Tâm huyết của người thợ tuyển than

Trong bộ quần áo công nhân, người thợ 53 tuổi với 33 năm tuổi nghề đang tận tình chỉ bảo lớp thợ trẻ về chi tiết máy để sửa chữa. Trên gương mặt anh, sự say mê, tâm huyết và kiên trì luôn hiện rõ. Đối

Truyền thống 4 đời làm công nhân tuyển than

            Nếu không được giới thiệu, chắc không ai nhận ra người thợ có dáng người nhỏ đang lúi húi cùng những người công nhân bên chi tiết máy lại là cán bộ của phân xưởng. Anh là phó Quản đốc Cơ điện được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội Cơ điện gồm 167 cán bộ công nhân, hàng ngày quản lý sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các chi tiết cho trên 250 đầu thiết bị lớn nhỏ, gồm nhiều chủng loại có cơ cấu phức tạp, được bố trí theo công nghệ khép kín của dây chuyền sản xuất hiện đại. Bản thân anh luôn tâm niệm, mình trước tiên là một người thợ, sau mới là một cán bộ.

Qua câu chuyện anh kể, tôi mới biết gia đình anh đã có tới 4 đời làm thợ ở Tuyển than Cửa Ông. Trong suốt thời kỳ khó khăn khi đất nước chưa thống nhất, trải qua những giai đoạn phát triển đi lên của Công ty, gia đình anh có lẽ là một trong những gia đình hiếm có về sự nối tiếp truyền thống người thợ tuyển than.

Bà nội anh là công nhân mỏ đến năm 1960 nghỉ hưu, bố anh làm thợ sửa chữa điện cơ khí từ năm 1955 đến 1972, mẹ anh là công nhân lao động từ năm 1955 đến 1983, anh hiện đang là kỹ sư chế tạo máy, và con trai, con gái anh đều đang làm thợ sửa chữa tại công ty.

Anh tâm sự, thời điểm bà nội và bố mẹ anh làm việc tại công ty có lẽ là thời kỳ khó khăn nhất bởi vừa phải chiến đấu, vừa từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh. Chứng kiến và trải qua những biến động không ngừng, anh vẫn quyết tâm lựa chọn Công ty Tuyển than Cửa Ông là nơi lập nghiệp và cống hiến trọn đời. Anh Sơn bộc bạch: “Năm 1976, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi có thi vào ngành Cơ khí của Đại học Thuỷ sản nhưng thiếu điểm. Sau đó có một vài trường trung cấp kế toán, sư phạm gọi đi học nhưng tôi không đi vì không thích. Tôi quyết định học nghề sửa chữa nguội tại trường Công nhân kỹ thuật của Xí nghiệp lúc đó. Tôi muốn trở thành người thợ sửa chữa, mà nhất định phải là thợ của tuyển than”.

Rồi con trai, con gái anh cũng trở thành thợ sửa chữa nguội, sửa chữa điện trong tuyển than Cửa Ông, anh cho biết: “Tôi cũng có định hướng cho các cháu về nghề nghiệp, nhưng quan trọng hơn là chính bản thân các cháu thích và mong muốn chọn nghề sửa chữa để vào làm trong Tuyển than Cửa Ông. Có lẽ đó chính là truyền thống gia đình”.

Phát huy sáng kiến để vượt qua mọi khó khăn

Sau 2 năm học nghề, năm 1979, anh vào làm thợ sửa chữa nguội tại phân xưởng Cơ khí, sau đó chuyển sang làm thợ nguội tại phân xưởng Tuyển than 2. Quá trình học nghề, ngoài sự chỉ bảo của thầy và kinh nghiệm từ thực tế công việc, anh không có bất cứ tài liệu tham khảo nào. Hơn 10 năm trong nghề, anh đã trở thành một người thợ có tay nghề cao, thi bậc 6 năm 36 tuổi. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định đi học đại học, khoa Chế tạo máy của Đại học Bách Khoa. Thêm hơn 5 năm vừa học vừa làm, bên cạnh kinh nghiệm thực tế, anh đã trau dồi, tích luỹ được lượng kiến thức nền tảng, là cơ sở lý thuyết để lý giải và chứng minh cho các nguyên lý hoạt động của máy móc thiết bị.

Nhờ vậy mà hàng năm anh đều có từ 3 đến 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, được Hội đồng Sáng kiến của công ty công nhận và khen thưởng. Tiêu biểu là sáng kiến: Cải tạo kết cấu hộp thoát đáy Cyclone sàng 102, có tác dụng đảm bảo thiết bị làm việc ổn định, thuận tiện cho việc sửa chữa bảo dưỡng, làm lợi 35 triệu đồng; sáng kiến Thiết kế chế tạo lắp đặt ổ chứa tết phụ trục tang quay tháo đá máy lắng 112, giúp tránh được sự cố đột xuất do sợi tết làm mòn gây gãy trục tang quay tháo đá, ảnh hưởng tới sản xuất, làm lợi 32 triệu đồng...

