TÓM TẮT:

Dựa trên lý thuyết trao đổi xã hội, lý thuyết hợp pháp cùng việc đúc kết từ các nghiên cứu trước, nghiên cứu này bàn luận về sự tác động của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ (KSNB) đến hành vi đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả cung cấp những khái niệm liên quan đến ý thức doanh nghiệp, sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh. Đồng thời, việc hệ thống hóa các lý thuyết liên quan đến nghiên cứu cũng như sự kết nối của chúng sẽ là cơ sở cho nhóm tác giả đưa ra mô hình và các giả thuyết về sự ảnh hưởng của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB đến hành vi đạo đức kinh doanh. Kết quả kiểm định mô hình và các giả thuyết bằng một nghiên cứu khác trong tương lai có thể sẽ đem lại những hàm ý quản trị cho các nhà quản lý nhằm nâng cao ý thức doanh nghiệp, gia tăng sự hữu hiệu của KSNB, từ đó có thể cải thiện hành vi đạo đức kinh doanh cũng như đem lại kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD) tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Ý thức doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, kết quả kinh doanh, đạo đức kinh doanh.

1. Sơ lược về ý thức doanh nghiệp, hệ thống kiểm soát nội bộ và hành vi đạo đức kinh doanh

1.1. Ý thức doanh nghiệp

Hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các dòng nghiên cứu về ý thức doanh nghiệp đang rất được quan tâm. Những nghiên cứu khám phá về các nhân tố tác động đến ý thức của doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rằng ý thức doanh nghiệp là cội nguồn của các hành vi trong doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả hành vi quản trị và hành vi đạo đức kinh doanh.

Ở Việt Nam, chỉ một số ít trường kinh doanh, ví dụ như: PACE, PTI đã triển khai các chương trình và các hoạt động liên quan đến ý thức (mindfulness) dựa trên nền tảng khoa học, nhằm phát triển năng lực lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống của các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam (PACE, 2020). Ngoài ra, nghiên cứu của Le và Trieu (2014) cũng cho thấy ý thức có thể được sử dụng nhằm tăng cường sự hạnh phúc, sự tập trung, khả năng kết nối và giải tỏa trầm cảm của giới trẻ ở Việt Nam. Vậy có thể ngụ ý rằng, ý thức doanh nghiệp cũng sẽ phần nào giúp cho các cá nhân của doanh nghiệp mở rộng sự kết nối, thúc đẩy hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc ý thức doanh nghiệp liên quan mật thiết đến hành vi của nhà quản trị cũng đưa đến những quan điểm trái chiều, có quan điểm cho rằng: Các nhà quản trị luôn nêu cao tinh thần định hướng vì cổ đông, xem nhẹ các hành vi có liên quan đến cộng đồng. Còn nhóm đối lập lại cho rằng: Đa số các nhà quản trị đều chú ý xem trọng các trách nhiệm đối với xã hội hơn là các lợi ích khác. Việc nhà quản trị theo khuynh hướng nào là phù hợp chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng nhưng cũng làm cho ý thức doanh nghiệp được thể hiện rõ ràng hơn.

Ý thức doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình hoạt động của doanh nghiệp mà còn được thực hiện trong nhiều hiệp hội nhằm khẳng định vai trò to lớn của nó. Trong thực tế, ý thức doanh nghiệp giúp cho ban lãnh đạo và nhân viên của tổ chức có thể thuyên giảm căng thẳng, áp chế kiệt sức tại nơi làm việc. Từ đó, tập trung tinh thần, kích thích tư duy sáng tạo để cải thiện giao tiếp và tăng năng suất.

1.2. Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ

Hệ thống KSNB mà các doanh nghiệp đang vận hành hiện nay được xem là một hệ thống các chính sách, quy trình, thủ tục mà doanh nghiệp đã xây dựng. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát các hoạt động đang diễn ra bên trong đơn vị mình. KSNB cũng là công cụ hỗ trợ cho các nhà quản lý trong việc quản trị rủi ro, đảm bảo doanh nghiệp đạt được kết quả tối ưu trên cả 3 phương diện: Hoạt động, báo cáo tài chính và tuân thủ (COSO, 2013).

