mạnh cơ cấu lại các Chương trình, Đề án khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, để hoạt động này lan tỏa và đi vào thực chất hơn nữa, sẽ rất cần sự chung tay hưởng ứng và hành động thiết thực không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn của cả doanh nghiệp.

Để tìm hiểu rõ hơn về những nội dung này, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương.

Vu truong vu khoa hoc cong nghe

PV: Được biết, tỷ lệ doanh nghiệp chủ trì và tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ Công Thương quản lý ngày càng cao trong những năm gần đây. Xin ông cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện những biện pháp gì để thu hút doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ?

Ông Trần Việt Hòa: Thực hiện chủ trương coi "doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo", Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đánh giá để lựa chọn phương pháp tiếp cận phù hợp tổng thể và với từng giai đoạn trên cơ sở các đặc điểm, hiện trạng của những chủ thể chính tham gia hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; Tổ chức khoa học và công nghệ (trong đó bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học); Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công Thương. Chúng tôi xác định nguyên tắc tiếp cận tổng thể, định hướng dài hạn nhưng các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tế hiện nay.

Với cách tiếp cận như vậy, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những thành tựu bước đầu trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành.

PV: Kết quả đạt được sau những hoạt động "đẩy mạnh cơ cấu lại các Chương trình, Đề án khoa học và công nghệ quốc gia ngành Công thương theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia" như ông vừa trao đổi đến đâu, thưa ông?

Ông Trần Việt Hòa: Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã được Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương tích cực đổi mới theo hướng chủ động tìm hiểu và tổ chức triển khai đảm bảo gắn kết mật thiết với các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp từ giai đoạn phát hiện ý tưởng, đề xuất và xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và tận dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp.

Kết quả là, trong giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ doanh nghiệp chủ trì và tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ Công Thương quản lý tăng dần. Đơn cử, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Đề án “Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến” tăng dần từ năm 2016 đến năm 2019 và đạt cao nhất 24% trong năm 2019.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình đều có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất tạo ra sản phẩm. Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, Bộ Công Thương đã triển khai áp dụng 468 mô hình điểm trong các doanh nghiệp theo nhiệm vụ “Xây dựng mô hình điểm và dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý, công cụ cải tiến cho các ngành chủ lực”, đạt số lượng cao nhất trong các Bộ, ngành thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

PV: Về phía doanh nghiệp, họ có hào hứng tham gia những hoạt động này, và đã có những kết quả như thế nào?

Ông Trần Việt Hòa: Cùng với tỉ lệ các doanh nghiệp chủ trì và tham gia thực hiện tăng đáng kể, tỷ lệ vốn đối ứng từ doanh nghiệp trên tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các Chương trình trong ngành Công Thương ngày càng tăng, đạt tỷ lệ cao nhất trong các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai thực hiện, điều đó có nghĩa doanh nghiệp đã tin tưởng và mong muốn đồng hành cùng Bộ Công Thương trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hiệu quả của doanh nghiệp.

Theo tổng kết của Bộ Công Thương, tỷ lệ vốn huy động ngoài ngân sách của các đơn vị tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng. Ví dụ như trong giai đoạn 2013-2015, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt của Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đạt gần 55 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn thực hiện. Đến giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án tham gia thực hiện chương trình đạt trên 750 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 85% tổng nguồn vốn thực hiện. Đối với Chương trình đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai khoáng, mức đối ứng trung bình của các dự án là 48,6%, dự án có mức đối ứng cao nhất đạt 94,1%. Đối với Đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, mức đối ứng trung bình giai đoạn 2016-2019 là trên 50%, năm 2018, mức đối ứng đạt 61,3%.

ông trần việt hoà

PV: Ông vừa nói tỉ lệ vốn đối ứng của các doanh nghiệp trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang ngày càng tăng. Để doanh nghiệp sẵn sàng “bỏ tiền” đầu tư vào các nhiệm vụ này, chắc hẳn họ phải tin tưởng vào hiệu quả của các chương trình theo như mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Trần Việt Hòa: Như tôi đã đề cập ở trên, việc tỷ lệ vốn đối ứng của doanh nghiệp trong tổng nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang ngày một tăng. Điều đó thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và các doanh nghiệp đã xác định khoa học công nghệ thực sự là động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đây cũng chính là cam kết sử dụng, ứng dụng kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và thương mại hoá của doanh nghiệp.

