Mã số vùng trồng chắp cánh cho thương hiệu rau quả Việt Nam

Hầu hết các thị trường lớn, có FTA với nước ta đều yêu cầu phải có mã số vùng trồng với hàng rau quả nhập khẩu. Ngay cả với thị trường vẫn được coi là “dễ tính” như thị trường Trung Quốc, từ năm 2018 đã bắt đầu yêu cầu mã số vùng trồng.
Gian hàng trái cây Việt Nam tại một chợ đầu mối của Pháp
Gian hàng trái cây Việt Nam tại một chợ đầu mối của Pháp

Chuyển động thị trường tương phản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau, quả quý I năm 2020 đạt 836 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau, quả của Việt Nam với 56,6% thị phần, nhưng giảm 29,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này không có gì bất ngờ do tác động khá lớn bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm nay.

Đối lập với thị trường Trung Quốc, hầu hết thị trường khác có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2019. Riêng thị trường các nước Asean tăng từ 2- đến hơn 10 lần.

Cụ thể,thị trường Indonesia tăng 16 lần (từ 164,8 nghìn USD năm 2019 tăng lên 2,1 triệu USD năm 2020); Thái Lan tăng 4,6 lần (từ 7,6 triệu USD tăng lên 35,2 triệu USD); Lào tăng gần 4 làn (từ 2,6 triệu USD tăng lên 9,6 triệu USD); Campuchia tăng hơn 2 lần (từ 340 nghìn USD tăng lên 885,3 nghìn USD)...

Thị trường các nước ngoài Asean cũng tăng mạnh. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản tăng 26%, từ 25 triệu USD quý 1 năm 2019 lên 35 triệu USD quý 1 năm 2020; thị trường Nga tăng hơn 3 lần (từ 2,4 triệu USD tăng lên 8,2 triệu USD); thị trường Hàn Quốc tăng 33%, Australia tăng 14%, New Zealand tăng 17%...

Những số liệu trên cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) và LB Nga, Australia, New Zealand có sức tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (ATIGA, VKFTA, VJEPA, EAEU, AANZFTA)

Đối với các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, theo cam kết thuế quan của các nước dành cho Việt Nam, phần lớn các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đây là yếu tố mới mở ra cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi mà hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Hoa quả Quốc tế Quảng Châu
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Hoa quả Quốc tế Quảng Châu

Như vậy, có thể thấy, đối với mặt hàng rau quả, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Các Hiệp định thương mại tự do đang là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam về trung và dài hạn.

“Nhân vật” chính – doanh nghiệp

Cùng với đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nông dân để tiêu thụ rau quả, trái cây qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài như hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện thu hút nhiều doanh nghiệp phân phối tham gia như “Tuần hàng Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)…

Nhưng việc tận dụng cơ hội từ các FTA trong tăng trưởng xuất khẩu thì “nhân vật” chính vẫn là doanh nghiệp. Cánh cửa thị trường đã mở, thuế quan đã giảm, nhưng vào được thị trường FTA hay không còn phụ thuộc vào doanh nghiệp có đáp ứng được nhu cầu hay không.

Với mặt hàng rau quả, việc “đáp ứng được nhu cầu” chính là vượt qua hàng rào kỹ thuật về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong đó, mã số vùng trồng có ý nghĩa quyết định.

Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ
Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ

Mã số vùng là một mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó. Nói theo mục đích, mã số vùng trồng là công cụ để nhà chức trách nước nhập khẩu truy xuất nguồn gốc.

Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng. Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn trái.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc,…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

Trong đó, yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại,...).

Đồng thời, phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng. Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng,...

Có thể thấy, việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch.

Hầu hết các thị trường lớn, có FTA với nước ta đều yêu cầu phải có mã số vùng trồng với hàng rau quả nhập khẩu. Ngay cả với thị trường vẫn được coi là “dễ tính” như thị trường Trung Quốc, từ năm 2018 đã bắt đầu yêu cầu mã số vùng trồng.

Hiện Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói, đồng thời tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của địa phương.

Con số này còn khá khiêm tốn so với các vùng trồng cây ăn trái nước ta. Ví dụ như Vĩnh Long có gần 44.500 ha trồng cây ăn trái nhưng mới có 113,14ha được cấp mã số vùng trồng, chiếm 0,25% tổng diện tích. Tuy nhiên, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên khi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã và sắp bắt đầu thực thi.

Phúc Thọ