Mê mẩn với những món ngon miền Tây

Không chỉ một địa điểm du lịch sinh thái, tự nhiên hấp dẫn nhất cả nước, các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ còn có rất nhiều món ăn ngon làm nên nét đẹp ẩm thực Tây Nam Bộ.

Gỏi cá trích Phú Quốc - Kiên Giang

Điều làm nên sức hút của đảo Phú Quốc không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên độc nhất vô nhị của mảnh đất này. Sức hút của Phú Quốc còn đến từ những món ăn bình dị nhưng có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Một trong những món đặc sản đó, phải kể đến gỏi cá trích. Cái đặc biệt của gỏi cá trích Kiên Giang lại chính là cái chất Phú Quốc thấm trong từng thớ thịt. Chất Phú Quốc với những đặc điểm riêng về nguyên liệu, công thức chế biến đã tạo nên dấu ấn riêng của món ăn trên mảnh đất này.

Gỏi cá trích
Gỏi cá trích món ngon nhất định phải thử khi đến Phú Quốc, Kiên Giang

Gỏi cá trích được làm từ thịt của những con cá trích tươi được đem về từ biển lọc bỏ xương, sau đó trộn cùng với hành tây thái lát mỏng và ít rau thơm, rắc thêm ít dừa nạo hoặc thính. Lúc thưởng thức bạn chỉ cần cho gỏi cá vào trong bánh tráng cùng với rau cuộn lại là có thể thưởng thức rồi đấy.

Bún cá An Giang

Bún cá được biết đến là một trong những món ngon gây thương nhớ cho du khách nhất mỗi khi đến với vùng đất An Giang, đặc biệt nhất là khi bạn thưởng thức tại Châu Đốc. Bún cá An Giang nổi tiếng ngon nhờ vào nước lèo được nấu từ nước luộc cá (có nhiều người bán còn cho thêm xí quách vào nấu để nước tăng thêm vị ngọt).

Bún cá An Giang
Bún cá là món ăn gây thương nhớ cho du khách khi đến An Giang

Với món bún cá đòi hỏi người nấu phải chọn con cá lóc đồng còn tươi sống, thì khi nấu thịt cá mới có thể ngon và ngọt. Nấu sao mà nồi nước lèo phải trong, có vị ngọt của cá và đặc biệt không tanh mùi cá. Khi thưởng thức sẽ ăn kèm cùng với rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và đặc biệt là bông điên điển.

Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân xứ Tây Đô mà còn là món ngon đặc sản miền Tây đấy nhé. Bánh được đổ trong chiếc cống, gồm bột gạo pha loãng, đậu xanh, tôm thịt, củ sắn, ăn kèm với cải xanh, xà lách và các loại rau thơm. Cách thưởng thức đúng chuẩn nhất là bạn sẽ chấm bánh cống vào chén mắm chua ngọt sau đó cắn một miếng và ăn thêm tí rau nha, sẽ rất tuyệt.

Bánh cống Cần Thơ
Bánh cống không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân xứ Tây Đô mà còn là món ngon đặc sản miền Tây đấy nhé

Cá thòi lòi kho tiêu Cà Mau

Cá thòi lòi sinh sống ở vùng đất ngập mặn, bùn lầy ven biển Cà Mau. Loài cá này có hình thù gần giống với bống sao nhưng da xù xì và hai mắt lồi to nằm sát nhau trên chóp đầu, vì thế mà nó có tên là cá thòi lòi. Chúng có đầu hình trụ, răng hàm trên xếp hai hàng, hàm dưới một hàng và vây gạnh xòe rộng.

Cá thòi lòi
Cá thòi lòi kho tiêu đặc sản trứ danh của đất Mũi Cà Mau

Cá thòi lòi đem bỏ mắt, miệng, ruột, đánh vảy, làm sạch, rồi đem ướp với các loại gia vị gồm tiêu xay, nước mắm, muối, ớt, đường, bột ngọt, nước màu và một ít thịt ba rọi (ba chỉ) hoặc nước dừa để tăng thêm độ béo và hình thức bóng đẹp.

Sau đó, cho cá vào nồi đất, pha thêm ít nước và bắc lên bếp kho với lửa nhỏ liu riu cho đến khi thịt cá săn lại. Cá gần cạn nước, có mùi thơm, vị đượm, cho hành lá thái nhỏ vào rồi bắc xuống.

Cá thòi lòi
Cá thòi lòi nướng

Vào một buổi chiều tiết trời se lạnh, có một đĩa cá thòi lòi kho tiêu thơm lừng nóng hổi ăn với cà chua, dưa leo thái mỏng và cơm gạo thơm còn nghi ngút khói hoặc ăn với cháo trắng thì… khỏi chê!

