Morgan Stanley: Lạm phát tại châu Á có thể đạt đỉnh trong quý 3/2022

Tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) vừa nhận định việc các ngân hàng trung ương tại châu Á siết chặt chính sách tiền tệ có thể là hành động mạnh hơn mức cần thiết do lạm phát tại châu Á có thể đã đạt đỉnh trong quý 3 năm nay.

Theo Morgan Stanley, giá cả hàng hoá tại khu vực châu Á có thể sẽ tăng thấp hơn mức dự báo trước đây tình trạng mất cân bằng cung – cầu đang dần được cải thiện, giá lương thực trên toàn cầu cũng đang giảm xuống và áp lực tăng tiền lương có thể sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, Morgan Stanley cảnh báo áp lực lạm phát tại Australia, Hàn Quốc và Singapore có thể sẽ kéo dài hơn; trong khi đó, áp lực lạm phát tại Trung Quốc vẫn sẽ ở ngưỡng tương đối thấp.

Morgan Stanley cho biết “Chúng tôi ngày càng cho rằng lạm phát (tại châu Á) sẽ đạt đỉnh trong quý 3 này và lạm phát có thể sẽ bất ngờ giảm xuống trong những tháng tới đây”.

Diễn biến chỉ số MSCI
 Diễn biến chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index từ tháng 7/2019 đến nay (Nguồn: investing.com)

Nhận định của tập đoàn tài chính này có thể giúp giảm bớt phần nào áp lực đối với giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương tại châu Á sẽ theo sát động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). FED đã và đang mạnh tay nâng lãi suất ở mức nhanh nhất trong gần 30 năm trở lại đây khi lạm phát tại Hoa Kỳ chạm mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.

Chỉ số cổ phiếu MSCI AC Asia Pacific Index hiện đang tiệm cận mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ và Malaysia nâng lãi suất. Chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index đo lường mức độ biến động giá cổ phiếu tại một số nền kinh tế phát triển và nền kinh tế đang nổi lên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các phân tích của Morgan Stanley hiện cũng trùng khớp với các kỳ vọng rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc kỹ hơn về việc siết chặt chính sách tiền tệ. Nhiều nhà phân tích và các tổ chức kinh tế đã liên tục cảnh báo việc các ngân hàng trung ương chạy đua nâng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh cứng”.

Chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index
 Diễn biến chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index từ đầu năm đến nay (Nguồn: investing.com)

Một số dấu hiệu gần đây có thể cho thấy áp lực lạm phát trên toàn cầu đang dần hạ nhiệt. Giá của hầu hết các loại hàng hoá, nguyên liệu thô từ dầu ăn đến các loại ngũ cốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index đang tiệm cận mức thấp nhất kể từ hồi tháng 2/2022, chỉ số này đo lường diễn biến giá của 23 loại hàng hoá, nguyên liệu thô quan trọng được giao dịch trên toàn cầu như kim loại đồng, ngô, dầu thô, khí đốt…

“Với những rủi ro về tăng trưởng kinh tế đang ngày càng hiện hữu hơn và có lẽ rủi ro này sẽ được ưu tiên kiểm soát hơn một số rủi ro về lạm phát, chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương tại châu Á có thể sẽ không cần mạnh tay hơn trong việc siết chặt chính sách tiền tệ như những gì được thị trường nhận định trước đây”, tập đoàn Morgan Stanley nhận định.

Trong một diễn biến khác, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu kể từ khi IMF cập nhật dự báo hồi tháng 4 đã “xấu đi rất nhiều” khi tình trạng lạm phát leo thang lan rộng ra nhiều quốc gia, các ngân hàng trung ương mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì các biện pháp phong toả kéo dài, và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn nhắm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Bà Kristalina Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ ba trong năm nay. Bản dự báo mới về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 dự kiến sẽ được IMF công bố vào cuối tháng 7.

Khi được hỏi về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, bà Kristalina Georgieva cho biết “rủi ro đã tăng lên nên chúng tôi (IMF) không thể loại trừ khả năng này sẽ xảy ra”. Đồng thời, Giám đốc IMF nhấn mạnh “rủi ro suy thoái trong năm 2023 đã tăng lên” và nhận định năm 2023 có thể là một năm khó khăn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tường Vy