Jokipii (2010) cho rằng, KSNB hữu hiệu chính là đảm bảo hiệu quả hoạt động, độ tin cậy của thông tin kế toán và sự tuân thủ luật pháp hiện hành. Do đó, các doanh nghiệp cần phải vận hành một hệ thống KSNB đầy đủ nhằm giúp cho KSNB phát huy được tính hữu hiệu của nó. Tuy nhiên, theo khuôn mẫu COSO, nhu cầu KSNB là thay đổi tùy theo đặc điểm của các doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp phải xác định một cấu trúc KSNB phù hợp nhất dựa trên các đặc điểm của mình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xem xét kỹ càng các đặc điểm ấy để xây dựng một hệ thống KSNB tối ưu trong điều kiện môi trường kinh doanh biến động như hiện nay.

Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu của nhóm tác giả thì các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tính hữu hiệu của KSNB là một vấn đề đáng được quan tâm khi hầu hết các doanh nghiệp đều chưa vận hành KSNB có hiệu quả (T. T. Nguyen & Bui, 2018). KSNB ở các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang còn khá lỏng lẻo và cần phải được cải thiện (Xuan-Quang & Zhong-Xin, 2013). Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực tăng cường các hoạt động quản trị công ty cũng như trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) (M. Nguyen và cộng sự, 2018). Từ đó cho thấy, sự hữu hiệu của KSNB tại các doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng và cần được đầu tư hơn nữa.

1.3. Hành vi đạo đức kinh doanh

Một nghiên cứu gần đây của Quân (2014) đã tiến hành đo lường khái niệm đạo đức kinh doanh đã có phát hiện khá lý thú là người Việt trưởng thành trẻ tuổi đạt điểm đạo đức kinh doanh cá nhân cao hơn người lớn tuổi, những người có kinh nghiệm quản lí có điểm thấp hơn những người không có kinh nghiệm quản lý và người chưa từng biết đến các quy tắc, chuẩn mực ứng xử thì có điểm cao hơn người đã biết. Rõ ràng rằng, xu hướng về đạo đức kinh doanh kém đi khi độ tuổi và kinh nghiệm quản lý ngày càng tăng lên.

Bên cạnh đó, Nguyen và cộng sự (2015) cũng cho thấy kinh nghiệm của các nhà quản trị cũng không thể là giải pháp khả quan để tăng cường các quyết định có đạo đức của doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều này cho thấy việc phải tìm ra những nguyên nhân tác động đến hành vi đạo đức kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở cấp độ quản lý doanh nghiệp là rất cần thiết.

Nguyễn (2011), trong một nghiên cứu về văn hóa đạo đức của doanh nhân Việt Nam đã thu thập thông tin về đạo đức kinh doanh và TNXHDN đã có một số nhận định sau: Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nhận thức đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hội nhập, tuy nhiên sự hiểu biết về vấn đề quy tắc ứng xử trong đạo đức kinh doanh của họ còn khá hạn chế. Thứ hai, hệ thống thể chế và pháp luật còn chưa thực sự nghiêm minh nên việc kinh doanh có đạo đức chưa phát huy hiệu quả kinh doanh tức thì. Thêm nữa, kinh doanh có đạo đức thậm chí còn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp có đạo đức vì các đối thủ của họ đang bỏ qua vấn đề đạo đức để chèn ép họ. Tuy nhiên, một trong những phát hiện của nghiên cứu này đó là ý thức về đạo đức kinh doanh (ethical mindfulness) của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa cao.

Ngày nay, các hoạt động thuộc về hành vi đạo đức kinh doanh là chưa được thảo luận cởi mở và thường xuyên tại Việt Nam. Vì vậy, các khái niệm về hành vi đạo đức kinh doanh là còn mới mẻ mới đối với nhiều người Việt Nam, mặc dù ai trong mỗi chúng ta cũng đã được dạy về các nguyên tắc đạo đức từ thời niên thiếu. Với đại đa số người Việt Nam, đạo đức chỉ đơn giản là có lòng đối tốt với người khác, tuân thủ luật pháp và quy định. Còn các vấn đề như: đạo đức người tiêu dùng, TNXHDN, bảo vệ môi trường và tính bền vững thì không được thảo luận đầy đủ hoặc thực hiện nghiêm túc (Phạm và cộng sự, 2015).

Giang và cộng sự (2012) cho rằng, hành vi đạo đức kinh doanh ở Việt Nam là vấn đề quan trọng và cần giải quyết trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi mạnh mẽ và phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng “kinh doanh theo pháp luật” còn các giá trị xã hội cũng như đạo đức kinh doanh vẫn còn khá xa lạ. Nghiên cứu Giang và cộng sự (2012) dẫn chứng không ít các hành vi thiếu đạo đức của giới kinh doanh Việt Nam đã đánh mất niềm tin của xã hội, dẫn đến hậu quả là nền kinh tế Việt Nam phát triển kém bền vững.

Một nghiên cứu khác của Lan (2006), khi nghiên cứu về đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân cũng cho thấy đánh giá của người dân về đạo đức kinh doanh của các chủ doanh nghiệp tư nhân là không được khả quan, từ đó cho thấy vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu của Lan (2006) cũng đề cập rằng các quy định, chế tài của Nhà nước vẫn còn những khe hở và những điểm chưa phù hợp, tạo điều kiện cho vấn đề này tồn tại.

2. Vai trò của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB trong việc hình thành đạo đức kinh doanh

Theo Lan (2016), một trong những nhân tố tác động đến hành vi đạo đức kinh doanh đó là ý thức doanh nghiệp, nó có nguồn gốc từ Phật giáo và góp phần tạo ra cơ chế kiểm soát nội tâm những người hoạt động kinh doanh. Nghiên cứu của Lan (2016) thông qua nghiên cứu thực nghiệm ở Hà Nội cho thấy ý thức thông qua sự tự kiểm điểm cá nhân và việc thực hành những hành vi có tính đạo đức có thể nâng cao nghĩa vụ của mọi người, hoàn thiện tính cách của mọi người dựa trên các giá trị của Phật giáo.

Sự gắn kết giữa ý thức doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh cũng được Huấn (2014) ủng hộ khi cho rằng nâng cao ý thức từ Phật giáo cũng góp phần hình thành đạo đức kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp có ý thức sẽ không kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng, bằng sự hủy hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột lao động.

Các dòng nghiên cứu về các nhân tố tác động đến ý thức doanh nghiệp và hành vi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa ra các cơ chế kiểm soát các hành vi đạo đức trong kinh doanh để định hướng doanh nghiệp thực thi các hoạt động phù hợp với những quy chuẩn đạo đức của xã hội.

Điểm qua các nghiên cứu về sự hữu hiệu của KSNB, thì nghiên cứu của Huy và Hoài (2019) đã chỉ ra các nhân tố tác động đến sự hữu hiệu của KSNB bao gồm: phong cách lãnh đạo, hệ thống phòng thủ, đạo đức KSNB. Hồ Tuấn Vũ (2016) cho rằng, các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của KSNB tại các ngân hàng thương mại Việt Nam chính là các thành phần cấu thành nên KSNB. Đồng thời, KSNB hữu hiệu sẽ làm giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh (Nguyễn Thị Kim Anh, 2018). Điển hình là một nghiên cứu của Hoài và Nguyên (2019) về TNXHDN đóng vai trò điều tiết hoạt động KSNB nhằm nâng cao KQHĐKD ở các doanh nghiệp Việt Nam. Các nghiên cứu trên đều chỉ tìm hiểu về các yếu tố tác động đến sự hữu hiệu KSNB cũng như chỉ dừng lại ở sự cộng hưởng của KSNB và TNXHDN, chưa tìm hiểu sự kết nối giữa sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông qua tổng kết các nghiên cứu trong nước cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đề cập đến vai trò, ảnh hưởng của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB đến hành vi đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Sự kết nối giữa ý thức doanh nghiệp, sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh là có cơ sở trong điều kiện Việt Nam. Nhóm tác giả cho rằng cần tích hợp ý thức doanh nghiệp, sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh trong một mô hình cụ thể cũng như xây dựng một cơ chế giải thích tác động của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB đối với hành vi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Các nghiên cứu về tương tác giữa ý thức doanh nghiệp, sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh vẫn được xem là nhánh nghiên cứu còn rất mới mẻ trên thế giới nói chung (Thupten, 2019), cũng như ở Việt Nam nói riêng. Do đó, nhóm tác giả nhận thấy cần thông qua khảo sát lý thuyết, thu thập và xử lý số liệu nhằm đánh giá tác động của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB đến hành vi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng xác định tác động của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB đến hành vi đạo đức kinh doanh để có thể ứng dụng được kết quả nghiên cứu vào việc cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

3. Lý thuyết nền tảng và mô hình đề xuất

3.1. Lý thuyết trao đổi xã hội (Social exchange theory)

Lý thuyết trao đổi xã hội là những tương tác xã hội trong đó các cá nhân tin rằng họ sẽ có được những lợi ích nhất định từ các hành vi trao đổi (Blau, 1964). Theo lý thuyết trao đổi xã hội, sự cam kết về ý thức doanh nghiệp hình thành khi các doanh nghiệp cảm nhận được những tín hiệu tích cực từ xã hội và môi trường kinh doanh, ví dụ như: sự ủng hộ mục tiêu hoạt động, sự công bằng trong các chính sách, sự rõ ràng trong khen thưởng và xử phạt… Theo đó, ý thức doanh nghiệp có thể được xem là một trong những tín hiệu tích cực, làm gia tăng lòng tin của doanh nghiệp trong quá trình thực thi các hành vi kinh doanh có đạo đức.

