Minh bạch trong hoạt động quản lý thuế: Thực trạng và giải pháp

TRẦN THỊ NGỌC DIỆP (Đội Kiểm tra Chi cục Thuế Thanh Trì)

TÓM TẮT:

Minh bạch hóa quản lý thuế là một xu thế tất yếu mà cơ quan thuế các nước trên thế giới đã và đang hướng tới và cũng là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự minh bạch trong hoạt động quản lý thuế, giúp cơ quan thuế nhận thức được những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý và kịp thời có các giải pháp khắc phục.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, duy trì một hệ thống thuế đơn giản, minh bạch với ít sắc thuế và mức thuế suất sẽ dễ quản lý và có mức độ tuân thủ cao hơn một hệ thống thuế phức tạp, đồng thời tạo sự ổn định cho ngân sách nhà nước.

Từ khóa: Quản lý thuế, minh bạch, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Doanh nghiệp.

I. Đặt vấn đề

Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sự minh bạch về thể chế chính sách và quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, xét trên góc độ thực tiễn, những chính sách này khi đi vào cuộc sống vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa được giải quyết triệt để và chưa thể hiện đầy đủ sự minh bạch trong thực thi, khiến nhiều doanh nghiệp còn cảm thấy lúng túng trong quá trình tuân thủ pháp luật thuế tại Việt Nam.

II. Minh bạch thuế là một xu hướng tất yếu

1. Tại sao cần minh bạch thuế trong tình hình hiện nay

Trong xu thế hội nhập hiện nay, khi cơ hội hợp tác quốc tế càng tăng thì vấn đề công khai, minh bạch là yếu tố mà các đối tác nước ngoài quan tâm, lựa chọn để hợp tác, kinh doanh. Đây là lợi thế lớn của các doanh nghiệp (DN) thể hiện được tính minh bạch. Về phía người tiêu dùng, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Hướng tới minh bạch thì có đến 60% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, dịch vụ của DN minh bạch. Ở nước ta, câu chuyện công khai và minh bạch đang được tiếp nhận như một chủ trương lớn trong quy trình quản lý. Công khai và minh bạch là yếu tố rất quan trọng để tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước không những tạo niềm tin của dân vào Nhà nước mà còn giám sát hoạt động của Nhà nước người đại diện cho quyền lực của nhân dân. Người dân có thông tin không chỉ để tham gia vào việc chung của Nhà nước. Công khai và minh bạch là giải pháp cốt lõi để tạo năng lượng từ thông tin trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức. Thông tin sẽ tạo nên giá trị gia tăng rất lớn cho phát triển. Hơn nữa, công khai và minh bạch là giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống tham nhũng, hướng tới một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh.

Mục tiêu minh bạch hóa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà Chính phủ đặt ra cho thấy, Chính phủ đã thực sự xem đây là vấn đề cấp bách mà các bộ, ngành và địa phương phải tích cực triển khai và thực hiện nghiêm túc.

Một vấn đề về minh bạch thuế đang là tâm điểm của dư luận trong thời gian gần đây chính là vấn đề tăng thuế môi trường được tính vào giá xăng. Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày của tất cả tầng lớp dân cư đến những doanh nghiệp, nhà máy. Chính vì vậy, khi có những chính sách của Nhà nước liên quan đến giá xăng dầu thì đây luôn là chủ đề nóng trên mọi diễn đàn mà tất cả mọi người đều đặc biệt quân tâm.

Thứ nhất, khung mức điều chỉnh tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít xăng căn cứ vào đâu, để đưa mức thu tuyệt đối bằng con số như vậy phải có nghiên cứu về môi trường. Ví dụ, để cải thiện môi trường không khí thì chi phí hết bao nhiêu?. Cụ thể hơn, tiền này chi tiêu vào mục A, B, C… từ đó mới đưa ra mức thu hợp lý. Phải thực hiện được một lộ trình đánh giá khoa học như vậy và phải công bố rộng rãi để toàn dân biết, thấy được sự cần thiết và cùng chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn.

Thứ hai, sau khi có được sự đồng thuận của nhân dân và thu được tiền rồi thì sử dụng như thế nào, hết bao nhiêu cũng phải minh bạch. Kết quả sau quá trình chi tiêu số tiền mà nhân dân đóng góp phải đạt được thành quả rõ ràng trong việc bảo vệ môi trường.

