Lựa chọn thanh toán trực tuyến dịch vụ công trong xu thế chấp nhận chính phủ điện tử ở Việt Nam

TS. LƯƠNG THU HÀ - NGUYỄN BẢO QUYÊN - NGUYỄN KHÁNH LINH -LUYỆN MINH THƯ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

TÓM TẮT:

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Mô hình chấp nhận Chính phủ điện tử (Electronic Government Adoption Model - GAM) của Shareef và các cộng sự (2010) để xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới ý định sử dụng thanh toán trực tuyến khi sử dụng dịch vụ công (DVC) tại Việt Nam. Bên cạnh các nhân tố có sẵn từ mô hình GAM, hai biến mới gồm “Ảnh hưởng xã hội” và “Giao diện của cổng thanh toán trực tuyến dịch vụ công” được bổ sung thêm vào mô hình, nhằm mục đích phù hợp với bối cảnh Việt Nam và dễ dàng giải thích lý do ảnh hưởng đến các nhân tố. Giả thuyết nghiên cứu được xác thực qua mẫu gồm 358 cá nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau. Kết quả cho thấy, các biến độc lập đều ảnh hưởng tới “Ý định sử dụng” thanh toán trực tuyến DVC. Trong đó, biến “Nhận thức về khả năng sử dụng” và biến “Nhận thức về sự tin cậy” là hai trong những nhân tố lớn góp phần thúc đẩy quyết định thanh toán trực tuyến DVC của các cá nhân.

Từ khóa: mô hình chấp nhận Chính phủ điện tử, dịch vụ công, thanh toán trực tuyến.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) đã trở thành xu hướng chung của các quốc gia trên toàn thế giới. Bởi CPĐT sẽ giúp nâng cao khả năng điều hành của Chính phủ, từ đó mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan phức tạp, CPĐT là giải pháp hữu hiệu, không thể thiếu. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển nền kinh tế số, xã hội số lớn mạnh.

Từ những năm 2014 - 2020, Chính phủ Việt Nam liên tục có sự chỉ đạo đầu tư lớn vào hạng mục phát triển Chính phủ điện tử. Nhờ sự chỉ đạo đó, hầu hết các cơ quan cung cấp DVC tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng bước đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ của mình. Các cơ quan cung cấp dịch vụ đã triển khai DVC trực tuyến thông qua thiết lập một cổng DVC điện tử. Từ khi phát triển DVC trực tuyến, nó luôn đi kèm với thanh toán trực tuyến, bởi DVC trực tuyến đang hướng tới một nền kinh tế số, nền kinh tế mà mọi thanh toán được hoàn thành trực tuyến và hạn chế tiền mặt. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, phần lớn các tổ chức, cá nhân lại không sử dụng thường xuyên các dịch vụ công trực tuyến hay thanh toán trực tuyến cho DVC. Điều này đang làm giảm hiệu quả của sự cần thiết việc số hóa nền kinh tế trong thời kỳ CMCN 4.0.

2. Tổng quan nghiên cứu và khung lý thuyết

2.1. Mô hình chấp nhận chính phủ điện tử (GAM)

Mô hình chấp nhận chính phủ điện tử (GAM) do Shareef, V.Kumar, U.Kumar và Dwivedi phát triển là một mô hình lý thuyết được sử dụng để xác định các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc mọi người chấp nhận các dịch vụ của Chính phủ điện tử ở các cấp độ trưởng thành dịch vụ khác nhau. Mô hình này là sự kết hợp giữa mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), lý thuyết lan tỏa đổi mới (DOI) và lý thuyết về hành vi bị cấm (TPB). Mô hình chấp nhận chính phủ điện tử (GAM) được tạo ra để khắc phục những điểm yếu khác nhau trong cả 3 phương pháp.

GAM là một mô hình toàn diện bao gồm cấu trúc cụ thể là: Sự nhận biết (PA), Nguồn lực khả dụng (AOR), Khả năng ứng dụng công nghệ (CSE), Nhận thức về sự tương thích (PC), Nhận thức về danh tiếng, vị thế (PI), Nhận thức về khả năng sử dụng (PATU), Nhận thức về chất lượng thông tin (PIQ), Tùy chọn đa ngôn ngữ (MLO), Nhận thức về lợi ích lý tính (PFB), Nhận thức về khả năng sử dụng (PU), Nhận thức về sự tin cậy (PT) và Nhận thức về phản hồi dịch vụ (PSR).

2.2. Dịch vụ công và thanh toán trực tuyến dịch vụ công

Dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân. Dịch vụ công trực tuyến là website dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, cho phép các cá nhân, tổ chức có thể thanh toán trực tuyến nghĩa vụ của mình.