3.2. Lý thuyết hợp pháp (Legitimacy theory):

Lý thuyết hợp pháp liên quan đến nhận định và giả định được tổng quát hóa mà theo đó những hành động của doanh nghiệp được xem là đầy đủ, phù hợp và đúng đắn, đáp ứng được những kỳ vọng của xã hội (Gray và cộng sự, 1995; Suchman, 1995). Lý thuyết hợp pháp giải thích về tác động của sự hữu hiệu của KSNB đến đạo đức kinh doanh, góp phần hạn chế những toan tính và hành vi vô nhân đạo rất dễ nảy sinh trong lĩnh vực kinh tế. Các doanh nghiệp dưới áp lực của luật pháp và các áp lực chuẩn tắc khác, có thể tăng cường thực hiện các hoạt động KSNB một cách chặt chẽ nhằm gia tăng TNXHDN, cải thiện hành vi kinh doanh và từ đó có thể phát triển bền vững (Joshi & Li, 2016).

3.3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu đề xuất

Căn cứ vào các lý thuyết nền nói trên cũng như các lập luận về vai trò của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hiệu của KSNB trong việc hình thành đạo đức kinh doanh, nhóm tác giả đã đề xuất một mô hình nghiên cứu như Hình 1, bao gồm các giả thuyết kiểm định sau nghiên cứu đề xuất:

+ Giả thuyết 1 (H1): Sự hữu hiệu của KSNB tác động dương đến hành vi đạo đức kinh doanh.

+ Giả thuyết 2 (H2): Ý thức doanh nghiệp tác động điều tiết dương cho mối quan hệ giữa sự hữu hiệu của KSNB và hành vi đạo đức kinh doanh.

4. Kết luận

Nghiên cứu này nhằm gợi ý cho các nghiên cứu kiểm định tiếp theo để xác nhận sự phù hợp của mô hình và các giả thuyết trong bối cảnh Việt Nam. Nghiên cứu cũng ngụ ý cho các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước, cũng như các chuẩn mực trong hoạt động để tăng cường thực hiện các hành vi kinh doanh có đạo đức đối với xã hội và các bên liên quan.

