Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc và miền Nam có gì khác nhau

Mâm cỗ Tết cũng là một trong nét văn hóa độc đáo và lâu đời của người Việt. Mâm cỗ ngày Tết thể hiện mong muốn no đủ, hạnh phúc trong cả một năm mới.

Mâm cỗ Tết của người miền Bắc đa dạng sắc màu

Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương; cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc phát tài. Mâm cỗ Tết miền Bắc, đặc biệt là của người Hà Nội thường theo đúng nét cổ truyền của dân tộc, ví dụ như: đĩa xôi gấc đỏ tươi thể hiện mong ước được nhiều may mắn, thịt gà luộc phải là thịt gà trống thiến, canh bóng lợn và nấm, miến nấu lòng gà,...

Mam co
Mâm cỗ nhiều màu sắc của người miên Bắc

Người miền Bắc thường rất coi trọng và cầu kỳ trong việc lựa chọn và chế biến mâm cỗ Tết. Các món ăn cũng được lựa chọn hợp với thời tiết lạnh dịp đầu xuân. Một mâm cơm điển hình không thể thiếu các món như bánh chưng, giò, thịt gà, nem, canh măng, dưa hành... được bày biện đẹp đẽ, tinh tươm. Mâm cơm thể hiện sự quây quần, đủ đầy, mong ước có một năm mới no đủ, thịnh vượng.

Canh măng
Canh măng là món đặc trưng trong ngày Tết miền Bắc

Bánh chưng: Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của người miền Bắc vào dịp Tết cổ truyền. Vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường tụ họp và cùng nhau gói bánh, trông nồi bánh chưng cả đêm là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của biết bao thế hệ người Việt. Bánh chưng luộc gồm các nguyên liệu chính như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh được gói thành hình vuông theo khuôn hoặc ai khéo có thể tự gói tay không

Thịt đông: Tết Nguyên đán diễn ra vào thời điểm miền Bắc còn giá rét. Vì vậy, thịt đông thường được lựa chọn làm món ăn chính trong những ngày này. Nguyên liệu làm thịt đông thường là phần chân giò heo, bên cạnh đó là cà rốt, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu... Thịt chân giò cùng các nguyên liệu kèm theo được ninh nhừ, sau đó để đông đặc lại giống món thạch vừa đẹp, ăn lại ngon miệng, phù hợp ngày Tết.

Thịt đông
Món thịt đông trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc

Hành muối: Gia vị làm nên nét đặc trưng của Tết Nguyên đán miền Bắc là món hành muối. Mâm cơm Tết sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi vị thơm nồng, chua cay, của những củ hành muối giòn sần sật. Món ăn này còn được người Bắc sử dụng trong những ngày thường, tăng thêm vị đậm đà cho mọi món ăn

Giò lụa: Trên mâm cơm cúng gia tiên hay mâm cơm sum vầy ngày Tết của người miền Bắc không thể không nhắc đến món giò lụa. Thành phần chính của món ăn này là thịt thăn heo xay nhuyễn. Món ăn ngon nhất khi dùng cùng nước mắm cốt cá đậm đà. Giò lụa được quấn chặt trong lá chuối tươi sau đó luộc chín. Những miếng giò thoảng mùi lá chuối, ngọt vị thịt, làm nên hương vị ngày Tết truyền thống.

Giò lụa
Giò lụa

Nem rán: Món ăn này rất phổ biến trên mâm cơm trong những ngày Tết của người miền Bắc, dịp cả nhà có thời gian cùng nhau gói những chiếc nem thơm ngon cho bữa ăn sum họp gia đình. Nem rán giòn thơm có phần vỏ là bánh đa nem, phần nhân có thịt heo xay, trứng, mộc nhĩ, cà rốt, giá đỗ, rau thơm, hành tây... thái nhỏ.

Nem rán
Nem rán 

Gà luộc: Trong mâm cơm cúng giao thừa, gia tiên hay mâm cỗ những ngày giỗ... đều không thể thiếu món gà luộc. Gà phải chọn con trống, chắc thịt, được luộc thật khéo để gà không bị nứt và da vàng tươi. Khi lên mâm, gà được chặt khéo léo để khi xếp lại vẫn thành hình

Xôi gấc: Những món xôi thường được dùng nhiều trong những ngày lễ, Tết bởi màu đỏ đặc trưng, theo quan niệm của người Việt Nam sẽ đem lại may mắn. Trong dịp Tết Nguyên đán, xôi gấc được sử dụng nhiều nhất để tượng trung cho sự may mắn, sung túc cả năm.

Miến măng: Món canh phổ biến vào dịp Tết cổ truyền là món canh miến măng. Măng được chọn là măng khô hoặc tươi, nước dùng là nước luộc gà hoặc nước hầm xương. Phần miến rong thường được thả sau cùng vì nhanh chín. Canh miến măng có phần thịt là xương heo hoặc móng giò. Bát canh miến măng là món ăn thanh mát trong những ngày Tết cả gia đình phải nạp nhiều món giàu đạm.

Canh măng
Canh măng món ăn không thể thiếu trong ngày Tết

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam

Những món ăn của người miền Nam trong những ngày lễ đón năm mới hầu hết là đồ nguội vì tiết trời ở đây nắng nóng rất dễ bị hỏng đồ ăn. Với những chiếc bánh tét đặc trưng miền Nam thay cho bánh chưng, loại bánh này cũng được làm từ gạo, đỗ xanh và nhân thịt nhưng được gói dài và xắt thành từng miếng hình tròn vừa ăn. Có nhiều loại bánh tét cho dịp này như bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt hay bánh tét chiên giòn thơm.

Mâm cỗ Tết
Mâm cỗ Tết của người miền Nam

Củ kiệu của miền Nam thay cho củ hành muối miền Bắc được ăn kèm với bánh tét. Để bàn tiệc trông rực rỡ hơn và bớt cảm giác bị ngấy vì thịt và bánh, mâm cỗ sẽ có thêm món cháo cá ám ăn kèm với rau thơm và cây chuối non xắt mỏng.

Tôm khô củ kiệu
Món tôm khô củ kiệu ăn kèm bánh tét

Canh khổ qua là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người dân Nam Bộ mang hy vọng một năm mới sẽ đem đến niềm vui, hạnh phúc và may mắn đến với họ.

Canh khổ qua
Món canh khổ qua không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Nam

Những món ăn ngày Tết của người miền Nam cũng có phần phong phú hơn cả với món nem, bì, lòng heo khìa, giò heo, lạp xưởng tươi, món gỏi gà luộc xé phay và củ hành, kiệu là món thường được bày trên mâm cỗ mọi thứ mang một ý nghĩa cho một năm mới sung túc, đầy đủ. Các món ngâm chua như lỗ tai heo ngâm giấm, tôm khô củ kiệu được cánh mày râu rất ưa chuộng khi nhậu ngày Tết. 

Nguyên Vỵ (TH)