Mối lo dư cung vẫn “ám ảnh” thị trường dầu mỏ tuần qua

Mối lo ngại về sự dư thừa nguồn cung vẫn tiếp tục “ám ảnh” thị trường dầu mỏ tuần qua, khi giá “vàng đen” đi xuống trong hầu hết các phiên, do các báo cáo về lượng dự trữ “khủng” của một số nhà sản xu
Trong phiên giao dịch đầu tuần (27/2), giá dầu thế giới chỉ nhích nhẹ giữa bối cảnh một số nhà đầu tư lạc quan về khả năng giá dầu mỏ sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà tăng của giá dầu có phần bị hạn chế bởi nguy cơ nguồn cung dầu mỏ tiếp tục gia tăng.
Sang phiên giao dịch ngày 28/2, giá dầu thế giới đi xuống do các nhà đầu tư lo ngại về tình hình nguồn cung dầu mỏ của Mỹ quá dư thừa. Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes Inc công bố báo cáo hàng tuần cho hay lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 24/2 vừa qua đã tăng thêm 5 giàn so với tuần trước đó, lên 602 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 10/2015. Đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang đẩy mạnh sản lượng nhằm "tranh thủ" giá "vàng đen" đang phục hồi. Tình hình này khiến các nhà phân tích lo ngại rằng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục dôi dư.
Trong phiên giao dịch ngày 1/3, giá dầu thế giới giảm sâu hơn khi lượng dầu dự trữ của Mỹ đạt mức cao kỷ lục đã phần nào lấn át những đồn đoán rằng thị trường dầu sẽ tái cân bằng trước những dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Lượng dầu dự trữ của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã tăng 1,5 triệu thùng hồi tuần trước. Dù mức tăng thấp hơn dự đoán, song kho dầu dự trữ của Mỹ vẫn chạm mức cao kỷ lục 520,2 triệu thùng sau tám tuần tăng liên tiếp. Lượng dầu dự trữ của Mỹ ngày càng đầy lên đã làm dấy lên những lo ngại rằng tốc độ tăng cầu đối với mặt hàng này có thể chưa đủ để giải quyết tình trạng dư cung trên toàn cầu, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt của thế giới.
Tới phiên giao dịch ngày 2/3, giá dầu thô thế giới giảm hơn 2% sau khi số liệu cho thấy sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga không thay đổi trong tháng Hai vừa qua. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này thực hiện “lỏng lẻo” cam kết thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế khai thác để giảm tình trạng dư dôi trên thị trường.
Khép lại phiên cuối tuần, giá dầu thế giới lấy lại đà phục hồi, nhờ sự yếu đi của đồng USD. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, sau khi số liệu về sản lượng dầu mỏ tại Nga cho thấy sự thiếu “mặn mà” của nước này đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 82 xu (1,5%) lên 55,90 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 72 xu (1,4%) lên 53,33 USD/thùng.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, sản lượng khai thác dầu mỏ trong tháng Hai vừa qua của nước này không thay đổi so với mức 11,11 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2017, tương ứng với mức cắt giảm khai thác 100.000 thùng/ngày, hay chỉ tương đương 1/3 mức cam kết cắt giảm của Moskva với OPEC.
TX