Tác giả lập luận rằng, một hệ thống KSNB hữu hiệu sẽ hạn chế các vi phạm, gian lận trong tổ chức và sẽ làm gia tăng các hoạt động theo hướng có đạo đức kinh doanh. KSNB hữu hiệu thường có xu hướng xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức của các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp và góp phần tăng cường các hành vi có đạo đức kinh doanh. Với tình hình kinh doanh nhiều biến động như Việt Nam hiện nay, sự ảnh hưởng của ý thức doanh nghiệp và sự hữu hữu hiệu của KSNB đến hành vi đạo đức kinh doanh là cần được các doanh nghiệp cẩn trọng xem xét và đưa ra chiến lược hành động cụ thể để từ đó có thể đem lại lợi thế cạnh tranh, cũng như nâng cao KQHĐKD.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Blau, P. (1964). 1964 exchange and power in social life. New york: John Wiley.
  2. COSO (2013). Internal control-integrated framework.
  3. Cropanzano, R., & Mitchell, M. S. (2005). Social exchange theory: An interdisciplinary review. Journal of management, 31(6), 874-900.
  4. Giang, V. T., & Phượng, Đ. T. M (2012). Hiện trạng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, (76), 45-49.
  5. Gray, R., Kouhy, R., & Lavers, S. (1995). Corporate social and environmental reporting: A review of the literature and a longitudinal study of UK disclosure. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 8(2), 47-77.
  6. Hoai, T.T., & Nguyen, N.P. (2019). Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: Vai trò điều tiết hoạt động kiểm soát nội bộ ở các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Xhâu Á, 7.
  7. Hồ Tuấn Vũ (2016), luận án Tiến sĩ “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các Ngân hàng thương mại Việt Nam” - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Huy, P.Q., & Hoai, T.T. (2019). Các nhân tố tác động đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Tạp chí Công Thương, 8, 236-241.
  9. Jha, A. P., Krompinger, J., & Baime, M. J. (2007). Mindfulness training modifies subsystems of attention. Cognitive, Affective, & Behavioral Neuroscience, 7(2), 109-119.
  10. Jokipii, A. (2010). Determinants and consequences of internal control in firms: A contingency theory based analysis. Journal of Management & Governance, 14(2), 115-144.
  11. Joshi, S., & Li, Y. (2016). What is corporate sustainability and how do firms practice it? A management accounting research perspective. Journal of Management Accounting Research, 28(2), 1-11.
  12. Lan, Đ. H. T. (2016). Phật tử và định hướng giá trị đạo đức kinh doanh: Một phân tích thực nghiệm tại Hà Nội. VNU Journal of Social Sciences and Humanities, 2(1b), 53-66.
  13. Lan, N.T. (2006). Nhìn nhận của người dân về đạo đức kinh doanh của các chủ doanh nghiệp tư nhân. Tạp chí Tâm lý học, 1(5), 15-22.
  14. Le, T. N., & Trieu, D. T. (2014). Feasibility of a mindfulness-based intervention to address youth issues in Vietnam. Health Promotion International, 31(2), 470-479.
  15. Minh Huấn, Đ. (2014). Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững. Tạp chí Nghiên cứu Tôn Giáo, 136(10), 70-79.
  16. Nguyen, M., Bensemann, J., & Kelly, S. (2018). Corporate social responsibility (CSR) in Vietnam: A conceptual framework. International Journal of Corporate Social Responsibility, 3(1), 1-12.
  17. Nguyen, L. D., Mujtaba, B. G., & Cavico, F. J. (2015). Business ethics development of working adults: A study in Vietnam. Journal of Asia Business Studies, 9(1), 33-53.
  18. Nguyen, T. T., & Bui, N. T. (2018). Solutions to strengthen the internal control system in paper manufacturing enterprises. Journal of Advances in Economics and Finance, 3(3), 71-87.
  19. Nguyễn, V. L. (2011). Doanh nhân Việt Nam với vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Tạp chí Lao động và Xã hội, 25(418), 25-27.
  20. Nguyễn T.K.Anh (2018). Bàn về kiểm soát nội bộ và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Tạp chí Tài chính.
  21. PACE (2020), Mindful Leadership Vietnam, truy cập tại: https://mlv.pace.edu.vn/ 07 tháng 02 năm 2020.
  22. Pham, L. N., Nguyen, L. D., & Favia, M. J. (2015). Business students’ attitudes toward business ethics: An empirical investigation in Vietnam. Journal of Asia Business Studies, 9(3), 289-305.
  23. Phương, T. (2018), Hàng nghìn người Việt chết vì kinh doanh vô đạo đức, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, truy cập tại: https://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Hang-nghin-nguoi-Viet-chet-vi-kinh-doanh-vo-dao-duc-post185708.gd ngày 12 tháng 8 năm 2019.
  24. Quân, T. H. M. (2014). Khái niệm đạo đức kinh doanh cá nhân: Nghiên cứu về người trưởng thành Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 105-122.
  25. Suchman, M. C. (1995). Managing legitimacy: Strategic and institutional approaches. Academy of Management Review, 20(3), 571-610.
  26. Thắng, N. N. (2010). Gắn quản trị nhân sự với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. VNU Journal of Science: Economics and Business, 26(4).
  27. Thupten, J. (2019). The question of mindfulness’ connection with ethics and compassion. Current opinion in psychology, 28, 71-75.
  28. Võ, T. D. (2016). Đạo đức doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Doctoral dissertation, H.: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn).
  29. Xuan-Quang, D., & Zhong-Xin, W. (2013). Impact of ownership structure and corporate governance on capital structure: The case of Vietnamese firms. Australian Journal of Business and Management Research, 3(3), 11-19.

A model of corporate mindfulness and internal control towards enhancing the ethical behaviors of Vietnamese companies

TU THANH HOAI

School of Accounting, University of Economics Ho Chi Minh City

 Dr. NGUYEN PHONG NGUYEN

Department of Research Administration – International Relations, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Based on the social exchange theory, legitimacy theory and previous researches, this study discusses and proposes a model of corporate mindfulness and internal control that can manage corporate ethical behaviors. By summarizing the literature reviews about the mindfulnes, the effectiveness of internal control systems, and the organizational mindfulness, this study proposes relevant testable hypotheses to justify the model in future research, which is expected to provide managerial and theoretical implications. This model is expected to enhance the effectiveness of the internal control systems towards improving the ethical mindfulness as well as the business performance of Vietnamese companies.

Keywords: Corporate mindfulness, internal control, business performance, ethical mindfulness