Thanh toán trực tuyến là một mô hình giao dịch không sử dụng tiền mặt đã phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây với mục tiêu hướng tới xu hướng “không tiền mặt” trong thời kỳ kinh tế số. Đây là dịch vụ trung gian giúp khách hàng thanh toán dịch vụ công trên các website cổng thanh toán trực tuyến dịch vụ công; là hệ thống kết nối giữa ngân hàng, cá nhân, tổ chức và Chính phủ với mục tiêu cuối cùng là cá nhân, tổ chức có thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán dịch vụ công của mình ngay khi giao dịch trực tuyến hoàn tất. Các hình thức thanh toán trực tuyến phổ biến tại Việt Nam bao gồm: thanh toán qua thẻ, thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng và thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử.

3. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Nhóm tác giả dựa vào căn cứ từ mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ hợp nhất (UTAUT) của Venkatesh và cộng sự (2003) và mô hình chấp nhận chính phủ điện tử (GAM) của Shareef và cộng sự (2010), trong đó có 8 biến tác động như nội dung phân tích dưới đây. Nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết: các biến độc lập đều có ảnh hưởng tích cực đến hành vi tiêu dùng.

3.1. Nhận thức về sự tương thích

Nhận thức về khả năng tương thích được định nghĩa là mức độ mà một công nghệ mới đáp ứng, phù hợp với các thói quen, giá trị và nhu cầu của người áp dụng tiềm năng (Rogers, 1983). Theo Gilbert và cộng sự. (2004), yếu tố này được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc giải thích thái độ đối với việc sử dụng cùng với việc áp dụng hệ thống. Cấu trúc này đã được một số nhà nghiên cứu sử dụng như một yếu tố dự báo quan trọng về việc áp dụng chính phủ điện tử (Carter & Bélanger, 2004; Chen & Thurmaier, 2005; Shareef và cộng sự, 2007). Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất:

H1: Nhận thức về sự tương thích có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến dịch vụ công tại Việt Nam.

3.2. Khả năng ứng dụng công nghệ

Cơ cấu tổ chức của chính phủ điện tử dựa trên máy tính và internet. Do đó, nếu người dùng thiếu kinh nghiệm thực hành với công nghệ sẽ dẫn đến sự không thuận lợi đối với việc áp dụng hệ thống và người dùng cũng sẽ không thể đánh giá cao những lợi thế kinh tế của chính phủ điện tử nếu không có kỹ năng tin học. Theo một số nhà nghiên cứu, tính hiệu quả và trải nghiệm của người dùng với internet, ICT và máy tính tạo ra cảm giác an toàn trong thái độ sử dụng các hệ thống trực tuyến của họ (Moon & Norris, 2005; Tung & Rieck, 2005; van Dijk, Peters, & Ebbers, 2008). Chúng tôi dựa trên cơ sở này để đề xuất:

H2: Khả năng ứng dụng công nghệ có tác động tích cực đến ý định sử dụng thanh toán trực tuyến dịch vụ công tại Việt Nam.

3.3. Nhận thức về khả năng sử dụng

Nếu người dùng không đủ khả năng sử dụng công nghệ để tiếp cận thông tin hữu ích và sử dụng dịch vụ, việc thanh toán trực tuyến các dịch vụ công sẽ không khả thi và người dùng không thấy được sự hữu ích của ứng dụng chính phủ điện tử. Từ sự tái cấu trúc của hệ thống chính phủ truyền thống, Shareef et al. (2010) đã giới thiệu và cho rằng nhận thức về khả năng sử dụng phản ánh khả năng sử dụng hệ thống chính phủ điện tử của người dân, dẫn đến ý định sử dụng thanh toán điện tử các dịch vụ công và hệ thống. Chúng tôi cũng đề xuất:

H3: Nhận thức về khả năng sử dụng có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

3.4. Tùy chọn đa ngôn ngữ

Để phục vụ việc thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến cho những người thuộc quốc tịch/dân tộc khác nhau, tùy chọn đa ngôn ngữ là một tiện ích bổ sung thiết yếu. Nhân tố này đặc biệt có ý nghĩa ở một quốc gia có dân số đa chủng tộc và đa ngôn ngữ. Một số nghiên cứu về các nền tảng thương mại điện tử cũng coi yếu tố này là một lý do quan trọng để khách hàng chấp nhận thanh toán trực tuyến (Collier & Bienstock, 2006; Kim et al., 2006; Parasuraman et al., 2005; Wolfinbarger & Gilly, 2003). Với những cân nhắc này, tùy chọn đa ngôn ngữ có thể giúp tăng cường áp dụng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công. Nhóm nghiên cứu phát triển giả thuyết như sau:

