Lục Ngạn: Nâng cao chất lượng quả vải phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính

Năm 2022, diện tích vải thiều của huyện Lục Ngạn ước đạt hơn 15,7 nghìn ha, sản lượng ước đạt gần 95,5 nghìn tấn. Trong đó trên 2,7 nghìn ha vải sớm, vải muộn trên 12,9 nghìn ha. Đặc biệt, diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 12,8 nghìn ha và vải GlobalGAP là 117 ha.

Để nâng cao chất lượng của quả vải thiều với mục đích phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, huyện Lục Ngạn đã và đang triển khai nhiều giải pháp về mặt kỹ thuật.

Theo đó, huyện sẽ xây dựng mô hình vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 10 ha tại 02 xã Thanh Hải và Hộ Đáp. Đồng thời, thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ; xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, quy mô 200 ha bằng thiết bị bay không người lái.

Cùng với đó, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP và  GlobalGAP cho khoảng 90 ha vải thiều. Hỗ trợ giá thuốc bảo vệ thực vật và phân tích mẫu sản phẩm tại các xã Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Sơn và Hộ Đáp trước khi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với diện tích 143 ha.

Ảnh Vải thiều Lục Ngạn
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn cũng đã chỉ đạo rà soát cấp mới 3 mã số vùng trồng với diện tích 30 ha, nâng tổng số mã số vùng trồng năm 2022 lên 30 vùng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng… 

Xây dựng phương án chi tiết, bảo đảm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa sản xuất và tiêu thụ vải thuận lợi. Quan tâm tổ chức sản xuất vải thiều theo quy mô hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hình thành và phát triển các chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ...

Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Huyện cũng yêu cầu các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều được thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của cây vải thiều.

Diệu Hân