Mô hình mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN KIM QUỐC TRUNG (NCS ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (Hutech))

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết là cung cấp cho các bên liên quan các thông tin chính xác về khung khái niệm của mô hình mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ (KSNB) và rủi ro tín dụng (RRTD) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam. Trong đó, năm thành phần của KSNB được xem là các biến độc lập. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng các biến kiểm soát, bao gồm: Tỷ lệ đòn bẩy tài chính, Quy mô ngân hàng, Tỷ lệ lạm phát và Tốc độ tăng trưởng GDP. Nghiên cứu này sẽ trình bày cơ sở lý thuyết về KSNB để thấy được nhu cầu của việc thực hiện KSNB trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả và phân tích các nghiên cứu trước đây để từ đó đề xuất mô hình mối quan hệ giữa KSNB và RRTD. Giá trị của nghiên cứu này đã mở ra một hướng tiếp cận về mối quan hệ của KSNB với RRTD. RRTD có thể được quản trị dưới góc độ KSNB hiệu quả. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dừng lại ở bước tìm hiểu cơ sở lý thuyết với các giả thuyết cần được kiểm định trong các nghiên cứu định lượng tiếp theo.

Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, rủi ro tín dụng, ngân hàng thương mại, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều ngân hàng cũng như các nhà đầu tư và các bên có liên quan (Stakeholders) trong lĩnh vực tài chính đã thận trọng hơn và có những nhận thức sâu sắc hơn về rủi ro, đặc biệt là RRTD, vì đây là nỗi ám ảnh của hệ thống ngân hàng trên thế giới. Những bất ngờ luôn xảy ra, ngay cả đối với các ngân hàng giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất, ví dụ như Ngân hàng Lehman Brothers và Goldman Sachs. Sự sụp đổ của hai ngân hàng năm 2008 và 2010 liên quan đến thông tin tín dụng và rủi ro tín dụng.

Một nghiên cứu sau khủng hoảng liên quan đến khối ngân hàng châu Âu, Caselli và cộng sự (2016) cho thấy sự quan tâm đến việc KSNB ảnh hưởng như thế nào đến RRTD. Mục tiêu quản lý của các ngân hàng luôn là mục tiêu tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận được điều chỉnh bởi rủi ro bằng cách duy trì RRTD trong giới hạn hoặc ở một mức độ có thể chấp nhận được. Các cách tiếp cận quy định đối với quản trị RRTD không phải lúc nào cũng đầy đủ, do đó, các ngân hàng cần thực thi các quy tắc tự quản lý được sử dụng bởi các nhà quản trị. Một trong những công cụ quản lý đó chính là KSNB.

Mục tiêu của bài viết là cung cấp cho các bên liên quan các thông tin chính xác về khung khái niệm của mô hình về mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ (KSNB) và rủi ro tín dụng (RRTD) tại các NHTM ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, nghiên cứu hướng đến trả lời câu hỏi: “Mô hình quan hệ giữa KSNB và RRTD tại các NHTM ở Việt Nam là gì?”.

2. Cơ sở lý thuyết

Bên cạnh các quy định, nguyên tắc của Basel về quản trị RRTD,Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa kỳ về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính (COSO) cũng có những nguyên tắc để quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, trong đó có RRTD và đối phó với các gian lận xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh ngân hàng. Hiệp ước vốn Basel ra đời nhằm để quản trị các rủi ro trong ngành ngân hàng, trong khi COSO tập trung vào khía cạnh KSNB mà bao trùm hầu hết cho các ngành công nghiệp nói chung. Trên thực tế, COSO đã không đề cập đến bất kỳ yêu cầu vốn tối thiểu nào đối với các ngân hàng cũng như nhu cầu công bố đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên cả hai khuôn khổ này đều hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và các nhà quản lý, điều hành. Năm yếu tố được trình bày bởi COSO: môi trường kiểm soát; đánh giá rủi ro; hoạt động kiểm soát; thông tin và truyền thông; và giám sát là những yếu tố có thể đạt được mức độ hiệu quả hơn so với Basel.

Các công ty ngày nay cũng như các ngân hàng luôn tập trung nhiều vào mối quan hệ giữa chủ sở hữu (principal) và nhà quản lý (agent) để đảm bảo tối đa hóa giá trị công ty. Lý thuyết này được gọi là lý thuyết đại diện (Agency theory). Lý thuyết đại diện được công nhận bởi Jensen và Meckling (1976) và sau đó là Fama và Jensen (1983). Cốt lõi của lý thuyết này là việc sắp xếp các quyền lợi xung đột thông qua việc tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý trong tổ chức.