 H4: Tùy chọn đa ngôn ngữ có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

3.5. Nhận thức về chất lượng thông tin

Nhận thức về chất lượng thông tin, bao gồm độ chính xác, tính cập nhật, mức độ liên quan, tính đầy đủ, tính liên kết, tích hợp, nội dung, tổ chức, cách trình bày,...có ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của các cá nhân trong việc sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử (Collier & Bienstock, 2006; Kim, Kim, & Lennon, 2006; Kumar và cộng sự, 2007; Parasuraman, Zeithaml, & Malhotra, 2005; Sebastianelli, Tamimi, & Rajan, 2006). Một nghiên cứu thực nghiệm khác được thực hiện ở Úc (AGIMO, 2003) cho thấy rằng thông tin từ Chính phủ sẽ được cung cấp đáp ứng nhu cầu của người dân hơn là phục vụ của các cơ quan Chính phủ. Với những lập luận trên, nhóm nghiên cứu xây dựng giả thuyết như sau:

H5: Nhận thức về chất lượng thông tin có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

3.6. Nhận thức về sự tin cậy

Vì hoạt động Chính phủ điện tử về cơ bản là trực tuyến nên chắc chắn sẽ tồn tại những yếu tố tiềm ẩn khiến người dùng cảm thấy không an toàn khi khai báo thông tin và thực hiện giao dịch. Điều này liên quan đến sự tin tưởng nhận thức được đối với Chính phủ điện tử (Al-Adawi và cộng sự, 2005). Trong các bài nghiên cứu khác, niềm tin cũng được coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng của khách hàng. Nghiên cứu của Hoda Mashayekhi và Yoosof Mashayekhi (2017) đã xác định ảnh hưởng của yếu tố “Niềm tin” đến ý định sử dụng thanh toán trực tuyến là tích cực. Do đó, nghiên cứu này đề xuất:

H6: Nhận thức về sự tin cậy có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

3.7. Nhận thức về lợi ích lý tính

Người dùng có thể nhận được nhiều lợi ích tương đối và tuyệt đối bằng cách sử dụng các dịch vụ của Chính phủ điện tử. Shareef và cộng sự. (2010) đã giới thiệu lợi ích lý tính (PFB) là biến số dự đoán việc áp dụng Chính phủ điện tử. Lợi ích lý tính thể hiện qua hiệu quả rút ngắn thời gian, khi người dân có thể áp dụng các hệ thống Chính phủ điện tử vì họ tiết kiệm thời gian thực hiện các hoạt động so với các văn phòng chính phủ dựa trên giấy tờ truyền thống (Carter & Bélanger, 2005; Gilbert et al., 2004; Wagner, Cheung, Lee, & Ip, 2003). Cùng với đó, việc tiết kiệm chi phí - một trong những thước đo hiệu quả của ứng dụng Chính phủ điện tử khi giúp người dùng giảm chi phí cung cấp dịch vụ, cũng là một khía cạnh của nhận thức lý tính (Tung & Rieck, 2005). Do đó, chúng tôi đề xuất:

H7: Nhận thức về lợi ích lý tính có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

3.8. Giao diện của website và ứng dụng TTTT

Người tiêu dùng khi quyết định sử dụng một nền tảng trực tuyến cũng dựa trên sự phù hợp cá nhân về thiết kế của hệ thống, bao gồm màu sắc, bố cục, phông chữ, thanh điều hướng,… Việc hiển thị các cổng thanh toán trực tuyến của dịch vụ công có thể thúc đẩy người dùng sử dụng hệ thống này. Vì vậy, giả thuyết cuối cùng được đưa ra như sau:

H8: Giao diện của website và ứng dụng TTTT có tác động tích cực đến ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Việt Nam.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mẫu nghiên cứu

Điều tra chính thức được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng là người sử dụng và thanh toán các dịch vụ công, đã thu về được 358 phiếu sau sàng lọc. Trong đó, nam giới và nữ giới chiếm tỷ lệ 49,4% và 50%, đối tượng giới tính khác chiếm 0,6%.

Về độ tuổi, đối tượng khảo sát là từ 18 tuổi trở lên để đảm bảo việc quyết định sử dụng thanh toán trực tuyến cá nhân. Đối tượng được chia thành 4 nhóm chính, bao gồm: 18-22 tuổi (134 quan sát); 22-40 tuổi (177 quan sát); 40-60 tuổi (43 quan sát) và 60 tuổi trở lên (4 quan sát).

