Malaysia tạm ngưng xuất khẩu thịt gà, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường khu vực

Chính phủ Malaysia vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà kể từ ngày 1/6 cho đến khi giá cả và nguồn cung mặt hàng này trên thị trường nội địa Malaysia ổn định trở lại.
 Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà
 Chính phủ Malaysia cho biết sẽ tạm ngưng xuất khẩu thịt gà từ ngày 1/6 tới đây cho đến khi nào giá cả và nguồn cung mặt hàng này trên thị trường nội địa ổn định trở lại (Ảnh: CNA)

Động thái trên được Malaysia đưa ra trong bối cảnh giá thịt gà nói riêng và giá lương thực nói chung tại nước này tăng vọt, gây ra sức ép lạm phát lớn và tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Malaysia. Thủ tướng Malaysia Sabri Yaakob nhấn mạnh “Chính phủ Malaysia quan tâm và nghiêm túc nhìn nhận vấn đề giá cả tăng cao cùng nguồn cung thịt gà hạn chế đang ảnh hưởng đến đời sống người dân Malaysia."

Lượng thịt gà xuất khẩu của Malaysia ước đạt 3,6 triệu tấn/tháng và việc ngưng xuất khẩu này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), đặc biệt là Singapore.

Nguồn cung lương thực của Singapore chủ yếu phụ thuộc vào Malaysia. Trong đó, khoảng 33% lượng thịt gà nhập khẩu vào Singapore là đến từ Malaysia trong năm 2021. Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore cho biết, chắc chắn lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của Malaysia sẽ "tác động tiêu cực" đến giá thịt gà và các sản phẩm liên quan ở Singapore. Ước tính giá thịt gà có thể tăng 15% trong những ngày tới đây.

Với lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, Malaysia trở thành quốc gia mới nhất trong số gần 30 quốc gia trên toàn cầu áp đặt các biện pháp hạn chế hoặc tạm ngưng xuất khẩu lương thực, thực phẩm để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt.

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, hiện đang cân nhắc giới hạn lượng đường xuất khẩu trong năm nay. Trước đó, nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì khi giá mặt hàng này tại Ấn Độ tăng cao gần gấp 2 lần.

Indonesia – quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ thô và các sản phẩm dầu cọ tinh chế trong hơn 3 tuần kể từ hồi cuối tháng 4. Mặc dù Indonesia đã tuyên bố nối lại xuất khẩu dầu cọ nhưng nước này vẫn đang cân nhắc áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kìm hãm đà tăng của giá dầu thực vật.

Thị trường quốc tế hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lúa mì và dầu thực vật khiến giá hai mặt hàng này chạm mức cao kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây dưới tác động của biến đổi khí hậu và xung đột quân sự Nga – Ukraine. Liên Hiệp Quốc và chính phủ nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về rủi ro xảy ra khủng hoảng lương thực quy mô lớn trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá lương thực và giá năng lượng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Quỳnh Trang