TÓM TẮT:

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) và Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, BCLCTT phản ánh số thay đổi của BCĐKT qua một kỳ kế toán nhất định. Để nhận thức hết ý nghĩa của BCLCTT, phải đặt nó trong mối tương quan với BCĐKT, tạo thành một mô hình lưu chuyển tiền tệ (LCTT) doanh nghiệp thống nhất. Do vậy, bài nghiên cứu trình bày tổng quan về mô hình LCTT, nhằm phản ánh một cái nhìn toàn diện về cơ chế vận động liên tục thay đổi hình thức của vốn; là cơ sở lý thuyết nền cho việc xây dựng hệ thống quản trị tiền, thiết kế mẫu biểu BCLCTT và xác lập hệ thống các chỉ số phân tích tài chính.

Từ khóa: báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán, mô hình lưu chuyển tiền tệ.

1. Đặt vấn đề

Chỉ số phân tích tài chính là những thông tin hỗ trợ người sử dụng ra các quyết định kinh doanh. Có 2 hướng tiếp cận tình hình tài chính doanh nghiệp để tạo lập nên các chỉ số phân tích tài chính: 1) theo cơ sở kế toán dồn tích, là chỉ số phân tích được thiết lập dựa trên mối liên hệ giữa Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD) và BCĐKT; 2) theo cơ sở kế toán tiền, gồm các chỉ số phân tích được xây dựng bằng cách kết nối các chỉ tiêu trên BCLCTT và các chỉ tiêu trên BCĐKT.

Các chỉ số phân tích tài chính theo hướng kế toán dồn tích đã ổn định, đã được chấp nhận trên các thị trường chứng khoán trên thế giới, như: Suất sinh lợi trên doanh thu; ROA; ROE,…

Ngược lại, theo hướng kế toán tiền, các chỉ số phân tích BCLCTT chưa nhận được sự đồng thuận rộng rãi bởi các chuyên gia kế toán - tài chính trên thế giới (Michael A. Diamon, 2003, p 162).

Việc không đồng thuận này, xuất phát từ 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do các chuyên gia kế toán - tài chính trên thế giới đã quá nhấn mạnh đến vai trò tích cực của “Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh” (Operating Cash Flow - OCF). Khi OCF dương (> 0) thì kết luận tình hình tài chính tốt, làm ăn có lãi; Còn khi OCF âm (< 0) được xem là xấu, làm ăn không hiệu quả.

Do quá nhấn mạnh đến vai trò dương của OCF, nên phần lớn các chỉ số phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ đều được thiết lập xoay quanh chỉ tiêu này, như: Quality of Income Ratio, Cash Return on Assets, Cash Flow Coverage Ratio,…

Một khi OCF âm, toàn bộ các chỉ số phân tích BCLCTT nêu trên đều trở nên vô nghĩa.

Thứ hai, quá trình xác lập các chỉ số phân tích BCLCTT hiện nay chỉ đơn thuần là sự kết nối ngẩu nhiên các chỉ tiêu trên BCLCTT, BCKQKD và BCĐKT mà không dựa trên bất kỳ một mô hình lý thuyết nào có tính hệ thống làm cơ sở, dẫn đến có sự lúng túng trong việc phân loại một số dòng tiền, như: lãi vay, cổ tức, thuế thu nhập doanh nghiệp,... (Weiss and Yang, 2007).

Do vậy, bài nghiên cứu sẽ trình bày cơ sở lý thuyết để có cái nhìn tổng quát và kết cấu của mô hình lưu chuyển tiền tệ, từ đó, làm cơ sở cho các chỉ số phân tích tài chính theo hướng “cash”.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Lý thuyết hệ thống

Hệ thống: là tập hợp các yếu tố liên kết với nhau và toàn bộ tập hợp đó có những tính chất không thể quy về thành những tính chất của từng yếu tố, từng mối liên kết đứng riêng rẽ.

Yếu tố: là các thành phần của hệ thống, không thể chia nhỏ thêm nữa trong một cách xem xét cho trước.

Mối liên kết: là sự trao đổi, tương tác, ảnh hưởng, phụ thuộc,… giữa các yếu tố. Sự liên kết các yếu tố thường được thể hiện qua các mặt: chất, năng lượng, thông tin và tổ hợp của chúng. Các mối liên kết ảnh hưởng rất lớn đến tính hệ thống, bởi vì số lượng các mối liên kết có thể lớn hơn gấp nhiều lần số lượng của các yếu tố. Một hệ thống có n yếu tố, có thể có tới n(n-1) các mối liên kết. Tùy theo cách xem xét của mục tiêu nghiên cứu mà có những trường hợp yếu tố và mối liên kết có thể chuyển đổi vai trò cho nhau.

Tính hệ thống: là sự thay đổi về chất. Tính hệ thống thường được biểu hiện thành mục đích của hệ hoặc các chức năng, tính chất chính của hệ. Người nghiên cứu luôn chú ý đến tính hệ thống trong suốt quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định để giữ gìn và phát triển nó. Trên thực tế, sáng tạo và đổi mới có một mục đích chung là phát triển tính hệ thống của những hệ thống đã có, hoặc xây dựng những hệ thống với tính hệ thống mới.

Trạng thái hệ thống: là tập hợp các thông số, dấu hiệu mô tả hệ thống. Chỉ cần một trong số các thông số, dấu hiệu đó thay đổi, người ta sẽ coi hệ đang ở trong một trạng thái hệ thống khác. Trên thực tế, hầu như tất cả các hệ là hệ mở, có nghĩa là, chúng không cô lập mà liên kết với các hệ khác, liên kết với môi trường. Ở đây có khuynh hướng tính liên kết gia tăng theo thời gian.

Khái niệm hệ thống mang tính tương đối: một yếu tố thuộc hệ thống cho trước, trong cách xem xét khác, lại thỏa mãn định nghĩa hệ thống. Để phân biệt, người ta gọi nó là hệ dưới. Một hệ cho trước, trong cách xem xét khác, trở thành yếu tố của hệ lớn hơn, bao trùm nó. Để phân biệt, người ta gọi hệ lớn hơn là hệ trên. Sự xem xét này có thể tiếp tục tạo thành thang bậc hệ thống. Nguyên tắc chung, tính hệ thống ở bậc cao hơn quy định tính hệ thống ở bậc thấp hơn. Hệ thống thay đổi theo thời gian. Thời gian có nghĩa tuyệt đối và tương đối. Với nghĩa tương đối, người nghiên cứu tùy theo cách xem xét, có quyền thay đổi trục thời gian hiện tại. Đối với hệ có tính hệ thống phức tạp như đa chức, đa mục đích, đa tính chất,… thì người ta có thể xem xét riêng từng chức năng. Cách xem xét này gọi là chiều xem xét tính hệ thống.

Thang bậc hệ thống, thời gian và chiều xem xét tính hệ thống tạo thành không gian hệ thống. Đối với hệ thống có tính hệ thống đơn giản (một chức năng), người ta có trường hợp đặc biệt: mặt phẳng hệ thống.

Tư duy hệ thống: là quá trình suy nghĩ của người nghiên cứu sao cho người nghiên cứu không chỉ thấy, suy nghĩ về, xử lý,… vấn đề đang giải quyết như là một hệ thống mà về mặt nguyên tắc, toàn bộ các hệ có trong không gian hệ thống. Ít nhất, người nghiên cứu phải thấy, suy nghĩ về, xử lý… 9N hệ (đối với hệ có N chức năng) hoặc 9 hệ (đối với hệ đơn giản có một chức năng).

2.2. Mối liên hệ giữa các báo cáo tài chính

Khi nghiên cứu tính hữu ích của thông tin kế toán, điều kiện đầu tiên cần phải xác lập là, thông tin đó được ghi nhận theo cơ sở kế toán nào?

Cụ thể, BCKQKD được ghi theo cơ sở kế toán dồn tích, BCLCTT được ghi theo cơ sở kế toán tiền và Báo cáo tình hình tài chính doanh nghiệp hay BCĐKT là kết quả hỗn hợp của cả hai cách ghi nhận trên.

Cơ sở kế toán tiền: ghi nhận giao dịch tại thời điểm thu tiền hoặc chi tiền. Theo đó, chi tiền đồng nghĩa với chi phí, thu tiền tương đương với doanh thu. Kết quả của cách ghi nhận “kế toán tiền” dẫn đến trên BCĐKT thể hiện: phần tài sản chỉ có tiền, không có tài sản phi tiền tệ và khoản phải thu khách hàng; phần nguồn vốn chỉ gồm có nợ vay, vốn chủ sở hữu, không có nợ chiếm dụng (phải trả người bán, phải trả người lao động, thuế phải nộp,...).

Cơ sở kế toán dồn tích: ghi nhận giao dịch tại thời điểm giao dịch xảy ra, không quan tâm đến việc thu tiền hoặc chi tiền. Cụ thể:

1) Mua hàng hóa: ghi tăng tài sản phi tiền tệ và tăng nợ phải trả.

2) Sử dụng tài sản phi tiền tệ: ghi giảm tài sản phi tiền tệ và ghi tăng chi phí.

3) Sử dụng lao động: ghi tăng chi phí và ghi tăng nợ phải trả.

4) Sử dụng dịch vụ mua ngoài: ghi tăng chi phí và ghi tăng nợ phải trả.

5) Bán hàng hóa, dịch vụ: ghi tăng doanh thu và ghi tăng nợ phải thu.

Kết quả của cách ghi nhận theo “cơ sở kế toán dồn tích” dẫn đến BCĐKT sẽ được bổ sung: phần tài sản sẽ có thêm tài sản phi tiền tệ và nợ phải thu khách hàng; phần nguồn vốn sẽ có thêm nợ chiếm dụng (phải trả người, phải trả người lao động, thuế phải nộp,...). 

3. Mô hình LCTT doanh nghiệp

3.1. Xây dựng mô hình

Theo phương pháp bắc cầu, kết nối BCLCTT và BCĐKT, Mô hình LCTT doanh nghiệp được mô tả là một hệ thống gồm có 1 chức năng, 3 cấp bậc hệ, cụ thể:

Bảng 1. Mô tả mô hình hệ thống lưu chuyển tiền tệ

Mô tả mô hình hệ thống lưu chuyển tiền tệ

Mô hình LCTT trong doanh nghiệp là một hệ thống 3 bậc thang, được xem xét theo thời gian 3 năm: năm trước, năm hiện tại và năm dự báo. Trong đó:

- Dòng tiền ở hoạt động tài chính là hệ trên;

- Dòng tiền ở hoạt động sử dụng tiền là hệ, gồm: kinh doanh là hệ1 và đầu tư là hệ2;

- Dòng tiền chi tiết của hoạt động kinh doanh, như: kinh doanh hàng tồn kho, kinh doanh tài chính, kinh doanh bất động sản; dòng tiền chi tiết của hoạt động đầu tư, như: đầu tư TSCĐ, đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản là hệ dưới.

Hình 1: Mô hình lưu chuyển tiền tệ doanh nghiệp

Mô hình lưu chuyển tiền tệ doanh nghiệp

Chu trình luân chuyển của tiền như Hình 2.

Hình 2: Chu trình luân chuyển tiền 

Chu trình luân chuyển tiền 

Trong chu trình luân chuyển này, dòng thu và dòng chi của tiền trên BCLCTT có tương quan nhân quả trực tiếp với các chỉ tiêu tài sản phi tiền tệ và các chỉ tiêu nghĩa vụ tài chính trên BCĐKT tạo thành một hệ thống khép kín.

3.2. Các khái niệm khung rút ra từ mô hình lý thuyết

Theo nguyên tắc “tĩnh chế động”, các khái niệm thuộc BCLCTT buộc phải được định nghĩa theo các các khái niệm thuộc BCĐKT. Từ mô hình lý thuyết có thể rút ra một số khái niệm về LCTT như sau:

- Hoạt động tài chính là những hoạt động liên quan đến vốn vay, vốn chủ sở hữu.

- Hoạt động đầu tư là những hoạt động liên quan đến tài sản dài hạn.

- Hoạt động kinh doanh là những hoạt động liên quan đến tài sản ngắn hạn hoặc các hoạt động khác không phải là hoạt động tài chính hay hoạt động đầu tư.

- Dòng tiền gồm: dòng thu hoặc dòng chi của tiền và tương đương tiền, không bao gồm các khoản chuyển dịch trong nội bộ giữa tiền và tương đương tiền.

- Dòng tiền từ hoạt động tài chính là dòng thu hoặc dòng chi của tiền và tương đương tiền liên quan đến vốn vay, vốn chủ sở hữu.

- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư là dòng chi hoặc dòng thu của tiền và tương đương tiền liên quan đến tài sản dài hạn.

- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là dòng chi hoặc dòng thu của tiền và tương đương tiền liên quan đến tài sản ngắn hạn; và dòng chi khác hoặc dòng thu khác của tiền và tương đương tiền không phải là dòng tiền từ hoạt động tài chính hoặc đầu tư.

- Dòng tiền vào là dòng thu của tiền và tương đương tiền ở hoạt động tài chính.

- Dòng tiền sử dụng là dòng chi của tiền và tương đương tiền ở hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh.

- Dòng tiền làm ra là dòng thu của tiền và tương đương tiền ở hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh.

- Dòng tiền ra là dòng chi của tiền và tương đương tiền ở hoạt động tài chính.

3.3. Hiệu chỉnh một số khái niệm khung về LCTT của IAS 7 và FAS 102

Đề xuất hiệu chỉnh lại một số khái niệm khung về BCLCTT của IASB (IAS 7) và FASB (FAS 102) như mô tả tại Bảng 2.

Bảng 2. Phân biệt một số khái niệm của IAS7, SFAS102

Phân biệt một số khái niệm của IAS7, SFAS102

4. Kết luận

Ý nghĩa của BCLCTT chỉ có thể được nhận biết rõ ràng khi được xem xét trong mối quan hệ với BCĐKT, tạo nên một hệ thống LCTT thống nhất, gồm 3 bậc thang: hệ trên là dòng tiền của hoạt động tài chính; hệ1 là dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hệ2 là dòng tiền của hoạt động đầu tư; và các dòng tiền chi tiết ở hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư là những hệ dưới. Các dòng tiền này, tuy bề ngoài nhìn có khác nhau, nhưng nếu khái quát chung lại thì chúng chỉ là một dòng luân chuyển vốn 4 quá trình nối tiếp, gồm: huy động tiền, sử dụng tiền, tạo ra tiền và hoàn trả tiền. Cách tiếp cận theo hệ thống này, phản ảnh một cái nhìn toàn diện về cơ chế vận động liên tục thay đổi hình thức của vốn; và là cơ sở lý thuyết nền cho việc xây dựng hệ thống quản trị tiền, thiết kế mẫu biểu báo cáo LCTT và xác lập hệ thống các chỉ số phân tích báo cáo LCTT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Dũng. (2007). Phương pháp luận sáng tạo. Giáo trình, Trung tâm Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  2. Bộ Tài chính (2002). Chuẩn mực số 24: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  3. IAS 7: Cash Flow (IASB). World Gaap. http://www.worldgaapinfo.com
  4. SFAS 95, 102: Cash Flow (FASB)). World Gaap. http://www.worldgaapinfo.com.
  5. Weiss and Yang, 2007. The Cash Flow Statement: Problems with the Current Rules. The CPA Journal.
  6. http://www.nysscpa.org/cpajournal/2007/307/essentials/p26.htm.

THE CASH FLOW MODEL:

A BASIS TO DEVELOP FINANCIAL INDICATORS

• LE HONG LAM

Head, Department of Accounting Subject,

SONADEZI College of Technology and Management

ABSTRACT:

There is a close relationship between the statement of cash flows and the balance sheet. In which, the statement of cash flows reflects changes of the balance sheet in a certain accounting period. To fully understand the statement of cash flows, it is necessary to put the statement of cash flows in in correlation with the financial balance sheet to form a unified cash flow model. This paper presents an overview about the cash flow model to reflect a comprehensive view of the dynamic and constantly changing forms of capital. This paper is expected to contribute to the theoretical basis of capital management and to the development of financial indicators.

Keywords: statement of cash flows, balance sheet, cash flow model.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]