Mặt trái của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

 TÓM TẮT:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư nước ngoài đối với phát triển kinh tế xã hội nước ta đã được thực tiễn minh chứng. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng. Đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, FDI có ý nghĩa hơn, thể hiện ở vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra những năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực mà FDI mang lại cũng có rất nhiều mặt tiêu cực ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường… của nước ta. Bài viết phân tích những mặt trái của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam hiện nay và đưa ra một số khuyến nghị.

Từ khóa:  Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, mặt trái của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tác động tiêu cực của FDI.

1. Mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI

* Chuyển giao công nghệ

Chuyển giao kỹ thuật thông qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức là chúng ta đã đề cập đến một nguy cơ là sẽ nhận nhiều kỹ thuật không thích hợp và chỉ ở mức trung bình. Các công ty nước ngoài thường chuyển giao những công nghệ kỹ thuật lạc hậu và máy móc thiết bị cũ. Dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cho nên máy móc công nghệ nhanh chóng trở thành lạc hậu. Vì vậy, họ thường chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư để đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng của sản phẩm của chính nước họ. Hầu hết các nước đều sử dụng công nghệ, sử dụng lao động. Tuy nhiên sau một thời gian phát triển, giá của lao động sẽ tăng, kết quả là giá thành sản phẩm cao. Chính vì việc chuyển giao công nghệ lạc hậu đã gây thiệt hại cho các nước nhận đầu tư như là:

- Tính giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó làm cho nước đầu tư thường bị thiệt hại trong việc tính tỷ lệ góp trong các doanh nghiệp liên doanh và hậu quả là bị thiệt hại trong việc chia lợi nhuận.

- Gây tổn hại môi trường sinh thái.

- Chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất cao và do đó sản phẩm của các nước nhận đầu tư khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trong Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so năm 1990. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Philippines (hạng 53) và Campuchia (hạng 90). Chỉ số giá trị gia tăng công nghiệp chế biến/người (MVA), Việt Nam tăng từ 173,6 USD năm 2009 lên 235,6 USD năm 2013, đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước (Singapore thứ 1, Malaysia thứ 41, Thái Lan thứ 49).

* Phụ thuộc về kinh tế đối với các nước nhận đầu tư

Các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTTNN) sẽ tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế của nước nhận đầu tư vào vốn, kỹ thuật và mạng lưới tiêu thụ hàng hóa của các công ty xuyên quốc gia. ĐTTTNN có đóng góp phần vốn bổ sung quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế và thực hiện chuyển giao công nghệ cho các nước nhận đầu tư. Thông qua các công ty xuyên quốc gia là những bên đối tác nước ngoài để chúng ta có thể tiêu thụ hàng hóa vì các công ty này nắm hầu hết các kênh tiêu thụ hàng hóa từ nước này sang nước khác. Vậy nếu càng dựa nhiều vào ĐTTTNN, thì sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các nước công nghiệp phát triển càng lớn thì sự phát triển của nó chỉ là một phồn vinh giả tạo. 

* Chi phí cho việc thu hút FDI và sản xuất không thích hợp

Chi phí của việc thu hút FDI: Các nước tiếp nhận đầu tư phải áp dụng một số ưu đãi cho các nhà đầu tư như là giảm thuế, miễn thuế trong một thời gian khá dài cho phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài. Giảm tiền thuê đất, nhà xưởng và một số các dịch vụ trong nước là rất thấp so với các nhà đầu tư trong nước. Được Nhà nước bảo hộ thuế quan... Làm cho lợi ích của nhà đầu tư có thể vượt lợi ích mà nước chủ nhà nhận được. Các nhà đầu tư tính giá cao hơn mặt bằng quốc tế cho các yếu tố đầu vào, như: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, máy móc thiết bị mà họ nhập vào để thực hiện đầu tư. Việc làm này mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư, chẳng hạn như trốn được thuế, hoặc giấu được một số lợi nhuận thực tế mà họ kiếm được. Từ đó, hạn chế cạnh tranh của các nhà đầu tư khác xâm nhập vào thị trường. Ngược lại, gây chi phí sản xuất cao ở nước chủ nhà và nước chủ nhà phải mua hàng hóa do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất với giá cao hơn.