Về trải nghiệm, đa số đối tượng đã từng thanh toán trực tuyến dịch vụ công với 306 quan sát, chiếm tỷ lệ tương ứng 85,5%. Chiếm tỷ lệ 14,5% còn lại là các đối tượng chưa từng thanh toán trực tuyến dịch vụ công, gồm 56 quan sát. Như vậy, kết quả thu được cho thấy hầu hết nhóm người tham gia khảo sát đều đã từng thanh toán trực tuyến dịch vụ công.

4.2. Kết quả nghiên cứu định lượng

Nhóm nghiên cứu trước hết tiến hành kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha cho biến tiềm ẩn với tổng cộng 73 biến quan sát. Kết quả phân tích độ tin cậy thang đo đáp ứng yêu cầu với giá trị Cronbach’s Alpha trong khoảng từ 0.827 - 0.878. Nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành phân tích nhân tố khám phá (EFA) bằng cách sử dụng phương pháp trích Principle Components với phép xoay Varimax. Kết quả thu được cho thấy kết quả kiểm định KMO = 0.788, kiểm định Barlett’s có Sig. = 0.000, có trị số Eigenvalue ≥ 1 và các biến quan sát đều lớn hơn 0.5. Từ đây, nhóm tiến hành tạo ra 8 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc nhằm phục vụ cho phân tích hồi quy.

Mô hình gồm có các biến độc lập là: biến Nhận thức về sự tương thích (STT), biến Khả năng ứng dụng công nghệ (UDCN), biến Nhận thức về khả năng sử dụng (KNSD), biến Tùy chọn đa ngôn ngữ (DNN), biến Nhận thức về chất lượng thông tin (CLTT), biến Nhận thức về sự tin cậy (STC), biến Nhận thức về lợi ích lý tính (LILT), biến Giao diện của website và ứng dụng TTTT (GD) và một biến phụ thuộc là biến Ý định thanh toán trực tuyến các dịch vụ công (YD).

Như vậy, nhóm nghiên cứu thu được 1 phương trình hồi quy đánh giá tác động của các biến độc lập lên biến phụ thuộc như sau:

Mô hình: YD = -1.679 + 0.096 STT + 0.116 UDCN + 0.326 KNSD + 0.191 DNN + 0.224 CLTT + 0.244 STC + 0.073 LILT + 0.079 GD

Với mức ý nghĩa 5%, tất cả các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê, ở mô hình các tác động thuận chiều lên. Trong đó, biến Nhận thức về khả năng sử dụng (KNSD) được đánh giá là có tác động mạnh nhất với hệ số của biến này = 0.326. Nhóm nhân tố mà nhóm nghiên cứu thêm vào mô hình gốc ban đầu là (GD) có tác động nhưng không đáng kể, yếu nhất trong những biến độc lập đang xét. (Hình 1)

Hình 1: Ảnh hưởng của các nhân tố tới Ý định thanh toán trực tuyến khi sử dụng các dịch vụ công

5. Một số khuyến nghị và các hướng nghiên cứu tiếp theo

5.1. Một số khuyến nghị

- Đối với các cá nhân và tổ chức

Các cá nhân và tổ chức nên chọn phương thức thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công nhiều hơn do lợi ích và độ an toàn mà phương thức này đem lại so với các phương thức truyền thống. Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm, đồng thời bắt kịp với xu thế chung của xã hội.

Tuy nhiên, người sử dụng cũng cần chú ý đến các rủi ro có thể gặp phải khi giao dịch. Họ cần cập nhật thông tin về các chính sách và chương trình từ những kênh phương tiện đại chúng chính thống để biết được thông tin về các cổng thanh toán trực tuyến đáng tin cậy.

- Đối với ngành Ngân hàng

Để đạt được mục tiêu của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng là phải tập trung phát triển tài chính cộng đồng, thiết lập nền tảng ngân hàng số hiện đại, nâng cao chất lượng của hoạt động thanh toán điện tử, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại nhằm tăng mức độ tiện lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, đảm bảo an toàn về tài sản và thông tin của người sử dụng.

Đồng thời, chuyển đổi số trong các ngân hàng để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính.

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực triển khai những nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có kế hoạch sử dụng dữ liệu để hoạch định và thực thi chính sách, bởi chuyển đổi Chính phủ số phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động sử dụng dữ liệu. Để làm được điều này, Chính phủ cần đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước dành cho xây dựng chính phủ điện tử. Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Lưu ý rằng, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông phải đi kèm với đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin số và bảo mật dữ liệu cho người sử dụng.

Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT để mang lại trải nghiệm tốt cho người sử dụng, Nhà nước cũng cần xây dựng một môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp, đi kèm với việc hoàn thiện những chính sách đã có và xây dựng thêm những chính sách mới nếu cần, nhằm đem đến sự thuận lợi, cũng như tạo niềm tin và động lực cho người tiêu dùng khi thanh toán trực tuyến dịch vụ công.

5.2. Một số hướng nghiên cứu tiếp theo

Do điều kiện khách quan hạn chế về thời gian và chi phí, nghiên cứu này được thực hiện với phạm vi chính là là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - hai thành phố lớn của Việt Nam. Điều này dẫn đến những kết quả và kết luận của nghiên cứu chưa đảm bảo tính chính xác cao. Vì vậy, các nghiên cứu sau cần mở rộng phạm vi nghiên cứu sang nhiều nơi và các mẫu khác để có tính khái quát cao hơn.

Nghiên cứu mới chỉ ra một số nhân tố có tác động đến ý định thanh toán trực tuyến DVC. Tuy nhiên, ngoài những nhân tố nêu trên, còn có nhiều nhân tố khác trong thực tế có tác động đến mà nghiên cứu chưa đề cập tới. Các nghiên cứu sau nên bổ sung thêm những nhân tố mới để mang lại tính chính xác hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Al-Adawi, Z., Yousafzai, S., & Pallister, J. (2005). Conceptual model of citizen adoption of e-government. The Second International Conference on Innovations in Information Technology (IIT'05) (pp. 1-10).
  2. Carter, L. and Bélanger, F. (2005). The Utilization of E-Government Services: Citizen Trust, Innovation and Acceptance Factors. Information Systems Journal, 15, 5-25.
  3. Chen, Y. -C., & Thurmaier, K. (2005). Government-to-citizen electronic services: Understanding and driving adoption of online transactions. The Association for Public Policy & Management (APPAM) conference, Washington, D.C., November 3-
  4. Collier, J.E. and Bienstock, C.C. (2006). Measuring Service Quality in E-Retailing. Journal of Service Research, 8(3), 260-275.
  5. Gilbert, D., Balestrini, P., & Littleboy, D. (2004). Barriers and benefits in the adoption of e-government. The International Journal of Public Sector Management, 14(4), 286−301.
  6. Kim, M., Kim, J.H., & Lennon, S.J. (2006). Online service attributes available on apparel retail website: An E-S-QUAL approach. Managing Service Quality, 16(1), 51−77.
  7. Kumar, V., Mukerji, B., Butt, I., & Persaud, A. (2007). Factors for successful e-government adoption: A conceptual framework. The Electronic Journal of e-Government, 5(1), 63−76.
  8. Parasuraman, A., Zeithaml, V. A., & Malhotra, A. (2005). E-S-QUAL a multiple-item scale for assessing electronic service quality. Journal of Service Research, 7(3), 213−233.
  9. Shareef, M.A., Kumar, V., Kumar, U. and Dwivedi, Y.K. (2010). e-Government Adoption Model (GAM): Differing service maturity levels, Government Information Quarterly, 28(1), 17-35.
  10. Sebastianelli, R., Tamimi, N., & Rajan, M. (2006). Perceived quality of internet retailers: Does shopping frequency and product type make a difference? Siena, Italy: EABR & ETLC.
  11. Tung, L. L., & Rieck, O. (2005). Adoption of electronic government services among business organizations in Singapore. Journal of Strategic Information Systems, 14, 417-440.
  12. Wagner, C., Cheung, K., Lee, F., & Ip, R. (2003). Enhancing e-government in developing countries: Managing knowledge through virtual communities. The Electronic Journal on Information Systems in Developing Countries, 14(4), 1-20.

A study on the intention of individuals to use online payment when they use public services in the trend of accepting e-government in Vietnam

Ph.D Luong Thu Ha1

Nguyen Bao Quyen1

Nguyen Khanh Linh1

Luyen Minh Thu1

1National Economics University

Abstract:

The Electronic Government Adoption Model (GAM) of Shareef et al. (2010) is used in this study to examine the factors affecting the intention to use online payments when people use public services in Vietnam. Besides the factors which are used in the GAM, this study adds two new variables, namely Social influence and Interface of online payment gateways for public services, to make the proposed research model more suitable to the current conditions of Vietnam and to make it easier to explain reasons affecting the factors. The research hypothesis is validated through a sample of 358 individuals from different provinces. The results show that all independent variables affect the intention of individuals to use online payment when they use public services. In which, the variable of Perceived ability to use  and the variable of Perceived Compatibility are two major factors encouranging individuals to use online payment when they use public services.

Keywords: Electronic Government Adoption Model, public services, online payment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]