Từ đó khi dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường đưa ra với điều chỉnh tăng dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tăng thuế sẽ dùng vào việc gì? Tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhưng tăng thuế rồi chi vào mục đích gì có chi đúng vào môi trường hay chi vào việc khác? Đã nói thuế bảo vệ môi trường thì chỉ chi vào môi trường. Quan trọng nhất là phải minh bạch, minh bạch bằng cách người nộp thuế (người dân) được tiếp cận thông tin việc chi tiêu phần tăng thuế. Mặt khác, cần phải cân nhắc mức thu để cân đối với toàn bộ nền kinh tế phù hợp với mức sống của người dân.

Quan trọng nhất ở đây vẫn là minh bạch, chỉ có minh bạch mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Minh bạch nền tài chính ra để hoạt động hiệu quả và thiết thực.

2. Thực trạng minh bạch thuế hiện nay

Những giải pháp cải cách thuế mà Chính phủ và Bộ Tài chính đã và đang thực hiện giúp minh bạch hóa hệ thống chính sách thuế, quy trình quản lý thuế, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, tiết kiệm chi phí tuân thủ. Có nhiều thành tựu quan trọng có thể kể đến.

Một là, ngành Thuế đã ban hành tuyên ngôn ngành Thuế (Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới), thể hiện một thông điệp muốn gửi đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp về sự chuyển mình về cung cách quản lý, từ chỗ xem người nộp thuế là đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ.

Hai là, sự tích cực và quyết liệt của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm giảm số giờ nộp thuế cho doanh nghiệp. Chỉ trong hai năm 2015 - 2016, với việc ban hành hàng loạt các giải pháp cắt giảm thời gian nộp thuế, bãi bỏ các quy định không cần thiết đã giúp Việt Nam từ vị trí “đội sổ” trong bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế (nhóm 12 nước ASEAN + Trung Quốc) vươn lên đạt mức trung bình của nhóm ASEAN-6 trong năm 2015 và dự kiến sẽ đạt mục tiêu lọt vào nhóm ASEAN-4 trong năm 2016.

Mục tiêu này tiếp tục được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, là Việt Nam sẽ đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh;

Ba là, phương thức khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đã được đẩy mạnh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kê khai, nộp thuế theo hướng nhanh gọn, thuận tiện, an toàn và hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.

Bốn là, nhiều chính sách thuế mới được ban hành trong thời gian vừa qua đã góp phần đơn giản, minh bạch hóa việc kê khai, tính thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: bãi bỏ phụ lục bảng kê trong hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng; đơn giản hóa thủ tục đăng ký phương pháp nộp thuế giá trị gia tăng; bãi bỏ quy định kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý; bổ sung quy định rõ thời hạn cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra quyết toán thuế khi người nộp thuế giải thể, chấm dứt hoạt động, chuyển đổi loại hình; giảm dần sự khác biệt giữa kế toán và thuế trong xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã chính thức công bố danh sách 600 doanh nghiệp (DN) nợ thuế lớn nhất tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là 600 DN có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn, đã quá 121 ngày và cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Đây là lần đầu ngành Tài chính Quốc gia thực hiện biện pháp mạnh để xử lý nợ thuế. Trước đó, cuối năm 2014, Cục Thuế tỉnh cũng đã công khai danh sách DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Nhiều ý kiến bình luận, song đó chắc chắn cũng là một trong những biện pháp tích cực để đôn đốc, nhắc nhở các DN. Công khai và minh bạch với doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập về trách nhiệm xã hội của họ. Trước đây, để thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế thường gửi thông báo đến DN rồi đôn đốc, thực hiện các bước cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, xóa mã số thuế... buộc DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chây ỳ hoặc bỏ trốn, khiến số tiền nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh không phải là nhỏ, trong đó có nhiều khoản nợ khó đòi. Theo báo cáo của cơ quan thuế, việc thu nợ thuế không đơn giản, bởi nhiều DN còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cá biệt, có DN nợ thuế hoặc bị truy thu thuế với số tiền lớn không còn khả năng thanh toán. Có thể thấy, việc công khai danh sách DN nợ thuế là biện pháp mới trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, mang lại hiệu ứng xã hội rất tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau khi công bố danh sách nợ thuế, nhiều DN đã bằng mọi cách, cân đối nguồn kinh phí để nộp thuế. Việc công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế cũng là một đòi hỏi từ thực tế. Đây cũng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều vấn đề cần công khai, minh bạch trong thực tiễn cuộc sống hiện nay. Năm 2015-2016, đánh dấu mức độ hội nhập rất sâu của nước ta. Công khai, minh bạch đang là một tiêu chí quan trọng để Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Để thúc đẩy minh bạch, công khai rất cần sự tham gia của nhà nước và người dân. Chính phủ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy minh bạch còn người dân giám sát, nâng cao nhu cầu minh bạch. Minh bạch ở đây không phải là minh bạch về báo cáo, công văn, giấy tờ mà minh bạch ở tất cả các hoạt động. Minh bạch đi kèm với trách nhiệm giải trình trong các DN khiến cá nhân muốn ẩn mình, muốn trục lợi bản thân cũng khó thực hiện được. Thông thường, một công ty lớn nước ngoài khi chọn đối tác vào chuỗi cung ứng hay hợp tác, nếu DN minh bạch chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bởi vậy, các DN cần tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật chủ động xây dựng hệ thống đảm bảo thông tin công khai, minh bạch của công ty mình và được quản trị một cách bài bản, chặt chẽ, nhất quán từ trên xuống dưới trong hoạt động sẵn sàng cạnh tranh trên thương trường. Đồng thời, mỗi DN cần nêu cao trách nhiệm xã hội của mình, tự giác chấp hành pháp luật về thuế, trả nợ thuế. Bởi đó chính là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội và quyền được đóng góp với ngân sách nhà nước để chăm lo phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước và ngược lại, kinh tế xã hội phát triển ổn định, chính quyền địa phương các cấp sẽ có điều kiện hỗ trợ thêm nguồn lực giúp DN làm ăn tốt hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.