-  Sản xuất hàng hóa không thích hợp: Các nhà đầu tư sản xuất và bán hàng hóa không thích hợp cho các nước kém phát triển, hàng hóa có hại cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường như: khuyến khích không dùng thuốc lá, thuốc trừ sâu, nước ngọt có gas thay thế nước hoa quả tươi, chất tẩy thay thế xà phòng...

* Tổn hại đến môi trường

            Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo tổng hợp tại Hội nghị toàn quốc bảo vệ môi trường hàng năm như sau: Cả nước tiêu thụ hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế.

Tác hại hơn, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp (KCN) với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Đây là những con số thống kê cho thấy nguy cơ và hiện tượng ô nhiễm đến môi trường đất, nước và không khí đang ở mức báo động.

Tính đến tháng 6/2012, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, có khoảng 62% các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải KCN thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao. Điển hình là Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều dùng các thủ đoạn tương tự nhau, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường mà gần đây nhất chính là sự kiện của Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai.

Ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các KCN chủ yếu là bụi, một số KCN có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn. Trong khi đó tại các KCN mới, do được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý khí thải đồng bộ trước khi xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN này đã được cải thiện một cách rõ rệt. Thống kê cho thấy, năm 2011, mỗi ngày, các KCN nước ta thải ra khoảng 8.000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng 3 triệu tấn/năm.

*  Những ảnh hưởng tiêu cực khác

Có thể thông qua việc đầu tư để thực hiện hoạt động tình báo, gây rối an ninh chính trị. Thông qua nhiều thủ đoạn khác nhau theo kiểu “diễn biến hòa bình”. Có thể nói rằng sự tấn công của các thế lực thù địch nhằm phá hoại ổn định về chính trị của nước nhận đầu tư luôn diễn ra dưới mọi hình thức tinh vi và xảo quyệt. Mục đích của các nhà đầu tư là kiếm lời, nên họ chỉ đầu tư vào những nơi có lợi nhất sẽ làm tăng thêm sự mất cân đối giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị. Sự mất cân đối này có thể gây ra mất ổn định về chính trị, hoặc FDI cũng có thể gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội.

2. Kết luận

  Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự thiếu hụt về vốn ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển.

Tuy nhiên, Nhà nước cần chủ động nhận diện một cách tường tận các mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải. Định hướng thu hút FDI đến năm 2020; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng trong hoạt động FDI; Xác định đối tác chiến lược trong thu hút FDI và cách tiếp cận hiệu quả.

3. Khuyến nghị

Chọn lọc các lĩnh vực cho phép đầu tư và ưu tiên chọn các nhà đầu tư có công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường.

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách đầu tư, chính sách thuế để bảo vệ kinh tế đất nước. Đồng thời, trách sự lợi dụng trong việc ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư, hiện tượng chuyển giá của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường, chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Việt Hòa (2007), Nghiên cứu tác động của cơ chế, chính sách công đến việc khuyến khích đầu tư vào KH&CN, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ.
  2. http://www.veia.com.vn/ (Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam).
  3. Nguồn WTO - Thách thức và hội nhập.
  4. http://fia.mpi.gov.vn/ (Cục Đầu tư nước ngoài).
  5. http://www.gso.gov.vn/ (Tổng cục Thống kê).

THE DARK SIDE OF ATTRACTING FDI IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI THU HANG

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) is one of important factors in a country's economic development. The role of FDI in the socio-economic development of Vietnam has been proven. Along with the process of globalization, the role of FDI has become increasingly important. For developing countries in general and for Vietnam in particular, FDI plays a more meaningful role which is reflected in the capital and technology supply, and the expansion of production to create new production capacity and improve the competitiveness of Vietnamese enterprises in the international economic integration processs. However, besides the positive aspects of FDI, there are also many negative aspects that significantly affect many economic, political, social, environmental areas of Vietnam. This article presents the dark side of attracting FDI and proposes some recommendations.

Keywords: Foreign direct investment (FDI), the dark side of attracting foreign direct investment,  negative impact of FDI.