Miền Trung - Tây Nguyên: 6 nhóm giải pháp hoàn thành 100% các đề án khuyến công

Từ nay tới cuối năm, khu vực miền Trung - Tây Nguyên phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án KCQG và KCĐP đã được giao năm 2022.

Để thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra, Cục Công Thương địa phương đã đưa ra 6 nhóm giải pháp đối với công tác khuyến công của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2022 được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 72,8 tỷ đồng, cao hơn 42,11% so với kế hoạch năm 2021 (51,23 tỷ đồng).

7 tháng đầu năm 2022, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm. Từ nay tới cuối năm, khu vực miền Trung – Tây Nguyên phấn đấu thực hiện hoàn thành 100% các đề án KCQG và KCĐP đã được giao năm 2022.  Để thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra, Cục Công Thương địa phương đã đưa ra 6 nhóm giải pháp đối với công tác khuyến công của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Những hạn chế cần khắc phục

Báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Đình Vinh Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, đơn vị đồng chủ trì Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022 cho rằng, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thiên tai tại một số khu vực đặc biệt là miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN) làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).

Trước tình hình đó, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) đã báo cáo Bộ Công Thương có văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai kế hoạch kinh phí KCQG, đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên cả nước. Qua đó, các địa phương đã phối hợp rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT để duy trì, ổn định sản xuất.

Ông Võ Đình Vinh Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, các hoạt động khuyến công nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương cả nước nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Tạo cho các cơ sở CNNT và địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.

Năm 2022, toàn khu vực MT – TN hỗ trợ xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ xây dựng 01 mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 253 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 05 cơ sở CNNT. Tổng kinh phí hỗ trợ là 47,26 tỷ đồng, chiếm 64,92% kinh phí khuyến công toàn vùng.

Nghiệm thu hoàn thành 5 đề án khuyến công thuộc Chương trình Khuyến công Quốc gia (Đợt 1 năm 2022) tại 5 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chế biến gỗ và công nghiệp cơ khí, chế tạo tại Quảng Trị

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công thời gian qua đã góp phần hỗ trợ kịp thời và thiết thực đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT của khu vực, sự đồng hành của chính sách khuyến công là nguồn động viên lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT để nhanh chóng khôi phục, tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác khuyến công tại khu vực cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục.

Cụ thể, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch thường xuyên chậm so với quy định. Các địa phương trong khu vực còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh.

Thứ nữa, việc ngân sách Trung ương phân bổ cho chương trình khuyến công quốc gia chậm (đến tháng 5 năm 2022 mới được phân bổ về Bộ Công Thương) nên công tác triển khai thực hiện các đề án khuyến công bị ảnh hưởng, tiến độ chậm, phần nào làm ảnh hưởng tới tính kịp thời của các chính sách Nhà nước hỗ trợ các cơ sở CNNT trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.

Điều đó dẫn tới một số đơn vị chưa theo sát tình hình sản xuất của các cơ sở CNNT dẫn đến đề án phải ngừng hoặc điều chỉnh; tổ chức thực hiện và tạm ứng, thanh toán kinh phí chưa bắt kịp tiến độ, yêu cầu.

Mặt khác, một số đơn vị cơ sở vật chất và phương tiện làm việc còn chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật, nắm bắt các nội dung hoạt động khuyến công còn hạn chế. Địa bàn triển khai các hoạt động khuyến công ở một số địa phương rộng, tuy nhiên thời gian qua, nhiều đơn vị bị thu hồi xe do quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

6 nhóm giải pháp đối với công tác khuyến công của khu vực

Báo cáo tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho rằng, các tháng cuối năm 2022, dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, với những thời cơ thuận lợi đan xen. Khu vực MT-TN mặc dù gặp nhiều khó khăn, song cũng có những yếu tố thuận lợi và cơ hội để bứt phá trong thời gian tới.

Cũng theo ông Trung, việc triển khai công tác khuyến công trong khu vực đã có sự hỗ trợ tích cực từ các cấp. Đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công tác khuyến công đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, ban hành các Văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục lại chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh hậu Covid-19. Cùng với đó, ngày15 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 3384/BCT-CTĐP về tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương

 

Đây là những yếu tố quan trọng để các hoạt động khuyến công trên cả nước và khu vực MT-TN có cơ sở triển khai sâu rộng; hỗ trợ tích cực cho các cơ sở CNNT tận dụng cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng như giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Trung, công tác khuyến công khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần bám sát vào nhiệm vụ phát triển của các địa phương, quyết định 1881 của Thủ tướng Chính phủ, Chị thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đó là những văn bản mang tính chất định hướng.

Để làm tốt việc này, công tác khuyến công miền Trung – Tây Nguyên tập trung vào 6 vấn đề:

Thứ nhất, về cơ chế chính sách cần rà soát, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025; Công văn số 3384/BCT-CTĐP ngày 15 tháng 6 năm 2022 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.

Thứ hai,  đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công. Thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2023.

Thứ ba, về kinh phí, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG, tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí đối với các hợp đồng đã ký. Bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT, đặc biệt là các đối tượng tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gặp khó khăn trong triển khai đúng tiến độ đề án; thường xuyên có báo cáo về Bộ Công Thương (qua Cục CTĐP) để xem xét, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kinh phí KCQG năm 2022. Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển CNNT. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển CNNT.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nội dung về khuyến công giữa Bộ Công Thương với các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn của Sở Công Thương với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công và Phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, làm tiền đề cho bước phát triển mới của công tác khuyến công các năm tiếp theo.

Thứ năm, tiếp tục tập trung hỗ trợ nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng, có giá trị sử dụng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong vào ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT.

Cuối cùng,  tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp, thương mại. Tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông.

Thăng Long