Với những đóng góp to lớn cho trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2008, liên tục được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2005 đến 2008, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn TKV năm 2005, 2007, 2009, được tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ nhất năm 2008 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”.

Khi được hỏi, đã khi nào anh gặp phải khó khăn lớn tới mức không vượt qua được, anh suy nghĩ một hồi rồi lắc đầu: “Không có khó khăn nào là không vượt qua được, bởi vì bản thân tôi luôn tâm niệm, không có sự cố nào là không có nguyên do, cũng như không có thiết bị máy móc nào mà không thể thay thế. Có những lúc máy hỏng phải dừng cả dây chuyền của cả nhà máy, nhưng tôi cùng các anh em thợ đều chung tay giải quyết, đưa máy hoạt động trở lại sớm nhất phục vụ sản xuất”.

Luôn vì sự nghiệp “trồng người"

Nhìn những thợ trẻ đang gia công chế tạo chi tiết máy trong nhà xưởng, anh trăn trở: “Họ cũng giống tôi trước đây nhưng thiếu tâm huyết, nên mới chỉ làm được chứ chưa làm tốt, làm giỏi. Hiện tại, Công ty đang thiếu trầm trọng thợ sửa chữa cơ, sửa chữa kết cấu, khi lớp thợ già như chúng tôi về hưu thì sẽ khó có được lớp thợ trẻ kế cận được về tay nghề”.

Theo anh, đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển theo hướng lâu dài. Nhà máy đang ngày càng hiện đại, trong khi lớp thợ giỏi sắp đến tuổi về hưu, lớp thợ trẻ có kiến thức, có trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm và tâm huyết nên chưa thể kế cận. Anh đã đề xuất chuyển một số thợ điện sang làm thợ kết cấu, thợ nguội và đang đào tạo, dẫn dắt họ từng bước nắm bắt thiết bị và công nghệ của nhà máy tuyển. Trong quá trình đi kiểm tra thiết bị hàng ngày, anh đều dắt theo những kỹ thuật viên, thợ trẻ để chỉ bảo họ. Đối với người thợ lâu năm có kinh nghiệm, qua quan sát và trực tiếp kiểm tra, anh có thể phát hiện ngay những thiết bị nào có nguy cơ hỏng. Nhưng thợ trẻ thì chưa làm được điều đó. Anh không chỉ tận tay những thiết bị, chi tiết có nguy cơ mà chỉ hỏi: "Sau khi quan sát có phát hiện gì không?". Khi họ bảo không, anh dắt họ quay trở lại vị trí đó, dặn họ quan sát kỹ hơn, tự tay kiểm tra lại rồi hỏi lại. Lúc đó anh mới nêu ra những tình trạng có thể xảy ra đối với mỗi thiết bị.

Anh chia sẻ: “Dạy những người trẻ có kiến thức vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì họ nắm bắt nhanh, khó vì họ hay cẩu thả, chủ quan. Nhưng kiên trì nhắc nhở, chỉ bảo, họ cũng khá lên từng ngày, như Bác Hồ đã dạy: Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Anh cho biết, công tác sửa chữa trước đây hầu như bị động vì khi có sự cố xảy ra mới tiến hành sửa, nên việc bị “dựng dậy” ban đêm là thường xuyên. Nhưng hiện tại, gần như không còn sự cố xảy ra vào ca 2, ca 3, bởi hàng ngày anh đều tiến hành đi kiểm tra, nhắc nhở mọi người kiểm tra, thường xuyên theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị, nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ có thể gây nên sự cố, từ đó đề ra biện pháp và chuẩn bị các vật tư, nhân công cần thiết để sửa chữa thiết bị vào thời gian thích hợp, không làm ảnh hưởng đến sản xuất. Tất cả cách thức làm việc của anh đều trở thành tấm gương cho các thợ trẻ nhìn vào.

Vừa là phó Quản đốc, lại vừa là Bí thư Đảng bộ bộ phận phân xưởng Tuyển than 2, anh Sơn luôn làm tốt vai trò của người quản lý, điều hành và chỉ đạo. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh còn chỉ đạo các Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh hàng năm, được Đảng bộ Công ty tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những cán bộ như anh chính là nhân tố gây dựng niềm tin và khí thế thi đua lao động sản xuất hăng say trong đơn vị, góp phần đưa Tuyển than 2 trở thành đơn vị điển hình trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2005-2009) của Công ty Tuyển than Cửa Ông.