Theo Letza và cộng sự (2008), các nhà quản lý chỉ hành động vì mục tiêu tối đa hóa giá trị của cổ đông nếu nó không mâu thuẫn với lợi ích cá nhân của họ. Vấn đề về người đại diện có thể được liên kết với các trường hợp RRTD tại ngân hàng. Trong hoạt động quản lý của mình, các nhà quản lý sẽ tìm kiếm các nguồn huy động, cho vay và tìm cách vận dụng chính sách kế toán khi lập BCTC có lợi nhất cho ngân hàng khi ngân hàng gần đến tình trạng vi phạm hợp đồng vay nhằm làm “đẹp” báo cáo tài chính (BCTC). Mục đích nhằm thu hút nguồn đầu tư của các bên có liên quan cũng như đảm bảo lợi ích cá nhân riêng của họ. Để ngăn chặn các sự kiện như vậy, các ngân hàng cần thực thi KSNB chặt chẽ vì khi hệ thống này hoạt động có hiệu quả sẽ giảm thiểu những tổn thất và rủi ro xảy ra trong ngân hàng.

Cả hai bên có lợi ích khác nhau và vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự mâu thuẫn lợi ích giữa hai bên, thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản lý và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty. Chẳng hạn, mâu thuẫn này được giải quyết thông qua hợp đồng tiền lương, thù lao, thưởng hoặc các chính sách đãi ngộ khác. Hầu hết các cuộc nghiên cứu về RRTD ngân hàng tập trung vào việc quản trị RRTD với các mô hình đánh giá RRTD khác nhau hơn là sử dụng các cơ chế KSNB.

Các bên có liên quan muốn tiếp cận được thông tin để ra quyết định đầu tư chỉ có thể dựa vào các BCTC, báo cáo thường niên hoặc các thông tin được công bố rộng rãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mức độ minh bạch của thông tin chỉ được đảm bảo ở mức độ nhất định và nếu KSNB hiệu quả thì độ tin cậy sẽ cao hơn trong trường hợp KSNB yếu kém. Ngoài ra, những ngân hàng hoặc công ty có BCTC được kiểm toán thì độ tin cậy sẽ càng cao hơn. Nhưng rủi ro về mức độ gian lận, sai sót hoặc thông đồng… vẫn luôn xảy ra (Rittenberg và Schwieger, 2001). COSO (1992) định nghĩa KSNB là quá trình bị ảnh hưởng bởi hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc và các nhân viên khác của tổ chức được thiết kế để cung cấp sự đảm bảo hợp lý về việc đạt được hiệu quả và hiệu quả hoạt động, BCTC đáng tin cậy và tuân thủ pháp luật và các quy định.

Theo Basel (2010), KSNB là nhằm đảm bảo rằng ban quản lý cấp cao thiết lập và duy trì hệ thống và quy trình KSNB đầy đủ và hiệu quả. Các hệ thống và quy trình cần được thiết kế để đảm bảo trong các lĩnh vực bao gồm báo cáo (tài chính và hoạt động), giám sát việc tuân thủ pháp luật, các quy định và chính sách nội bộ, hiệu quả và hiệu quả của hoạt động và bảo vệ tài sản. Lakis & Giriunas (2012) đã xác định hệ thống KSNB là một bộ phận của hệ thống quản lý doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu, hiệu quả kinh tế - thương mại của doanh nghiệp, quan sát các nguyên tắc kế toán và kiểm soát rủi ro công việc hiệu quả. Đồng thời, KSNB cho phép tổ chức giảm thiểu số lượng những sai sót chủ ý và gian lận trong quá trình hoạt động kinh doanh. Như vậy, định nghĩa của họ nhấn mạnh việc quản trị rủi ro hiệu quả giống như của Basel.

Các chuẩn mực kiểm toán quốc tế xác định KSNB như một quá trình được soạn thảo bởi những nhà quản trị, nhà quản lý và những người có thẩm quyền để đảm bảo hợp lý các mục tiêu của tổ chức liên quan đến BCTC trung thực, đáng tin cậy, cũng như hoạt động hiệu quả, phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành (Briciu và cộng sự, 2014).