Điều đó cũng chứng minh sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp với các nhà quản lý. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ nhu cầu thị trường, các nhà quản lý sẽ đưa ra những nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với thị trường, phù hợp với doanh nghiệp và phù hợp với từng bối cảnh. Khi đó, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng bỏ vốn đối ứng để thể hiện quyết tâm và cam kết của mình theo đuổi các nhiệm vụ thực sự có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp mình.

Mặt khác, tỉ lệ vốn đối ứng cao cũng thể hiện sự tin tưởng và đồng hành của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong ngành Công Thương. Trước đây, chúng ta cũng nghe nhiều thông tin về hệ thống thủ tục hành chính, cơ chế tài chính… đâu đó còn rắc rối và chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây vốn là rào cản để các doanh nghiệp không mặn mà với các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Chính vì vậy, được sự đồng hành hỗ trợ, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã từng bước tin tưởng và thể hiện bằng việc sẵn sàng bỏ vốn đối ứng để cùng cơ quan quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Ngoài ra, chúng ta có thể nhìn thấy là kết quả mang lại từ nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính lan toả và đang dần xâm nhập vào thị trường trên các quy mô và các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như trong lĩnh vực cơ khí chúng ta đã có những sản phẩm mang tầm quốc gia và khu vực, thậm chí là quốc tế với quy mô rất lớn; ở những lĩnh vực khác như công nghiệp tiêu dùng, công nghệ thực phẩm đều có những sản phẩm có vị trí trên thị trường và có sức lan toả tương đối tốt. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp cam kết cũng như bỏ nguồn kinh phí ngoài nhà nước thể hiện rõ nhận định này.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, doanh nghiệp đang đồng hành với Bộ Công Thương thực hiện các mục tiêu về phát triển khoa học và công nghệ và phát triển các lĩnh vực trong ngành Công Thương, trong đó có mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Tái cơ cấu chương trình khoa học công nghệ

PV: Quá trình thực hiện bất cứ phương thức hoạt động mới nào cũng sẽ có những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Với đặc thù của hoạt động này “coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo” của Bộ Công Thương, chúng ta có gặp những khó khăn nào không?

Ông Trần Việt Hòa: Qua quá trình làm việc, có thể thấy việc coi doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương là một định hướng đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bên cạnh sự chỉ đạo thống nhất và sát sao từ các cấp, còn có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đang dần được hoàn thiện theo hướng thông thoáng hơn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nhận thức của xã hội và các doanh nghiệp cũng được nâng cao, thể hiện rõ sự đồng thuận trong việc triển khai chủ trương, định hướng này. Tuy nhiên, trong tiến trình đổi mới, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản.

Thứ nhất, “coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo” là chính sách với quá trình thực hiện lâu dài, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng bộ từ nhận thức đến hành động của các Bộ, ngành có liên quan. Ngay trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian qua vẫn còn tồn tại hiện tượng đội ngũ quản lý nhà nước chưa thực sự nhận thức đúng đắn việc chuyển đổi tư duy từ tư duy quản lý cứng nhắc sang tư duy cùng đồng hành với doanh nghiệp để đạt được mục tiêu của chủ trương đã đề ra.

Thứ hai, là sự hạn chế về nguồn nhân lực, cả về con người cũng như tài chính đã ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ ở doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng ứng dụng cao. Vì từ giai đoạn xây dựng nhiệm vụ cho đến triển khai những nhiệm vụ đó đều đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Những rào cản này nếu không khéo léo và quyết tâm xử lý sẽ làm giảm hiệu quả của công cuộc đổi mới mà chúng ta đang theo đuổi.

PV:  Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cũng như đóng góp thiết thực vào sự phát triển ngành, thì hoạt động của khoa học công nghệ phải luôn bám sát thực tiễn. Từ những bài học trong quá trình thực hiện vừa qua, Bộ Công Thương sẽ có những định hướng thực hiện các công việc tiếp sau như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Hòa: Trên cơ sở chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cũng như đóng góp thiết thực vào sự phát triển ngành, thì hoạt động của khoa học công nghệ phải luôn bám sát thực tiễn. Vì vậy, trong thời gian tới các hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số điểm chính.  

Tiếp tục tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận cũng như sự đồng hành của toàn xã hội, trong đó có doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Vì thực tiễn cho thấy khi các thông tin được truyền tải công khai minh bạch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng hành thì hiệu quả công việc rất cao.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như về lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Công Thương. Phải lồng ghép các chính sách để thực sự phát huy được hiệu quả của khoa học công nghệ, để khoa học và công nghệ gắn kết mật thiết, thực sự trở thành động lực, đóng góp vai trò then chốt cho sự phát triển ngành Công Thương.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý hoạt động khoa học và công nghệ để đáp ứng điều kiện trong tình hình mới. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặt ra nhiều yêu cầu và đòi hỏi rất mới và rất khẩn trương cho hoạt động khoa học công nghệ. Do đó cần rà soát, cập nhật và có những bước đi mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Trong công tác tái cơ cấu các tổ chức khoa học và công nghệ của ngành cũng cần bám sát định hướng giảm đầu mối trung gian và khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về lĩnh vực nghiên cứu cũng như về chức năng, nhiệm vụ và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập của ngành Công Thương. Hiện Bộ Công Thương quản lý 13 viện chuyên ngành trực thuộc trên các lĩnh vực từ nghiên cứu chiến lược, chính sách cho đến các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng. Từ việc rà soát này, sẽ giảm đầu mối và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cho Viện nghiên cứu nào thực sự đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và có nhiều đóng góp cho việc phát triển ngành. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời gian tới.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, khoa học công nghệ ngành Công Thương sẽ phải nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc tiếp tục nâng cao năng lực cũng như thay đổi tư duy của đội ngũ quản lý nhà nước, chuyển từ tư duy bị động, ngồi chờ các đề xuất từ đơn vị sang tư duy chủ động, định hướng cho các đơn vị trong việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn; chuyển từ tư duy quản lý cứng nhắc mang nặng tính hành chính, bao cấp, phân bổ kế hoạch dàn trải sang tư duy phục vụ, đồng hành cùng đơn vị, doanh nghiệp, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tốt vai trò định hướng và cầu nối giữa các đơn vị, tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng ta sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giao Bộ Công Thương quản lý, cũng như các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ theo hướng tập trung nguồn lực. Vì nguồn lực hạn chế nên chúng ta phải đầu tư tập trung, tránh dàn trải, đầu tư có chiều sâu và chọn lựa những lĩnh vực ưu tiên để phục vụ cho việc phát triển ngành.

Đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Công Thương. Đây là một kênh rất hiệu quả trong việc thu hút công nghệ, thu hút chất xám của chuyên gia cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam và doanh nghiệp mà ở đó, tổ chức khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hấp thụ công nghệ và hấp thụ chất xám chuyên gia trong quá trình chuyển giao và làm chủ công nghệ.

Về phía doanh nghiệp, để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả hơn nữa trong phát triển khoa học công nghệ của Ngành, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước như các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp lồng ghép vào các dự án đầu tư, dự án phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ trực tiếp các tổ chức khoa học công nghệ, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm cho quá trình thương mại hoá chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương. Tập trung triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách thông qua các tổ chức tư vấn về công nghệ, về quản trị, đặc biệt là các tổ chức tư vấn trong việc chuyển đổi số, thực hiện áp dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp.

Thực tiễn triển khai trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy rõ, các doanh nghiệp có nhu cầu và có quyết tâm trong việc chuyển đổi số cũng như áp dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với một số thách thức trong việc tìm hiểu thông tin thị trường cũng như lựa chọn công nghệ và có những giải pháp tổng thể trong việc chuyển đổi số. Chính vì vậy, vai trò của các đơn vị tư vấn từ việc đưa ra những giải pháp tổng thể về quản trị cũng như tư vấn về công nghệ và thiết kế được những giải pháp tổng thể về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hết sức quan trọng.

Hy vọng với những giải pháp mang tính tổng thể nhưng cũng rất cụ thể nêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong hành trình đưa hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đạt được những mục tiêu đã đề ra.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Hồ Nga (thực hiện) - Duy Kiên (đồ họa)