TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến vấn đề môi trường và việc bảo vệ môi trường trong giai đoạn kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới, mối quan hệ giữa môi trường và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc làm rõ mối quan hệ này sẽ giúp các nhà quản lý doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn việc bảo vệ môi trường có ảnh hưởng lớn đến lợi ích và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Từ khóa: môi trường, bảo vệ môi trường, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải năng động và phát triển đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày một gia tăng; cần xây dựng nhận thức đúng về sự phát triển bền vững; phát triển kinh tế có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa với xã hội, với môi trường; phát triển trên cơ sở kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế hiện tại nhưng không được gây hậu quả nguy hại cho tương lai. Doanh nghiệp cần phải cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, vận dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ quản lý hiện tại, tôn trọng và tuân thủ các quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

2. Môi trường và bảo vệ môi trường

Theo điều 3 Chương 1 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày17/11/2020:“Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”.

Trong nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức trong nước và thế giới về vấn đề môi trường đều có chung kết luận: môi trường là một phần không thể tách rời trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người. Các hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, con người đều có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến môi trường.

Theo chức năng, môi trường được phân thành môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường nhân tạo; theo quy mô, môi trường được phân thành môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường quốc gia, môi trường vùng, môi trường địa phương. Ngoài ra, tùy theo khía cạnh, lĩnh vực hoạt động của cuộc sống, có các loại môi trường tương ứng như: môi trường du lịch, môi trường giáo dục, môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh,...

Môi trường kinh doanh - là tập hợp các yếu tố liên quan chặt chẽ với hoạt động của doanh nghiệp, các yếu tố này có ảnh hưởng đến kết quả, hiệu suất và tăng trưởng của doanh nghiệp: là giới hạn không gian mà ở đó doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Môi trường kinh doanh có thể tác động tích cực nhưng cũng có thể tác động tiêu cực, ảnh đến quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng có tác động đến môi trường kinh doanh, doanh nghiệp với những hoạt động phù hợp sẽ tác động, phát triển và mở rộng môi trường kinh doanh, nhưng với những hoạt động không phù hợp sẽ tác động tiêu cực hoặc hủy hoại môi trường kinh doanh, gây ô nhiễm, phát sinh tệ nạn, thất nghiệp,…

Môi trường kinh doanh chịu tác động bởi nhiều yếu tố và được quy thành 2 nhóm:

- Nhóm yếu tố bên ngoài, gồm: yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế vĩ mô, yếu tố xã hội, yếu tố công nghệ,…

- Nhóm yếu tố bên trong, gồm: yếu tố văn hóa doanh nghiệp, yếu tố tổ chức,bộ máy, yếu tố cấu trúc quản lý,…

Môi trường rất có ý nghĩa, gắn kết với cuộc sống con người,doanh nghiệp. Chính vì thế, bảo vệ môi trường là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, không một ai có quyền lơ là, bỏ quên môi trường. Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người về bảo vệ môi trường đã được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể.

“Bảo vệ môi trường là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, và các cá nhân” [1].

“Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trọng tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn liền với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.” [1].

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống trong hiện tại và tương lai. Mặc dù nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường đã được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể nhưng hiện nay chưa được nhiều người quan tâm, chưa nhận thức được đầy đủ sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của xã hội; chưa nhận thức được đầy đủ ảnh hưởng của môi trường đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; chưa có ý thức ngăn chặn tác hại của hoạt động sản xuất - kinh doanh đến môi trường và tận dụng, khai thác thế mạnh của khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới ngày một phát triển để tạo ra môi trường phù hợp, xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe con người, thiên nhiênvà hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển bền vững.

Để bảo vệ môi trường thực sự là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người, mọi doanh nghiệp, trước hết mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải tự nâng cao nhận thức của mình về môi trường, bảo vệ môi trường trong xu thế phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường luôn gắn liền với chi phí môi trường

Chi phí môi trường - Theo Ủy ban Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDSD, 2001): “Chi phí môi trường có thể hiểu là các chi phí gắn với thiệt hại môi trường và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Chi phí này bao gồm các chi phí để ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiểm soát, thay đổi hành động và khắc phục những thiệt hại có thể xảy ra ở công ty và ảnh hưởng tới Phính phủ và mọi người.” [2]

Chi phí môi trường là một trong những loại chi phí mà doanh nghiệp phải chấp nhận, phải chi trả khi thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi phí này có thể được vốn hóa hoặc tính vào chi phí thời kỳ.

Nhận diện rõ chi phí môi trường phát sinh từ đâu sẽ giúp cho việc xác định chi phí sản phẩm và định giá sản phẩm chính xác. Tạo cơ hội kiểm soát và giảm thiểu chi phí môi trường mà doanh nghiệp có thể giảm trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Chi phí môi trường của doanh nghiệp được chia thành 2 nhóm cơ bản:

- Chi phí bên ngoài doanh nghiệp: là những chi phí phát sinh từ những tác động của hoạt động sản xuất - kinh doanh làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, từ đó chia đều những thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, chủ thể khác; Là những chi phí do tác động tiêu cực của doanh nghiệp đến môi trường nhưng doanh nghiệp chưa phải chịu trách nhiệm pháp lý, nhà quản lý doanh nghiệp rất ít khi quan tâm đến chi phí này và đây cũng là những loại chi phí khó có xác định cụ thể, chính xác.