Nhìn chung, KSNB nhằm giảm thiểu sự mất mát về doanh thu, lãng phí tài nguyên và những thiệt hại không lường trước (Abbas và Iqbal, 2012). KSNB làm giảm sự bất cân xứng về thông tin, thúc đẩy các biện pháp minh bạch và bảo vệ cổ đông tốt nhất chống lại quyền lực của các nhà quản lý (Salhi & Boujelbene, 2012). Ellul và Yerramilli (2011) cho rằng các tổ chức tài chính có kiểm soát rủi ro nội bộ mạnh có thể sống sót qua các cuộc khủng hoảng tài chính. Thường các nhà quản lý ngân hàng sẽ có tham vọng tạo ra tài sản có rủi ro (chẳng hạn như tín dụng) với lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai thu được cao hơn. Do đó, RRTD đã xảy ra dưới nhiều hình thức và nguyên nhân khác nhau, cũng như ảnh hưởng đến ngân hàng ở các mức độ khác nhau. Mặc dù có nhiều giải pháp để khắc phục và hạn chế RRTD nhưng cách thường được sử dụng bởi các nhà quản lý ngân hàng là thực thi hệ thống KSNB chặt chẽ.

3. Các nghiên cứu trước đây

Nghiên cứu của Olatunji (2009) ở Nigeria tập trung vào tác động của hệ thống KSNB trong ngành Ngân hàng. Trọng tâm của bài báo là KSNB và gian lận được tìm thấy liên quan đến rủi ro hoạt động. Lakis và Giriunas (2012) đã làm một nghiên cứu tương tự và kết luận rằng KSNB là một biện pháp để đối phó với gian lận.

Nghiên cứu của Ellis và Jordi (2015) đã chỉ ra ảnh hưởng của KSNB đối với RRTD ở các ngân hàng niêm yết tại Tây Ban Nha. Nghiên cứu này xem xét tính hiệu quả của KSNB, tìm kiếm nguy cơ vỡ nợ ở các ngân hàng Tây Ban Nha bắt nguồn từ hệ thống KSNB và từ đó thiết lập mối quan hệ giữa KSNB và RRTD. Sau khi nghiên cứu, họ kết luận rằng các hệ thống KSNB đã được áp dụng nhưng hiệu quả của chúng thì chưa được đảm bảo. Điều này làm cho các ngân hàng niêm yết ở Tây Ban Nha rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng. Tác động của KSNB đối với RRTD mang ý nghĩa thống kê, đặc biệt là môi trường kiểm soát, quản lý rủi ro, các hoạt động kiểm soát và giám sát. Đồng thời, ngân hàng ở Tây Ban Nha vẫn tồn tại vấn đề về người đại diện.

Sau nghiên cứu năm 2015, Ellis và Jordi (2016) tiếp tục thực hiện nghiên cứu khác với đối tượng nghiên cứu mở rộng ở các ngân hàng trong khối châu Âu về vấn đề mối quan hệ giữa KSNB và RRTD ở các ngân hàng trong khối. Nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra tính hiệu quả của các cơ chế KSNB, điều tra liệu có tìm thấy bằng chứng về vấn đề đại diện giữa các ngân hàng ở châu Âu và xác định các cơ chế KSNB ảnh hưởng như thế nào đến RRTD. Kết quả nghiên cứu cho thấy, RRTD vẫn cao, mặc dù các biện pháp đang được thực hiện bởi gân hàng Trung ương châu Âu. Nghiên cứu tìm ra tính hiệu quả của KSNB và các yếu tố KSNB đã đạt được và xác định rõ ràng trong mối quan hệ với RRTD. Vấn đề về đại diện được xác nhận có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa thống kê với RRTD.

4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng cơ sở lý luận về KSNB theo quan điểm của nhiều nhà khoa học nhằm đánh giá tầm quan trọng của KSNB trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, bài viết sử dụng các phương pháp thống kê, mô tả và phân tích các nghiên cứu trước về mối quan hệ giữa KSNB và RRTD. Từ đó, nghiên cứu này đã thiết lập một mô hình về quan hệ giữa KSNB và RRTD tại các NHTM tại Việt Nam với các giả thuyết (Propositions - Ps).

