Mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp

Việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ góp phần tạo điều kiện giúp ngân hàng mở rộng tập khách hàng và khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định về mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng.

Dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc, ngân hàng được xây dựng quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng, phù hợp với quy định về phòng chống rửa tiền, về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan khác. Dự thảo Thông tư quy định đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử

Về đối tượng áp dụng: Khách hàng cá nhân là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; không bao gồm các đối tượng: (i) cá nhân là người nước ngoài ở Việt Nam; (ii) cá nhân từ 15 tuổi – 18 tuổi; (iii) cá nhân chưa đủ 15 tuổi hoặc cá nhân bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, cá nhân gặp khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và phải mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ.

Về hạn mức, phạm vi giao dịch: Dự thảo Thông tư quy định ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phạm vi sử dụng, hạn mức giao dịch tài khoản thanh toán nhưng phải đảm bảo hạn mức tổng giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua tài khoản thanh toán không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng. Tuy nhiên, hạn mức giao dịch này không áp dụng cho các trường hợp:

Ngân hàng áp dụng công nghệ cuộc gọi ghi hình (Video call) cho phép giao tiếp theo thời gian thực với khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán. Các giao dịch chuyển tiền để gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng phương thức điện tử cho chính khách hàng tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

Trường hợp mở tài khoản thanh toán của cá nhân ở nước ngoài

Dự thảo Thông tư kế thừa, giữ nguyên quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Thông tư 23 về trường hợp cá nhân ở nước ngoài như sau: “Trường hợp cá nhân ở nước ngoài, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua ngân hàng đại lý hoặc bên trung gian để thực hiện việc mở tài khoản thanh toán nhưng phải đảm bảo xác minh chính xác về khách hàng mở tài khoản và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc nhận biết, xác minh khách hàng mở tài khoản thanh toán tại đơn vị mình.

Việc lựa chọn bên trung gian thực hiện xác minh thông tin nhận biết khách hàng phải tuân thủ quy định tại Điều 10 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng chống rửa tiền và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế”.

Trường hợp thực hiện nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua tổ chức khác

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định đối với trường hợp này như sau: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua tổ chức khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Trường hợp thực hiện nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua tổ chức khác

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định đối với trường hợp này như sau: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua tổ chức khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng. Đồng thời thỏa thuận với khách hàng về phạm vi sử dụng, hạn mức giao dịch tài khoản thanh toán nhưng phải đảm bảo hạn mức tổng giá trị giao dịch không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng (trừ một số trường hợp có quy định riêng).

Thanh Xuân