- Chi phí bên trong doanh nghiệp: là những chi phí phát sinh để ngăn ngừa thiệt hại về môi trường do doanh nghiệp gây ra trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện theo luật định.

Bên cạnh chi phí môi trường được trình bày ở trên, doanh nghiệp cần quan tâm đến quỹ dự phòng cho chi phí môi trường trong tương lai, đây là khoản chi phí dự phòng môi trường trích trước hoặc khoản nợ phải trả về môi trường. Khoản dự phòng này sẽ được sử dụng cho các khoản chi cần thiết sau này mà doanh nghiệp được xác định là phải chi theo quy định của luật pháp, hoặc liên đới chịu trách nhiệm do kết quả của các sự kiện trong quá khứ tác động đến môi trường.

Xã hội ngày càng phát triển, hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển sẽ có nhiều tác động đến môi trường, khiến môi trường bị ảnh hưởng với mức độ ô nhiễm ngày một gia tăng.

Giải quyết vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là việc làm khá phức tạp nhưng rất bức thiết, không chỉ của các nhà quản lý doanh nghiệp mà của cả xã hội.

Để hiểu biết về môi trường, bảo vệ môi trường, xử lý, hạn chế tác hại của sản xuất - kinh doanh đến môi trường, đòi hỏi nhà quản lý doanh nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu về môi trường, có kỹ năng, có kinh nghiệm, phương tiện để xử lý vấn đề. Bên cạnh đó, nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần có mối quan hệ tốt với nhiều đối tượng khác nhau. Đây là vấn đề khó đối với nhà quản lý doanh nghiệp nói chung và nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Chính vì thế, cần thiết phải có hoạt động dịch vụ môi trường để hỗ trợ, tư vấn và giúp doanh nghiệp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường. Trong thực tế, tùy theo mức độ, điều kiện, tình huống, doanh nghiệp có thể tự xử lý, giải quyết hoặc thông qua dịch vụ môi trường để được hỗ trợ.

3. Môi trường và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Môi trường và doanh nghiệp có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau, được biểu hiện qua nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng, rõ nét nhất đó là chi phí môi trường. Chi phí môi trường là những gì doanh nghiệp bỏ ra để đáp ứng yêu cầu của môi trường, bảo vệ môi trường và khoản mất đi của kết quả kinh doanh hiện tại, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Ngược lại, sự tác động của môi trường vào quá trình sản xuất - kinh doanh, sự thân thiện, thuận lợi của môi trường đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể gia tăng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, cải thiện kết quả hoạt động của doanh nghiệp ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

“Hiệu quả hoạt động môi trường là một trong những thước đo quan trọng về sự thành công của doanh nghiệp” [3].

Khi nhà quản lý doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động môi trường, đến chi phí môi trường, chuyển đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp hơn với môi trường, đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, sạch, chắc chắn sẽ thu nhận được sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, số lượng sản phẩm bán ra sẽ cao hơn, qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa môi trường và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thường được thực hiện dựa trên hệ thống lý thuyết nền có liên quan, trong đó có lý thuyết phân tích lợi ích - chi phí và lý thuyết nhận diện chi phí.

3.1. Phân tích lợi ích - chi phí (Cost-Benefit Analysis - CBA)

Là mô hình lý thuyết phục vụ cho việc đánh giá các dự án, đầu tư trong tất cả các khu vực, tư nhân và Nhà nước, Chính phủ,doanh nghiệp. Lợi ích được xem xét ở đây là mọi lợi ích gia tăng có liên quan đến chi phí cơ hội của dự án cần phân tích. Lợi ích có thể được lượng hóa và biểu hiện bằng tiền, nhưng cũng có thểkhông lượng hóa được bằng tiền. Ví dụ như ảnh hưởng của môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, biến đổi khí hậu,... Đồng thời, với những sản lượng của dự án không có thị trường để xác định giá, vẫn có thể xác định giá được qua thị trường giả định, thiết lập mô hình “thị trường đại diện” để ước tính.

Khái niệm CBA xuất phát từ một bài báo của Jules Dupuit năm 1848 và được chính thức hóa trong các tác phẩm sau này của Alfred Marshall. Quá trình phát triển thực tế của CBA là kết quả từ lực đẩy của Luật Hàng hải liên bang (Federal Navigatin Act) năm 1936.

Ngày nay, CBA được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý sử dụng như một công cụ để xác định, so sánh, phân tích mối quan hệ lợi ích - chi phí của một chương trình, dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3.2. Nhận diện chi phí

Chi phí được nhận diện dưới nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, với nhiều quan điểm khác nhau.

- Theo kế toán tài chính: chi phí là tổng giá trị của các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kỳ kế toán, là những khoản phí tồn đã phát sinh được biểu hiện bằng tiền và được tính cho một thời kỳ nhất định.

- Theo kế toán quản trị: chi phí ngoài việc được nhận diện như kế toán tài chính, còn có những khoản được nhìn nhận theo khía cạnh thông tin thích hợp để phục vụ cho công tác quản trị doanh nghiệp, phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý.

Trong quản lý, chi phí còn được nhận diện dưới nhiều mục đích khác nhau:

- Chi phí lặn: là khoản chi phí bỏ ra trong quá khứ và sẽ biểu hiện ở tất cả các phương án với giá trị như nhau. Hiểu một cách khác, chi phí lặn được xem như khoản chi phí không thể tránh được cho dù người quản lý quyết định lựa chọn thực hiện theo phương án nào đi chăng nữa. Đây là một loại chi phí không thích hợp cho việc xem xét và ra quyết định của nhà quản lý.

- Chi phí chênh lệch (chi phí khác biệt): là phần giá trị khác nhau của các loại chi phí của một phương án so với một phương án khác. Chi phí chênh lệch có thể là chi phí phát sinh ở phương án này nhưng không có ở phương án khác hoặc là phần chênh lệch về giá trị của cùng một loại chi phí ở các phương án khác nhau. Đây là dạng thông tin thích hợp cho việc ra quyết định của nhà quản lý.

- Chi phí cơ hội: là những lợi ích tiềm năng mà nhà quản lý sẽ phải bỏ đi khi lựa chọn phương án này thay cho phương án khác.

Nhìn chung, chi phí là chỉ tiêu đo lường mức tiêu hao các nguồn lực đã hoặc sẽ được sử dụng, được biểu hiện bằng tiền. Chi phí có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, có tính lịch sử và tính mục đích. Do đó, nhà quản lý doanh nghiệp cần hiểu bản chất của từng loại chi phí, nhận diện chi phí để có thể kiểm soát chi phí và sử dụng chi phí như một công cụ phục vụ mục tiêu của mình.

Nhận diện chi phí và phân tích lợi ích - chi phí, xác định mối quan hệ giữa lợi ích đạt được của doanh nghiệp với chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh có tích cực không, có phù hợp,thỏa mãn yêu cầu của xu thế phát triển bền vững không.

Hiệu quả mang lại của hoạt động kinh doanh theo xu thế phát triển bền vững phải được nhìn nhận qua 3 yếu tố, gồm: Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp; Phục vụ cộng đồng; Bảo vệ môi trường.

Vận dụnglý thuyết phân tích lợi ích - chi phí và nhận diện chi phí để xác định mối quan hệ hệ giữa môi trường và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xác định sự cân đối, phù hợp và tích cực của chi phí môi trường bỏ ra và lợi ích thu được của doanh nghiệp. Biết được mức độ ảnh hưởng của chi phí đầu tư cho môi trường với lợi ích cho việc bảo vệ, cải thiện môi trường mang lại như thế nào, tạo cơ sở để nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra những quyết định chính xác, hữu hiệu.

Bên cạnh đó, phân tích lợi ích - chi phí sẽ xác định được các khoản chi phí môi trường không chính đáng, không cần thiết, không có quan hệ gì với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phân bổ chưa chính xác. Đồng thời cũng thấy được sự chuẩn bị nguồn lực để có thể ứng phó linh hoạt yêu cầu của môi trường thông qua quỹ dự phòng chi phí môi trường.

4. Kết luận

Nhà quản lý doanh nghiệp cần tăng cường nhận diện chi phí môi trường, phân tích cụ thể lợi ích mang lại từ hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường với chi phí môi trường mà doanh nghiệp bỏ ra và tác động của nó đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mối quan hệ giữa môi trường và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ, cải thiện môi trường ngày càng tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội. (2020). Luật số 72/2020/QH14: Luật Bảo vệ môi trường.
  2. UNDSD. (2001). Environmental management accounting procedures and principal - united nation division for substainable development. [Online] Avalabile at https://www.un.org/esa/sustdev/publications/procedures and principles.pdf.
  3. USEPA. (1995). US environmental protection agency as a business management tool. [Online] Avalabile at https://www.epa.gov/sites/default/files/2014-01/documents/busmgt.pdf
  4. Nguyễn Thị Hằng Nga. (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam - Nghiên cứu cho các tỉnh thành, khu vực phía Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Thành Tài. (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán môi trường và tác động của nó đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành dệt may tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  6. Phạm Châu Thành. (2010). Giáo trình phân tích hoạt động kinh doanh. Hà Nội: NXB Thanh niên.
  7. Website: Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia.

THE RELATIONSHIP BETWEEN ENVIRONMENTAL

PROTECTION AND BUSINESS PERFORMANCE

OF ENTERPRISES

• People's Teacher, Ph.D PHAM CHAU THANH

 Gia Dinh University 

• Master. PHAM MINH TUNG

Ph.D’s Student  Tra Vinh University 

ABSTRACT:

This paper presents the issue of environmental protection when Vietnams economy has integrated more deeply and widely into the global economy. This paper also presents the relationship between environment and business performance of enterprises. This paper is expected to help business managers better understand that the environmental protection has great impacts on business performance of their enterprises.

Keywords: environment, environmental protection, business performance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]