5. Kết quả nghiên cứu (Mô hình nghiên cứu đề xuất) (Xem Hình)

Mô hình nghiên cứu dự kiến NPLRit = f (các biến thành phần của KSNB, biến kiểm soát)


6. Kết luận

Mục tiêu của nghiên cứu là thiết lập mối quan hệ giữa KSNB và RRTD tại các NHTM ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến độc lập tác động đến Tỷ lệ nợ xấu, bao gồm: Môi trường kiểm soát (CE), Đánh giá rủi ro (RA), Hoạt động kiểm soát (CA -đảm bảo giới hạn tín dụng), Hoạt động kiểm soát (CA - tuân thủ và thận trọng), Thông tin và truyền thông (ICS - Độ tin cậy của báo cáo tài chính) và Giám sát (Monitoring - Chất lượng kiểm toán). Nếu hệ thống KSNB hoạt động hiệu quả thì sẽ giúp ngân hàng hạn chế được những khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình cấp tín dụng. Như đã được định nghĩa ở trên, KSNB không chỉ là những yếu tố riêng lẻ và tách biệt với nhau, mà các yếu tố này đan xen, đòi hỏi các nhà quản trị cùng với các cấp quản lý và nhân viên cùng thiết kế, vận hành và thực hiện. Tùy vào đặc điểm cũng như quy mô của từng ngân hàng, từng loại hình nghiệp vụ khác nhau, mà yếu tố này trong KSNB có thể được chú trọng hơn yếu tố khác. Ngoài các yếu tố của KSNB, mô hình còn chịu tác động bởi các biến kiểm soát, trong đó có biến vĩ mô tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP và biến vi mô tỷ lệ đòn bẩy tài chính, quy mô ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Abbas, Q., & Iqbal, J. (2012). Internal Control System : Analyzing Theoretical Perspective and Practices. Middle-East Journal of Scientific Research, 12(4), 530-538.

2. Basel. (2010). Principles for enhancing corporate governance.

3. Briciu, S., Dănescu, A.C., Dănescu, T., & Prozan, M. (2014). A Comparative Study of Well-established Internal Control Models. Procedia Economics and Finance, 15(14), 1015-1020.

4. Caselli, S., Gatti, S., & Querci, F. (2016). Deleveraging and derisking strategies of European banks: Business as usual ? Centre for Applied Research in Finance Working Paper.

5. Ellis Kofi Akwaa-Sekyi, Jordi Moreno Gené. (2015). Effect of internal controls on credit risk among listed Spanish banks. Intangible Capital, 13(1), 25-50.

6. Ellis Kofi Akwaa-Sekyi, Jordi Moreno Gené. (2016). Effect of internal controls on credit risk among listed Spanish banks. Intangible Capital, 12(1), 357-389.

7. Ellul, A., & Yerramilli, V. (2011). Stronger Risk Controls, Lower Risk: Evidence from U.S. Bank. Group.

8. Fama, E.F., & Jensen, M.C. (1983). Agency Problems and Residual Claims. The Journal of Law and Economics, 26(2), 327.

9 Jensen, C., & Meckling, H. (1976). Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure. Journal of Financial Economics, 3, 305-360.

10. Lakis, V., & Giriunas, L. (2012). The concept of internal control system: Theoritical aspect.

11. Letza, S., Kirkbride, J., Sun, X., & Smallman, C. (2008). Corporate governance theorising: Limits, critics and alternatives. International Journal of Law and Management, 50(1), 17-32.

12. Olatunji, O. (2009). Impact of internal control system on banking sector in Nigeria. Pakistan Journal of Social Sciences, 6(14), 181-189.

13. Rittenberg, L.E., & Schwieger, B.J. (2001). Auditing Concepts for a Changing environment (3 ed.). New York: New York: The Dryden Press Harcourt Brace & Company.

14. Salhi, B., & Boujelbene, Y. (2012). Effect of internal banking mechanisms of governance on the risk taking by the Tunisian banks. International Journal of Economics, Finance and Management.

MODEL FOR THE RELATIONSHIP BETWEEN INTERNAL CONTROLS AND CREDIT RISK AT COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM

MA. NGUYEN KIM QUOC TRUNG

Post Graduate Student of Business Administration

Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH)

ABSTRACT:

The main purpose of the study is to provide stakeholders with accurate information about the conceptual framework of model of the relationship between internal control and credit risk at commercial banks in Vietnam. The five components of internal control are considered as independent variables. The study also uses control variables including Leverage Ratio, Bank Size, Inflation Rate and GDP Growth Rate. This study presents the theoretical framework for internal control to outline the need for implementation internal control at the bank. In addition, the research also uses descriptive and analytical approach to the previous studies in order to suggest model for relationship between internal control and credit risk. The value of this study has opened up an approach to the relationship of internal control to credit risk. Credit risk can be managed from an effective internal control. However, this research has just completed at the conceptual framework stage to get the propositions need to be tested in further quantitative research.

Keyworks: Internal control, leverage ratio, bank size, inflation, GDP.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây