Mối quan hệ giữa vốn tài chính và sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp: Nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Trà Vinh

ThS. NGUYỄN VĂN VŨ AN (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích mối quan hệ giữa vốn tài chính và sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh Trà Vinh. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 78 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Kết quả ước lượng 3 mô hình hồi quy Binary Logistic cho thấy, vốn tài chính đã giải thích một phần sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay cả tính đến việc tự lựa chọn nguồn tài chính phát sinh từ sự thay đổi của nguồn vốn con người. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không đồng nhất giữa các loại vốn tài chính. Cả vốn nội bộ và vốn phi chính thức đều không liên quan đáng kể đến sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngược lại, nợ chính thức và vốn chủ sở hữu chính thức ảnh hưởng đáng kể đến sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù theo hướng ngược nhau: Nợ chính thức giúp tăng cơ hội tồn tại nhưng vốn chủ sở hữu chính thức làm giảm tuổi thọ của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ khóa: Vốn tài chính, vốn con người, doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng mô hình Binary Logistic, vốn chủ sở hữu chính thức.

1. Giới thiệu

Vốn tài chính là yếu tố đầu vào quan trọng đối với các doanh nghiệp, đây là nguồn vốn để hình thành nên hoạt động của doanh nghiệp (Lee & Zhang, 2010). Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp khi phải tốn khá nhiều chi phí trong quá trình thành lập doanh nghiệp cũng như thiết lập các mối quan hệ đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có nguồn doanh thu ổn định để tài trợ cho các hoạt động đó. Với tầm quan trọng của việc đảm bảo các nguồn tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp thành lập và theo đuổi các dự án kinh doanh, đương nhiên doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ kỳ vọng một mối tương quan thuận giữa vốn tài chính và hiệu quả kinh doanh chẳng hạn như sự tồn tại của doanh nghiệp, nhất là ở giai đoạn đầu.

Việc tìm ra ảnh hưởng đáng kể của vốn tài chính đối với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đồng nghĩa với sự tồn tại của hạn chế thanh khoản và sự không hoàn hảo trên thị trường vốn. Một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng vốn tài chính (ban đầu) là một yếu tố dự báo đáng kể về hiệu quả kinh doanh (ví dụ: Cooper et al. (1994), Holtz-Eakin et al. (1994), Kerr et al. (2010)). Tuy nhiên, Cressy (1996) nhận thấy rằng mối tương quan thuận giữa vốn tài chính và sự tồn tại của doanh nghiệp biến mất khi thêm các biến vốn con người vào trong mô hình thể hiện sự tồn tại của doanh nghiệp. Phát hiện này không chỉ phủ nhận sự tồn tại của hạn chế thanh khoản mà còn chỉ ra vốn con người là yếu tố quyết định “thực sự” đối với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Quan điểm này đã thúc đẩy nhiều nghiên cứu cố gắng khám phá ảnh hưởng của các đặc điểm của doanh nhân khởi nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp (Burke et al. (2001), Taylor (2001), Verheul & Thurik (2001), Colombo et al. (2004), Astebro & Bernhardt (2005)) và tìm xem liệu vốn tài chính có phải là biến nội sinh hay không, đặc biệt được thúc đẩy bởi vốn con người (Bruderl et al. (1992), Cooper et al. (1994), Astebro & Bernhardt (2003, 2005)). Phần lớn các nghiên cứu trước đây coi vốn tài chính là thuần nhất bằng cách chỉ xem xét một loại vốn hoặc bằng cách gộp tất cả các loại vốn vào một biến số. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng các loại vốn khác nhau có thể được thúc đẩy bởi các động cơ khác nhau của các doanh nhân (Astebro & Bernhardt (2003), de Betignies & Brander (2007)). Do đó, tác giả cố gắng trả lời hai câu hỏi như sau: Thứ nhất, tác động “thực sự” của vốn tài chính đối với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi tính đến tính đồng nhất về vốn đạt được là gì? Thứ hai, vai trò của tính không đồng nhất trong loại vốn tài chính (nợ và vốn chủ sở hữu để có sự khác biệt rõ ràng nhất) trong việc xác định mối quan hệ vốn tài chính và tồn tại của doanh nghiệp là gì?

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Số liệu sử dụng

Số liệu sử dụng trong bài viết là số liệu sơ cấp được thu thập từ một một cuộc điều tra bằng bảng câu hỏi. Cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 9/2020 với đối tượng phỏng vấn là 78 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong đó, tác giả đã phỏng vấn 46 doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn tồn tại đến thời điểm nghiên cứu sau 3 năm hoạt động (chiếm 58,97%) và 32 doanh nghiệp khởi nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể sau 3 năm hoạt động (chiếm 41,03%). Các doanh nghiệp khởi nghiệp được chọn theo phương pháp phi xác suất.

2.2. Phân tích số liệu

Chúng tôi phân loại vốn tài chính mà công ty có được tại thời điểm thành lập, dựa trên nguồn (nội bộ, không chính thức và chính thức) và loại vốn (nợ và vốn chủ sở hữu). Tất cả các biến vốn tài chính được xây dựng dưới dạng nhị phân, được mã hóa là "1" nếu công ty có được vốn tương ứng và "0" nếu không.

Bài viết sử dụng mô hình Binary Logistic để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tác giả sẽ làm điều đó một cách dần dần. Tác giả bắt đầu bằng mô hình với biến độc lập là các biến vốn tài chính (Mô hình 1). Sau đó, tác giả bổ sung thêm các biến vốn con người vào mô hình (Mô hình 2). Trong Mô hình 3, tác giả khám phá ảnh hưởng tiềm ẩn khác nhau của các loại vốn tài chính không đồng nhất bằng cách tách vốn chính thức thành nợ chính thức và vốn chủ sở hữu chính thức.

Các mô hình này có dạng như sau:

Yi = β0 + β1X1i + β2X2i + β3X3i + εi            (1)

Yi = β0 + β1X1i + β2X2i + β3X3i + … + β10X10i + εi                    (2)

Yi = β0 + β1X1i + β2X2i + β3.1X3.1i + β3.2X3.2i + … + β10X10i + εi          (3)

Trong đó:

- Y là sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp, được đo lường bằng hai giá trị 1 và 0 (1 là doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn tồn tại đến thời điểm nghiên cứu sau 3 năm hoạt động và 0 là doanh nghiệp khởi nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể sau 3 năm hoạt động).

- Các biến X là các biến độc lập (biến giải thích). Các biến này được định nghĩa và diễn giải chi tiết ở Bảng 1.

Bảng 1. Ý nghĩa của các biến độc lập trong mô hình Binary logistic

Ý nghĩa của các biến độc lập trong mô hình Binary logistic

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả ước lượng mô hình 1 ở Bảng 2 cho thấy, trong số các biến vốn tài chính, chỉ có vốn chính thức là có ý nghĩa thống kê ở mức a = 5%, cụ thể khi doanh nghiệp khởi nghiệp có vốn chính thức dạng nợ hoặc chủ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại cao hơn 28,6% so với doanh nghiệp không có vốn chính thức.

Trong mô hình 2, khi các biến vốn con người được thêm vào, vốn chính thức không còn có ý nghĩa thống kê trong khi vốn nội bộ và vốn phi chính thức vẫn không thay đổi. Ngược lại, phần lớn các biến số vốn con người bao gồm tuổi của doanh nhân khởi nghiệp, số năm đi làm, số giờ làm việc, trình độ chuyên môn cho thấy những ảnh hưởng cùng chiều với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Kết quả này phù hợp với Cressy’s (1996) phát hiện ra rằng, ảnh hưởng của vốn tài chính sẽ biến mất khi một tập hợp đầy đủ các biến vốn con người được đưa vào mô hình để ước lượng.

Tuy nhiên, trong mô hình 3, tác giả đã tách vốn chính thức thành nợ và vốn chủ sở hữu, yếu tố nợ có ảnh hưởng cùng chiều với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp trong khi yếu tố vốn chủ sở hữu ảnh hưởng ngược chiều với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghĩa là, ngay cả sau khi chúng ta kiểm soát ảnh hưởng của vốn con người, việc nhận nợ chính thức làm tăng cơ hội tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp trong khi tài trợ bằng vốn chủ sở hữu chính thức làm giảm khả năng tồn tại này.

4. Thảo luận và kết luận

Bảng 2. Kết quả ước lượng các mô hình Binary Logistic

Kết quả ước lượng các mô hình Binary Logistic

Ghi chú: *, **, *** lần lượt có ý nghĩa thống kê ở mức a là 10%, 5% và 1%.

Nguồn: Số liệu khảo sát, 2020

Kết quả ước lượng cho thấy doanh nhân khởi nghiệp có bị ràng buộc về thanh khoản. Các đặc điểm về vốn con người ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và loại vốn tài chính mà các doanh nhân có thể đạt được và sử dụng để hiện thực hóa ý tưởng của họ. Tuy nhiên, nguồn vốn con người không phải ảnh hưởng toàn bộ đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Vốn tài chính đã giải thích một phần sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay cả tính đến việc tự lựa chọn nguồn tài chính phát sinh từ sự thay đổi của nguồn vốn con người. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không đồng nhất giữa các loại vốn tài chính. Cả vốn nội bộ và vốn phi chính thức đều không liên quan đáng kể đến sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngược lại, nợ chính thức và vốn chủ sở hữu chính thức ảnh hưởng đáng kể đến sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù theo hướng ngược nhau: Nợ chính thức giúp tăng cơ hội tồn tại nhưng vốn chủ sở hữu chính thức làm giảm tuổi thọ của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại sao có sự ảnh hưởng khác nhau giữa nợ chính thức và vốn chủ sở hữu chính thức? Sự tương phản bắt nguồn từ sự khác biệt về mức độ ưa thích rủi ro giữa các nhà cung cấp vốn tài chính, đặc biệt là giữa người cho vay và nhà đầu tư. Về cơ bản, quan điểm của người cho vay và nhà đầu tư là hoàn toàn khác nhau. Người cho vay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp theo đuổi các dự án an toàn hơn để dễ dàng thu hồi tiền gốc và lãi. Trong khi đó, các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những dự án khả thi, có khả năng sinh lời cao, đồng nghĩa rủi ro cũng cao, thậm chí là không tồn tại. Người cho vay cũng thực hiện giám sát thường xuyên và chặt chẽ hành vi của người đi vay để đảm bảo rằng, người đi vay sử dụng vốn đúng mục đích như cam kết vay vốn ban đầu. Hệ số dương đối với nợ chính thức cho thấy ảnh hưởng thực sự của việc giám sát người cho vay đối với sự tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Qua phân tích, nghiên cứu thấy rằng, các doanh nhân khởi nghiệp nên cân nhắc lựa chọn vay vốn hay kêu gọi đầu tư. Khi tìm kiếm các khoản đầu tư cổ phần từ bên ngoài, các doanh nhân nên hiểu rằng các nhà đầu tư có cách tiếp cận rất khác trong việc đánh giá các dự án để cấp vốn, họ có cái nhìn rất khác về dự án, chưa kể việc thâu tóm quyền sở hữu doanh nghiệp. Do đó, các doanh nhân cần nhận thức được sự đánh đổi trong việc tìm kiếm các nguồn vốn tài chính bên ngoài dưới các hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, tài trợ bằng nợ cũng có những nhược điểm tiềm ẩn vì những người cho vay có xu hướng thích các dự án có rủi ro tương đối thấp và khả năng thu hồi vốn nhanh để thanh toán gốc lãi, các doanh nhân khởi nghiệp thì thường đặt cược vào các dự án rủi ro hơn ở tầm nhìn dài hạn hơn và sự đánh đổi giữa thanh khoản ngắn hạn và lợi nhuận dài hạn rất khó để quyết định đối với những người khởi nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Astebro, T. and Bernhardt, I. (2003). Startup financing, owner characteristics, and survival. Journal of Economics and Business, 55, 303-319.
  2. Astebro, T. and Bernhardt, I. (2005). The winner’s curse of human capital. Small Business Economics, 24, 63-78.
  3. Bruderl, J., Preisendorfer, P. and Ziegler, R. (1992). Survival chances of newly founded business organizations. American Sociological Review, 57, 227-242.
  4. Burke, A. E., FitzRoy, F. R. and Nolan, M. A. (2001). When less is more: Distinguishing between entrepreneurial choice and performance. Oxford Bulletin of Economics and Statistics, 62 (5), 565-587.
  5. Colombo, M. G., Delmastro, M., and Grilli, L. (2004). Entrepreneurs’ human capital and the start-up size of new technology-based firm. International Journal of Industrial Organization, 22(8-9), 1183-1211.
  6. Cooper, A.C., Gimeno-Gascon, F.J., and Woo, C.Y. (1994). Initial human and financial capital as predictors of new venture performance. Journal of Business Venturing, 9, 371-395.
  7. Cressy, R. (1996). Are business startups debt-rationed? The Economic Journal, 106, 1253-1270.
  8. De Betignies J-E and Brander, J.A. (2007). Financing entrepreneurship: Bank finance versus venture capital. Journal of Business Venturing, 22, 808-832.
  9. Holtz-Eakin, D., Joulfaian, D. and Rosen, H.S. (1994). Sticking it out: Entrepreneurial survival and liquidity constraints. Journal of Political Economy, 102(1), 53-75.
  10. Kerr, W.R., Lerner, J. and Schoar, A. (2010). The consequence of entrepreneurial finance: A regression discontinuity analysis. Working Paper. USA: Harvard University and MIT.
  11. Lee, J., Zhang, W. (2020). Financial capital and startup survival. USA: College of Management, Georgia Institute of Technology.
  12. Taylor, M. P. (2001). Survival of the fittest? An analysis of self-employment duration in Britain. Economic Journal, 109(454), 140-155.
  13. Verheul, I. and Thurik, R. (2001). Does gender matter? Small Business Economics, 16(4), 329-346.

THE RELATIONSHIP BETWEEN FINANCIAL

CAPITAL AND THE EXISTENCE OF STARTUPS:

AN EXPERIMENTAL STUDY IN TRA VINH PROVINCE 

• Master. NGUYEN VAN VU AN

Tra Vinh University

ABSTRACT:

This study analyzes the relationship between financial capital and the existence of startups in Tra Vinh Province based on data sets which were collected from 78 provincial startups. The three Binary Logistic regression models’s estimating results show that the financial capital partly plays a role in the existence of a startup even when the startup chooses diffrent financial sources due to the change in the startup’s owners. However, this issue is not the same across different financial sources. Neither internal nor informal capital is significantly related to the startup's existence. In contrast, official debt and official equity significantly affect the survival of a startup. The study reveals that offical debt increases the chances of the statup’s survival but offical equity has negatively impacts on the starup’s existence.

Keywords: Financial capital, human capital, start-ups, Binary Logistic application, official equity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]