Hủ tíu Sa Đéc, Đồng Tháp

Hủ tiếu Sa Đéc trước nay được xếp vào hàng món ngon Nam Bộ, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Nhưng ẩm thực Sa Đéc có phần còn phong phú hơn khi ngoài món hủ tiếu nước/khô thì họ còn có thêm món hủ tiếu hấp cũng thú vị không kém.

Hủ tíu Đồng Tháp
Hủ tíu Sa Đéc được đánh giá ngon nhất miền Tây

Để có món hủ tiếu Sa Đéc ngon và đúng vị, nước dùng là quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm nấu hủ tiếu của người dân địa phương trong vùng thì nước dùng muốn đạt được chất lượng cao phải nấu bằng xương ống của heo. Ngoài xương heo, nhớ thêm một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để nước dùng trong, ngọt tự nhiên, vị đậm đà.

Hủ tíu khô
Hủ tíu khô 

Nguyên liệu quan trọng khác của món hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng cùng với tim, gan, cật... Điểm xuyến để tô hủ tiếu Sa Đéc thêm đẹp mắt là hành lá cắt nhuyễn, đĩa rau tươi gồm giá đỗ, hẹ cắt đôi, cần tây và xà lách. Ăn hủ tiếu Sa Đéc không thể thiếu chén xì dầu và lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Gắp một miếng hủ tiếu kèm với miếng thịt luộc và con tép đưa vào miệng, người ăn cảm thấy vị ngọt, mằn mặn, chua cay thật ngon.

Cơm dừa Bến Tre

Bến Tre xưa nay vẫn luôn được biết đến với cái tên hết sức thân thương là “Xứ dừa” cũng chính vì thế mà có cơ hội du lịch đến đây bạn đừng bỏ qua món cơm dừa vô cùng đặc biệt.

Cơm dừa Bến Trè
Món cơm dừa vô cùng đặc biệt của Bến Tre

Để làm cơm trái dừa, người ta dùng gạo ngon và phải vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm. Chọn trái dừa ngon, người ta để nguyên trái mà không động chạm gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Sau đó, họ cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy “nồi cơm dừa”. Tiếp theo là cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.

Tôm rang
Cơm dừa phải ăn với tôm rang mới đúng điệu

Món ăn kèm với cơm dừa là tôm rang thì mới “đúng điệu”. Để làm tôm dừa thì có nhiều loại tôm như tôm đất, tôm bầu, tôm lóng, tôm càng xanh … mỗi loại đều có vị ngon riêng.

Lẩu mắm Bạc Liêu

Nhắc đến ẩm thực miền Tây không thể bỏ qua món lẩu mắm thơm ngon và hấp dẫn, đặc biệt là lẩu mắm Bạc Liêu. Có lẽ vì được chắt lọc từ hương đồng sông nước mênh mang và bàn tay khéo léo của nông dân ĐBSCL nên mắm ở đây có hương vị rất riêng, chân chất, mộc mạc mà sâu lắng. Mắm Bạc Liêu rất đặc biệt, đó là món ăn mang dấu ấn giao thoa ba nền văn minh mắm: Chăm- Khmer- Việt rất rõ nét.

Lẩu mắm
Lẩu mắm Bạc Liêu rất đặc biệt, đó là món ăn mang dấu ấn giao thoa ba nền văn minh mắm: Chăm- Khmer- Việt

Người Bạc Liêu đã tận dụng nguồn tài nguyên tôm, cá mà làm lên món lẩu mắm khiến du khách phải mê say. Nồi lẩu mắm với đầy đủ các nguyên liệu thịt ba chỉ, cá bông lau, cá ba sa, cá kèo, mực, tôm… sẽ làm bạn không khỏi xuýt xoa đâu đấy, lúc thưởng thức sẽ cho rau vào để trụng chín tới và ăn kèm có thể là bông súng hoặc rau đắng, rau muống nha.

Cá cháy Vĩnh Long

Trong ẩm thực Vĩnh Long, cá cháy được xếp hạng là món ăn quý hiếm, vì muốn thưởng thức loài cá này thì phải đợi tới mùa mới có. Mùa cá cháy nhiều là mùa gió chướng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước tới tháng 3 năm sau. Cá cháy có thể được chế biến theo nhiều cách từ rán, rim, kho đến nấu canh đều ngon.

Cá cháy Vĩnh Long
Cá cháy là đặc sản quý hiếm của Vĩnh Long

Thịt cá thơm béo, ngọt. Trứng cá cháy có vị ngọt, bùi, béo mà không ngấy, nên rất đưa cơm. Tuy nhiên, cá cháy rất nhiều xương nên khi ăn phải cẩn thận tỉ mỉ không sẽ dễ hóc xương cá, nhưng khi thưởng thức miếng thịt cá thì thật sự không thể nào quên được.

 

Nguyên Vy t/h