Bên cạnh một số thành tích đã đạt được của ngành Thuế thì không tranh khỏi một số hạn chế như:

Minh bạch nhưng chưa cụ thể: Nhiều công văn trả lời cho doanh nghiệp còn mang tính nguyên tắc, không rõ ràng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau khiến doanh nghiệp khó thực hiện.

Minh bạch nhưng chưa công bằng: Chính sách quy định doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế sẽ bị xử phạt với các mức phạt rất cụ thể; nhưng trường hợp cơ quan thuế hoàn thuế chậm cho doanh nghiệp so với thời gian quy định hoặc việc trả lời khiếu nại của doanh nghiệp chậm thì chưa có chế tài cơ quan thuế phải bồi thường, thanh toán tiền lãi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chính sách còn mang nặng tính áp đặt hành chính, ví dụ trong quy định về giá chuyển nhượng, cơ quan thuế có quyền sử dụng dữ liệu quản lý của cơ quan thuế để xác định giá thị trường (tỷ suất lợi nhuận) ấn định cho doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thông tin đã sử dụng để xác định giá thị trường thì cơ quan thuế từ chối cung cấp với lý do cơ quan thuế phải bảo mật thông tin. Doanh nghiệp do đó cũng không rõ dữ liệu cơ quan thuế lựa chọn để ấn định có thực sự tương đồng với dữ liệu của mình hay không.

Trong thời gian tới, ngành Thuế nên tiếp tục có các giải pháp triệt để hơn trong tiến trình minh bạch hóa hệ thống thuế như: tiếp tục hoàn thiện khung chính sách đảm bảo rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bồi dưỡng, nâng cao tính liêm chính, chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế; công khai quá trình giải quyết hồ sơ thuế doanh nghiệp và người dân có thể giám sát được việc thực thi công vụ của cán bộ thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ quản lý thuế nhằm giảm thiểu các bước thủ tục về hồ sơ, giấy tờ còn mang tính thủ công.

Mục tiêu minh bạch hóa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà Chính phủ đặt ra cho thấy Chính phủ đã thực sự xem đây là vấn đề cấp bách mà các bộ, ngành và địa phương phải tích cực triển khai và thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, ngành Thuế cũng như các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động hết sức cụ thể, chi tiết và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, báo cáo định kỳ với Chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cafef.vn

2. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

3. http://www.tinmoi.vn

TRANSPARENCY IN THE TAX MANAGEMENT: MORE TRANSPARENT IS AN INEVITABLE TREND

TRAN THI NGOC DIEP

Tax deparment of Thanh Tri district

ABSTRACT:

Making the tax management more transparent is an inevitable trend which is focused by tax authorities of many countries in the world. This trend is also an urgent task for Vietnam in the context of international economic integration. The transparent tax management would help the tax authorities to recoginze shortcomings in their management and carry out appropriate measures. Based on other countries’ experiences in tax management, a simple and transparent tax system with less tax types and also tax rates would be easier for management and create stability for the State budget. In addition, this kind of tax system has higher level of compliance in comparison with a complicated tax system.

Keywords: Taxation management, transparent, the Ministry of Finance, the General Department of Taxation, enterprise.