Mỗi năm phải đầu tư 10 tỷ USD cho ngành điện, Việt Nam cần tới 3 trụ cột

Một Báo cáo mới của WB về “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” nhận định rằng,Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới về đầu tư vào ngành điện và khí.

Mỗi năm cần 10 tỷ USD

Nghiên cứu chỉ ra sự thiếu bền vững của mô hình tài chính truyền thống, chủ yếu dựa vào đầu tư công thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Quan trọng hơn, Báo cáo đã đề xuất một kế hoạch hành động về cách thức khai thông các nguồn tài chính mới, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, dựa trên phân tích toàn diện về nhu cầu đầu tư cũng như những nút thắt trong môi trường pháp lý hiện hành, trong đó có thị trường vốn và ngoại hối.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, do dư địa tài khóa hạn chế và nguồn tài chính ưu đãi sẽ ngày càng giảm, điều quan trọng là Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế cho ngành điện và khí. Chính phủ cần xử lý một cách toàn diện những nút thắt đang cản trở dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước vào hai lĩnh vực chiến lược nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Từ nay đến 2030, mỗi năm trung bình ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 10 tỷ USD, tập trung vào đầu kỳ, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, phát triển ngành khí dự kiến cần khối lượng đầu tư lũy kế khoảng 20 tỷ USD trong giai đoạn từ 2015 đến 2035.

a
Từ nay đến 2030 mỗi năm ngành điện cần đầu tư mới khoảng 10 tỷ USD

 

Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mới cơ sở hạ tầng, phần lớn đầu tư mới vào ngành điện và ngành khí sẽ phải đến từ khu vực tư nhân, báo cáo cho biết. Hướng đi này là phù hợp với chiến lược và mục tiêu tài chính cho phát triển năng lượng của Chính phủ trong tương lai.

Điều các nhà đầu tư quan tâm

Ông Franz Gerner, Chuyên gia trưởng ngành kinh tế năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và là tác giả chính của nghiên cứu thì cho rằng, các nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm để tham gia vào thị trường năng lượng đang lớn mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng (LNG). Họ sẵn sàng đầu tư miễn là các dự án có cấu trúc tốt và lành mạnh về tài chính. Các nhà đầu tư cần một môi trường pháp lý minh bạch và ổn định, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp cho tất cả các bên.

Để gỡ bỏ những nút thắt và huy động tối đa tài chính cho đầu tư vào ngành điện và khí tại Việt Nam, Báo cáo của WB đề xuất chính sách được phối hợp tốt xoay quanh ba trụ cột:

  1. Xây dựng một chương trình PPP/IPP để phát triển các nguồn phát điện mới, là một phần trong Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư
  2. Nâng cao vị thế tài chính và hệ số tín nhiệm của EVN và PVN để hai doanh nghiệp này có thể tiếp cận tài chính thương mại trong điều kiện không có hỗ trợ của chính phủ
  3. Nâng cao tính sẵn sàng của nguồn tài chính trong nước - nguồn tài chính quan trọng cho cả tài trợ dự án và tài trợ doanh nghiệp
Định Công