Lực lượng chức năng Hà Nội chặn đứng nạn buôn lậu trang thiết bị, vật tư y tế

Lợi dụng trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng buôn lậu đã lợi dụng hệ thống rủi ro phân luồng (xanh), và mạng internet để kinh doanh, vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc vi phạm

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, những ngày gần đây khi cả nước đang thực hiện việc giãn cách xã hội, lợi dụng tình hình này các đối tượng đã gia tăng buôn lậu các mặt hàng về trang thết bị vật tư, y tế, khiến công tác phòng, chống dịch càng trở lên khó khăn.

Chỉ tính riêng trong những ngày đầu tháng 8, tháng 9, lực lượng chức năng của Hà Nội đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu. Cụ thể, dưới đây là một số vụ việc điển hình mà lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện và thu giữ.

Ngày 13/8, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy), khám phương tiện vận tải BKS số 29H-34389 do ông Nguyễn Văn Nhẩm điều khiển, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 1.200 hộp viên LIANHUA QINGWEN JIAONANG (1hộp/2 vỉ/24 viên), do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng trên.

Tiếp đến ngày 1/9 ngày Đội QLTT số 6 kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid -19 do nước ngoài sản xuất. Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc điều trị Covid -19. Số thuốc điều trị Covid -19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Chủ cơ sở khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuộc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng/hộp tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần.

Cùng ngày Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 43 đường 3, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) đã phát hiện, thu giữ 400.000 sản phẩm gồm 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân và 347.000 chiếc găng tay cao su đều không rõ xuất xứ. Đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M đã được  bảo hộ tại Việt Nam.

Cục QLTT HN
Lực lượng chức năng kiểm tra số thuốc phòng Covid-19 do nước ngoài sản xuất, tại một cửa hàng hinh doanh trên đường Đại Mỗ

Ngày 2/9, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) và Phòng CSĐT tội phạm về môi trường TP Hà Nội kiểm tra xe ô tô con màu đỏ, chủ xe là Nguyễn Thu Huyền điều khiển, tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy) đã phát hiện thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc này.

Kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu

Theo ông Trần Việt Hùng Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, ngay khi có dấu hiệu dịch bệnh bùng phát trở lại thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các Đội Quản lý thị trường phải phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển trái phép mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, đã lợi dụng các phương thức như thương mại điện tử, xe ưu tiên đăng ký “luồng xanh”, để buôn lậu, kinh doanh hàng giả  và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Hơn nữa, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, không để các đối tượng buôn lậu trang thiết bị vật tư, y tế đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường, bởi nếu số hàng hoá ấy mà để lọt ra ngoài thị trường tiêu thụ, nhất là lại sử dụng cho các tuyến đầu chống dịch, hay cho lực lượng chức năng trong quá trình chống dịch Covid-19, thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Cục QLTT HN
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thu được

Đồng thời, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả trong thời gian tới Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT tiếp tục bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là đối với các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu, trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất dấu hàng hoá.

Bên cạnh đó, ông Trần Việt Hùng Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động, cảnh tỉnh, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm thiết bị vật tư, ý tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên mạng, kẻo “tiền mất tật mang”.

 

PT